Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chương 20: Sự Trưởng Thành Của Các Xứ Truyền Giáo_phần 1


Chương 20: SỰ TRƯỞNG THÀNH CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO
(Thế kỷ XIX-XX)

I. VIỆC TRUYỀN GIÁO THẾ KỶ XIX

1,1. Vận hội mới

Bước vào thời Trùng Hưng (từ 1815), người Anh chấm dứt quyền bá chủ đại dương, nhưng họ tiếp tục cạnh tranh với người Pháp về thương mại, thuộc địa cũng như việc truyền giáo. Thành công của các nhóm Tin Lành Anh đầu thế kỷ XIX, cũng góp phần thúc đẩy các thừa sai Công giáo. Việc thuyền bè chạy bằng hơi nước và việc đào kênh Suez (1869) đã rút ngắn hành trình đi truyền giáo. Khát vọng trùng hưng tôn giáo với sự hỗ trợ của nền văn học trữ tình, đã thắp lên nơi người tín hữu ngọn lửa truyền giáo hăng say : khởi đầu là cuốn "Tinh hoa Kitô giáo" của Chateaubriand (1802), đến việc tái bản "Những bức thư xây dựng và lý thú"; đến "Annales" của hội Truyền bá Đức Tin (từ 1823, phát hành 178.000 bản năm 1846) và báo "Mission Catholiques" (từ 1868). Tính đến 1919 có khoảng 380 tạp chí góp phần cổ võ sứ vụ cao cả này.

Nói chung các thừa sai ra đi để lo "phần rỗi cho các dân còn ngồi trong bóng tối sự chết". Họ hăng hái đến với "man dân" bằng cảm hứng của các Tông đồ thời Giáo hội sơ khai ; Có người mong lập những miền Kitô mới, không bị tục hóa như Âu Châu. Vì nghĩ rằng Âu Châu là trung tâm văn minh, nhiều người ra đi với tâm trạng đến khai hóa cho dân bản xứ, thương xót "con cháu họ Cam" bị bán làm nô lệ, họ nỗ lực để khai hóa, văn minh hóa, nhân bản hóa bằng trường học và các viện cứu tế ... Đến khi có bách hại một số thừa sai ra đi để "tử đạo" nữa !

Ngoài ra, thế kỷ XIX cũng là giai đoạn bành trướng thuộc địa của các nước Âu Châu. Ngày nay ta không sợ "xì-căng-đan" khi thấy nhiều nhà truyền giáo vừa phục vụ tôn giáo vừa phục vụ tổ quốc mình. Đó là điều đáng tiếc nhưng cũng khó mà tránh khỏi giữa lúc phong trào quốc gia cực đoan ở Âu Châu đang lên, lúc mà chính nước Tòa Thánh cũng đang bị xâm chiếm. Dầu sao Thánh Bộ Truyền Giáo cũng khá độc lập trong việc đặt giám mục và phân phối thừa sai (như ở Việt nam các thừa sai Tây Ban Nha vẫn tiếp tục phụ trách địa phận Đông đàng ngoài). Một mình đức Gregorio XVI (1831-46) thành lập thêm 70 giáo phận mới. Trong không ít trường hợp, các thừa sai mạnh dạn tố cáo những lạm dụng của thực dân.

1,2. Nhân sự, phương pháp

Nét đặc biệt của việc truyền giáo từ thế kỷ này là sự tham gia của đông đảo quần chúng. Để tài trợ cho các thừa sai, chị Pauline Jaricot cổ động phong trào "mỗi tuần một xu cho truyền giáo", tổ chức ân nhân thành từng nhóm 10, 100, 1000. Đó là nguồn gốc hội Truyền Bá Đức Tin ở Lyon(1822) sau được dời trụ sở về Roma (1922). Nếu năm 1822 hội mới chỉ thu được gần 23.000 francs thì 1846 hội thu được hơn 3,5 triệu từ 475 địa phận. Năm 1843, đức cha Forbin Janson lập hội Thánh Nhi (Sainte Enfance) nhằm giúp các trẻ em xứ truyền giáo. Sau này hai mẹ con bà Bigard cổ võ hội từ thiện giúp lập chủng viện (1893) được đức Pio XI dời trụ sở về Roma, hội mang tên hội "Thánh Phêrô".

Nhân sự truyền giáo thời này cũng rất hùng hậu. Không kể những đoàn truyền giáo cũ như thừa sai Paris, Lagiarist, dòng Chúa Thánh Thần ; không kể những dòng lớn như Dòng Tên, Phanxicô, Đa Minh ..., nhiều hội dòng bắt đầu tham gia việc truyền giáo. Điểm mới mẻ của thế kỷ này là có thêm những Dòng chuyên việc truyền giáo : 53 dòng nam, 200 dòng nữ. Phái nữ cũng không chịu thua phái nam trong sứ vụ. Họ thường chuyên trách việc giáo dục, bác ái và từ thiện. Những dòng đến Việt Nam, ta thấy có dòng Thánh Thể do thánh Phêrô Eymard (1856), Dòng Đức Bà truyền giáo do Mẹ Maria Thánh Tâm (1861), Dòng Phaolô Thiện Bản (1873), Dòng nữ Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ do Mẹ Maria de la Passion (1877).

Về phương pháp : đa số các thừa sai xuất thân từ những vùng nông thôn (Pháp, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan) ... nên các vị thích nghi với quần chúng địa phương khá dễ dàng. Thường các vị nhấn mạnh những lễ nghi trang trọng gây ấn tượng. Các thừa sai nỗ lực nghiên cứu ngôn ngữ địa phương. Các ngài dùng trường họclàm phương tiện đặc biệt để phổ biến văn minh Âu Châu và đức tin, kèm theo những nỗ lực phục vụ nhân đạodành cho mọi người. Nhờ nguồn tài trợ vật chất và y tế từ Âu Châu, các vị tổ chức những công cuộc từ thiện. Cuối thế kỷ, ta thấy một hình thức hiện diện mới của cha Charles de Foucauld (+1916) sống ẩn dật tại sa mạc Sahara, ngài rao giảng bằng chứng từ đời sống và chia sẻ với tha nhân đến mẩu bánh cuối cùng, đặt nền tinh thần cho các tu hội Tiểu Đệ và Tiểu Muội.

Hiệp thông với những ưu tư của các thừa sai ở Châu Phi, đức Gregorio XVI kết án việc buôn nô lệ năm 1839. Năm 1845, ngài đưa ra những mệnh lệnh rất cụ thể về việc thiết lập Giáo hội địa phương : "Phải hủy bỏ tập tục chỉ chấp nhận một hàng giáo sĩ bản xứ phụ thuộc. Những người làm việc cho Tin Mừng, dù thuộc xứ nào, đều bình đẳng. Mong các nhà truyền giáo đừng pha mình vào việc chính trị và phàm trần". Yêu cầu lập hàng giáo sĩ bản xứ của ngài được Công Đồng Vatican I tái khẳng định, thế nhưng lại chưa được tuân thủ. Người Âu Châu vốn tự hào mình trồi vượt về kinh tế lẫn trí thức nên phải sang thế kỷ sau mới có các giám mục địa phương.

1,3. Đến các Giáo hội trưởng thành

Để tách khỏi ảnh hưởng các cường quốc, Tòa Thánh thiết lập nhiều Tòa Khâm sứ với những đại diện trực tiếp của giáo hoàng, phụ trách vấn đề tôn giáo. Khởi đầu tại Ấn Độ (1884), rồi đến Hoa kỳ, Canada (1898), Trung Hoa (1922), Đông Dương (1925)... Đức Pio IX và đức Lêô XIII hỗ trợ tích cực các chủng viện địa phương. Thế nhưng, phải sau thế chiến thứ nhất Tòa Thánh mới thành công trong việc đặt giám mục bản quốc.

Sau thế chiến, nhiều hội dòng mất phương tiện hoạt động, nhiều thừa sai trẻ đã chết trong quân ngũ, các nguồn tài trợ suy giảm, sự chia rẽ giữa các nước Âu Châu đã tHồi lên lòng ái quốc đấu tranh cho độc lập của những nước thuộc địa. Đức Benedicto XV trong thông điệp Maximum Illud (1919) đã thẳng thắn phê phán các thừa sai "đã quên chức năng của mình, lo cho lợi ích quốc gia mình hơn là Nước Trời... Thái độ đó giống như bệnh dịch trong việc Tông đồ". Ngài kêu gọi lương tâm trách nhiệm các thừa sai phải giới thiệu những giám mục "bản xứ".

Đức Pio XI cương quyết hơn, ngài củng cố vai trò Bộ truyền giáo, tổ chức triển lãm các thành quả truyền giáo (1925), thiết lập ngày Khánh Nhật truyền giáo (chúa nhật thứ ba tháng 10) và đặt thánh Têrêxa Hài Đồng làm bỗn mạng các xứ truyền giáo. Thông điệp Rerum Ecclesiae 1926 nói rõ lập trường của Ngài : phải có hàng giáo sĩ địa phương để tự đảm trách Giáo hội mình. Ấn Độ có giám mục tiên khởi 1923. Ba năm sau, đức Pio XI đích thân tấn phong sáu giám mục Trung Hoa. Nhật Bản có giám mục tiên khởi 1927, Việt Nam 1933. Năm 1939, đức Pio XII tấn phong hai giám mục da đen người Ouganđa và Malgache. Thời điểm này, 48 địa phận đã được trao cho các giám mục bản quốc.

Vấn đề hội nhập văn hóa cũng được nhắc nhở nhiều nhưng vẫn chỉ mới có những bước dò dẫm tìm tòi. Nhà thờ Phát Diệm (1891) với kiến trúc Á Đông là trường hợp họa hiếm. Hầu hết ảnh tượng, kiến trúc ở xứ truyền giáo nặng ảnh hưởng Tây phương. Việc giữ lễ nghi dân tộc Nhật được cho phép năm 1936, Trung Hoa năm 1939, Ấn Độ 1940 đã giúp Tin Mừng đến với dân Á châu dễ dàng hơn.

II. GIÁO HỘI TRÊN CÁC ĐẠI LỤC

2,1. Châu Đại Dương

Những cuộc thám hiểm của Cook đã mở đường cho các nhà truyền giáo Tin Lành (1779). Người Công giáo đến Châu Đại Dương từ 1827 : các cha dòng Thánh Tâm (Picpus) phụ trách các đảo phía Đông, các cha dòng Marist ở phía Tây. Có một số xung đột với anh em Tin Lành như vụ Pritchard tại Tahiti 1830. Cha Damien dòng Picpus, đã hiến trọn đời phục vụ những người bệnh phong ở Molokai, Hawai và chết vì lây bệnh (+1889). Cha Chanel dòng Marist tử đạo tại Futuna (+1841).

Năm 1970, Châu Đại Dương có 3,9 triệu tín hữu trên 18 triệu dân, chiếm 21% với 2 hồng y, 63 giám mục. Riêng Giáo hội Úc, bắt đầu được rao giảng từ 1820, nhưng lại đón nhận các di dân da trắng, đông nhất là người Ái Nhĩ Lan, nên mới năm 1842, đã có ba giám mục, 2 triệu tín hữu. Năm 1970, riêng Úc có 2,8 triệu tín hữu (23%) với 1 Hồng y, 35 Giám mục.

2,2. Châu Phi

Thế kỷ XIX, việc truyền giáo tại châu Phi gần như phải khởi sự lại từ đầu. Pháp chiếm Algérie năm 1830. Các thừa sai Paris đến Lesotho từ 1833. Nhiều dòng tu mới hướng về Phi Châu : nữ tu dòng Thánh Giuse của Mẹ Javouhey (1818), Dòng Thánh Tâm đức Maria của cha Libermann (1841), Hội thừa sai Phi châu từ Lyon của đức cha Brésillac (1856)... Trên đường đi sâu vào nội địa, trên 400 thừa sai sau vài tháng hoạt động đã chết vì bệnh đặc biệt là bệnh sốt rét vàng da. Phi châu trở thành mổ chôn nhiều nhà truyền giáo.

Người có công nhất với Phi châu là Hồng y Lavigerie, người Pháp. Ngài sáng lập dòng các "Cha Trắng" (1868) và các "Sơ Trắng" (1869). Các cha Trắng đã đến vùng Đại Hổ năm 1878 lập các địa phận Ouganda, Congo Nam và Bắc. Hồng y Lavigerie chủ trương dùng người Phi cảm hóa người Phi, lập các làng Công giáo với các gia đình gổm các trẻ mổ côi được học đạo từ bé. Ngài chống lại việc Âu hóa người Phi, và kêu gọi các thừa sai theo gương thánh Phaolô trở nên Hy lạp với người Hy lạp. Ngài đi diễn thuyết nhiều nơi chống việc buôn bán người da đen, lập tại Pháp hội chống nô lệ, xây cất những làng riêng đón nhận dân nô lệ tìm tự do. Năm 1886, tại Ouganda có Lwanga và 150 tín hữu đã can đảm đỗ máu vì đức tin (thánh Lwanga và 22 bạn tử đạo được tôn phong năm 1964).

Năm 1970, Công giáo tại Phi châu có 31,8 /328 triệu dân, tức 9,8%.Giáo dân nhiều ở Trung Phi (27%) rồi đến Đông Phi (18,5%). Miền Bắc Phi nằm trong vùng Hồi Giáo như Negeria, Ethiopie, Ai Cập chỉ độ 1%. Ngược lại tại vài nước Nam Phi, nơi xảy ra chuyện phân biệt chủng tộc thì lại có tỷ lệ rất cao, từ 40 đến 50% (như Burundi, Gabon, Angola, Congo). Hiện Châu Phi có một giáo chủ ở Carthago, 7 hồng y, 310 giám mục.

2,3 Châu Mỹ

Cuộc di dân của người Ái Nhĩ Lan đến Canada đã làm cho Giáo hội gốc Pháp ở đây phát triển nhanh chóng. Từ 1852, dân Canada truyền giáo cho vùng Bắc cực, thế nhưng đến năm 1945 cũng mới chỉ có khoảng 2000 tín hữu Esquimo. Đầu thế kỷ XX, Canada có 2,2 triệu tín hữu. Đến 1970 con số tăng lên 8,6 trên 19,5 triệu dân, tức 46%với 3 hồng y, 81 giám mục. Canada có nhiều đại học Công giáo lớn như Québec (1852), Ottawa (1856), Montréal (1876) và Sherbrooke (1975).

Hoa Kỳ vốn là Hợp Chủng Quốc đã mở cửa đón những phái Baptistes, Méthodistes và nhiều hệ phái Tin Lành khác. Thời Hoa Kỳ độc lập (1776) người công giáo mới chỉ có 3%. Tòa Giám mục đầu tiên ở Baltimore được lập năm 1789. Đến 1850, Hoa Kỳ đã có 27 địa phận. Năm 1970 số tín hữa Hoa Kỳ là 48 / 204 triệu dân, chiếm23%với 10 hồng y, 275 giám mục. Các đại học Công giáo chính Georgetown (1791), Washington (1889), Niagara (1956) và Chicago (1957). Số Công giáo da đen Hoa Kỳ có khoảng 800.000 (1970) với 185 linh mục và khoảng 1.300 tu sĩ nam nữ.

Các quốc gia Châu Mỹ La Tinh dành lại độc lập từ 1800-1824, nhưng một thiểu số dân da trắng thường nắm hết các quyền trong tay. Trong khoảng từ 1853-62, đức Pio IX ký các thỏa hiệp với những nước này nhận Công giáo là quốc giáo, thế nhưng hầu hết các thỏa ước bị vi phạm vì phong trào tục hóa (tách biệt đạo đời, tịch thu tài sản. Năm 1970, Châu Mỹ LaTinh có trên 600 giáo phận, với trên 200 triệu tín hữu (90%)

2,4. Châu Á

Nước Nhật cấm đạo đã hơn hai thế kỷ. Năm 1854, khi các thừa sai bắt đầu trở lại mảnh đất Phù Tang, các ngài còn thấy gần 20.000 tín hữu ở Nagasaki. Tổ tiên cha ông họ đã rửa tội, dạy kinh và chỉ cho họ ba dấu hiệu để nhận ra các thừa sai : độc thân, hiệp nhất với giáo hoàng Roma và sùng kính Trinh Mẫu Maria. Năm 1868, khoảng 8.000 tín hữu Nhật phải lưu đày. Nhưng năm 1873, do áp lực các cường quốc Tây phương, họ lại được tự do. Tuy nhiên năm 1970, Nhật mới có 340 ngàn tín hữu trên 100 triệu dân (0,3%).

Nước Triều Tiên có Giám mục Đại diện Tông Tòa từ 1831, nhưng lại chịu bách hại liên tục đến 1885, khi đó Triều Tiên mới có 11.000 tín hữu. Năm 1936, dưới thời đô hộ của Nhật, số tín hữu tăng lên 128.000 chiếm 0,6% dân số. Sau khi Nhật thua trong đệ nhị thế chiến, Triều Tiên chia đôi. Tín hữu Bắc Hàn năm 1970 là 60.000 (0,6%) còn Nam Hàn 167.000 (2,5%) với 1 hồng y và 14 giám mục.

Tại bán đảo Ấn, trực thuộc Roma từ 1833-38, Tòa Thánh khá cương quyết giải tán bốn địa phận chính tòa lệ thuộc người Bồ Đào Nha, để đặt các Đại diện Tông Tòa. Tình trạng "ly giáo Goa" kéo dài đến 1929. Dầu làm việc trên mảnh đất của Ấn giáo và Hồi giáo (240+77 triệu), Giáo hội vẫn phát triển. Sau ngày dành độc lập 1947, bán đảo chia thành hai nước Ấn Độ và Hồi Quốc. Thống kê 1970 :

Tại Ấn : 7.800.000 tín hữu, 1,5%, 2 hồng y, 74 giám mục
Tại Hồi Quốc : 422.000, 0,3%, 8 giám mục
Tại Tích Lan : 829.000, 7% , 1 hồng y, 10 giám mục

Tại vùng Trung Đông, quê hương của Hồi Giáo, số tín hữu còn ít hơn. Các nước Ả-rập, Afganistan, Yemen hầu như không có ai; Iran, Thổ Nhĩ Kỳ 0,1%; Pakistan 0,4%; đảo Chypre 1%, Israel, Koweit 1,5%; nhiều hơn là ở Irak 3%; Jordanie và Syrie 4,3%; riêng Liban thuộc địa Pháp có đến 30% Công Giáo.

Trong vùng Đông Nam Á : đứng đầu là Phi Luật Tâncó 26,8 / 32 triệu dân, chiếm 83% (1970) với 2 hồng y, 61 giám mục. Thứ nhì là Việt Nam : 2,5 / 38 triệu dân, tỷ lệ 6,5% (1970).

Miến Điện : 237.000
Thái Lan : 139.000 : 0,4 % : Đa số gốc Việt.
Cam-bốt : 62.000 : 0,9 : Đa số gốc Việt.
Lào : 32.000 : 1,2
Hồng-Kông : 230.000 : 6,0
Singapour : 5.000 : 2,5
Malaysia : 245.000 : 2,5
Macao : 36.000 :13,6
Indonesia : 1.753.000 : 1,5

Trung Hoa thế kỷ XIX có ba giai đoạn : trước 1860 xảy ra việc bách hại, trục xuất các thừa sai trong bối cảnh chiến tranh với các cường quốc. Sau 1860 Giáo hội được quyền giảng đạo dưới sự "bảo trợ" của Pháp. Nhưng từ năm 1900 nhờ lòng ái quốc của tín hữu chống Nhật bản, nhờ việc thay thế giáo sĩ bản xứ, đạo mới thực sự tự do tiến tới việc thành lập hàng giáo phẩm năm 1946 (Hồng y Tôma Tien). Năm 1949 Trung Hoa có 3,3 triệu tín hữu mà một phần ba dưới quyền giám mục Trung Hoa.

Ngày 20-11-1950 Trung Quốc phát động phong trào TAM TỰ LẬP (về điều khiển, tài chánh và truyền bá). Năm 1952, Trung Quốc chỉ còn 537 thừa sai ngoại quốc (trước có 3.000); 7 Giám mục và khoảng 1.000 linh mục tu sĩ Trung Hoa bị trục xuất. Tiếp theo là phong trào tục hóa. Đức Pio XII năm 1954 ra một thông điệp cấm tham gia Tam Tự Lập. Năm 1957, Hội Công giáo Ái Quốc ra đời, tổ chức bầu giám mục và xin Roma phê chuẩn. Tháng 6-1958, đức Pio XII kết án đích danh hội Ái Quốc.

Thế nhưng ngay năm sau, đức Gioan XXIII đã tìm cách liên lạc lại với giáo hội Trung Hoa. Năm 1980, hồng y Etchegaray đã được mời đến thăm Bắc Kinh, sau đó là tổng giám mục Koening giáo phận Vienne. Con đường bình thường hóa quan hệ đang mở ra trong tương lai. Trong khi đó ở Đài Loan số tín hữu khoảng 304.000 (2,4%) năm 1970 với 2 hồng y, 10 giám mục.

Tổng số tín hữu Á châu năm 1970 là 43,8 triệu trên 1,9 tỉ dân, tức 2,4% với 7 Thượng phụ giáo chủ, 9 hồng y, 345 giám mục.

III. VIỆC TRUYỀN GIÁO NGÀY NAY

3,1. Quan điểm mới về truyền giáo

Do những biến chuyển thần học, việc truyền giáo ngày nay được diễn đạt bằng hai thành ngữ loan báo Tin Mừng và Phúc âm hóa. Tin Mừng của Thiên Chúa không chỉ là phần rỗi đời sau. Nước Trời bình an, hòa thuận và yêu thương do đức Kitô mang đến đã khởi sự từ trần gian. Mọi tín hữu đều có ơn gọi "ngôn sứ", nghĩa là loan báo về Tin Mừng mình đã đón nhận và làm cho môi trường mình đang sống gần gũi hơn với Nước Trời của Đức Kitô. Do đó :

* Việc truyền giáo không hạn chế trong những miền truyền giáo, mỗi tín hữu đều phải nỗ lực phúc âm hóa bản thân, xứ đạo, cộng đoàn mình đang sống.
* Tham gia trong lãnh vực nghệ thuật, khoa học, triết học, kêu gọi tình người không chỉ là chuẩn bị mà đã là giai đoạn đầu của phúc âm hóa rồi (Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, số 51).
* Đấu tranh xây dựng một xã hội công bằng bác ái hơn, góp phần cho cha trị đến, cũng là một sứ mạng Tông đồ.
* Tuy lương tâm con người bó buộc phải theo chân lý, thế nhưng lời nói và đời sống chúng ta có phải là chứng tá đích thực của chân lý Tin Mừng chưa ? Việc truyền giáo đích thực không chỉ dừng ở chỗ tăng số người rửa tội mà là có những con người tự do nguyện đáp lại lời Thiên Chúa mời gọi.

Giáo hội ngày nay, không tự coi mình như "chiếc tàu Noe" ai ở ngoài sẽ bị chết đuối, nhưng muốn trở thành một "Dấu Chỉ" cho thấy Thiên Chúa đã cứu độ con người. Tin Mừng đã có đó. Phải loan báo Tin Mừng, bằng cách giới thiệu về một Đấng tuy lạ mà lại quen, ngay trong cuộc sống. Dụ ngôn người Samaritano và cuộc phán xét trong Matthêu (chương 25) cho ta thấy "có người tưởng ở trong nhưng lại ở ngoài Giáo hội, và ngược lại, có người tưởng ở ngoài nhưng đã ở trong". Tông huấn Đấng Cứu chuộc Loài người (1979, số 13), khẳng định "Mỗi người (cụ thể, lịch sử) đã bao hàm trong mầu nhiệm cứu chuộc. Đức Kitô đã kết hợp với từng người mãi mãi ... Cũng như 4 tỉ con người đang sống trên hành tinh này, từng người một đã được tham dự vào Đức Kitô ngay giây phút thành thai bên trái tim mẹ mình".

Đứng trước một nền văn hóa, một tôn giáo khác, nhà truyền giáo phải biết tìm kiếm lắng nghe, bởi vì Thiên Chúa "đã gieo cấy đây đó vô số hạt giống Lời Chúa" (LBTM, s.53). Ngay cả trong thế giới vô tín vô thần : "không thể phủ nhận có những cánh cửa mở rộng chờ đón Kitô giáo, có những giá trị Tin Mừng" (LBTM, số 55). Nhà truyền giáo không có quyền áp đặt một văn hóa xa lạ nhưng phải biết hội nhập vào bối cảnh văn hóa cụ thể. Hơn thế nữa, Giáo hội nói chung vẫn đang mong chờ sự đóng góp suy tư của các nhà thần học tại các lục địa Á Châu, Phi Châu, Úc Châu và Mỹ Châu ... sử dụng văn hoá riêng góp phần cho thần học của thế giới.

3,2. Tình hình Giáo hội tại các Lục địa

Dựa vào bộ "Théo-Nouvelle Encyclopédie Catholique", Fayard 1989, tr.168, ta có bản thống kê mức độ tăng giảm số tín hữu 1975-1985 so với dân số lục địa và số tín hữu như sau

a/ Số phần trăm dân số và tín hữu gia tăng

Lục địa

Dân số

Công giáo

So sánh

Phi châu

+38,47

+49,72

+11,25

Mỹ châu

+20,00

+23,84

+03,84

Bắc Mỹ

+11,91

+13,01

+01,10

Nam Mỹ

+26,00

+26,01

+00,01

Á châu

+24,87

+37,17

+12,30

Âu Châu

+05,13

+06,15

+01,20

Úc châu

+15,87

+23,28

+07,41

Tổng số

+22,2

+20,06

- 02,14

Dân số thế giới 1975 đến 1985 tăng từ 3,942 tỉ đến 4,817 tỷ nên tăng 22,2%. Số tín hữu từ 710 đến 852 triệu, chỉ tăng 20%. Do đó tỉ lệ tín hữu với dân số thế giới từ 18% (1975) giảm còn 17,7 % (1985). Lý do vì lục địa đông dân nhất là Á châu (60%) chỉ có 2,5% là công giáo.

b/ Số liệu tín hữu, linh mục năm 1985

Lục địa DÂN SỐ /ngàn Tín Hữu /ngàn % so với lục địa % so với Giáo hội Số
linh mục
%
linh mục

Phi châu

555.236

72.658

13,1

8,5

18.058

4,5

Mỹ châu

667.045

442.663

63,4

49,6

118.898

29,5

Bắc Mỹ

264.766

64.475

24,35

7,6

68.942

17,1

CMLTinh

402.299

358.188

89,03

42

49.956

12,4

Á Châu

2.873.649

72.141

2,5

8,5

28.638

7,1

Âu Châu

697.168

278.047

39,9

32,6

232.372

57,6

Úc châu

24.442

6.444

26,4

0,7

5.514

1,3

TỔNG

4.817.560

851.953

17,7 %

100 %

403.480

100 %

Qua vài số liệu trên ta thấy : điểm nóng của Giáo hội hiện nay là Châu Mỹ La Tinh, chỉ vài thập niên nữa họ sẽ chiếm một nửa số tín hữu hoàn cầu đang khi số linh mục lại quá ít, một linh mục cho 7.170 tín hữu. Ngoài ra, Á châu chúng ta vẫn là khu vực truyền giáo quan trọng do tỉ lệ còn thấp, trong khi 2/3 tín hữu Á châu lại tập trung ở Phi Luật Tân. Thế nhưng mức độ gia tăng tín hữu nhanh tại Phi châu và Á châu hứa hẹn trong tương lai sẽ tăng tỉ lệ cân đối hơn. Dầu sao cũng cần phải lưu ý, số tín hữu là một chuyện, số Kitô hữu đích thực sống đạo thấp hơn nhiều.

NÊN BIẾT : THỐNG KÊ CÁC TÔN GIÁO LỚN - (NĂM 1985)
Théo-Nouvelle Encyclopédie Catholique, Fayard, tr.138


Tín đồ

% Thế giới

Công giáo

850 triệu

17,7 %

Chính Thống

150 triệu

3 %

GH. Ðông Phuong cũ

d? 30 triệu

0,6 %

Anh giáo

65 triệu

1,4 %

Tin Lành

350 triệu

7,3 %

Các phái Kitô khác

150 triệu(?)

3 %(?)

Kitô giáo

1.600.000.000

33 %

Do Thái

17 triệu

0,3 %

Hồi giáo

840 triệu

17,6 %

Ðộc Thần

2.450.000.000

51 %

Ấn Ðộ giáo

600 triệu

12,5 %

Phật giáo

300 triệu

6,3 %

Khổng giáo

300 triệu

6,3 %

Thiền đạo

70 triệu

1,5 %

Lão giáo

55 triệu

1,1 %

Các đạo khác

300 triệu(?)

6,3 %

Như vậy số Kitô hữu (các nhóm tuyên tín) khoảng 1,6 tỉ chiếm trên 30 %.
Số tín hữu độc thần chiếm một nửa dân số toàn cầu (51%).
Các tôn giáo khô 1803    02-02-2011 08:01:09