Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chương 17: GHVN Xây Dựng Và Phát Triển_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

XUNG ĐỘT GIỮA DÒNG TÊN VÀ HỘI THỪA SAI PARIS

Năm 1640, Bộ Truyền Giáo đã ra sắc dụ đặt tất cả các miền truyền giáo dưới quyền Thánh Bộ. Nhưng năm 1646, Thánh bộ lại ban cho các cha Dòng Tên quyền triệu hổi và thay thế các giáo sĩ không cần xin phép, mà chỉ cần thông báo danh tánh để được trao những năng quyền cần thiết.

Cha Fuciti nhận được một thư của cha Gama, giám tỉnh dòng Tên tại Nhật, thư khuyên các tín hữu Bắc Việt trung thành với dòng Tên : "Phải chăng, một thiếu nữ dòng dõi cao sang chỉ nên cưới một ông chồng ở một gia đình thánh thiện"

Trong thư gửi cha chính dịa phận Deydier ngày 21-7-1669, cha Fuciti viết : "Lúc xưa hai bà mẹ kiện vua Salomon về trẻ nhỏ còn sống sót, người đàn bà không phải là mẹ thật, xin vua Salomon chia đứa nhỏ ấy, còn người mẹ thật nhất quyết không chịu, bà thà thấy con mình sống với người khác hơn là thấy nó bị chặt ra từng miếng. Vua Salomon đã xử cho người mẹ thật được lãnh con mình, các cha Dòng cũng hy vọng rằng Đấng Salomon của Chúa Giêsu trên ngai tòa thánh Phêrô, cũng sẽ trả Giáo Hội Việt Nam lại cho người mẹ thật của nó là các cha Dòng Tên"
(Theo Phan Phát Huồn, Việt Nam Giáo Sử, Saigon 1965, tr 180-181)

MỤC ĐÍCH VÀ SỨ MẠNG DÒNG MẾN THÁNH GIÁ

Chính đức cha Phêrô Maria Lambert de la Motte đã chỉ rõ mục đích và sứ mạng Dòng Mến Thánh Giá.

* Suy niệm cuộc đời đau khổ của Đức Giêsu Kitô để hiểu biết và yêu mến Người
* Tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người và thực thi tinh thần trung gian, bằng đời sống chuyển cầu cho thế giới và Giáo hội, nhất là Giáo hội địa phương.
* Là cánh tay hữu hình của Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, người nữ tu Mến Thánh Giá dấn thân phục vụ, ưu tiên giới trẻ và giới nữ, trong lãnh vực văn hóa, xã hội, lãnh vực y tế, luân lý và đức tin.
* Tất cả đời sống hoán cải, khổ chế, chiêm niệm và sinh hoạt tông đồ của chị em được liên kết với công nghiệp Chúa Cứu Thế, sẽ trở thành lời kinh chuyển cầu, xin ơn hoán cải cho lương dân và những ki tô hữu sống xa lìa Chúa. Như thế, chuyển cầu là nghĩa vụ thứ nhất giữa các nghĩa vụ làm nên sứ mạng đặc biệt của Dòng Mến Thánh Giá

Theo sát đấu chân Đức Kitô, Đấng Khiết tịnh, Nghèo khó và Vâng Phục trên bước đường phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, chúng ta nhiệt tâm chu toàn sứ mạng, với ý thức về sự cao quí của ơn gọi Chúa dành cho ta trong đời sống tu trì, theo linh đạo Mến Thánh Giá.
(Trích Hiến Chương Dòng MTG - Bộ luật chung 1990, tr 18-19)

KẾT THÚC CUỘC TRANH CHẤP GIỮA CÁC CHA ÂUTINH VÀ ĐAMINH

Ngày 7-8-1757, Thánh bộ truyền bá đức tin đã quyết định về vụ tranh chấp như sau :

"Qua quyết định của Đức Hồng y Giuseppe Spinelli tổng trưởng, điều cần làm ngay là ra lệnh cho cha Adriano di Santa Tecla và cha Paolino di Giesu thuộc dòng Âutinh đang hoạt động truyền giáo tại Đàng Ngoài địa phận Đông, phải mau trở về nước Ý. Nhưng vấn đề rắc rối chính là có ba bốn cha dòng Âutinh người bản quốc, nên phải có biện pháp xử lý đối với các cha này.

Sau khi đã đắn đo suy tính, và nếu Đức Thánh Cha chấp thuận thì các cha bản quốc này cũng sẽ phải qua Ý hoặc vào dòng Đaminh và tuyên khấn trong dòng này. Nếu như muốn ở bậc linh mục triều thì phải tuân phục vị đại diện hoặc quyền đại diện Tông tòa với những nghĩa vụ và bổn phận như một linh mục triều bình thường. Cha bí thư Antonello đã tường trình lên Đức Thánh Cha trong buổi triều yết ngày 7.8.1757 và Đức Thánh Cha đã châu phê quyết định này của Thánh bộ".
Bùi Đức Sinh, Đaminh trên đất Việt, I, tr 83-84

TRÍCH THƯ CHA JUAN DE SANTA CRUZ OP - 1706

"Cha bề trên địa phận Francois Deydier ở Phố Hiến thấy chúng tôi nhiệt thành với sứ mạng, nên đã trao cho chúng tôi 40 làng thuộc tỉnh Đông và tỉnh Nam, để chúng tôi hoạt động, chứ không dành tỉnh Nghệ An như đã định trước. Các làng chúng tôi phụ trách rất khó đi lại và khó hoạt động lắm, vì cách xa nhau quá nên chẳng ai muốn nhận, chỉ có chúng tôi bằng lòng nhận vì đức vâng phục và vì các linh hồn mà thôi.

Khu vực của chúng tôi đất đai rộng, nhưng ít bổn đạo và rất nghèo, đến độ không có làng nào đủ sức làm được cho chúng tôi một căn nhà, nên chúng tôi phải ở dưới thuyền đã mấy năm trời. Chúng tôi phải tốn phí nhiều tiền để sắm thuyền lớn mới có thể dâng Thánh Lễ và làm các phép Bí tích như rửa tội, giải tội. Nhờ có nhiều sông ngòi, thuyền chúng tôi có thể đi khắp miền truyền giáo của chúng tôi trong tám ngày. Sống và hoạt động như thế rất nguy hiểm, vì mưa bão xứ này lớn và mạnh lắm, lại còn liều mình lọt vào tay trộm cướp thường uy hiếp những thuyền đậu hai bên bờ ban đêm. Chúng tôi đã lập được họ Mân Côi trong nhiều làng thuộc khu vực của dòng và của các cha triều người Việt nữa, và chính tôi đã lập họ này ở Thăng Long, quen gọi là Kẻ Chợ"...

"... Mùa đông, thuyền trống trải, gió lùa khắp nơi làm chúng tôi phải chịu rét. Đã mấy năm nay, mùa đông nào tôi cũng bị cảm cúm, ho suyễn. Dù đau yếu như vậy, tôi vẫn không bỏ việc bổn phận. Nhiều đêm tôi đau quá không ngủ được, cứ ngồi từ tối đến sáng. Từ nhiều năm qua, tôi còn phải chứng đau mắt suốt hai, ba tháng liền, nhưng không vì thế mà tôi bỏ việc giảng dạy. Tôi làm việc suốt ngày, tiếp xúc với giáo dân cũng như lương dân, nhất là không bao giờ bỏ dâng Thánh Lễ. Chúng tôi dạy giáo dân tôn sùng kinh Mân Côi. Tối đến, họ hội họp nhau trong một nhà, tạm gọi là nguyện đường, để đọc kinh chung, lần hạt đủ một tràng trăm rưởi, rồi thêm nửa giờ suy gẫm. Nếu chúng tôi không bận ngồi tòa giải tội, chúng tôi cũng đọc kinh chung với họ..."
Bùi Đức Sinh, Đaminh trên đất Việt q.I, tr 39-41

CÁC SÁCH CỦA CHA JUAN SANTA CRUZ

Để giúp giáo dân thêm lòng đạo, cha Juan đã dịch ra tiếng Việt một kinh của thánh Âutinh, tức kinh Tôi lạy Mình Thánh Đức Chúa Giêsu, kinh này được giáo dân quen đọc trong Thánh Lễ sau khi dâng Mình và Máu Chúa.

Cha còn soạn ra hai kinh ngợi khen và tạ ơn Mình Thánh Chúa để đọc trước và sau rước lễ. Cha cũng dịch 15 ngắm kinh Mân Côi, kinh Sáng Danh, nhiều kinh về Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà cha đáng kính Luis de Granada đã soạn. Và sau đây là những tác phẩm cha Juan đã viết bằng tiếng Việt:

1- "Sách dạy cách xưng tội cùng cắt nghĩa mười điều răn đạo đức Chúa Lời".
2- "Sách truyện bà thánh Rosa de Lima về Dòng ta".
3- "Sách dạy kính thờ những mẫu ảnh thánh", trong sách này tác giả nói đến ảnh thánh Đaminh hay làm phép lạ.
4- "Sách Vườn hoa", gồm ba quyển nói về kinh Mân Côi, kể ra nhiều tích truyện và các ân xá của họ Mân Côi.
5- "Sách dạy về cội rễ trời đất nhân vật", trong đó tác giả phê bình sự thờ thần dối trá.
6- "Sách kinh toàn niên", đây là cuốn sách do các cha dòng Tên đã viết bằng chữ Hán, cha Juan dịch sang chữ Nôm.
7- "Tập học chữ Nho, gồm hai tập, mỗi tập có 1000 chữ, tác giả phải mất ba năm để thực hiện,
8- "Sách nói về mầu nhiệm Mình Thánh Chúa" : 15 bài giảng.

Cha Lezoli cũng xuất bản được ba cuốn : Sách gương tội, Sách sửa lưỡi và Sách hối tội.
Sử Ký Địa Phận Trung, Phú Nhai 1916, tr 26

ĐÁM TÁNG ĐỨC CHA BÁ ĐA LỘC

Trong cuộc chiếm đánh thành Qui Nhơn, hoàng tử Cảnh và đức cha Bá Đa Lộc đều có mặt. Nhưng đức cha lâm bệnh nặng và qua đời tại Diên Khánh ngày 9-10-1799.

Đám tang đức cha Bá Đa Lộc rất long trọng. Xác được ướp bằng các chất thuốc thơm và đặt trong quan tài rất đẹp bằng gỗ quí. Người ta quàn vào một nơi trang trọng trong tòa giám mục ở Thị Nghè luôn hai tháng, để lo liệu mọi lễ nghi cần thiết cho việc quốc táng. Giáo dân tham dự rất đông. Các quan mặc lễ phục chỉnh tề, chúa Nguyễn tỏ ra rất xúc động, hàng giáo sĩ không thiếu một ai. Thái hậu, hoàng hậu và các cung tần cũng đi ra tới mộ, đó là một điều lạ chưa từng có. Đạo cận vệ của Nguyễn Vương gồm 12.000 người võ trang rất trang nghiêm được sử dụng cho thêm phần long trọng, kế tiếp là đạo tượng binh trên 100 thớt, dưới sự điều khiển của thế tử Cảnh. Người ta cho kéo nhiều khẩu đại bác theo sau.

Đám tang đi từ Thị Nghè, bắt đầu từ 1 giờ đêm đến 9 giờ sáng mới tới huyệt. Tám chục người khiêng chiếc kiệu hết sức lộng lẫy, trong đó có quan tài. Số người đi đưa khoảng 50.000 chật cả đường sá, không kể những người đi xem. Các lễ nghi công giáo được cử hành đầy đủ. Trước khi hạ huyệt, Nguyễn vương đọc bài điếu văn nhắc nhớ công ơn của vị giám mục, ly biệt người bạn chí thân. Mộ của đức cha là một khu vườn nhỏ thuộc tòa giám mục bấy giờ, nay gọi là "Lăng Cha Cả". Chúa Nguyễn cho dựng một ngôi đền lợp ngói, vách gỗ, cột lớn bằng gỗ quí. Kiến trúc do một họa sĩ Pháp dựng lên. Đến sau, chúa còn cho 50 lính canh phòng ngày đêm cẩn mật. Trong đền dựng một tấm bia đá lớn với những lời ghi chép sự nghiệp của đức giám mục đối với nhà Nguyễn.
(Xem L.E. Louvet, La Cochinchine Religieuse, Q.I, tr. 476-481.)

SẤM TRUYỀN CA CỦA LỮ-Y ĐOAN (1670)

Lời tựa Phan văn Cận : "Thày cả này đã trở lại đạo từ nhỏ và đã làm thày giảng giúp địa phận Đàng Trong, thày tinh thông chữ nho thuộc nhiều Tứ Thư Ngũ Kinh. Thày làm sách này cho hạng văn nho đọc để biết rõ đạo Chúa Giêsu... Sách này của thày bị nhiều thày cả tây hổi đó không ưng, vì nói lai sách đạo Nho và đạo Phật, nhưng bổn đạo lại ưa và chép lại để đọc..."

GIACÓP

... Lẹ làng điểm huyệt cho xong
Gia Cước té xuống nhưng không chịu hàng...

SARA và ABRAHAM

Xuân Lài buồn việc không con
Hữu tam bất hiếu, gọi chồng thở than...

Nhưng về sau :
Ích Manh, Y Giác một nhà
một cha khác mẹ, thuận hòa yêu thương
Xuân Lài có dạ hờn ghen
Xúi chồng "Hãy đuổi kẻo phiền mai sau"
Ích Manh thừa kế làm sao
Vì rằng : mẹ nó, nàng hầu mà thôi

ISAAC TÌM VỢ

Đây rồi giai ngẫu thiên thành
Thế là lão bộc tới gần hỏi han
"Dám nào cho biết quí danh
Đêm nay xin trọ, gia trang thế nào"
Tiếng oanh đáp lại ngọt ngào
Tôi là Lan Bạch tuổi đầu đôi mươi
Bổ Tuân thân phụ của tôi
Cũng là cháu nội Mã Khôi vùng này"...
Lão bộc cảm tạ theo sau
Tới nơi gia chủ tiếp vào gia trang
Lạc đà và các tùng nhân
Nơi ăn chốn ở sẵn sàng nghỉ ngơi.
Hàn huyên trao đổi rộn lời
Cỗ bàn đã dọn chủ mời dằn tâm
Lão bộc từ tốn phân trần
"Trước khi cầm đũa tôi cần trình qua"...

GIUSE GIẢI MỘNG

Nhìn ra trời đã hừng đông
Vua bèn triệu tập hội đồng bói khoa
Những nhà thuật số huyền gia
Chiêm tinh đoán mộng cả và Giếp-Tô
Nhà vua thuật lại mộng cô
Yêu cầu giải đoán cân đo tượng điềm
Tung ra dịch tượng, quẻ kiền
Lục hào, thái ất, cửa huyền, đạo gia

CHUYỆN ÔNG LÓT

Thấy cơn tàn phá hãi hùng
Tiểu thành Lộc bỏ chạy cùng hai con
Chui vào hang đá trên non
Buồn thì uống rượu quên cơn kinh hoàng
Đêm nằm mộng thấy giàu sang
Được vua kêu gả một nàng mỹ nhân
Vu sơn đùa cợt gió trăng
Sáng ra uống rượu tâm can đỡ sầu
Mộng về lại thấy đêm sau
Có nàng công chúa theo hầu một bên
Hết lời ân ái trao duyên
Mây mưa chốc đã bên thềm trăng lên
Giựt mình thấy cảnh buồn thêm
Thành xưa cao lớn hóa miền hoang vu.

HỘI NHẬP VĂN HÓA GHVN THỜI ĐẦU

1. Xử dụng những hình thức trang hoàng

Các tín hữu thời đầu đã tận dụng những hình thức địa phương trong các cuộc rước kiệu, như : đó bát bửu, kiệu bát cong, chiêng trống, ban bát âm, lọng vàng, lọng xanh, cặp tàn, phương du, thanh la não bạt, sơn son thếp vàng...

2. Văn nghệ bình dân

Ngay từ thời đầu đã có khá nhiều các "vãn, vè, truyện, tuồng"
Các vãn dâng hoa "lục bát" với âm điệu quan họ và chầu văn.

Các cung kinh :
* Tế hoa : theo cung xướng tại triều đình
* Kinh cầu chữ rất gần với cung xướng tế của chùa đình
* Cung ngắm "15 sự thương khó"
* Cung vãn lâm khốc trong ngắm "5 sự thương" kinh mân Côi, kinh cầu chịu nạn và ngắm nguyện thứ sáu tuần thánh...


1656    02-02-2011 07:35:25