Sidebar

Thứ Năm
25.04.2024

Chương 15: Phúc Âm Hóa Toàn Thế Giới_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

VÀNG, HẠT TIÊU, CÁC LINH HỒN

Các bản văn của Christophe Colomb cho thấy đủ các động lực nơi các nhà thám hiểm Mỹ Châu, đó là: thánh chiến, giấc mộng triệu phú, chống Do thái, là tìm vàng, hương liệu, nô lệ, và đưa các dân tộc đó về niềm tin Kitô.

Vào năm 1492 này, Quý Hoàng Thượng (Tây Ban Nha, Isabella-Fernando) đã kết thúc trận chiến với người Mauro, bá chủ Âu Châu và đã chiến thắng oanh liệt tại thủ phủ Grenade.

Quý Hoàng thượng, ông hoàng công giáo, gắn bó với đức tin thánh thiện Kitô giáo, kẻ truyền bá niềm tin ấy, là địch thủ của giáo phái Mahomet, ngẫu tượng giáo và lạc giáo, đã quyết định phái tôi, Christophe Colomb đến vùng đất nước Ấn Độ để gặp các ông hoàng và dân chúng, để xem đất đai và những thứ khác và tìm cách đưa các dân tộc này cải đạo theo niềm tin chúng ta. Vậy các ngài đã lệnh cho tôi, không phải theo hướng Đông bằng đường bộ như vẫn quen, mà là về phía Tây, con đường mà cho tới nay chúng ta chẳng biết đã có ai đi qua chưa. Vì thế, sau khi đã đuổi hết người Do thái khỏi các vương quốc của mình, Hoàng thượng của quí ngài đã sai tôi đến đây với một đoàn tàu đầy đủ.

Nguyện xin Thiên Chúa chúng ta, vì lòng nhân lành Người, khứng ban cho tôi tìm thấy mỏ vàng (...) Tôi hy vọng khi trở về, thân hữu tôi sẽ mang theo một thùng đầy vàng, hi vọng mỏ vàng được khám phá. Hẳn rằng ở đây cũng có nhiều hương liệu. Như thế chưa đầy ba năm, Hoàng thượng quí ngài có thể khởi sự chiếm lại Giêrusalem (...)

Nhân danh Chúa Ba Ngôi, từ chỗ này người ta có thể gởi biết bao nô lệ có thể bán được, cũng như biết bao brésil (gỗ thuốc nhuộm) [...] Người ta cần nhiều nô lệ tại Castille, Portugal, Aragon (...). Tôi tin rằng người ta không cần nhập cảng nô lệ từ Guinée nữa ; mà dù có như thế, thì một nô lệ ở đây cũng bằng ba tên ở đó (...). Vì ở đây có nô lệ và brésil ... Có cả vàng nếu Đấng chỉ đường cho chúng ta cho phép và nếu Ngài khấng ban cho ta vào lúc thuận tiện.

Vàng, sản phẩm tuyệt vời biết bao ; chính vàng đem lại giàu có. Ai có vàng có thể làm mọi điều mình thích trên thế gian này. Với vàng, người ta có thể đưa các linh hồn vào Thiên Đàng.
(Mahn Lot, Les plus belles lettres de Christophe Colomb, Paris 1961)

ĐẤU TRANH CHO NHÂN QUYỀN TẠI VÙNG THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA

* Bài giảng của Montesinos op

Các ngài tất cả đều phạm tội trọng, các ngài sống và sẽ chết trong tình trạng đó, vì sự độc ác mà các ngài dành cho những dân tộc vô tội này. Hãy nói đi ! Các ngài dùng quyền và công lý nào để bắt Thổ dân phải làm tôi mọi dữ dằn và khủng khiếp đến thế ? Ai cho phép các ngài gây ra cuộc chiến đáng ghét đối với dân chúng đang sống thảnh thơi an bình trên quê hương họ, lại còn tiêu diệt vô số trong họ bằng những cuộc tàn sát và giết chóc chưa từng có ?

Làm sao các ngài có thể đàn áp và bóc lột họ cùng kiệt đến thế mà không cho họ ăn, không chăm sóc bệnh nhân đang đối chọi với tử thần vì những lao dịch quá mức các ngài đòi hỏi họ ? Và phải chăng đúng hơn phải nói : các ngài đang giết họ để bòn rút và góp nhặt tiền vàng mỗi ngày ? Các ngài quan tâm thế nào để đưa họ trở lại đạo đâu ? (...) Những người đó không phải là người sao, không có linh hồn lý trí sao ? Các ngài không bó buộc phải yêu thương họ như chính mình sao ?
(M. Bataillon và Saint Lu, Las Casas - et la défense des Indiens, Julliard 1971,p 67-68)

BARTOLOMEO DE LAS CASAS

Dựng lên những Thánh Giá và kêu mời Thổ Dân tỏ dấu kính trọng là điều tốt, với điều kiện người ta có thể làm cho họ hiểu ý nghĩa của cử chỉ này. Nhưng nếu không đủ thời gian cần thiết, nếu không thể dùng ngôn ngữ của họ, thì đó là việc vô ích và thừa thãi, bởi vì Thổ dân có thể tưởng tượng người ta cho họ một tượng thần mới, biểu trưng cho thần của Kitô hữu. Và như thế người ta cổ động việc tôn thờ một mẩu gỗ như Thiên Chúa, đó là ngẫu tượng giáo.

Cách sống chắc chắn nhất, qui luật duy nhất để tín hữu giữ, khi họ sống trên miền đất dân ngoại, đó là nêu gương bằng những việc lành nhân đức, để theo như lời Đấng Cứu Thế đã nói : "Trông thấy việc các con làm, họ ngợi khen và tôn vinh Cha các con", và họ đánh giá rằng một vị Chúa có những môn đồ như thế hẳn phải là Đấng tốt lành và chân thật.
(Las Casas, Histoire des Indes trích MAHN LOT, L'évangile et la force, lerf 1964).

CHẾ ĐỘ NÔ LỆ, THƯƠNG MẠI
VÀ VIỆC RAO GIẢNG TIN MỪNG Ở PHI CHÂU

Việc thương mại, nhất là việc mua bán nô lệ đen được nhiều thừa sai công nhận, đã làm sai lạc hoàn toàn bản chất việc loan báo Tin Mừng tại Phi Châu. Vua Congô ý thức điều đó, còn vị thừa sai Capucino thì không.

* Anfonso I, vua Congô than phiền với vua Bồ Đào Nha

Thần xin đa tạ Hoàng Thượng đã không tin điều nói xấu về thần do những kẻ chỉ bận tâm đến thương mại, đến việc bán những thứ họ chiếm đoạt cách bất công. Qua việc mua bán nô lệ, chúng hủy hoại vương quốc thần lẫn đạo Kitô đã được thiết lập tại đây từ bao năm tháng, nhờ bao hy sinh của tiền bối ngài. Điều thiện hảo lớn lao do đức tin này (...) thần vẫn cố gìn giữ cho những ai đã đón nhận.

Thế nhưng điều đó lại trở nên khó khăn tại đây. Các hàng hóa Âu Châu đã quyến rũ những kẻ đơn sơ dốt nát đến độ dám bỏ Chúa để chiếm được chúng. Phương dược chữa trị hiện nay là phải hủy các hàng hóa ấy. Chúng là bẫy ma quỷ giăng bắt kẻ bán lẫn người mua. Miếng mồi lợi nhuận và lòng tham lam đã thúc đẩy dân xứ này lường gạt đồng bào, thân quyến mình lẫn thân quyến của thần, bất kể là Kitô hữu hay không. Chúng bắt cóc họ đem bán và trao đổi. Tệ nạn này quá lớn lao đến độ thần không thể sửa chữa được nếu không trừng phạt nặng và rất nặng.
(Trong G.BALANDIER, La vie quotidienne Au Royaume de Kongo, Paris 1965 p 72-73)
.

* NHẬT KÝ TRUYỀN GIÁO TẠI CONGÔ

... Ngày 14.7.1695, thi hành sứ vụ tại Damma. Một thương gia xin mua một nữ nô lệ và đứa trai nhỏ bà bồng trên tay. Bà này thấy chủ nhân thương lượng giá với gã lái buôn, đoán ra mình sắp bị bán. Bà ôm chặt đứa con, giận dữ ném bé vào một tảng đá. Rồi bà dành lấy những mũi tên trong tay một ông nọ và điên cuồng đâm chúng vào ngực mình. Thế là trong lúc tuyệt vọng, bà chết không được rửa tội. Trong cuộc truyền giáo này, tôi có nhiều việc phải làm và nói để chống lại các đạo sĩ thờ vật tổ

(1696) Tôi phá đổ một bàn thờ do các đạo sĩ dân ngoại Nzonzo dựng lên. Bàn thờ này là một nơi chung quanh đóng cọc, phía trên đặt sọ thú vật : một cái lớn bốn cái nhỏ. Vài phụ nữ than khóc khi tôi phá đổ những vật này. Họ nói với tôi : "Ông cố không có những thực hành của ông khi làm lễ sao ? Về phần chúng tôi, chúng tôi cũng muốn có những thực hành riêng"...

(1697) Suốt thời gian bảy năm đầu của tôi, tôi đã chủ sự tổng số 20.981 phép rửa và chúc lành 110 đôi hôn phối.
Luca Da Caltanisetta Diaire Congolais (1690-1701) - Louvain-Paris 1970.

VỊ MỤC TỬ TỐT LÀNH BÀI GIẢNG TIẾNG QUÉCHUA
CHO DÂN PÉROU (1646
)

Linh mục Francisco Davila (1573-1647) TBN, sinh ra và qua đời tại Pérou. Trong bài giảng bằng Thổ ngữ Quéchua này, ngài tỏ ra thông hiểu về đàn chiên của mình nhưng lại dùng việc quan phòng để biện minh cho nỗi bất hạnh của họ, điều khó chịu đối với độc giả ngày nay.

Tôi là mục tử tốt lành chăn lạc đà, người mục tử có trái tim rộng lớn. Vì lạc đà, mục tử không sợ chết. Còn kẻ chăn nhận lương, vì lạc đà và đàn vật đâu phải của hắn, nên khi thấy sư tử xuất hiện, hắn sẽ tháo chạy bán sống bán chết. Bởi vì với kẻ chăn ăn lương đoàn vật không thuộc về hắn. Tôi, tôi là mục tử tốt lành, tôi biết các đoàn vật của tôi và chúng cũng biết tôi.

Nhưng nếu Người là mục tử, xin hỏi, ai là lạc đà là súc vật của Người ? Thưa đó là chính chúng ta và chỉ chúng ta thôi. Tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, đều là lạc đà của Đức Giêsu Kitô (...)

Có thể một ai đó trong các con tự nhủ thầm : "Thưa cha, từ thời tiên tổ, chúng tôi đã có huacca, có tượng thần, có umu, có các đạo sĩ. Hơn nữa, trước khi người da trắng tới đây, những runas (Thổ dân) sinh sôi cách kỳ diệu trên triền núi hoang dã, trong buôn làng... Còn bắp, khoai, quinua, cacao, lạc đà, các loại thú cho len và thực phẩm không bao giờ cạn. Hổi đó không có trộm cướp (...) Nhưng từ khi người da trắng đến đây, mọi runas đều trở thành trộm cướp. Như vậy Thổ dân chúng tôi với người da trắng đâu cùng một thứ. Và vì thế, chúng tôi đâu phải là lạc đà, là đoàn vật của Đức Giêsu Kitô (...)

Này con ta ơi, cha hài lòng biết bao khi nghe con nói lên điều đó, hài lòng vì được nghe điều đó. Hài lòng vì đó là một phần suy nghĩ của cha, còn phần kia, điều đó làm cha đau khổ, buồn phiền. Nhưng tại sao cha hài lòng (...) Bởi vì cha biết lòng con, biết điều con nghĩ và vì cha có thể săn sóc con như một bệnh nhân. Và tại sao điều đó làm cha buồn ? Bởi vì cho đến nay, người Indiens chưa tin, chưa chấp nhận lời của Chúa sau khi nghe biết bao bài giảng, bao nhiêu lời giáo huấn (...)

Vậy con hãy nghe cha và nhìn xem. Mọi điều xảy ra, sự sống, sự chết, sinh sản, hủy diệt, sức khỏe, bệnh tật, tất cả trên trần gian này hay nơi đâu khác tất cả đều sẽ tuân theo ý Chúa muốn. Do đó, nếu Chúa muốn, dân nước này sẽ thắng nước kia và cai trị nó; rồi ngày nào đó kẻ chiến thắng lại thành chiến bại (...) Nhưng có biết bao lần Chúa triệt hạ một tỉnh, một thành cùng với cư dân, ta thấy rõ vì họ đã phạm tội (...)

Chính vì thế, Chúa trừng phạt dân Incas vì những lỗi lầm trước đây, bắt họ chết cùng với các runas. Và Chúa không làm điều đó cách ngẫu nhiên. Ngài thực hiện với sự thông biết khôn dò của Ngài. Người da trắng là cảnh sát của Chúa. Họ đến đây để làm điều đó (...). Đàng khác, vì đã không thờ phượng Thiên Chúa thật, cũng vì nhiều lỗi lầm khác, linh hồn tất cả Indiens đều xuống hỏa ngục (...)

Tất cả chúng ta đều được Chúa tạo dựng. Chúng ta là đoàn vật của Chúa Giêsu Kitô. Ngài là mục tử đích thực, Ngài nuôi ta bằng lời Ngài để ta được cứu nhờ lời đó, và để dẫn ta lên cao, đến mảnh đất vàng, xứ sở người ta không phải chết nữa. Còn trong cuộc sống này, chính quỷ dữ gạt gẫm chăn nuôi các con bằng những lời phỉnh phờ, đưa chúng con đến khổ hình địa ngục (...) Hãy nhổ vào mặt quỷ dữ, vào phù thủy nam nữ và hãy theo mình Chúa thôi, Đức Giêsu Kitô.
(Bản dịch do G.Dumézil, trong Diogène, N 20, 1597).

ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO CỦA SR. MARIE DE L'INCARNATION

Linh mục Claude Martin, con trai duy nhất tu dòng Biển Đức Saint Maur, xuất bản các tác phẩm thần bí của mẹ.

Thân xác tôi hiện đang sống trong đan viện, nhưng thần trí tôi được liên kết với Thần Trí Đức Giêsu không thể nào chịu giam cầm được. Chính Thần Trí này đã đưa tôi đến Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ Châu, Đông Phương, Tây Phương, đến những miền thuộc Canada và của những người Hurons cũng như mọi miền trên trái đất có người sinh sống, nơi có những linh hồn có lý trí mà tôi thấy tất cả đều thuộc về Chúa Giêsu Kitô.

Tôi thấy nhờ vào xác tín nội tâm rằng quỷ dữ quyến rũ và chiến thắng các linh hồn tội nghiệp này thay vì là Chúa Giêsu Kitô, vị Tôn Sư Thần Linh và là Đức Chúa tối cao của chúng ta. Qua những thị kiến và xác tín này, tôi đâm ghen tức đến độ không chịu nổi nữa, tôi muốn ôm choàng lấy những linh hồn khốn khổ này và giữ chặt trong lòng tôi. Tôi dâng họ lên Chúa Cha hằng hữu, thưa với Ngài rằng đã đến lúc Ngài phải ra tay bênh vực cho vị Hôn Phu của tôi, Ngài biết quá rõ chính Ngài đã hứa cho Hôn Phu của tôi mọi quốc gia làm sản nghiệp.
(Marie de l'Incarnation, Tự thuật 1654 - Ed. Janiet. Paris Québec 1930, II p309).

THÁNH PHANXICÔ XAVIE TẠI ẤN ĐỘ

Đây là lá thư tháng giêng 1545, thánh Phanxicô trình bày cách ngài truyền giáo tại các làng miền Travancore ( Nam Ấn). Nó có vẻ sơ lược và thiếu quan tâm hiểu biết văn hóa dân địa phuơng. Sau này tại Nhật, ngài sẽ bớt vội vã hơn, sẽ đòi hỏi các thừa sai phải được huấn luyện kỹ càng về trí thức để đương đầu với giới học thức Nhật Bản.

... Trong một tháng tôi đã rửa tội được hơn 10.000 người. Dây là phương pháp của tôi : khi tôi đến những làng ngoại giáo gọi tôi để giúp họ trở lại đạo, tôi quy tụ các ông và trẻ nhỏ trong làng tại một nơi và bắt đầu bằng công bố Danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, tôi yêu cầu họ làm dấu Thánh Giá ba lần và kêu cầu Ba Ngôi cùng tuyên xưng một Thiên Chúa. Tiếp theo tôi đọc kinh : tôi cáo mình cùng Thiên Chúa, rồi kinh Tin Kính, kinh 10 điều răn, kinh Lạy Cha, kinh Kính mừng, kinh Lạy Nữ Vương. Cách đây hai năm tôi đã dịch những kinh này ra tiếng của họ và tôi đã học thuộc lòng (...). Lần hổi mọi người lớn nhỏ đều lặp lại các kinh đó (...)

Đọc kinh xong, tôi cắt nghĩa các khoản phải tin và giới răn lề luật bằng tiếng của họ. Rồi tôi long trọng mời gọi họ xin Chúa tha thứ cho cuộc đời quá khứ...Giảng xong, tôi hỏi tất cả mọi người, đàn ông và trẻ em xem họ có tin thật từng khoản phải tin chăng. Tất cả đáp có. Và thế là tôi lớn tiếng đọc lại từng khoản. Sau mỗi khoản tôi lại hỏi xem họ có tin không, và họ khoanh tay hình thánh giá trên ngực, trả lời với tôi rằng có. Sau đó tôi rửa tội cho họ, ghi danh tánh từng người. Rồi các ông trở về nhà và gửi đến vợ cũng như gia đình của họ mà tôi cũng sẽ rửa tội cùng một cách mà tôi rửa tội các ông. Sau khi hoàn tất việc rửa tội, tôi phái họ đi phá các đền miếu họ để tượng thần, và khi họ đã là Kitô hữu, tôi bảo họ đập vỡ thàng từng mảnh các tượng ngẫu thần.
(Trích H.Bernard Maitre, St Francois Xavier et la recontre des Religions, Bloud et Gay 1960).

VIỆC TRUYỀN GIÁO TẠI TRUNG HOA

* Mateo Ricci, mẫu thừa sai mới

Cha Mateo đã dùng y phục của bậc sĩ phu, nhưng chủ yếu theo các quan thượng thư. Y phục này thực khiêm tốn với chiếc nón hơi khác với bên ta, có dạng giống hình thánh giá. Không phải chỉ bằng y phục. ngài dùng nhiều bài diễn thuyết để tỏ ra mình là người phổ biến luật thần linh. Vì tuy ngài hết mình bài bác các hệ phái ngẫu thần (Phật Giáo, Lão Giáo).

Nhưng với các nho sĩ, không những ngài không chê trách gì, lại còn ca ngợi đạo của họ không hết lời, và nhắc đến Đức Khổng Tử, Bậc Thánh Hiền ở chỗ người thà nín lặng về điều người không biết về thế giới bên kia, còn hơn là tạo ra những chuyện hoang đường, cũng như người đã đưa ra những đạo lý để mỗi người tu thân tề gia và trị quốc theo luật lệ và công bằng. Lối phục sức và đi đứng của cha nơi công cộng xem ra hoàn toàn mới mẻ, nhưng được giới nho sĩ nhiệt liệt hưởng ừng (...) Cha Mateo đã soạn một tập giản yếu giáo lý đạo Kitô bằng tiếng Hoa với những thích nghi chủ yếu dành cho lương dân.
(Nicolas TRIGAULT L'Histoire de l'Éxpédition Chrétienne au Royaume de la Chine, 1617, q IV, ch 7 éd.DDB 1978).

* Rửa tội trẻ em hấp hối tại Trung Hoa

Nhiều thừa sai rất nỗ lực rửa tội trẻ em sắp chết, bất kể gia đình và cộng đoàn. Một linh mục, sinh tại Bắc Kinh đã lên một dự án gửi một nữ ân nhân ở Âu Châu.

Không có năm nào, các nhà thờ Bắc Kinh của chúng tôi thôi, không đếm được 5 hay 6.000 trẻ em được thanh tẩy nhờ nước rửa tội ; mùa thu hoạch này nhiều hay ít tùy theo giáo lý viên chúng tôi có thể cấp dưỡng. Nếu có đủ số cần thiết, chúng tôi không chỉ chăm sóc các trẻ người ta đem tới ; họ còn có nhiều cơ hội thể hiện nhiệt tâm của mình, nhất là hằng năm vào kỳ bệnh đậu mùa hay các chứng bệnh dân gian sẽ cướp đi số trẻ em nhiều cách bất ngờ...

Người ta có thể xin các bà đỡ, cho các thiếu nữ công giáo theo họ. Vì thường dân Trung Hoa thấy không thể nuôi nổi gia đình đông đúc, họ yêu cầu các bà đỡ dìm các bé gái mới sinh chết ngạt trong chậu nước đầy. Như thế các nạn nhân khốn khổ do sự bần cùng của cha mẹ, ngay trong nước giết chúng mau lẹ và khủng khiếp, sẽ đạt được sự sống đời đời.
(Thư của cha ENTRECOLLES, Bắc Kinh 19.10.1720 Lettres édifiantes et curieuses, Garnier 1979 p216).

HUẤN DỤ THÁNH BỘ TRUYỀN GIÁO GỬI CÁC ĐẠI DIỆN TÔNG TÒA (1659)

Khi thiết lập chức đại diện tông tòa, Thánh Bộ đưa ra những chỉ thị sáng suốt, dù thực tế các chỉ thị được áp dụng không trọn vẹn lắm

Không nên cố gắng, cũng đừng viện các lý lẽ để thuyết phục các dân tộc này thay đổi lễ nghi, tập quán và phong tục của họ, trừ khi chúng trái ngược rõ rệt với tôn giáo và đạo đức. Còn gì phi lý hơn là đưa vào Trung Hoa một nước Pháp, Tây Ban Nha hay nước Ý hoặc một nước Âu Châu nào khác ? Đừng đưa vào nước họ đất nước chúng ta, mà là đức tin, đức tin này không hề khai trừ cũng như làm tổn thương đến những nghi lễ tập tục của bất cứ dân tộc nào, miễn là chúng không xấu xa đáng ghét, nhưng trái lại, đức tin đó muốn người ta gìn giữ bảo vệ chúng.

Điều đó nói lên rằng mọi người theo bản tính, đều quý trọng yêu mến và đề cao truyền thống cũng như quê hương họ lên trên tất cả. Đó là lý do mạnh nhất đòi phải xa lánh việc thay đổi phong tục riêng của mỗi quốc gia, nhất là những phong tục đã lưu hành lâu dài gợi nhớ đến tổ tiên.
(Trích Le Siège apostolique et les missions, Paris-Lyon, 1959, p16)

KHỞI ĐẦU KITÔ GIÁO TRIỀU TIÊN

Khi được rửa tội (do các cha tại Bắc Kinh) tôi chỉ hiểu biết rất sơ lược những gì phải biết (...) Trở về quê hương, tôi cấp bách tranh thủ nghiên cứu tôn giáo của mình qua những sách tôi mang về và rao giảng cho thân quyến bè bạn. Trong khóa học tôi gặp một nhà thông thái, ông đã có một cuốn sách nói về đạo chúng ta và đã thực thi nó trong nhiều năm. Chính ông dạy dỗ tôi, chúng tôi hỗ trợ nhau phục vụ Thiên Chúa và giúp người khác biết phụng sự Ngài, con số lên đến 1.000 người chấp nhận đức tin và sốt sắng xin rửa tội.

Theo lời khẩn khoản của mọi người, tôi rửa tội cho nhiều người theo nghi thức phép rửa tôi đã nhận tại Bắc Kinh. Vì những chuyện này mà bách hại bùng nổ , gia đình tôi chịu khốn đốn hơn hết : khiến tôi phải rời bỏ anh em của tôi trong Đức Giêsu Kitô. Nhưng để việc rửa tội không bị gián đoạn, tôi đặt hai người khác thế tôi. Một là vị thông thái đã nói trên, một là người đã chịu nhiều đau khổ vì bách hại, bị giam một năm và chết vào mùa thu 1785.

Đến mùa xuân 1786, các Kitô hữu hội lại để thảo luận cách thức xưng tội với nhau. Đã quyết định rằng Kia xưng tội với Y và Pin, chứ Kia và Y hay Y và Pin không thể xưng tội với nhau. Vào mùa thu năm đó, các Kitô hữu lại họp nhau và quyết định tôi sẽ dâng thánh lễ và ban phép thêm sức. Không những tôi làm theo yêu cầu của họ, tôi còn ban quyền dâng lễ cho 10 người khác nữa. Phần nghi lễ tôi giữ như các sách đã chỉ, còn các giờ kinh tôi bớt một ít và thêm vào một số khác.
André CHOI "Les origines du Catholicisme en Corée"

ĐỨC CLEMENT XI KẾT ÁN LỄ NGHI TRUNG HOA (1704)

3. Không được cho phép, bất cứ cách nào hay vì lý do gì, các tín hữu được chủ sự, tham gia nghi thức, kể cả tham dự, những buổi lễ quan trọng hay những buổi cúng tế quen cử hành theo định kỳ hằng năm đối với Khổng Tử và tiên nhân đã khuất, được xem như những nghi lễ đầy dị đoan.

7. Không thể cho phép tín hữu giữ bàn thờ tổ tiên theo phong tục Trung Hoa tại nhà riêng, bài vị có ghi : tọa vị của thần minh, hoặc âm hồn, mà người ta thường dùng để chỉ nơi hồn hay sinh linh người đã chết thỉnh thoảng đến an vị
Etiemble, les Jésuites en Chine, La querelle des rites (1552-1773).

TÁM ĐIỂM NỚI RỘNG (1721)

Với điều kiện tránh dị đoan, với lời phân trần không mê tín :

1/ Đặt bài vị mặt sau có lời phân trần.
2/ Thi hành lễ nghi với người quá cố theo phong tục.
3/ Cúng tế Đức Khổng.
4/ Phúng điếu hương nến cho nhà hiếu.
5/ Lạy trước bài vị có lời phân trần và linh cữu.
6/ Đặt cỗ bàn hoa trái trước bài vị đã sửa và linh cữu.
7/ Khấn lạy bài vị đã sửa lại dịp đầu năm.
8/ Đốt hương nến trước bài vị đã sửa lại.
Theo Bùi Đức Sinh LSGH II, p 135.

VIỆC CHO PHÉP THỜ CÚNG TỔ TIÊN

1. Nhật : Năm 1936, chính phủ Nhật muốn gây tinh thần quốc gia, bắt mọi người phải xá đầu dâng hương trước bàn thờ anh hùng quốc gia và các vị vua quá cố. Rôma liền hỏi đó là nghi lễ tôn giáo hay xã hội, chính phủ đáp : chỉ để tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân. Rôma liền cho phép.

2. Trung Hoa : Năm 1939 cũng có lệnh buộc mọi sinh viên học sinh phải dự lễ kính Đức Khổng. Roma cũng hỏi chính phủ Trung Hoa, đức Pio XII ra sắc dụ Summi Pontificus cho phép.

3. Việt Nam : Các giám mục xin đức Phaolô VI ngày 29.9.1964 và được phép áp dụng huấn dụ đã ra năm 1939 (Planne compertum est).

Sau lời mở, huấn dụ giải thích : "Các nghi lễ xưa bị cấm vì có liên hệ với nghi lễ tôn giáo, hiện nay vì tập quán và tâm lý thay đổi, chỉ còn ý nghĩa tỏ lòng hiếu thảo với tiền nhân, lòng ái quốc hay sự lịch thiệp với tha nhân..."
Thông cáo HĐGMVN, Linh mục Nguyệt San 1965 số 43.

THÔNG CÁO HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
VỀ VIỆC TÔN KÍNH TỔ TIÊN

.... Nhiều hành vi cử chỉ xưa, tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc với bên ngoài và vì tâm tình tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính với Tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ.

Những cử chỉ, thái độ nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho nó được diễn tả bằng các cử chỉ riêng biệt cho mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo từng trường hợp... (như treo ảnh, dựng hình, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, Tổ chức giỗ, kỵ ...) thì được thi hành và tham gia cách chủ động... (Đà lạt 14-6-1965).


1616    02-02-2011 07:16:12