Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Chương 11: Nước Kitô Thời Khủng Hoảng_Bài Đọc Thêm


BÀI ĐỌC THÊM

BẦU GIÁO HOÀNG CUỐI THẾ KỶ XIII

Năm 1268, các hồng y họp suốt 17 tháng mà không ai đạt 2/3 số phiếu. Người ta phải giữ (nhốt) các hồng y không cho vị nào rời phòng họp, vua Louis IX thì gửi tối hậu thư thúc giục, còn dân chúng có khi rỡ mái lâu đài giữa mùa mưa gây áp lực, yêu cầu các ngài bầu cử cho nhanh hơn. May mắn thay giáo hoàng đắc cử là một vị thánh, đức Gregorio X (1271-76).

Năm 1292, cuộc họp bầu giáo hoàng cũng mất gần hai năm, mới đưa lên được một đan sĩ 80 tuổi là đức Celestino V. Có điều vị giáo chủ ẩn sĩ này, choáng váng trước những xung đột chính trị đã xin thoái vị để được về rừng sâu. Mười một ngày sau, đức Bonifacio VIII đắc cử, vị giáo hoàng của lâu đài Anagni.

CHIẾN TRANH TRĂM NĂM

Ba người con trai của Philippe le Bel là Louis X, Philippe V và Charles IV đều không có con nối dõi, ngai vàng được chuyển giao cho Philippe VI em họ của các cậu. Công chúa Isabelle em gái các cậu trước đã cưới hoàng tử Anh và sinh hạ Edouard III. Nhân vụ tranh chấp mua bán vải vóc tại Flandre, Edouard III tự xưng là vua nước Pháp và đem quân xâm lấn. Chiến tranh trăm năm có bốn giai đoạn :

+ 1340-64 : Anh chiếm khoảng 1/4 nước Pháp.
+ 1364-80 : Pháp tái chiếm gần hết.
+ 1380-1422 : Vì nội chiến Pháp mất 1/2 lãnh thổ.
+ 1422-52 : Nhờ thánh nữ Jeanne d'Arc Pháp ủng hộ, Charles VII đuổi Anh ra khỏi bờ cõi, chỉ trừ Pas-de-Calais.

Sau chiến tranh trăm năm, quân đội hai bên đều tiến bộ, giai cấp thị dân tiến lên ngang hàng với quí tộc và tăng lữ ; tinh thần quốc gia ngày càng được nâng cao.

TƯ LIỆU LIÊN QUAN ĐẾN ANAGNI

* Philippe xác định quyền của mình (1297)

Sự điều hành các việc trần thế trong vương quốc chỉ thuộc duy đức vua chứ không thuộc ai khác. Vị này không nhận quyền từ ai cả, không phải vâng phục bất cứ ai trong tất cả mọi vấn đề trần thế thuộc nước mình.

* Bonifacio VIII trong nghị hội

Các vị tiền nhiệm của chúng ta đã truất phế ba hoàng đế Pháp, điều đó còn ghi rõ trong sử biên niên của Pháp và của ta. Vì vua Pháp hiện nay đã phạm những điều tổ tiên y đã phạm, nên nếu không hối cải, ta cũng phải đau buồn truất ngôi y như một đứa con xấu.

* Thông điệp Unam Sanctam

(...) Giáo hội thánh và duy nhất, chỉ có một thân thể, một đầu chứ không thể có hai đầu như quái vật, đầu đó là Đức Kitô và Phêrô, đại diện đức Kitô và các đấng kế vị Phêrô (...) Thế quyền phải vâng phục thần quyền (...). Nếu quyền trần gian sai lạc, quyền thiêng liêng sẽ thẩm xét, nếu quyền thiêng liêng cấp dưới sai lạc, sẽ có quyền cao hơn phán định. Nếu quyền tối cao sai lạc, chỉ có Thiên Chúa chứ không phải con người phán xét được (...). Quyền này tuy được con người thể hiện, nhưng là quyền do Chúa chứ không do con người (...) Vì thế, chúng tôi tuyên ngôn và công bố rằng : việc vâng phục giáo chủ Roma là tuyệt đối cần thiết cho ơn cứu độ của mỗi người.

* Bản cáo trạng đức Bonifacio VIII của Nogaret

Tôi khẳng định cá nhân bị cáo, biệt danh Bonifacio không phải là giáo hoàng. Y không qua cửa mà vào nên phải coi là tên trộm cắp. Tôi khẳng định y đã công khai lạc đạo, mại thánh đáng kinh tởm như chưa từng có từ tạo thiên lập địa đến bây giờ. Cuối cùng tôi khẳng định kẻ gọi là Bonifacio đã phạm những tội ác to lớn, rõ rệt và bất khả chữa trị . Cần phải có một công đồng chung để phán xét và kết án y.
(JC Để đọc LSGH I,p 179)

MARSILIUS DE PADUA (1275-1342)

Viện trưởng đại học Paris từ 1313

Con người liên kết với nhau để sống thỏa mãn, giúp nhau tìm kiếm và trao đổi các sản phẩm (...). Các ông hoàng hành động theo luật và quyền được ủy thác, chính là qui luật và thước đo của mọi hành vi dân sự.

(...) Giáo hội là toàn thể những người tin và kêu cầu Danh Đức Kitô... Các tác vụ,linh mục, giám mục, phó tế thôi chưa phải là Giáo Hội... Đức Kitô ấn định quyền kêu gọi, điều tra, thẩm định, giải quyết và kết án, là quyền thuộc về toàn thể tín hữu làm thành một cộng đoàn là công đồng chung.
(Defensor Pacis; theo Pacaut, trong Théocratie, p280-282)

PÉTRAQUE THÓA MẠ AVIGNON

Avignon, Babylon vô đạo, địa ngục của người sống, ỗ tội lỗi nhơ nhớp, cống rãnh của địa cầu. Tại đây người ta không thể thấy đức tin lẫn đức ái, không tôn giáo, không có lòng kính sợ Chúa lẫn liêm sỉ, không có gì ngay chính, không có gì thánh thiện, dù đó là trú sở của Giáo hoàng, với điện thờ và đổn lũy (...)

Các hồng y, thay vì là những tông đồ đi chân không, đã trở thành những kẻ sa hoa, cỡi ngựa phủ toàn vàng, hàm thiếc cũng vàng. Và nếu Chúa không cản tội  xa hoa ấy, chẳng bao lâu giày họ cũng bằng vàng. Người ta thấy các ngài như những vị vua Ba tư hay xứ Parthes, mà họ phải tôn thờ và họ không dám đến gần với hai bàn tay trắng.
(JC Để đọc LSGH I. 181)

HƯỚNG NHÌN ĐẠI KẾT
(Theo Roger Aubert, Introduction Générale trong bộ Nouvelle Histoire de l'Eglise, T.I)

Đừng quên rằng những Giáo hội tách rời Roma vẫn tiến triển. Đức Pio XI có nói : "Các mẩu tách khỏi đá có vàng, vẫn có vàng". Do đó Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, tuy cách lìa khỏi Una Sancta, vẫn mang theo mình gia sản chung là Thánh Kinh và phép rửa. Đôi khi họ cũng duy trì tất cả các bí tích cũng như hàng giám mục. Ở đó vẫn được nuôi dưỡng bằng những giá trị Kitô giáo tích cực. Hơn nữa, đôi khi có thể họ còn đánh giá chính xác hơn một số nội dung, họ thấy là quan trọng cách đơn phương, nhưng qua thời gian được biện minh là tích cực.

Từ đó người ta sẽ thấy rằng, tuy Roma bảo toàn qua các thời đại điều chủ yếu của gia sản thánh được Đức Kitô ủy thác vẫn có thể được phong phú hơn nhờ tiếp xúc với những anh em ly giáo, chờ ngày hòa hợp, ngày người ta được thấy tất cả đều đoàn tụ trong một tổ ấm.

Trích : THƠ CHUNG 1980 ĐẠI HỘI GIÁM MỤC VIỆT NAM

SỐ 7 : HỘI THÁNH VÌ LOÀI NGƯỜI

Bởi vậy, sứ mạng của Hội Thánh không những là đem Phúc âm và ân sủng của Chúa Kitô đến cho nhân loại, mà còn đem tinh thần Phúc âm thấm nhuần và hoàn thiện những thực tại trần thế (TĐGD.5). Không có sinh hoạt nào của con người lại xa lạ đối vớ sứ mạng của Hội Thánh, và ngược lại, không có sinh hoạt nào của Hội Thánh, không liên quan tới tất cả cuộc sống con người. Lời rao giảng Tin Mừng và các cử hành bí tích đem ân sủng của Thiên Chúa vào đời sống con người, còn sinh hoạt trần thế của tín hữu, đem thực tại của con người đến với Thiên Chúa. Do đó, đối với người tín hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với tha nhân, và hơn nữa đối với chính Thiên Chúa, khiến phần rỗi đời đời của mình bị đe dọa" (MV 43).

Tóm lại, sứ mạng của Hội Thánh là tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã đem đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để phục vụ tất cả loài người. Đúng như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã giải thích trong thông điệp "Đấng Cứu Chuộc con người" rằng: "Con người là con đường của Hội Thánh". Nghĩa là tất cả mọi con đường của Hội Thánh đều dẫn tới con người" (ĐCCCN.14). Đây cũng là điểm gặp gỡ giữa Hội Thánh và xã hội trần thế, vì dù "tin hay không tin, mọi người đều phải góp phần xây dựng thế giới cho hợp lý, vì họ cùng chung sống trong thế giới này" (MV 21,6).

SỐ 15 : QUÁ KHỨ HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI ( . . . )

Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình. Đừng nhìn về quá khứ với mặc cảm và phán đoán tiêu cực. Lịch sử luôn pha lẫn ánh sáng và bóng tối, cũng như đời sống của những người con Chúa vẫn có cả ân sủng và tội lỗi. Nhưng, dựa vào tình thương của Chúa Cha, dựa vào Lời ban sự sống của Đức Giêsu Kitô và sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta hãy mạnh dạn nhìn vào hiện tại và tin tưởng ở tương lai.

Chúng ta có giáo lý của công đồng Vaticano II như luồng gió mát của Chúa Thánh Thần thổi trong Hội Thánh : Chúng ta tự hào là công dân của nước Việt Nam anh hùng, độc lập thống nhất ; và trong đà phát triển chung của cả nước, chúng ta được tình đồng bào thông cảm giúp đỡ trong khối đại đoàn kết dân tộc, nên chúng ta hãy hân hoan chu toàn sứ mạng vinh quang của mình (...)


1543    02-02-2011 05:13:29