Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Chuỗi Mân Côi và Khoa Học

Mời bạn đọc nghe 3 chuyện kể sau đây:

 

Câu chuyện thứ 1:

Trên tuyến xe lửa đi  Paris, có một sinh viên trẻ ngồi cạnh một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ rút trong túi áo ra một cỗ tràng hạt Mân Côi và chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng không thể nào chịu nổi, anh ta mạnh dạn lên tiếng :

- Thưa Ông, Ông còn vẫn tin vào những chuyện nhảm nhí thế à ?.

Cụ già thản nhiên trả lời:

- Đúng vậy, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao ?

Người thanh niên xấc xược trả lời :

- Lúc nhỏ tôi có tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin vào những chuyện nhảm nhí ấy được, bởi vì khoa học đã mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi và hãy học hỏi những khám phá mới của khoa học, rồi ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến nay đều là những chuyện nhảm nhí hết.

Cụ già nhỏ nhẹ hỏi người sinh viên :

- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học, liệu cậu có thể giúp tôi hiểu được chúng không ?

 Người sinh viên nhanh nhẩu trả lời :                                                 

- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi sách vở đến cho Ông, rồi ông sẽ say mê đi vào thế giới phong phú của khoa học cho mà xem.

Cụ già từ từ rút trong túi ra một tấm danh thiếp và trao cho người sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, người sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi:"Louis Pasteur, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Paris".

 

Được biết, Louis Pasteur – nhà bác học Pháp sống ở thế kỷ 19, cha đẻ của lý thuyết lên men, vi khuẩn, và vaccin trừ bệnh chó dại.

Khi Ông mất, chính phủ Pháp tổ chức quốc tang và trên đường linh cữu ông đi qua, từng đám người quỳ xuống chan hoà nước mắt.

Trong lịch sử, ít có nhà bác học nào mà nhân loại tỏ lòng biết ơn sâu sắc như thế. Vậy mà nhà bác học vĩ đại này đã say mê, sùng kính tràng hạt Mân Côi.

 

Câu chuyện thứ 2:

Người ta kể rằng trên một chuyến tàu lửa từ Paris về Lourdes (Lộ Đức), một sinh viên hỏi cụ già ngồi bên cạnh đang lần hạt Mân Côi rằng:                                                                        

 - Thưa cụ, chắc cụ biết ông Pascal chứ ?                           

- Có, ông này thì tôi biết, biết rõ là đàng khác.

- Đã đến thời duy lý của Pascal rồi mà cụ còn lần chuỗi hạt nữa sao ?

- Thế cậu đã gặp Pascal lần nào chưa ?                           

- Dạ, thưa cụ chưa ạ.                                                      

- Thế thì tôi là Pascal đây, người đang nói chuyện với cậu đó.

 

Cũng vậy, Blaise Pascal là là nhà toán họcvật lý, nhà phát minh, nhà triết học, và thần học Công giáo người Pháp ở thế kỷ 17. Ông qua đời trước 2 tháng nữa là tròn 39 tuổi.

 

Câu chuyện thứ 3:

Nhà bác học André-Marie Ampère, nhà vật lý người Pháp ở thế kỷ 18-19, người đã sáng lập ra môn điện từ học. Ngồi trong nhà thờ, miệng lâm râm lần hạt Mân Côi trước sự ngỡ ngàng của bao nhiêu người. Ông là người đã phát minh ra đơn vị đo cường độ của dòng điện, được mang tên của ông là ampère.

Chính nhà văn Ozanam, người đã thấy Ampère lần hạt và ông ngượng nghịu quỳ xuống bắt chước; sau này đã thường nói với mọi người: "Tràng hạt của ông Ampère đã ảnh hưởng mạnh vào đời sống tôi hơn tất cả những cuốn sách đạo và bài giảng".

 

Khoa học và đức tin, phải chăng là hai thái cực đối nghịch. Làm thế nào để dung hòa đức tin và khoa học ?

“Đức tin Công giáo không trái nghịch với lý trí. Trái lại nó kiếm tìm sự hiểu biết, nó được thao luyện với lý trí, nó suy tư, mời gọi suy tư và nâng đỡ khoa học để mưu cầu thiện ích của con người”. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 8.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng thứ tư 21-11-2012 trong đại thính đường Phaolô VI.

 

Thật vậy, đức tin đưa con người tới chỗ khám phá ra rằng cuộc gặp gỡ của con người với Thiên Chúa trao ban giá trị, hoàn thiện và nâng cao những gì là chân thiện mỹ hiện hữu nơi con người. Trong khi Thiên Chúa tự mạc khải và để cho mình được hiểu biết, con người biết Thiên Chúa là ai, và khi hiểu biết Thiên Chúa con người khám phá ra chính mình, khám phá ra cội nguồn, vận mệnh, sự cao cả và phẩm giá cuộc sống của mình. 

Đức Tin cho phép một sự hiểu biết đích thật lôi cuốn toàn con người: đó là một sự hiểu biết trao ban hương vị cho cuộc sống, một việc hưởng nếm mới mẻ sự hiện hữu, một kiểu sống tươi vui trong thế giới.

Đức tin được diễn tả ra qua việc trao ban chính mình cho tha nhân, trong tình huynh đệ khiến cho con người liên đới với nhau, có khả năng yêu thương, chiến thắng sự cô đơn làm cho con người buồn sầu. Nhưng sự hiểu biết này về Thiên Chúa qua đức tin không phải chỉ là trí tuệ mà sống động. Đó là sự hiểu biết Thiên Chúa Tình Yêu, nhờ chính tình yêu của Người. Thế rồi tình yêu của Thiên Chúa mở mắt và cho phép con người hiểu biết tất cả thực tại, vượt qua các viễn tượng trang nghiêm nhất của chủ nghĩa cá nhân, và khuynh hướng chủ quan đánh lạc hướng các lương tâm.

Vì thế, sự hiểu biết Thiên Chúa là kinh nghiệm đức tin và đồng thời bao gồm một lộ trình trí thức và luân lý: được đánh động trong chiều sâu bởi sự hiện diện của Thần Khí Đức Giêsu nơi chúng ta, chúng ta thắng vượt các chân trời của sự ích kỷ và rộng mở cho các giá trị đích thật của cuộc sống.

 

Triết gia Jean Guitton (Pháp) đã nói: “Tôi luôn hoài nghi. Chính vì hoài nghi mà tôi có được óc phê bình, nhờ đó mà tôi có thể tin vững chắc”.

Tuy nhiên, liệu chúng ta có quyền xử dụng óc phê bình trong lòng tin hay không ?

Dẫu muốn hay không, thì trong quá trình của lòng tin, chúng ta thường gặp rất nhiều nghi ngờ như văn sĩ G. Bernanos (Pháp) đã nói: “Tin là hai mươi bốn giờ nghi ngờ trong một ngày, trừ những giây phút trông cậy”.

Làm sao chúng ta có thể dung hòa được giữa khoa học và tôn giáo, giữa lý trí và đức tin ? Nếu phân tích, chúng ta sẽ thấy điểm cuối cùng của khoa học và đức tin đều nhắm tới chính là Thiên Chúa, tuy nhiên phương pháp sử dụng thì khác biệt nhau.

 

Phương pháp của khoa học là phương pháp thực nghiệm, đi từ những sự việc cụ thể, để rồi dần dần tiến đến cùng Thiên Chúa, là tác giả của những sự việc cụ thể ấy.

Trong khi đó, đức tin thì xuất phát từ Thiên Chúa dựa vào những điều Ngài mạc khải, Ngài tỏ lộ để tìm biết về Ngài. Cũng theo Jean Guitton (Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp, thế kỷ 20), thì: Phải làm sao cho lý trí biết để tin, và nhất là làm cho lòng tin trở nên có lý. 

 

Thật thế, Thiên Chúa đã không cứu rỗi thế giới bằng một hành động quyền năng, nhưng qua sự nhục nhã của Người Con duy nhất của Người: Theo các thước đo của con người trần gian, cách thực hiện bất thường của Thiên Chúa trái nghịch với các đòi hỏi của sự khôn ngoan Hy lạp. Nhưng thập giá của Chúa Kitô có một lý do của nó, mà thánh Phaolô gọi là ”lời của thập giá” (1 Cr 1,18). Ở đây từ logos vừa ám chỉ lời nói vừa ám chỉ lý do, và nếu nó ám chỉ lời nói, thì bởi vì nó diễn tả bằng từ điều lý trí suy nghĩ. Như vậy, thánh Phaolô không trông thấy nơi Thập Giá một biến cố vô lý, nhưng một hành động cứu rỗi có lý lẽ riêng của nó, có thể nhận ra đưới ánh sáng đức tin. Đồng thời người tin tưởng nơi lý trí con người tới độ kinh ngạc đối với sự kiện nhiều người, cho dù trông thấy vẻ đẹp của các công trình do Thiên Chúa làm, mà vẫn cứng lòng không tin nơi Chúa. Thánh Phaolô khuyên tín hữu Roma chiêm ngưỡng các công trình tạo dựng để nhận ra quyền năng của Thiên Chúa (Rm 1,20). Còn thánh Phêrô khích lệ các tín hữu thờ lạy ”Chúa Kitô trong trong tâm trí và luôn luôn sẵn sàng trả lời cho những ai hỏi lý lẽ niềm hy vọng nơi họ” (1 Pr 3,15).

 

Có thể nói được là tương quan giữa khoa học và đức tin như sau:

Việc tìm tòi khoa học đưa tới sự hiểu biết sự thật luôn luôn mới mẻ về con người và vũ trụ. Thiện ích đích thật của nhân loại, có thể đạt tới trong đức tin mở rộng chân trời, trong đó con đường khám phá của nó phải di chuyển. Do đó, cần khuyến khích các nghiên cứu nhằm phục vụ sự sống và tiêu diệt các bệnh tật. Các tìm tòi nhằm khám phá ra các bí mật của hành tinh chúng ta và của vũ trụ cũng quan trọng, trong ý thức rằng con người là tuyệt đỉnh của việc tạo dựng, không phải để khai thác thiên nhiên một cách vô ý thức mà để canh giữ và khiến cho nó có thể ở được. 

 

Như vậy đức tin không xung khắc với khoa học, trái lại cộng tác với nó, bằng cách cống hiến các tiêu chuẩn nền tảng giúp thăng tiến thiện ích của tất cả mọi người, và chỉ yêu cầu khoa học khước từ các thử nghiệm trái nghịch với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa và gây ra các hiệu qủa chống lại con người.

Nếu khoa học là một đồng minh quý báu của đức tin giúp hiểu biết chương trình của Thiên Chúa trong vũ trụ, thì đức tin cho phép tiến bộ khoa học luôn luôn hiện thực vì thiện ích và sự thật về con người, bằng cách trung thành với chính dự án ấy. Đó là lý do định đoạt để con người rộng mở cho đức tin, hiểu biết Thiên Chúa và chương trình cứu độ nơi Đức Giêsu Kitô.

 

CÁT BIỂN

1646    19-05-2015 08:18:09