Sidebar

Thứ Bảy
04.05.2024

Chúa Nhật XXVIII TN A_2

CHIẾC ÁO CƯỚI MANG NHÃN HIỆU GIÊSU
Mt 22, 1-14

Với dụ ngôn "tiệc cưới", Tin mừng hôm nay muốn khép lại những thắc mắc hay đúng hơn là những hạch hỏi sách nhiễu do các thượng tế và kỳ mục Dothái đưa ra nhằm "hạ bệ" Chúa Giêsu, nhưng đồng thời đó cũng là dụ ngôn- cách nào đó, Chúa Giêsu muốn gửi đến không chỉ cho giới thượng tế và kỳ mục, mà còn cho hết mọi thành phần dân Chúa với lời nhắn : Hãy duyệt xét lại lời mời tham dự bàn tiệc Nước Thiên Chúa và không ngừng chuẩn bị cho mình có được bộ y phục lễ cưới trong ngày trọng đại ấy.

Mở đầu dụ ngôn, Chúa Giêsu sánh ví Nước Trời như bữa tiệc cưới của hoàng tử diễn ra trong triều đình. Tiệc cưới trong đám thường dân đã là việc trọng đại huống gì là tiệc cưới của bậc vua chúa trong triều. Tin hoàng tử kết hôn được loan đi cùng với đó là "thiệp hồng" báo tin ngày thành hôn của hoàng tử cũng được gửi đến tất cả các bậc vị vọng trong triều đình cũng như các quan cận thần. Để tránh cho quan khách sự cố do lu bu nhiều chuyện mà quên việc đại sự, nhà vua còn cẩn thận sai đầy tớ đến từng nhà để mời họ tới. Những tưởng trước sự quý mến và hết mực tha thiết của vua, quý quan khách sẽ mau mắn đáp lại, thế nhưng họ tỏ ra ù lỳ, không chịu đến.


Trước sự khinh thường của các nhân vật hệ trọng, nhà vua không tỏ ra khó chịu, tức giận hay ngã lòng. Trái lại, ông nhẫn nại sai những đầy tớ khác đến với họ một lần nữa và lần này thông điệp ông muốn gửi đến họ là lời mời cách khẩn thiết và rõ ràng : "Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến tham dự tiệc cưới". Còn lời tha thiết nào hơn những lời mà nhà vua vừa gửi đến cho những nhân vật VIP này. Thế nhưng họ chẳng thèm đếm xỉa. Chưa hết, đã không đếm xỉa, khinh thường lời mời của nhà vua thì thôi, đàng này họ lại bắt đầy tớ vua sỉ nhục và giết chết nữa chứ. Thật là tội tày đình. Bởi thế việc vua nổi cơn thịnh nộ cũng là điều dễ hiểu.


Rõ ràng thái độ phạm thượng của đám người "ưu tuyển" này đã không vì thế làm cho tiệc cưới nhà vua đang tổ chức cho hoàng tử vắng khách. Trái lại, từ khắp các ngả đường, đủ mọi thành phần chứ không còn thành phần ưu tuyển nữa, tất cả đều được mời vào tham dự tiệc cưới. Phòng cưới chật ních khách. Thế nhưng trong bữa tiệc đó, chúng ta thấy có một người không mặc y phục lễ cưới bị nhà vua tra hỏi. Điều này xem ra vô lý vì trước đó, nhà vua cho đầy tớ ra các ngả đường gặp ai bất luận tốt xấu đều mời vào cả, vậy tại sao vua lại tra vấn anh ta vì anh ta không mặc y phục lễ cưới? Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy dụ ngôn nói đến việc anh này "câm miệng không nói được gì" trước sự tra vấn của nhà vua. Tại sao như vậy? Chúng ta có thể lý giải thế này. Hẳn nhiên anh ta không nằm trong số bị ép vào dự tiệc, vì nếu bị ép, anh ta đã lên tiếng khống chế rồi. Như thế anh là người được nhà vua mời trước, nhưng vì lôi thôi, thiếu sự chuẩn bị nên đến giờ vào tiệc cưới, chiếc áo lẽ ra đã được chuẩn bị từ lâu nay lại không có.


Nếu bữa tiệc cưới được nhà vua thết đãi tượng trưng cho Nước Trời thì y phục lễ cưới tượng trưng cho một lối sống chuẩn mực, phù hợp với công dân của nước ấy. Đành rằng "chiếc áo không làm nên thầy tu", nhưng qua cách ăn mặc, cách nào đó chúng ta cũng thấy được tính cách của người đó. Như thế, y phục lễ cưới mà dụ ngôn muốn nhắm đến là gì? Được Thiên Chúa mời gọi vào bàn tiệc nước Thiên Chúa là một hồng ân, nên cách nào đó, chiếc áo mà chúng ta cần phải có chính là một đời sống phù hợp với những yêu cầu đòi hỏi cơ bản mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện. Chiếc áo đó chính là đời sống của Đức Kytô như thánh Phaolô đã từng nhắc nhở các giáo đoàn của ngài. Qua bí tích rửa tội, mỗi người chúng ta trở nên con người mới, nghĩa là con người được tái tạo trong Đức Kytô qua cái chết và phục sinh của Người. Chính vì thế, thánh Phalô khuyên chúng ta vì đã trở nên "con người mới", nên chúng ta cần phải "mặc lấy Đức Kytô", nghĩa là cần phải được biến đổi theo hình ảnh của Người (x. Gl 3, 27.28; Ep 4, 24). Như thế, chiếc áo mà chúng ta mặc cần phải được biểu lộ không chỉ nơi đời sống cá nhân của mỗi người mà còn phải tỏ hiện trước mặt cộng đồng nữa. Cho hay, mặc lấy Đức Kytô chính là mặc lấy sự công chính, mặc lấy sự thánh thiện và ngược lại, không mặc lấy Đức Kytô cũng đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không thể trả lời câu chất vấn như nhà vua đã đặt ra cho anh chàng dự tiệc không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn hôm nay.


Tạ ơn Chúa vì Kytô hữu- qua bí tích rửa tội, chúng ta được Thiên Chúa "gửi thiệp hồng báo tin" tham dự tiệc cưới Nước Trời. Chính vì thế cuộc sống nơi trần thế là thời gian để chúng ta dệt nên "chiếc áo con người mới" và "chiếc áo mang nhãn hiệu Đức Kytô" được thêm công chính và thánh thiện. Có như thế, ngày vào bàn tiệc thiên quốc sẽ là ngày chúng ta hân hoan tiến bước, đồng bàn với Đức Vua, với Hoàng Tử Giêsu chứ không phải là ngày "câm miệng không nói được gì", là ngày khốn cùng, bị đẩy vào nơi "khóc lóc và nghiến răng".

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI
Mt 22, 1-14

Chúa Giêsu trong cuộc sống loan báo Nước Thiên Chúa Cha đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả Nước Trời. Nước Thiên Chúa giống như tiệc cưới, viên ngọc quí, thủa vườn vv và vv...Nước Trời là Đức Kitô, là chính Thiên Chúa. Chúa nhật này, phụng vụ xoay quanh chủ đề tiệc cưới.

Đoạn Tin mừng của thánh Matthêu 22, 1-22 làm nổi bật ý nghĩa sự hân hoan, vui mừng của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã dùng bữa tiệc để rao giảng Tin mừng của Người. Nước Trời giống như một tiệc cưới. Chúa Giêsu dùng hình ảnh tiệc cưới để nói lên niềm vui của Nước Trời, Chúa dùng hình ảnh này nhiều nhất để diễn tả Nước Thiên Chúa. Chúa Giêsu mặc cho tiệc cưới một ý nghĩa đặc biệt. Chúa đã biến nước lã thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana khi gia đình nhà đám đã hết rượu va khi cuộc vui chưa tàn. Chúa dự tiệc với Lêvi, với Giakêu và dự tiệc với nhiều người thu thuế. Những người tội lỗi, những người thấp cổ bé họng, Chúa đều đồng bàn với họ và chia sẻ niềm vui với họ. Chúa đồng bàn với người tội lỗi, Chúa không từ chối lời mời của những người Biệt phái và Pharisiêu, những người danh giá, giầu có. Chúa chia sẻ bữa ăn với chị em Martha, Maria và Lagiarô tại Bêtania. Chúa lập phép thánh thể vào chiều thứ năm tuần thánh cũng trong một bữa ăn. Khi sống lại Chúa đồng bàn với hai môn đệ trên đường Emmaus. Chúa hiện ra trên bờ hồ, chuẩn bị bữa ăn cho các môn đệ, rồi Chúa cùng chia sẻ miếng bánh, miếng cá với các môn đệ.


Bữa tiệc mang ý nghĩa cao sâu nói lên tình liên đới, sự hiệp thông, yêu thương, chia sẻ. Tin mừng Matthêu 22, 1-14 gồm hai dụ ngôn, thánh sử Matthêu gồm lại thành một: vua mời dự tiệc, người được mời không có áo cưới. Vua mời dự tiệc, vua là chính Thiên Chúa. Tiệc cưới tượng trưng cho việc Thiên Chúa gặp gỡ con người. Các gia nhân đi mời khách tiêu biểu cho các ngôn sứ. Có nhiều gia nhân nghĩa là có nhiều ngôn sứ đã bị đánh đập, hành hạ, giết chết. Vua thịnh nộ sai quân lính đi tru diệt và thiêu hủy thành phố của chúng, tượng trưng cho thành Giêrusalem bị tàn phá. Sự tàn phá và tru diệt là hậu quả của sự từ khước lời mời gọi của vua. Thực khách là những người Do Thái vốn trung thành với lề luật, trung tín với Giao ước xưa, nhưng vì họ từ chối lời mời dự tiệc. Do đó, những đĩ điếm, những khách lạ ở khắp nơi được mời dự tiệc cưới. Chúa muốn qua dụ ngôn này cho nhân loại và con người hiểu rằng những thượng tế, kỳ mục, biệt phái và luật sĩ, những người có thế giá trong đạo lúc đó không chấp nhận theo Chúa, không nghe lời giảng dậy của Chúa lại còn hãm hại Chúa và những người theo Chúa. Trong khi đó, đám đông dân chúng lại theo Chúa rất nhiệt tình. Chiếc áo cưới mà những người được mời phải mặc vào khi dự tiệc cưới là những tâm tình liên đới, yêu thương, chia sẻ, gặp gỡ, trao ban, người khách phải có mới thuộc về Nước Trời.


Kitô giáo là đạo yêu thương, đạo vui mừng. Mặc áo cưới không chưa đủ. Theo đạo, mang nhãn hiệu là Kitô hữu không chưa đủ, chưa chắc để vào Nước Trời. Chúa đã từng nói:"
Không phải những ai kêu lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời...". Đạo công giáo là đạo tình thương. Người Kitô hữu phải sống cái cốt lõi của đạo là Tin mừng, chứ không chỉ sống hời hợt bề ngoài mà quên đi cái lõi tủy là tình thương của Chúa. Thiên Chúa qua Con của Ngài là Đức Kitô đã muốn ban ơn cứu độ cho mọi người. Người Kitô hữu không chỉ tự mãn cho mình là người của Giáo Hội là đã đạt được Nước Trời. Con người có là gì là do lòng thương xót của Chúa chứ không do công đức, công trạng của con người làm ra. Đi theo Chúa, lãnh nhận Nước Trời, người Kitô hữu phải có tâm hồn hoán cải, thống hối, ăn năn, trở về với Chúa, họ mới đạt được Nước Trời.

Lạy Chúa xin cho chúng con biết mến chuộng, tôn kính và năng rước Chúa vào lòng, xin cho chúng con luôn biết biến cả cuộc đời chúng con thành sự gặp gỡ, chia sẻ và yêu thương, nhờ đó chúng con cảm nghiệm được cách sâu xa niềm vui của Nước Trời.

Lm Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT


MẶC ÁO CƯỚI

Mt 22, 1-14

Đọc dụ ngôn tiệc cưới, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu thương của Thiên chúa. Thiên chúa mời con người dự tiệc cưới Con của Người. Điều đó chứng tỏ Thiên chúa yêu thương con người.

Đó là một tình yêu
nhưng không.

Thiên chúa là vị Vua cao sang. Ta chỉ là đám tiện dân hèn hạ. Sao Chúa lại mời ta. Theo lẽ thường ở đời người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Một bữa tiệc thường có mục đích củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời vị vọng để khi hữu sự cần nhờ. Vua Trời mời tiện dân hèn hạ thì có lợi gì. Không những hèn hạ mà còn đui, què, mẻ, sứt nữa. Ta là những hạng rác rưởi của xã hội, chẳng có gì đền đáp cho chủ nhân. Chẳng đem lại một chút vinh dự nào cho chủ nhân. Thế mà Người vẫn mời ta. Rõ ràng là do tình yêu thương của Người. Đó là tình yêu nhưng không. Người không mong ta có gì đền đáp. Người mời ta chỉ vì yêu thương ta mà thôi.


Đó là một tình yêu
chia sẻ.

Thiên chúa tràn đầy vinh quang không còn thiếu thốn gì. Tại sao Người mời những con người hèn hạ vào Nước Trời làm gì cho thêm bận. Thưa vì Thiên chúa là tình yêu. Tình yêu của Người vô biên nên Người khao khát chia sẻ. Người vô cùng tốt lành nên Người muốn thông ban hạnh phúc cho loài người. Tình yêu mãnh liệt khiến Người nảy sinh những sáng kiến kỳ diệu. Cho Con Một cưới lấy bản tính loài người để nâng loài người lên. Mời gọi loài người vào hưởng hạnh phúc với Người. Nâng loài người hèn hạ lên bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng loài người tôi tớ lên hàng con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với các vị thần thánh trên trời.


Chẳng có gì có thể giải nghĩa được thái độ của Thiên chúa. Chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và hoàn toàn vô vị lợi. Tình yêu muốn chia sẻ hết những gì mình có. Tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu. Mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.


Tôi phải mặc áo cưới tới dự.


Tình yêu Thiên chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng tự do. Trước lời mời gọi của Thiên chúa, tôi có thể nhận lời hoặc chối từ. Khi dọn tiệc, Chúa mong tôi tới dự. Khi mở rộng cửa trời, Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi trả lời. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi đền đáp. Tuy nhiên, nhận lời đền đáp đòi phải có điều kiện. Đến dự tiệc phải mặc áo cưới.


Mặc áo cưới là mặc lấy
nhân phẩm. Được mời vào dự tiệc cưới Con Vua, tôi không còn là phường rác rưởi của xã hội nữa. Tôi đã được Chúa trân trọng, nâng lên ngang hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới ở đây là tự trọng, cư xử như người tự do. Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, tôi phải trân trọng giữ gìn.

Mặc áo cưới là mặc lấy
tình yêu. Vì yêu thương Chúa đã mời tôi vào chung hưởng hạnh phúc với Người trong tiệc cưới. Đáp lại, tôi phải có tình yêu mến đối với Người. Tình yêu đáp đền tình yêu. Mặc áo cưới là trân trọng tình yêu của Chúa, là muốn đáp lại tình yêu của Chúa

Mặc áo cưới là mặc lấy
Đức Kitô (x, Gl 3, 27). Được ơn cứu độ, ta trở thành em của Đức Kitô, vì thế ta phải noi gương Người mặc lấy tâm tình người con được Cha yêu thương và biết lấy tâm tình hiếu thảo đáp lại tình Cha. Mặc lấy Đức Kitô cũng là mặc lấy con người mới là hình ảnh của Thiên chúa công chính và thánh thiện (x.Ep 4, 24).

Thiên chúa yêu thương mời gọi ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời. Đáp lại, ta phải đổi mới đời sống cho phù hợp với Nước Chúa, với tình yêu của Chúa và với địa vị mới của ta.


Lạy Chúa, xin cho con biết mạnh dạn đáp lại lời Chúa mời gọi.

Gm Giuse Ngô Quang Kiệt

TIỆC CƯỚI
Mt. 22,1-14

Thánh Kinh Cựu Ước thường dùng bữa tiệc, nhất là tiệc cưới để diễn tả niềm vui, hạnh phúc, trong đó mọi lo toan, mọi buồn phiền đều được giải thoát, chỉ còn là vui mừng hoan lạc (Is.25,6-10a). Tiệc cưới ấy mọi người được mời gọi tham dự, bất kể giầu nghèo, tốt xấu (Mt.22,1-14). Tuy nhiên, muốn được hưởng niềm vui trọn vẹn không dễ, cần phải có ơn Chúa ban "vì tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi" (Phil.4,12-14).

Quả là phụng cụ Lời Chúa, Chúa Nhật 28 hôm nay rất liên kết và nhất quán, từ bài đọc I đến bài đọc III và cả Đáp Ca nữa đều nói về bữa tiệc. Tuy nhiên trong bài Tin Mừng Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn để nói với tính giả Do Thái, chúng ta thấy có những điều gây thắc mắc, đó là thái độ của ông vua lẫn khách được mời dự tiệc rất kỳ quặc, khó hiểu.


Điều khó hiểu trước tiên là thái độ của khách mời: Bình thường khi được các vị vọng mời dự tiệc, khách được mời sẽ rất hãnh diện, đi khoe mọi người. Ở đây không phải là một chức sắc nhưng là nhà vua có quyền sinh sát mời dự tiệc, và cũng không phải là tiệc bình thường mà là tiệc cưới cho Hoàng Tử. Như thế họ phải vô cùng hãnh diện, mong tới ngày đó biết bao! Vậy mà những khách được mời ở đây lại không hãnh diện và không sợ quyền hành của vua, họ đưa ra nhiều lý do rất tầm thường để khước từ : đi buôn, thăm ruộng...tệ hơn nữa, họ không đến dự tiệc lại còn hành hạ những nhân viên đi mời và giết đi.


Điều khó hiểu thứ hai là hành động của ông vua: Ông mời khách đến mấy lần, mời đi mời lại, năn nỉ họ tham dự. Ông còn tỏ ra hào phóng là thu nạp mọi người, bất luận tốt xấu, giầu nghèo. Thế nhưng khi thấy một thực khách không mặc y phục lễ cưới thì đòi ra lệnh trói chân tay, bỏ vào nơi tối tăm bên ngoài mà khóc lóc nghiến răng. Thật vô cùng khó hiểu!!!


Thật ra khi nói dụ ngôn, Chúa Giêsu cố ý đưa ra những điều bất thường khó hiểu, để những thính giả Do Thái phải phản tỉnh, nghĩ đến họ và tổ tiên họ, để nhận ra sự " quái gở" của cha ông họ, cũng như bản thân họ. Họ cũng như tổ tiên họ được ưu đãi, nhưng đã chẳng tiếp nhận đặc ân lớn lao đó còn ngược đãi sứ giả của Đấng ưu đãi mình. Chúa Giêsu đã không nói thẳng mà dùng dụ ngôn, tạo ra những điều bất bình thường, khó hiểu gần như không thể xẩy ra trong thực tế. Điều ấy chắc hẳn Ngài muốn cho người nghe thấm cảm về sự bất bình thường của những người khách được mời. Có như thế khi biết dụ ngôn áp dụng cho chính họ, họ mới thấm thía được cái " quái gở" của bản thân mình.


Tiệc cưới mà Chúa Giêsu đưa ra muốn ám chỉ đến Nước Trời tại thế là Hội Thánh, mọi người được mời tham dự bất luận lành dữ. Hiển nhiên kẻ không mặc áo cưới thuộc vào hạng người dữ, nên mới bị đuổi ra ngoài và ném vào nơi tối tăm, chỗ khóc lóc. Như thế áo cưới là điều cần phải có để được hưởng ơn cứu độ, đừng tưởng cứ gia nhập Hội Thánh là được hưởng ơn cứu độ đâu. Vì Hội Thánh trần gian có cỏ lùng mọc bên cạnh lúa tốt, nên sẽ có sự lựa chọn ngay trong hàng ngũ các kẻ tin. Họ đã được mời, nhưng không phải vì thế mà họ đương nhiên được vĩnh viễn cứu thoát. Số người được gọi rất đông, có nghĩa là người ta để cho nhiều kẻ đi vào mà không phân biệt ai, không đặt một điều kiện nào cả. Họ chẳng cần giữ luật Môsê, chẳng cần phải cắt bì, vì lối vào, được mở rộng thênh thang. Nhưng việc tự do gia nhập này không làm nên một bảo đảm, vào trong cộng đòan Hội Thánh chẳng có nghĩa là vào Nước Trời của thời thế mạt đâu.


Phần chúng ta, Chúa Thánh Thần là sứ giả của Thiên Chúa mời chúng ta đến kết hợp với Ngài, ta đối xử với sứ giả của Thiên Chúa như thế nào? Hàng ngày Ngài mời gọi chúng ta tham dự bàn tiệc Thánh, chúng ta có thường dùng lý do này lý do nọ để thoái thác không ? Hãy sống theo Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ cảm thấy không còn luật lệ nào ràng buộc, ngoại trừ luật của tình yêu. Chúa Thánh Thần sẽ dẫn chúng ta vào con đường mở rộng, con đường của tự do để gặp gỡ Đấng là nguồn mạch sự sống.


Lạy Chúa, xin cho chúng con ca đảm dứt bỏ mọi vấn vương thế trần, để đáp lại lời mời gọi tham dự tiệc thánh hàng ngày, để nhờ của ăn thần diệu là Mình Máu Chúa, chúng con được sức mạnh đỡ nâng trên hành trình về Trời.

Sr Mai An Linh, OP

MỘT TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN
Mt 22, 1-14

Đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe là dụ ngôn thứ ba trong loạt ba dụ ngôn mà Đức Giêsu nói với các Thượng Tế và những người đứng đầu trong dân Do Thái tại Giêrusalem. Nếu như ở dụ ngôn hai người con (x. Mt 21, 28-32) tuần 26, Đức Giêsu cho thấy việc làm theo ý Thiên Chúa là điều quan trọng; và dụ ngôn: "Tá điền vườn nho" (x. Mt 21, 33-43), tuần 27 vừa qua là lời cảnh cáo: "Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông và sẽ được ban cho một dân làm ra hoa quả" (Mt 21, 43), thì dụ ngôn "Tiệc cưới" hôm nay, Ngài cho thấy sự ứng nghiệm của lời cảnh báo đó. Những người khách được mời trước đã từ chối, thì bị tru diệt. Đồng thời, cũng từ giây phút này, một viễn tượng mới được mở ra với lệnh truyền của nhà vua: "Các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Như thế, Tin mừng giờ đây không còn bị giới hạn trong dân tộc Do Thái nữa, nhưng sẽ được trao cho muôn dân, cho tất cả những tâm hồn thiện chí.

Một Tin mừng cho muôn dân. Điều này đã được ngôn sứ Isaia báo trước cách đó hơn 600 năm. Lúc bấy giờ, dân Do Thái đang phải lưu đày tại đế quốc Babilon. Đất nước bị mất vào tay dân ngoại, đền thờ bị tàn phá, dân Chúa tưởng chừng như không còn gì để hy vọng. Niềm tin vào Giavê Thiên Chúa bị lung lay. Họ không biết Thiên Chúa sẽ thực hiện lời hứa ban Đấng Messia như thế nào. Nhưng chính giữa cảnh lưu đày đau thương đó, ngôn sứ Isaia đã loan báo một tin vui, đem lại niềm hy vọng lớn lao cho họ: "
Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân, và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người" (Is 25, 7-8). Không chỉ giải thoát dân Do Thái trở về, đem lại tự do cho họ, nhưng Thiên Chúa còn làm cho họ trở nên một dân lớn, và muôn dân trên khắp thế giới sẽ nhận biết Ngài là Thiên Chúa. Lúc đó, "Chúa các đạo binh sẽ thết đãi tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon" (Is 25, 6).

Như thế, Giavê Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa của một dân tộc Do Thái, nhưng là Chúa của muôn dân; và thực khách trong bữa tiệc của Ngài không chỉ là dân Israel, nhưng là toàn thể các dân tộc. Mọi dân tộc sẽ được hưởng sự chăm sóc, yêu thương của Ngài như cảm nghiệm của thánh vương Đavít trong bài đáp ca: "
Chúa chăn dắt tôi, nên tôi không thiếu gì; Người cho tôi nằm trong đồng cỏ xanh tươi. Người đưa tôi nghỉ ngơi nơi bờ suối nước; Chúa dọn bàn tiệc đãi tôi trước mắt quân thù tôi" (Tv 22, 1-2. 5a).

Dù vậy, đây cũng chỉ mới là một lời loan báo, một lời hứa. Năm 587, dân Do Thái đã được hồi hương. Thế nhưng, từ nơi lưu đày trở về họ vẫn tiếp tục bị các đế quốc Ba Tư, rồi Hy Lạp, và La Mã đô hộ. Do đó, dân Israel vẫn tiếp tục chờ mong bữa tiệc thịnh soạn mà ngôn sứ Isaia đã loan báo.


Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, lời hứa của ngôn sứ Isaia đã được thực hiện. Chính Ngài là Đấng qui tụ muôn dân để thết đãi họ một bữa tiệc. Điều này được Đức Giêsu diễn tả qua dụ ngôn tiệc cưới trong bài Tin mừng hôm nay. Thực khách của bữa tiệc này, trước hết là dân Do Thái, một dân tộc đã được tuyển chọn. Thế nhưng họ đã từ chối. Tin mừng ghi lại thái độ của họ như sau: "
Nước Trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến". Thậm chí, họ còn "không đếm xỉa gì và bỏ đi". Dân tộc Do Thái, một dân đã được vinh dự mời đến dự tiệc cưới của một vị hoàng tử, có tên gọi là Giêsu, nhưng họ đã không nhận ra hồng ân này. Họ đang còn bận rộn với những công việc thường ngày của họ: "Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán". Họ đã từ chối Người hảo ý của nhà vua. Thậm chí, họ còn "bắt các đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi". Họ đã phải trả giá đắt cho hành vi vô ơn, bội nghĩa của mình, nhà vua đã "sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó". Đúng là "rượu mừng không uống, lại muốn uống rượu phạt".

Dân được chọn đã từ chối mà tiệc cưới thì không thể không có thực khách, nhà vua đã nói với các đầy tớ: "Các ngươi hãy ra các ngã đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới". Như thế, thực khách của bữa tiệc này đã không còn bị giới hạn. Tất cả mọi người đều được mời vào để dự bữa tiệc đã được đã được dọn sẵn. Và "
phòng cưới chật ních khách dự tiệc". Một dân mới được thiết lập để thay cho dân cũ. Dân mới này chính là Giáo Hội. Giáo Hội là dân mới được Đức Giêsu thiết lập để thay thế cho dân cũ đã từ chối Ngài. Mọi người đều được mời gọi vào Giáo Hội "bất luận tốt xấu" để tham dự tiệc cưới của Con Chiên tinh tuyền là Đức Kitô (x. Kh 19, 7-9) nơi bàn tiệc Thánh Thể.

Tuy nhiên, để thực sự xứng đáng với bữa tiệc này, mỗi người cần có "
y phục lễ cưới".

"
Y phục lễ cưới" chính là điều kiện duy nhất cho người tham dự bữa tiệc vui này, bất kể đó là nam hay nữ, giàu hay nghèo, bất kể màu da, ngôn ngữ, sắc tộc hay tuổi tác. Tất cả nếu muốn tham dự bàn tiệc này cần có "y phục lễ cưới". Khi cho gọi tất cả đủ mọi hạng người vào dự tiệc cưới, nhà vua không đặt ra cho họ một điều kiện nào ngoài "y phục lễ cưới".

Chiếc áo cưới này phải chăng là một đời sống công chính trong Đức Kitô. Mỗi người được mời gọi vào Giáo Hội nhờ phép Rửa, không đương nhiên là được cứu độ. Vào ngày lãnh nhận phép Rửa, chắc hẳn quý ông bà anh chị em còn nhớ lời căn dặn của thừa tác viên:
"Con hãy nhận lấy chiếc áo trắng này và hãy mang lấy và gìn giữ nó tinh tuyền cho đến khi ra trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta". Như thế, muốn xứng đáng là một thực khách trong bữa tiệc của Thiên Chúa, mỗi người chúng ta phải mặc lấy Đức Kitô, hay nói theo cách nói của thánh Phaolô, chúng ta phải "mặc lấy con người mới" (x. Ep 4, 24; Cl 3, 10). Giữ chiếc áo trắng ngày Rửa Tội cho thật tinh tuyền cho đến mãn đời, quả thật là điều khó, nếu không muốn nói là vượt quá khả năng tự nhiên của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta biết trông cậy vào Thiên Chúa thì lại là chuyện khác, thánh Phaolô xác tín: "Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi".

Mỗi lần tham dự Thánh Lễ là mỗi lần, chúng ta được mời đến dự bàn tiệc của Thiên Chúa, bàn tiệc Thánh Thể. Thế nhưng chúng ta đã đáp lại lời mời này của Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta có cảm thấy niềm vui và vinh dự khi được đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể không? Hay là chúng ta cũng như những người Do Thái vẫn dửng dưng với lời mời gọi này. Chúng ta nghĩ rằng rước lễ cũng được mà không rước cũng chẳng sao. Số phận của những người từ chối hôm nay là một lời nhắc nhở cho từng người chúng ta. Mặt khác, để có thể rước lễ một cách xứng đáng, mỗi người chúng ta cũng cần có "
y phục lễ cưới", nghĩa là giữ tâm hồn sạch khỏi mọi tội trọng và dọn mình chu đáo.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi người chúng ta mau chóng đáp lời mời đến tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Đồng thời cũng mặc lấy áo cưới là tâm hồn sạch tội. Nhờ đó, chúng ta sẽ hưởng được niềm vui sung mãn trong bữa tiệc của Thiên Chúa
. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn (nguồn vietcatholic.org)

2914    06-10-2011 16:07:24