Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật XXVII Thường Niên - Lễ Đức Mẹ Mân Côi năm 2014

1. Đức Chúa Ở Cùng Bà
2. Kinh Mân Côi và Giáo Hội
3. Xin Vâng
4. Suy Niệm của Đức Cha GB. Bùi Tuần
5. Tôi Là Nữ Tỳ Của Chúa
6. Kinh Mân Côi
7. Thánh Mẫu Mân Côi
8. Lễ Đức Mẹ Mân Côi
9. Suy Niệm của Trọng Hương
10. Lễ Mẹ Mân Côi
11. Mân Côi: Khỉ Cứu Mặt Trăng
12. Tôi Là Nữ Tỳ Của Chúa
13. Lễ Đức Mẹ Mân Côi
14. Mai Khôi : Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý
15. Canh Tân Đời Sống, Lần Chuỗi Mân Côi
16. Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi
17. Vị Thánh Của Kinh Mân Côi
18. Kinh Mân Côi
19. Suy Niệm của Nguyễn Văn Nội
20. Maria Đấng Đầy Ân Sủng

1. Đức Chúa Ở Cùng Bà

Con người hôm nay mệt mỏi, lo âu, căng thẳng, vội vã. Chuỗi Mân Côi làm lòng ta lắng xuống, thanh thản bình an để chiêm ngắm cuộc đời Chúa Giêsu và ca ngợi Mẹ.


Kính Mừng Maria đầy ơn phúc.

Đây là lời sứ thần chào Mẹ lúc truyền tin, lời mời Mẹ vui lên vì ơn cứu độ nay đã đến.

Mẹ đầy ơn phúc vì được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương. Tình thương Chúa chở che Mẹ ngay từ lúc chưa chào đời, và tình thương ấy còn bao bọc Mẹ mãi mãi.

Mẹ được tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Mẹ được giữ gìn khỏi vết nhơ nguyên tội.
Chúng ta được dự phần vào niềm vui và ân phúc của Mẹ vì chúng ta cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu thương được tẩy xóa nguyên tội để trở nên thụ tạo mới.

Đức Chúa Trời ở cùng Bà.

Trong Cựu Ước, có bao người được Thiên Chúa ở cùng, để rồi được Ngài sai đi phục vụ Dân Chúa. Nhưng Thiên Chúa ở cùng Mẹ một cách độc nhất vô nhị.

Khi được đầy tràn Thánh Thần và cưu mang Ngôi Lời, Mẹ trở nên như Hòm Bia, như Đền Thánh, nơi vinh quang Thiên Chúa hiện diện giữa con người.

Nhiều lần trong mỗi Thánh Lễ, vị linh mục chúc chúng ta: Chúa ở cùng anh chị em.Kitô hữu là người có Đức Kitô ở cùng và được mời gọi đem Ngài đến cho thế giới.

Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ.

Đó là lời bà Êlisabét ca ngợi Mẹ (Lc 1, 42) vì chỉ mình Mẹ được diễm phúc sinh hạ Đấng Mêsia. Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm (Lc 11, 27).

Nhưng sau đó bà Êlisabét còn ca ngợi Mẹ có phúc vì đã tin Chúa sẽ thực hiện điều Ngài nói với Mẹ (Lc 1, 45).

Tin là dám buông đời mình trong tay Chúa và để Ngài dẫn đi trong đêm tối của lòng tin.
Mọi tín hữu đều được mời sống hành trình đức tin như Mẹ, để được cùng Mẹ chung hưởng hạnh phúc: "Phúc cho ai không thấy mà tin" (Ga 20, 29)


Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời.
Chỉ Thiên Chúa là Đấng Thánh và là nguồn mọi sự thánh thiện.

Mẹ được chia sẻ sự thánh thiện ấy cách tuyệt vời, vì Mẹ được chọn làm Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, và vì chẳng ai thực thi ý Chúa trọn vẹn như Mẹ.


Chúng ta chẳng được diễm phúc sinh ra Đức Giêsu, nhưng chính Ngài lại mời gọi ta làm mẹ của Ngài: "Mẹ tôi và anh em tôi là những ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21).
Khi thực thi Lời Chúa trong cuộc sống, chúng ta sinh Đức Giêsu cho nhân loại hôm nay. Ngài vẫn cần những người mẹ để có mặt đến tận thế.

Chẳng có gì Đức Maria được hưởng cách viên mãn, mà Hội Thánh và từng người lại không được dự phần.
Xin Mẹ cầu cho ta khi này và trong giờ lâm tử.


Gợi Ý Chia Sẻ
• Bạn có khi nào lần chuỗi không? Bạn có biết lần chuỗi không? Bạn có thấy lần chuỗi là một cách cầu nguyện nhẹ nhàng và lắng đọng không?

• Bạn nghĩ gì về Đức Mẹ? Đức Mẹ có phải là Đấng ở trên cao và xa lạ với bạn, hay là Đấng rất gần bạn trong cuộc sống đức tin?

Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.

Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.


Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

2. Kinh Mân Côi Và Giáo Hội

Kinh Mân côi là một việc đạo đức của Giáo hội Công giáo.

Thực vậy, trước hết các Đức Giáo Hoàng, nhất là các Đức Giáo Hoàng gần đây nhất, đã không ngừng kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi, nơi mỗi cá nhân cũng như trong các gia đình.

Chẳng hạn Đức Thánh Cha Piô IX đã khuyên nhủ chúng ta hãy lần chuỗi mỗi buổi tối trong gia đình. Cũng chính ngài đã xác định :

- Kinh Mân côi là một kho tàng quý giá nhất của Giáo hội. Tiếp đến Đức Thánh Cha Lêô XIII đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lần hạt, và người ta đã gọi ngài là vị Giáo Hoàng của kinh Mân côi. Ngài đã xuất bản khoảng 12 thông điệp nói về Kinh mân côi, ấy là không kể đến 8 văn kiện khác nữa, chính ngài đã thiết lập tháng Mân Côi và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu : Nữ vương rất thánh Mân côi, cầu cho chúng con.

Đức Thánh Cha Piô X cũng nhắc bảo chúng ta :
- Nếu các con muốn cho gia đình được bình an, thì hãy lần hạt mỗi buổi tối.

Đức Thánh Cha Piô XI cũng đồng quan điểm ấy khi ngài viết:
- Chúng tôi khuyên các bậc làm cha làm mẹ hãy tập cho con cái mình thói quen lần chuỗi. Mỗi lần tiếp kiến các đôi vợ chồng trẻ, chúng tôi đều khuyên nhủ họ hãy siêng năng lần chuỗi. Ngay cả chúng tôi nữa, không ngày nào mà chúng tôi không lần chuỗi.

Đức Thánh Cha Piô XII cũng đã khuyên nhủ các bạn trẻ :
- Hãy yêu mến Mẹ qua việc lần chuỗi Mân côi.

Năm 1951 ngài đã ra thông điệp về Kinh Mân côi, ngài xin các tín hữu hãy lần chuỗi gấp đôi trong tháng Mân côi. Trong một lần tiếp kiến, ngài nói với một vị Giám mục :
- Hãy yêu cầu các linh mục của ngài cầu nguyện và hãy nói cho họ biết : Đức Thánh Cha vẫn lần chuỗi mỗi ngày.

Khi về già, trước lúc đi ngủ, dù là nửa đêm, ngài cũng vẫn lần chuỗi. Đức Thánh Cha Gioan XXIII, ngay trong năm đầu của triều đại, ngài cũng đã ra một thông điệp về Kinh Mân côi.

Xem đó chúng ta thấy các Đức Thánh Cha đều nhất trí về sự tuyệt hảo của Kinh Mân côi và mong muốn mọi tín hữu hãy siêng năng lần chuỗi. Và các tín hữu đã đáp trả lời mời gọi khẩn thiết ấy. Từ đông sang tây, từ bắc xuống nam, đâu đâu người ta cũng lần chuỗi.

Tôi xin kể lại mẫu gương của thày Patrick Peyton.
Thày là một đại chủng sinh bị đau yếu trầm trọng. Các bác sĩ đều bó tay. Trong âm thầm, mẹ thày đã cầu nguyện và xin được chết thay cho thày. Và sự thực đã xảy ra. Người mẹ chết và thày được sống. Sau khi thụ phong linh mục và để tạ ơn Đức Mẹ, thày đã dâng hiến trọn cuộc đời cho việc loan truyền sứ điệp Fatima bằngcách thành lập một tu hội với lời dốc quyết lần chuỗi mỗi ngày. Tu hội này ngày nay có trên mười triệu người gia nhập. Họ thường đọc kinh chung với những người khác trong nhà thờ, nơi xưởng thợ và trong những môi trường khác nhau.

Có những trường đại học bên Mỹ vẫn lần chuỗi mỗi ngày để cầu cho những người tội lỗi ăn năn. Có những chương trình lần chuỗi trên truyền thanh, truyền hình vào những giờ giấc nhất định, để những người Công giáo có thể hợp ý cầu nguyện, dù ở nhà, trong xe hơi hay đang làm việc.

Bởi vậy, hãy siêng năng lần hạt để thực thi lệnh truyền của Mẹ, để đáp trả lại những lời mời gọi của các Đức Thánh Cha và nhất là để chúng ta được Mẹ yêu thương và chúc phúc.

3. Xin Vâng

Bài Tin Mừng hôm nay kết thúc bằng hai tiếng "Xin Vâng" của Đức Mẹ. Hai tiếng "Xin Vâng" thật đơn sơ nhỏ bé, nhưng lại có ảnh hưởng lớn lao.

Trước hết hai tiếng "Xin Vâng" có ảnh hưởng tới chương trình của Thiên Chúa.

Thiên Chúa có chương trình tốt đẹp cho loài người. Nhưng để chương trình ấy thành công, cần có sự tham gia, đồng thuận, vâng phục của con người. Chúa muốn con người được hạnh phúc. Nhưng nếu con người từ chối, Thiên Chúa không thể ban hạnh phúc cho con người. Chương trình đầu tiên của Chúa đã thất bại vì ông bà nguyên tổ không vâng lời Chúa. Ông bà nguyên tổ đã nghe ma quỷ hơn nghe Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm theo ý riêng hơn làm theo ý Chúa. Trái lại Đức Mẹ đã tham gia, đã đồng ý, đã vâng phục, nên chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Kế hoạch cứu độ loài người của Thiên Chúa nhờ hai tiếng "Xin Vâng" của Đức Mẹ mà thành công.

Hai tiếng "Xin Vâng" của Đức Mẹ vọng lại hai tiếng "Xin Vâng" của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Vì vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã vui lòng xuống thế làm người. Hôm nay, khi Đức Mẹ nói tiếng "Xin Vâng" với thiên thần, Đức Giêsu cũng nói "Xin Vâng" với Đức Chúa Cha. Với hai tiếng "Xin Vâng", Đức Mẹ khai thông chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Sau hai tiếng "Xin Vâng", Ngôi Hai xuống thế làm người, tượng thai trong lòng Đức Mẹ.

Hai tiếng "Xin Vâng" có ảnh hưởng tới cả cuộc đời
Hai tiếng "Xin Vâng" nghe thật bé nhỏ, khiêm tốn, nhưng ảnh hưởng tới cả cuộc đời Đức Giêsu và Đức Mẹ. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã từ trời xuống thế, như lời thánh vịnh : "Máu chiên bò, Chúa không ưng. Của lễ toàn thiêu, Chúa không nhận. Thì này Con đến để làm theo ý Cha". Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận con đường bé nhỏ, khiêm nhường. Vì vâng lệnh Đức Chúa Cha, Đức Giêsu vui lòng chịu chết, chết nhục nhã trên cây thánh giá : "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho Con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý Con, chỉ xin vâng ý Cha mà thôi".

Cũng vậy, khi nói tiếng "Xin Vâng" với thiên thần, Đức Mẹ ràng buộc tất cả đời mình vào chương trình của Thiên Chúa. Vì xin vâng mà phải sinh con trong hang đá nghèo nàn. Vì xin vâng mà phải trốn chạy sang Ai Cập. Vì xin vâng mà chấp nhận lời tiên tri Simêon : "Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tim bà". Vì xin vâng mà theo Đức Giêsu trên khắp các nẻo đường truyền giáo. Vì xin vâng mà phải đứng dưới chân thập giá, chịu mọi đau đớn, khổ nhục với con, dường như cùng chết với con vậy.

Như thế, để nói tiếng "Xin Vâng" với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói "không" với chính mình. Để một lần nói "Xin Vâng với Thiên Chúa, Đức Giêsu và Đức Mẹ phải nhiều lần nói "không" với chính mình. Tiếng "Vâng" lớn thành hình nhờ những tiếng "không" nhỏ bé. Ý Chúa được thể hiện nhờ biết bỏ ý riêng. Chương trình lớn thành công nhờ những hy sinh bé nhỏ âm thầm.

Khi tạo dựng nên ta, Chúa đã có chương trình cho mỗi người chúng ta. Đó chính là chương trình tốt đẹp nhất. Nhưng nếu ta không cộng tác, thì chương trình ấy không thực hiện được. Để chương trình của Chúa được thực hiện, ta hãy noi gương Đức Mẹ, nói tiếng "Xin Vâng" với Chúa. Hãy biết bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa. Hãy biết bỏ chương trình riêng để đi vào chương trình của Chúa. Hãy xin vâng khi vui. Hãy xin vâng khi buồn. Hãy xin vâng khi hạnh phúc. Hãy xin vâng khi đau khổ. Hãy noi gương Đức Mẹ, xin vâng trong ngày truyền tin vui tươi, và xin vâng cả khi đứng dưới chân thập giá đau buồn. Xin vâng từng giây phút trong cuộc đời. Khi chương trình của Chúa được thực hiện, ta sẽ được hạnh phúc và đem hạnh phúc cho những người chung quanh ta.

Lạy Mẹ, xin dạy con hai tiếng XIN VÂNG như Mẹ. Amen.

4. Suy Niệm của Đức Cha GB. Bùi Tuần

Tháng Mân Côi và NHỮNG BÔNG HỒNG NGOẠI

Hằng năm, tháng 10 là thời gian Hội Thánh dành riêng để tôn kính Đức Mẹ. Cách tôn kính truyền thống trong tháng này là cầu nguyện theo kinh Mân Côi.

Năm nay, thời cuộc gợi ý cho tôi tôn kính Đức Mẹ trong tháng Mân Côi này một cách hơi độc đáo. Đó là dâng lên Mẹ những bông hồng thiêng hái từ vùng đất ngoài công giáo.

Xưa, nhiều người ngoại đạo đã được Chúa Giêsu khen ngợi vì họ ngoại đạo mà sống đạo rất tốt. Thực là phải lẽ, nếu coi những người ấy là những bông hồng ngoại trong Nhà Chúa.

Nay, nhiều người ngoại đạo cũng rất đáng được khen ngợi, vì họ sống Phúc Âm còn tốt hơn người công giáo. Chúng ta nên coi họ là những bông hồng ngoại trong Nước Trời.

Ở đây, tôi chỉ nêu lên vài trường hợp người ngoại, mà Chúa Giêsu đã khen, và tôi gọi là bông hồng ngoại. Từ đó mỗi người chúng ta sẽ nhận ra những người ngoại giống như họ đang sống xung quanh ta. Tìm ra rồi, ta sẽ cùng Đức Mẹ dâng những bông hồng thiêng đó lên Chúa với lòng cảm tạ ngợi khen.

1/ Bông hồng ngoại toả hương thơm đức tin
Phúc Âm thánh Matthêu kể: "Khi Đức Giêsu vào thành Caphácnaum, có một viên đại đội trưởng đến gặp Ngài và nài xin: 'Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm'. Chúa Giêsu nói: 'Chính tôi sẽ đến chữa nó'. Viên đại đội trưởng đáp: 'Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi sẽ được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: Đi, là nó đi, bảo người kia: Đến, là nó đến, bảo người nô lệ của tôi: Làm cái này, là nó làm'. Nghe vậy, Đức Giêsu ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Ngài rằng: 'Tôi bảo thật các ông, tôi không thấy một người Ítraen nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Ápraham, Ixaác và Giacóp trong Nước Trời. Còn con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng vào chỗ tối tăm bên ngoài. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng'. Rồi Đức Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng: 'Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy'. Và ngay giờ đó, người đầy tớ ông được khỏi bệnh" (Mt 8,5-13).

Trong câu chuyện trên đây, chính Chúa Giêsu đã tôn vinh đức tin viên sĩ quan ngoại giáo. Một đức tin khiêm tốn, một đức tin đơn sơ, một đức tin mạnh mẽ vững bền.

Đức tin như thế vẫn nhận thấy hiện nay nơi nhiều người ngoài công giáo. Họ có thể là những người quyền quý. Nhưng phần đông họ sống cảnh nghèo, bệnh tật. Có người như chìm sâu dưới đáy vực thẳm thất vọng hoặc trong đường hầm tăm tối. Nhưng một số người trong họ vẫn can đảm phấn đấu. Sau cùng họ đã tìm được lối thoát. Nhờ niềm tin vào Đức Mẹ.

Họ biết rất sơ sài về Đức Mẹ. Nhưng họ tin tuyệt đối vào Đức Mẹ. Tôi nghĩ là chính Đức Mẹ đã ban cho họ niềm tin. Niềm tin ấy ví tựa cây hoa hồng, mà Đức Mẹ gieo trồng và chăm sóc. Chúng ta hãy đứng bên họ, để cùng họ ca ngợi tình Mẹ xót thương.

2/ Bông hồng ngoại toả hương thơm đức ái
Trong Phúc Âm thánh Luca, khi nêu gương sáng về bác ái, Chúa Giêsu đã chọn một người ngoại giáo. Người đưa ra dụ ngôn với những chi tiết cụ thể.

Một người bị bọn cướp trấn lột, bị trọng thương, nằm bất động bên vệ đường. Mấy vị chức sắc tôn giáo đi qua, nhìn thấy cảnh đó, nhưng bỏ đi. Sau cùng, một người ngoại đạo cỡi ngựa đi qua, thấy vậy, đã xuống ngựa, và chăm sóc cho nạn nhân một cách rất chu đáo (x. Lc 10,30-35).

Hồi đó, dụ ngôn trên đây có lẽ đã làm buồn lòng những người theo đạo Chúa, vì Chúa Giêsu không tìm gương bác ái nơi họ, mà lại đưa một người ngoại để làm gương.

Thời nay, tình hình có khác. Người có đạo vốn coi việc thực thi bác ái là bổn phận căn bản của đạo. Nhưng không vì thế, mà khẳng định được rằng: Trên thực tế, mọi người công giáo, mọi miền công giáo, đều nêu gương sáng về bác ái.

Phải thành thực mà nhận rằng: Hương thơm bác ái đã và đang toả ra một cách rõ ràng và hấp dẫn từ nhiều cá nhân, nhiều nhóm, nhiều tổ chức ngoài công giáo.

Không thiếu người kể cả người công giáo, tại Việt Nam hôm nay, dám làm chứng rằng: Trong nhiều trường hợp khó khăn, họ đã nhận được tình yêu thương giúp đỡ từ những người ngoài công giáo. Họ tưởng mình đã bị loại trừ, nhưng họ đã gặp được những cái nhìn, những bàn tay, những tình nghĩa chân thành cứu họ từ một thế giới không phải là công giáo.

Riêng tôi, tôi nhìn những chứng nhân bác ái đó là những bông hồng thơm đẹp. Thời nay việc bác ái là cách sống đạo có sức thuyết phục. Chúng ta hãy cùng Đức Mẹ mà dâng họ lên Chúa là nguồn tình yêu.

3/ Bông hồng ngoại toả hương thơm biết ơn
Phúc Âm thánh Luca thuật lại rằng: "Lúc Chúa Giêsu vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: 'Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!' Thấy vậy, Đức Giêsu bảo họ: 'Hãy đi trình diện với các tư tế'. Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samari. Đức Giêsu mới nói: 'Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?" (Lc 17,12-18).

Biết ơn là một đức tính nhân bản rất được tôn trọng khắp nơi. Riêng tại Việt Nam, lòng biết ơn được coi như một yếu tố tôn giáo truyền thống.

Biết ơn phải được thực hiện bằng những việc cụ thể, với những nhân tố cụ thể.
Mọi người công giáo Việt Nam hôm nay đều ý thức điều đó và cố gắng thực thi điều đó. Nhưng, biết đâu lời Chúa Giêsu phiền trách xưa vẫn còn đúng một cách nào đó nơi này người nọ tại Hội Thánh ta.

Trái lại, lòng biết ơn lại là một thứ bông hồng thơm đẹp dễ gặp được ở nhiều người ngoại đạo. Chính vì thế, mà chúng ta sát lại bên họ, để hiệp thông, và để cùng Đức Mẹ cảm tạ Thiên Chúa là Cha chung mọi người.

Tới đây, chắc mọi người đã hiểu được ý hướng của tôi về tháng Mân Côi năm nay. Hình thức vẫn như cũ. Nhưng tinh thần thì mở rộng ra. Mục đích để chúng ta gần lại các người ngoài công giáo với tinh thần trân trọng khiêm tốn. Thời sự hiện nay mời gọi chúng ta thực thi điều đó.

5. Tôi Là Nữ Tỳ Của Chúa

Nhân vật chủ yếu mà thánh Luca muốn trình bày trong bài Tin Mừng trên đây là chính Đức Giêsu. Ngài là Con Đấng Tối Cao, là Vua Mêsia (c.32-33). Ngài là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa (c.35). Thiên Chúa muốn Con Ngài vào đời làm người, nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo. Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương. Thiên thần gọi cô là Đấng đầy ân sủng, là người được Đức Chúa ở cùng (c.28), là người đẹp lòng Thiên Chúa (c.30). Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời ngay từ trước khi làm mẹ Đức Giêsu. Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của cô Maria. Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô" (c.35). Maria hẳn đã phải suy nghĩ trước khi chấp nhận làm mẹ theo một cách thức lạ lùng đến thế.

Lời mời gọi nào của Thiên Chúa cũng gây xáo trộn những dự định và tính toán riêng tư. Nếu Maria đã khấn sống khiết tịnh, thì nay Thiên Chúa lại muốn cô làm mẹ và sinh con. Nếu Maria đã muốn sống bậc hôn nhân một cách bình thường với ông Giuse, thì nay Thiên Chúa lại muốn cô có một người con, không phải với Giuse, và tương quan giữa cô với Giuse hẳn phải thay đổi.

Maria không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng cô tin vào Thiên Chúa đang mời gọi. Cô buông mình để tay Chúa dẫn đưa, vì xác tín rằng chẳng có gì Ngài không làm được. Maria đã xin vâng trong niềm tin yêu phó thác. Tiếng xin vâng này mở đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa.

Lắm khi chúng ta thấy Đức Maria quá cao xa vì tràn đầy những ơn chúng ta không hề có. Chúng ta quên rằng Mẹ cũng là một tín hữu bước những bước gập ghềnh qua sa mạc cuộc đời. Nói tiếng xin vâng khi mọi sự dường như sụp đổ, chuyện đó cần đến lòng tin. "Phúc cho em là kẻ đã tin..." (Lc 1,45).

Tiếng xin vâng khó khăn nhất của Mẹ Maria là tiếng xin vâng dưới chân thập giá. Những lời thiên thần nói ngày xưa có còn đáng tin không? Chỉ khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với Mẹ tất cả những tiếng xin vâng trong đời mới bừng sáng trọn vẹn và rực rỡ ý nghĩa.

Chúng ta có dám liều xin vâng như Mẹ không?

Gợi Ý Chia Sẻ
• Thiên Chúa đã nói với Đức Maria qua vị thiên sứ. Còn bạn, có khi nào Chúa nói với bạn và mời bạn cộng tác không? Bạn có khi nào nghe Chúa nói qua giờ cầu nguyện, qua một người hay một biến cố trong cuộc sống không?

• Để xin vâng, cần phải tin. Để tin, cần phải liều. Có khi nào bạn dám bỏ mọi chỗ dựa nơi người đời để dựa vào Chúa không?

Cầu Nguyện

Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ.

Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa.

Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly. Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa

6. Kinh Mân Côi

LỜI KINH CỦA QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
Trong một vài phút ngắn ngủi này tôi muốn trình bày về ảnh hưởng của kinh Mân côi đối với quê hương đất nước.Trước hết tôi xin đưa ra một vài biến cố lịch sử

Biến cố thứ nhất đó là cuộc chiến thắng tại Lépante.
Vào năm 1571 dưới thời Đức Thánh Cha Piô V, vua Sélim nước Thổ nhĩ kỳ đem quân thôn tính Âu châu, trước tai họa thảm khốc này, Đức Thánh Cha một mặt liên kết các quốc gia Âu châu, một mặt kêu gọi mọi người ăn chay cầu nguyện và nhất là lần hạt Mân côi.

Chính nhờ kinh Mân côi, đoàn quân ô hợp của các nước công giáo đã chiến thắng đoàn quân tinh nhuệ của Thổ nhĩ kỳ tại Lépante. Và để tạ ơn Mẹ Maria, Đức Thánh Cha đã thiết lập ngày lễ Mân côi hôm nay.

Biến cố thứ hai là trường hợp của Bồ Đào Nha.
Bồ Đào Nha là một quốc gia đạo đức và sùng kính Đức Mẹ. Thế nhưng đã rơi vào tay bọn Tam điểm từ năm 1910. Trong suốt 16 năm nắm chính quyền, họ đã gây nên biết bao cảnh xáo trộn lầm than. Nào là giết chết các linh mục tu sĩ., phá hủy các dòng tu, cướp bóc các cơ sở từ thiện của Giáo hội. Cũng trong thời gian ấy đã xảy ra tất cả 16 lần đảo chánh, 45 lần thay đổi chính phủ và tiền nợ nước ngoài lên tới hai tỷ mỷ kim.

Thế nhưng, vào năm 1917, Đức mẹ đã hiện ra tại Fatima và đã hứa với ba em nhỏ :
- Bồ Đào Nha sẽ giữ vững được đức tin.

Và sự thật đã xảy ra như thế. Dân công giáo Bồ Đào Nha đã vùng lên, đập tan xiềng xích của bọn Tam điểm, lòng đạo đức được phục hồi và ngày 12. 6. 1925 chính phủ và toàn thể nhân dân Bồ Đào Nha đã long trọng dâng kính đất nước mình cho Mẹ Fatima.

Sau cùng là trường hợp của Tây Ban Nha.
Cũng vậy, Tây Ban Nha là một quốc gia đạo đức nhưng đã bị rơi vào tay những kẻ chống đối tôn giáo. Dưới sự hướng dẫn của tướng Franco một mặt trận giải phóng được thành lập và mãi tới năm1939 mới lật đổ được chính quyền.

Ông đã tiết lộ như sau :
- Chúng ta đã nắm được những tài liệu của kẻ thù cho hay : họ định triệt hạ các thánh đường, biến đất nước chúng ta trở thành một quốc gia không còn tôn thờ Thiên Chúa nữa.

Qua những sự kiện lịch sử ấy, chúng ta thấy Mẹ Maria luôn sẵn sàng can thiệp để giúp đỡ mỗi khi chúng ta gặp phải khó khăn và thử thách. Phương thế mẹ muốn chúng ta sử dụng đó là kinh Mân côi, như lời mẹ tỏ lộ tại Fatima :

- Thế chiến lần thứ nhất sắp kết thúc, nhưng nếu người ta không lo cải thiện đời sống, tôn sùng trái tim Mẹ và lần hạt Mân côi thì rồi chiến tranh sẽ lại bùng nổ một cách tàn khốc hơn.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta không khỏi bi quan khi nhận thấy rằng :
- Bất công và bạo động, hận thù và đàn áp đang xảy ra khắp nơi, những chiếc ngòi của một cuộc chiến tranh thảm khốc vẫn sẵn sàng bùng nổ. Rồi nghèo đói, bệnh tật và những tệ nạn xã hội luôn liên tục phát triển, không một phần đất nào mà lại không có.

Riêng tại Việt Nam, mặc dù hòa bình đã trở về trên quê hương chúng ta gần ba chục năm rồi, thế nhưng vẫn còn biết bao nhiêu khó khăn cần phải tháo gỡ, biết bao nhiêu vấn đề cần phải giải quyết nhất là về phương diện kinh tế và đạo đức.

Chiến tranh như một cơn ác mộng đã qua đi, nhưng hậu quả đắng cay và nghiệt ngã của nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Bởi đó, là người dân Việt Nam, chúng ta phải cố gắng góp phần vào việc phát triển đất nước bằng chính công sức lao động sản xuất của mình. Tuy nhiên, là người tín hữu, chúng ta còn có những phương thế siêu nhiên. Và một trong những phương thế siêu nhiên đó là sự cầu nguyện. Đồng thời, một trong những cách thức cầu nguyện đắc lực và hiệu nghiệm hơn hết, đó chính là kinh Mân côi.
Bởi vậy, hãy dâng lên Mẹ những lời kinh Mân côi sốt sắng để xin mẹ nâng đỡ và phù trợ cho đất nước Việt Nam, quê hương yêu dấu của chúng ta.

7. Thánh Mẫu Mân Côi

Chuỗi Mân Côi là quà tặng quí báu, Thiên Chúa và Đức Mẹ trao cho chúng ta. Người ta gọi chuỗi Mân Côi là kinh nguyện của người bình dân. Thực vậy, cho tới thế kỷ XII, Hội Thánh chỉ dùng 150 thánh vịnh làm kinh nguyện chính thức. Tới khi bà thánh Birgitta được ơn Chúa soi sáng mới đặt ra chuỗi 150 Kinh Kính Mừng để thay thế cho 150 Thánh vịnh. Các mầu nhiệm Mân Côi còn được gọi là cuốn sách Phúc âm rút gọn của người bình dân, bởi vì sau này người ta thêm 15 mầu nhiệm vào kinh Mân côi. Cứ 10 kinh Kính mừng lại suy gẫm vê một mầu nhiệm mùa Vui, Thương hoặc Mừng.

Chuỗi Mân Côi rất cao quí vì chính nội dung của nó như chúng ta vừa đề cập tới. Người biết xử dụng sẽ gặp được hiệu quả phi thường. Ngay trong sự tích việc thành lập lòng sùng kính này đã đã ghi dấu bằng một phép lạ đặc biệt. Ngày kia trên đường đi Tây Ban Nha, hai thánh Đôminicô và Bernađo chẳng may bị sa vào tay quân cướp. Sau khi bóc lột tất cả, chúng bắt các Ngài phải làm nô lệ chèo thuyền. Một lần con thuyền bị bão đánh giữa khơi. Trong cơn nguy nan, thánh Đôminicô đã cầu xin Đức Mẹ và được Ngài hiện ra dạy phải lần chuỗi Mân Côi. Mọi người trong thuyền đều hứa sẽ thực hiện theo lời chỉ dạy của Mẹ. Bão tố liền tan biến.

Cũng chính thánh Đôminico, trong cuộc tranh đấu chống lại bè rối Albigeois năm126, một lần nữa được Đức Mẹ dạy cho biết phải dùng chuỗi Mân Côi làm khí giới. Thánh nhân đã dốc toàn lực phổ biến thực hành đạo đức này và được gặt hái được thành quả mĩ mãn. Bè rối Albigeois hoàn toàn bị tiêu diệt.

Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi, Khi ấy quân Hồi Xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người chạy đến với Kinh Mân côi. Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới tồi tàn, người công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu, từ Roma, Đức Giáo hoàng đã thấy được cuộc chiến thắng này và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức giáo hoàng đã thiết lập một lễ để ghi nhớ chiến thắng này.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan... Chuỗi Mân côi vẫn còn là một phương thế cứu rỗi hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân côi.
Vậy khi mừng lễ Thánh mẫu Mân Côi, Giáo hội muốn chắc lại sức mạnh cứu rỗi vô song của Kinh mân côi và kêu gọi mọi người hãy năng lần chuỗi Mân Côi như phương thế hữu hiệu để cải thiện đời sống và xây dựng Nước trời.

8. Lễ Đức Mẹ Mân Côi

"Hãy xin thì sẽ được"
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi. Đây là một dịp để chúng ta suy niệm về Đức Mẹ và về việc đạo đức rất phổ thông là việc lần chuỗi dâng kính Đức Mẹ. Nhiều người trong chúng ta có một tràng chuỗi. Tràng chuỗi chúng ta không giống chàng chuỗi các nhà sư. Tràng chuỗi chúng ta có một lai lịch cổ xưa và nòi được là thi vị hơn nhiều.

Vào thời Trung cổ, trong các nước Công giáo Tây phương, người thanh niên, nhất là các thiếu nữ, có thói quen mang những tràng hoa trên đầu mà người ta gọi là Chapel- nguồn gốc trong Pháp ngữ của danh từ chapeau là mũ và chapelet là tràng chuỗi.

Thánh Louis, vua nước Pháp, cấm các con, nhất là các nàng công chúa, không được mang tràng hoa trên đầu trong các ngày thứ sáu, để tưởng niệm đến mũ gai mà Chúa đội trong cuộc tử nạn. Tràng hoa biến thành các chuỗi hoa, đội lên đầu Đức Mẹ để tỏ lòng tôn kính. Trong khi đó, ở tu viện, các Tu sĩ mỗi ngày đọc đủ 150 kinh dâng kính Đức Mẹ. Tràng chuỗi trở nên tràng chuỗi Mân Côi.

Việc đạo đức ấy đã được Đức Mẹ chấp nhận, khi Người hiện ra với Thánh ĐaMinh vào thế kỷ XIII. thời ấy, bè rối Albigeois đã lan tràn nhiều nơi và phá hoại Giáo Hội rất nhiều. Thánh Đaminh và Dòng của Ngài đã làm hết sức mà không sao cải hóa được những người theo bè rối ấy. Ngài cầu nguyện với Đức Mẹ và Đức Mẹ đã hiện ra dạy dùng tràng chuỗi Mân Côi làm khí giới thần hiệu để chinh phục bè rối ấy. Thánh Đaminh đã thành công nhờ tràng hạt Mân Côi.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng hôm nay liên hệ đến một biến cố trong lịch sử Giáo Hội. Ngày 7-10-1571, vua Hồi Giáo mang đại quân hướng về La Mã và thề hứa sẽ biến đền thờ Thánh Phêrô thành một chuồng ngựa. Đạo binh Công giáo đã ra nghênh chiến trong khi ở hậu phương giáo dân lần chuỗi Mân Côi cầu xin với Đức Mẹ . Người Công giáo đã chiến thắng tại vịnh Lepant, chặn được sức tiến vũ bão của Hồi giáo. Để ghi ơn Đức Mẹ, Đức Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập lễ kính Đức Mẹ Mân Côi.

Lần chuỗi không phải là việc đọc kinh một cách máy móc các kinh thường quen, mà là miệng đọc mà lòng suy gẫm các mầu nhiệm căn bản của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Mầu nhiệm năm sự VUI để sống lại với Đức Mẹ cuộc đời thơ ấu của Chúa; mầu nhiệm năm sự THƯƠNG để theo Chúa trên đường tử nạn; mầu nhiệm nhiệm năm sư MỪNG để cùng Đức Mẹ sống qua những ngày cuối cùng của Chúa. Vì thế mà Lacordaire đã gọi tràng chuỗi Mân Côi là một cuốn Phúc Âm tóm lược.
Vậy chúng ta hãy siêng năng lần hạt, vì chính Đức Mẹ cũng khuyến khích việc ấy trong những lần hiện ra ở Rue du Bac, Balê, ở lộ Đức và Fatima.

Tại rue du Bac ở Balê, Đức Mẹ nói cùng Thánh nữ Catherine Labouret: con hãy quan tâm đến việc lần chuỗi để tôn kính Đức Mẹ.

Tại Lộ Đức, trong 18 lần hiện ra với Bernadetta, Đức Mẹ bao giờ cũng lần hạt và khuyên lần hạt. Mỗi lần ra hang đá, Benrnadetta đến quì tại một chỗ nhất định. Cô nhìn lên hang đá, rút tràng chuỗi ra lần. Thế là trên bộng đá rực lên một bầu ánh sáng và trong một bầu ánh sáng ấy, Đức Mẹ hiện ra. Đức Mẹ cầm trong tay một tràng chuỗi bạc, hạt ngăn bằng vàng. Bernadetta nói: Đức Mẹ cũng lần hạt nhưng tất nhiên không đọc kinh Kính Mừng mà chỉ cúi đầu, mấp máy đọc kinh Sáng Danh kính Chúa Ba Ngôi.

Cách riêng, tại Fatima trong 6 lần hiện ra, Đức Mẹ đã khuyến khích lần hạt. Đức Mẹ dạy em Phanxicô phải lần hạt mới được về Thiên đàng. Đức Mẹ ban ba mệnh lệnh và một trong ba mệnh lệnh ấy la phải siêng năng lần hạt. Và Đức Mẹ tự xưng là Nữ Vương Mân Côi.

Tràng chuỗi Mân Côi là khí giới, là thuẫn đỡ trong đời sống. Chúng ta hãy dùng khí giới và thuẫn đỡ đó, để chống lại ma quỉ, nhất là để nhở Đức Mẹ đưa ta đến với Chúa, ad Jesum per Mariam. Amen.

9. Suy Niệm của Trọng Hương

* LỊCH SỬ
Chuỗi Mân Côi, với hình thức ngày hôm nay, được các Cha Dòng Đa Minh và sau đó Dòng Tên truyền bà từ thế kỷ XV. Lễ Mân Côi không nhằm vào xâu chuỗi cho bằng hướng về Thánh Mẫu Mân Côi, đó là Đức Trinh nữ Maria.

Thánh Lễ được Đức Giáo Hoàng Piô V, xuất thân từ Dòng Đa Minh, lập ra vào năm 1572 để kỷ niệm chiến thắng của Hạm đội Công giáo trên dân Thổ nhĩ Kỳ (Hồi giáo) ở Vịnh Lepanto ngày 7.10.1571.

Sau cuộc chiến thắng quân Thổ nhĩ Kỳ ở Peterwardein xứ Hungaria ngày 5.8.1716, theo yêu cầu của vua Charles VI, Đức Giáo Hoàng đã cho phép mừng lễ này trong toàn Hội Thánh (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

A. Hạt giống...
Thánh sử Luca trình bày Đức Maria trong hai bức tranh khác hẳn nhau :

1. Maria tầm thường :
- Một thiếu nữ mang tên Maria, một tên bình dân nhiều người có. Trong Tân Ước có ít ra 4 phụ nữ mang tên này : Mẹ của Đức Giêsu, mẹ của Giacôbê và Giuse, Maria Mađalêna và Maria chị của Matta và Ladarô.
- Sinh sống tại Nadarét, một thị trấn hầu như vô danh nên Cựu Ước không lần nào nhắc tới.

2. Maria cao sang :
- Thiên sứ gọi Maria bằng những tước hiệu cao sang : Đấng đầy ơn sủng, Thiên Chúa ở cùng, đẹp lòng Thiên Chúa.
- Con của Người là Cao cả, Con Đấng tối cao, Con Thiên Chúa, trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, triều đại Ngài sẽ vô cùng vô tận...

3. Do đâu một thiếu nữ tầm thường bỗng trở nên cao sang như thế ?
Do sự khiêm tốn của Maria. Người đã thưa "Tôi là nữ tì của Chúa. Xin cứ làm cho tôi như lời thiên sứ nói". Nghĩa là Maria ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa "làm" mọi sự nơi Người, không cản trở, không đòi Thiên Chúa phải làm theo ý riêng Người.
Mà Thiên Chúa là Đấng toàn năng, "Đối với Ngài, không có gì là không thể làm được".

B. ... nẩy mầm.
1. Trong những người biết khiêm tốn để cho ơn Chúa hoạt động thì sẽ xảy ra những điều vĩ đại phi thường.

2. "Thưa bà Maria, xin đừng sợ" : Ta đừng sợ những sứ mạng Chúa giao, miễn là ta chịu để cho quyền năng Chúa hoạt động nơi mình.

3. Trong Thánh Kinh, câu "Đừng sợ" được nói 365 lần. Tức là đủ để nhắc chúng ta mỗi ngày trong suốt một năm.

4. "Nếu bạn cậy vào sức riêng của mình thì chẳng lạ gì bạn sẽ sớm ngã lòng. Kẻ khiêm nhường thực thì không ngã lòng, kẻ ngã lòng không phải là người khiêm nhường thật bởi vì người ấy cậy dựa vào một cái gì đó ngoài Chúa" (J.N.D. "Scripture Truth")

5. Một hôm Satan đem bày bán những dụng cụ làm việc của hắn. Có rất nhiều món, được dán nhãn hiệu rõ ràng : nào là giận hờn, ganh ghét, dâm dục, nào là kiêu ngạo, nói dối, tham lam v.v. Và món nào cũng có ghi giá. Nhưng có một món được để riêng một bên, không dán nhãn nhưng giá lại cao nhất. Một người hỏi :
- Đó là cái gì mà cao giá dữ vậy ?
- Đó là sự ngã lòng.
- Tại sao nó cao giá thế ?
- Vì nó hữu hiệu hơn tất cả những dụng cụ khác : khi tôi không thể dùng những dụng cụ kia để đến gần người ta thì tôi dùng nó để xâm nhập tận cõi lòng người ta. Một khi tôi đã đặt nó vào lòng người ta rồi thì tôi có thể xúi người ta làm bất cứ điều gì tôi muốn. Mà đặt nó vào lòng ta rất dễ, bởi vì ít ai biết dụng cụ đó là của tôi". (Gospel Herald)

6. Về tiếng "xin vâng" của Đức Mẹ :
a/ Vì Thiên Chúa là chủ của vũ trụ và của lịch sử, nên mọi việc trên đời, không việc gì có thể đi ngoài ý Chúa và kế hoạch của Chúa mà êm xuôi được ("thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong" ; gương ngôn sứ Giôna). Cho nên biết "xin vâng" tức là biết lái con thuyền đời mình thuận theo dòng nước.

b/ Thực ra chữ "fiat" còn có thể dịch đúng hơn, là "Xin hãy thành sự nơi tôi". Hiểu như vậy, phía chủ động là chính Thiên Chúa. Con người chỉ cần ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa hoạt động nơi mình. Nói cách khác, con người chỉ việc "buông theo ân sủng"

7. "Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa. Xin Chúa cứ làm choi tôi" (Lc 1,38)
Vào một ngày đẹp trời, các phóng viên thiên thần được diện kiến "người nữ có phúc hơn mọi người nữ" là Đức Maria. Các ngài đã làm một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng :
- Chào Bà. Bà đã từng làm người. Vậy, theo Bà, sứ mệnh của nhân loại là gì ?
- … Là sống cho Chúa.
- Người nữ "chân yếu tay mềm" phải làm gì để hoàn tất vai trò của mình trong gia đình, xã hội và Giáo Hội ?
- … Hãy trung thành với ơn gọi cao cả mà Thiên Chúa trao ban qua nữ tính của họ.
- Nhưng càng nhu mì, càng hiền dịu thì càng bị đối xử bất công. làm sao tìm được sự bình đẳng mà không đánh mất nữ tính?
- … Mỗi người có một bản sắc riêng. Hãy thể hiện trọn vẹn nét độc đáo ấy.
- Vậy sẽ không có sự bình đẳng tuyệt đối ?
- … Chỉ có sự bình đẳng hoàn hảo nhất, đó là sự bình đẳng trước mặt Thiên Chúa…
Và Đức Maria đã minh chứng điều này qua sự cộng tác của Mẹ vào công cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu, với bí quyết rất nữ tính : "Xin vâng".
Thông qua hai tiếng "Xin Vâng", Mẹ như thầm nhắn nhủ : Hạnh phúc và sự bình đẳng của phận người tuỳ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta trước tiếng gọi của Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhận ra và đáp trả lời mời gọi của Ngài trong từng giây của cuộc sống như Mẹ Maria (Hosanna)

10. Lễ Mẹ Mân Côi

LỜI KINH CỦA TUỔI THƠ

Mừng lễ Mẹ Mân côi, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về những tình cảm Mẹ đã dành cho tuổi thơ. Trước hết chúng ta sẽ đưa ra một vài sự kiện lịch sử.

Sự kiện thứ nhất, đó là biến cố Lộ Đức.
Tại đây Mẹ đã hiện ra với một cô bé mười bốn tuổi, tên là Bernadette. Mẹ bảo cô bé lần hạt và Mẹ cùng đọc với cô bé kinh Lạy Cha và kinh Sáng Danh. Đồng thời, Mẹ còn tỏ cho chúng ta thấy Mẹ là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Sự kiện thứ hai, đó là biến cố Phatima.
Tại đây Mẹ đã hiện ra với ba em nhỏ : Lucia mười tuổi, Giaxinta bảy tuổi và Phanxicô bảy tuổi. Đồng thời, qua ba em nhỏ này, Mẹ đã gửi đến mỗi người chúng ta ba mệnh lệnh : Hãy tôn sùng trái tim Mẹ, hãy cải thiện đời sống và hãy siêng năng lần hạt Mân côi.

Qua hai sự kiện trên, chúng ta nhận thấy Mẹ Maria rất yêu thương trẻ thơ và đã chọn các em làm sứ giả để chuyển đạt cho thế giới những sứ điệp của Mẹ. Mẹ đã dùng các em để làm nên những việc trọng đại.

Bởi vì kể từ đó cho đến ngày hôm nay, Lộ Đức và Phatima đã trở nên những nơi hành hương sầm uất nhất của Giáo hội và cũng tại hai nơi này, Mẹ đã ban xuống biết bao nhiêu ơn lành hồn xác.
Với kết luận trên, chúng ta liên tưởng tới lời kinh Magnificat của Mẹ ngày xưa, trong đó Mẹ đã xác quyết :

- Chúa hạ bệ những ai quyền thế và nâng cao những người phận nhỏ.
Thực vậy, nếu ngày xưa Chúa đã chọn Mẹ từ một nữ tì nhỏ bé tầm thường để trở nên Mẹ của Đấng Cứu thế, Mẹ của Thiên Chúa, thì giờ đây Mẹ cũng chọn những em bé đơn sơ để làm nên những việc trọng đại.

Nếu ngày xưa Chúa đã yêu thương các trẻ nhỏ, bởi vì các em vừa đơn sơ và trong trắng, lại vừa tin tưởng và phó thác, thì bây giờ Mẹ cũng đã dành cho các em một tình yêu thương đậm đà, bởi vì các em đã mau mắn và quảng đại đáp trả lời khuyên nhủ của Mẹ.

Bernadette đã lần hạt với Mẹ và sau này vào tu trong một nhà dòng, sống một cuộc đời đạo đức và thánh thiện. Còn ba em nhỏ ở Phatima cũng thế.
Mẹ bảo :
- Phanxicô sẽ được lên thiên đàng nhưng phải lần hạt nhiều trước đã.
Và Phanxicô đã thưa lên :
- Lạy Mẹ, Mẹ muốn con lần hạt bao nhiêu cũng được.
Từ đó, không những lần hạt với hai em kia, mà cậu bé còn lần hạt riêng một mình nữa. Lắm khi đang chơi với bạn, cậu bé lẻn đi lần hạt. Được hỏi tại sao thì cậu bé trả lời :
- Đức Mẹ bảo em phải lần hạt nhiều cơ mà.
Còn Giaxintha cũng vậy. Sau khi được Đức Mẹ hiện ra, em đã về nhà và nói với má :
- Má à, hôm nay con đã được nhìn thấy Đức Mẹ.
Bà mẹ bảo :
- Con đã là thánh đâu mà được nhìn thấy Đức Mẹ.

Rồi em xin phép má đi lần hạt với anh Phanxicô, bởi vì Đức Mẹ bảo :
- Chúng con phải lần hạt mỗi ngày.
Nhất là Lucia, em thường đứng lên lần hạt mỗi khi Đức Mẹ hiện ra. Sau khi được ơn nhìn thấy Đức Mẹ, em gia nhập phong trào Phatima để cùng với mọi người chống lại với những kẻ ghét đạo. Em cũng thường lần hạt chung với mọi người để suy gẫm về Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Sau cùng, em đã dâng hiến trọn cuộc đời mình trong dòng kín.

Chúng ta cũng vậy, như các em nhỏ, chúng ta hãy quảng đại đáp lại lời kêu mời của Mẹ bằng cách siêng năng đọc kinh Mân Côi và cố gắng thực thi tinh thần kinh Mân Côi trong cuộc sống, để chúng ta xứng đáng với tình yêu thương của Mẹ.

11. Mân Côi: Khỉ cứu mặt trăng

Có năm trăm con khỉ mặt đỏ đi trong rừng sâu, đến dưới một gốc cây ni-câu. Dưới cây có một cái giếng, nước trong giếng phản chiếu lại mặt trăng, con khỉ đầu đàn nhìn thấy, liền gấp gáp nói với đồng bạn : "Mặt trăng bị rơi xuống giếng rồi kia, chúng ta nên cùng nhau kéo nó ra khỏi giếng. Thế này nhé, tôi sẽ bám vào cành cây trên mặt giếng, sau đó các anh từng người, từng người một bám vào đuôi nhau trèo xuống, như thế mới có thể cứu được mặt trăng". Bầy khỉ mặt đỏ từng con, từng con liên tục treo thành một chùm dài. Lúc còn một chút xíu nữa thì xuống mặt nước, trọng lượng của bầy khỉ vượt qúa lực chịu của cành cây, chỉ nghe "rắc" một tiếng, cành cây gãy, bầy khỉ mặt đỏ rớt xuống trong giếng giãy giụa mãi không thôi, mặt trăng trong giếng cũng "mất tích" luôn.

Khỉ là loài được gọi là thông minh trong các loài vật, nhưng cũng có những lúc ngu đần hết chổ nói, nhưng cái ngu của loài khỉ không đáng trách, vì nó là...khỉ. Mặt trăng rơi xuống giếng thì không có, nhưng linh hồn đắm trong tội và sẽ rơi vào trong hỏa ngục thì có thật, chuổi Mân Côi là sợi dây liên kết tâm tình của người Kitô hữu với Mẹ Maria, bám vào sợi dây này để cứu linh hồn mình và linh hồn của anh chị em, chính là việc làm thông minh và hiệu qủa hơn là bám vào ô dù của những kẻ quyền qúy ở thế gian. Bầy khỉ mặt đỏ đã chết oan uổng vì đã làm chuyện không có - cứu mặt trăng rơi xuống giếng- nên bị coi là ngu.

Cũng vậy, chúng ta cũng sẽ bị coi là ngu, nếu chúng ta không dùng chuỗi Mân Côi như một phương thế đơn sơ mà hữu hiệu để cứu linh hồn mình. Mẹ Maria -Đấng đồng công cứu chuộc nhân loại- đã rất "thông minh" khi nghĩ đến phương thế nhẹ nhàng mà hiệu qủa này cho con cái của Mẹ, để không một đứa con nào phải hư mất đời đời khi suy tư, chia sẻ mầu nhiệm xuống thế làm người và cứu chuộc của Con Mẹ -Đức Giêsu Kitô- trong chuổi Mân Côi.

Khắp mọi nơi và mọi lúc (trừ đang khi dâng thánh lễ) chúng ta đều có thể lần hạt Mân Côi, kết hợp với Thiên Chúa qua Đức Trinh Nữ Maria, để chúng ta ngày càng trở nên hoàn hảo hơn trong đời sống thiêng liêng, và tốt đẹp hơn trong cuộc sống đời thường.

12. Tôi Là Nữ Tỳ Của Chúa

Nhân vật chủ yếu mà thánh Luca muốn trình bày trong bài Tin Mừng trên đây là chính Đức Giêsu. Ngài là Con Đấng Tối Cao, là Vua Mêsia (c.32-33). Ngài là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa (c.35). Thiên Chúa muốn Con Ngài vào đời làm người, nên đã chuẩn bị cho Con một người mẹ tuyệt hảo. Maria là người được Thiên Chúa đặc biệt mến thương. Thiên thần gọi cô là Đấng đầy ân sủng, là người được Đức Chúa ở cùng (c.28), là người đẹp lòng Thiên Chúa (c.30). Maria đã là một thụ tạo tuyệt vời ngay từ trước khi làm mẹ Đức Giêsu.

Nhưng Thiên Chúa vẫn tôn trọng tự do của cô Maria. Ngài cần sự ưng thuận của một thụ tạo nhỏ bé trước khi trao cho Maria chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế. "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên cô" (c.35). Maria hẳn đã phải suy nghĩ trước khi chấp nhận làm mẹ theo một cách thức lạ lùng đến thế. Lời mời gọi nào của Thiên Chúa cũng gây xáo trộn những dự định và tính toán riêng tư. Nếu Maria đã khấn sống khiết tịnh, thì nay Thiên Chúa lại muốn cô làm mẹ và sinh con. Nếu Maria đã muốn sống bậc hôn nhân một cách bình thường với ông Giuse, thì nay Thiên Chúa lại muốn cô có một người con, không phải với Giuse, và tương quan giữa cô với Giuse hẳn phải thay đổi. Maria không hiểu hết con đường mình sắp đi. Có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối. Nhưng cô tin vào Thiên Chúa đang mời gọi. Cô buông mình để tay Chúa dẫn đưa, vì xác tín rằng chẳng có gì Ngài không làm được. Maria đã xin vâng trong niềm tin yêu phó thác.

Tiếng xin vâng này mở đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời người nữ tỳ của Chúa. Lắm khi chúng ta thấy Đức Maria quá cao xa vì tràn đầy những ơn chúng ta không hề có.

Chúng ta quên rằng Mẹ cũng là một tín hữu bước những bước gập ghềnh qua sa mạc cuộc đời. Nói tiếng xin vâng khi mọi sự dường như sụp đổ, chuyện đó cần đến lòng tin. "Phúc cho em là kẻ đã tin..." (Lc 1,45).

Tiếng xin vâng khó khăn nhất của Mẹ Maria là tiếng xin vâng dưới chân thập giá. Những lời thiên thần nói ngày xưa có còn đáng tin không? Chỉ khi Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra với Mẹ tất cả những tiếng xin vâng trong đời mới bừng sáng trọn vẹn và rực rỡ ý nghĩa. Chúng ta có dám liều xin vâng như Mẹ không?

Gợi Ý Chia Sẻ
• Thiên Chúa đã nói với Đức Maria qua vị thiên sứ. Còn bạn, có khi nào Chúa nói với bạn và mời bạn cộng tác không? Bạn có khi nào nghe Chúa nói qua giờ cầu nguyện, qua một người hay một biến cố trong cuộc sống không?

• Để xin vâng, cần phải tin. Để tin, cần phải liều. Có khi nào bạn dám bỏ mọi chỗ dựa nơi người đời để dựa vào Chúa không?

Cầu Nguyện
Lạy Mẹ Maria, khi đọc Phúc Âm, lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường. Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi Bêlem sinh Đức Giêsu. Mẹ đưa Con đi trốn, rồi dâng Con trong đền thờ. Mẹ tìm Con bị lạc và đi dự tiệc cưới ở Cana. Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi Ngài đang rao giảng. Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài đến tận Núi Sọ. Mẹ lên đường để đáp lại một tiếng gọi âm thầm hay rõ ràng, từ ngoài hay từ trong, từ con người hay từ Thiên Chúa. Chúng con thấy Mẹ luôn đi với Đức Giêsu trong mọi bước đường của cuộc sống. Chẳng phải con đường nào cũng là thảm hoa. Có những con đường đầy máu và nước mắt.

Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày, đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Đường-Giêsu để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

13. Lễ Đức Mẹ Mân Côi

Nói về Mẹ Maria qua tràng chuỗi Mân Côi, nhân loại đang sống trong lòng tin sẽ không bao giờ có thể phủ nhận được con đường Mẹ dậy mọi người đi với ba mầu nhiệm: Nhập thể, Đau khổ và Phục sinh của Con duy nhất của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô luôn rõ nét, sáng ngời giữa mọi biến cố của lịch sử cứu độ. Mẹ Maria như Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: " Vào bình minh của ngàn năm mới, chúng ta vui mừng nhận thấy nổi bật lên 'chiều kích Thánh Mẫu' của Hội Thánh, ấp ủ trong mình nội dung sâu thẩm nhất của việc canh tân do công đồng đề xướng" . Con cái của Mẹ theo sau Mẹ đi từng chặng đường của Con Mẹ đã đi qua. Con đường ấy không đâu xa, đó là con đường: Vui, Thương, Mừng mà nhân loại muốn đi vào nước trời không thể nào không bước qua những chặng đường ấy.

MẸ MARIA TRONG LỊCH SỬ CỨU ĐỘ

Maria được Thiên chúa tuyển chọn để làm Mẹ Đức Giêsu Kitô và làm Mẹ nhân loại. Lời Xin Vâng của Mẹ đã làm đảo lộn cả lịch sử nhân loại, mặc cho nhân loại một ý nghĩa mầu nhiệm, sâu xa. Nếu không có lời Xin Vâng của Mẹ, nhân loại đã khác hẳn, nhân loại chẳng bao giờ có ngày hôm nay. Với tiếng Xin Vâng, Mẹ Maria đã tận hiến và chấp nhận ý định của Thiên Chúa, hiến toàn thân mình cho Thiên Chúa, để cùng với Ngài thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Mẹ Maria đã nắm một vai trò thật đặc biệt và quan trọng trong lịch sử cứu rỗi. Sở dĩ Mẹ Maria được Thiên Chúa trao cho một vai trò lớn lao, quan trọng như thế là vì Maria được tràn đầy ân sủng,Thiên Chúa luôn ở cùng Mẹ. Thiên Chúa ở cùng, ở với Mẹ là hạnh phúc lớn nhất , khiến Mẹ luôn đầy phước lộc chứa chan, nhờ đó Mẹ chiếu tỏa ánh sáng và ân sủng cho mọi người. Maria là một người Mẹ, người Mẹ hoàn toàn đúng nghĩa của nó, một người Mẹ đầy yêu thương, vì Mẹ có đầy hồng phúc. Mẹ Maria là một người trong nhân loại, là một người nữ đúng nghĩa nhất, nhưng Maria lại là một người nữ đặc biệt vì Maria làm đẹp lòng Thiên Chúa. Maria đặc biệt hơn nữa vì tâm hồn đơn sơ, thánh thiện, tinh trong, sáng ngời của Mẹ. Maria hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu Mẹ Thiên Chúa vì Mẹ đã chỉ cho nhân loại phải bước theo những chặng đường con của Mẹ là Chúa Giêsu đã bước qua.

"CÁC CON ĐỪNG SỢ, THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN"(Ga 16,33 )

Chúa Giêsu đã chết, Ngài đã sống lại, lên trời, ban Thánh Thần cho các môn đệ và trở thành niềm cậy trông vững bền cho mọi người, Chúa hứa với các môn đệ và nhân loại: " Sẽ ở cùng các con mọi ngày cho tới tận thế "(Ga 14,18). Chúa là con của Mẹ Maria,nên Chúa phục sinh ở với nhân loại mãi mãi cho tới ngày cùng tận trời đất, chắc chắn Mẹ cũng ở với nhân loại cho tới tận thế, vì lúc nào Mẹ cũng mang Chúa trong lòng và giới thiệu Chúa cho nhân loại. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết: " Nếu có sự chiến thắng thì Mẹ Maria là người chiến thắng". Mẹ đã hiện ra tại nhiều nơi như Lộ Đức, Fatima, Labouret, Nam Tư , La Vang và nhiều nơi khác trên khắp thế giới. Nơi nào Mẹ cũng khuyên nhủ:" phải ăn năn sám hối, và năng lần chuỗi Mân Côi ". Mẹ đã luôn giữ lời hứa và Mẹ luôn muốn con của Mẹ tất cả được thừa hưởng nước trời . Mẹ chiến thắng ma quỉ, sức mạnh của sự dữ. Mẹ chiến thắng tà thần."Trái tim hiến tế của Mẹ đã thắng tội lỗi và những tối tăm của quyền lực ma quỉ, sự dữ…"

LỄ MÂN CÔI NÓI GÌ CHO NHÂN LOẠI

Lễ mân côi làm cho dân Chúa hồi tưởng lại thời đạo binh thánh giá chiến thắng quân Phổ ở Lê-pan vào năm 1571 nhờ sự can thiệp của Đức Trinh Nữ Maria.Tuy nhiên, đó chỉ là lý do phụ. Điều cốt thiết của nhân loại là hiệp ý với Mẹ Maria, Nữ Vương An Bình, cầu nguyện cho mọi người nhìn nhận ý Thiên Chúa và tuân theo ý Người. Mẹ Maria đã nhiều lần hiện ra cho nhiều người ở nhiều nơi như Lộ Đức, Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette và tự giới thiệu ngài là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội. Tại Fatima, Mẹ đã hiện ra với ba trẻ là Lucia, Phanxicô và Jacintha. Trong các lần hiện ra Mẹ đều khuyên các trẻ và nhân loại phải ăn năn sám hối, lần chuỗi và sống trung thành với Chúa. Chắc chắn, mọi người ở muôn thời đều muốn được hạnh phúc và vui vẻ để sống. Nhưng thái độ của ta đối với Thiên Chúa và tha nhân như thế nào ? Ta đã sám hối và cầu nguyện, lần chuỗi theo ý Mẹ đủ chưa ? Nếu chưa, ta cần thay đổi lối sống, lần chuỗi siêng năng hơn để cùng với Mẹ đi vào các biến cố, các chặng đường của Chúa: Nhập Thể, Khổ Nạn và Phục Sinh. Ta đã sống bác ái, yêu thương đủ chưa ? Nếu chưa, ta cần sống tốt hơn và cố gắng đi vào định luật của tình yêu: " Chúng con hãy yêu thương nhau như Ta đã yêu thương các con".

Lễ Mân Côi, một dịp để ta đi vào chương trình cứu rỗi của Chúa Giêsu và là một dịp để chúng ta cố gắng thay đổi con người mới, kết hiệp với Mẹ và sống theo lời khuyên của Mẹ: Sám hối, Cầu nguyện và Lần chuỗi.

Chuỗi mân côi là phương thế dễ dàng và hữu hiệu nhất để giúp ta sống trung thành với Đạo tình thương của Chúa Giêsu.

"Lạy Chúa,…xin đổ ơn thánh đầy lòng chúng con,để nhờ công ơn con Chúa chịu khổ hình thập giá,và nhờ Thánh Mẫu Maria chuyển cầu,Chúa cũng cho chúng con được sống lại hiển vinh" ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Đức Mẹ Mân Côi ).

14. Mai khôi: bông hồng đẹp, viên ngọc quí

Mân côi, Văn côi, Môi khôi, Mai khôi, tất cả những chữ này đều có cùng một nghĩa là những bông hồng đẹp hay viên ngọc quí, tùy theo thói quen và ý thích, mỗi người mỗi nơi dùng một kiểu. Một số người hiện nay thích dùng chữ Mai khôi, vì theo họ, chữ này vẫn giữ được nguyên nghĩa là bông hồng đẹp, viên ngọc quí mà đọc nghe lại thấy thanh nhã và mới mẻ hơn.

Chuỗi Mai khôi là chuỗi gồm năm mươi chục hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính mừng và sau mười hạt lại có thêm một hạt nữa để chỉ kinh Lạy Cha. Những kinh Kính mừng đó được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Đức Mẹ. Một trăm năm mươi kinh Kính mừng là một trăm năm mươi bông hồng hay một trăm năm mươi thánh vịnh kính Đức Mẹ, vì chuỗi Mai khôi được coi như tập thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống như một trăm năm mươi thánh vịnh để tôn vinh ca tụng và cầu xin cùng Chúa vậy.

Nguồn gốc chuỗi Mai khôi
Ngay từ thế kỷ XI, thời thánh Bê-na-đô, những người có lòng sùng kính Đức Mẹ vẫn đọc một chuỗi các kinh Kính mừng, vừa đọc vừa nghĩ đến những sự vui mừng của Đức Mẹ. Có thể nói đó là hình thức khởi đầu của chuỗi Mai khôi. Sau này, năm 1328 ngưòi ta tìm được một tập ghi chép các phép lạ của Đức Mẹ. Trong tập này có nói đến việc Đức Mẹ trao chuỗi Mai khôi cho thánh Đa Minh. Và từ đó trở đi, người ta cứ truyền tụng cho nhau làthánh Đa Minh đã lập ra chuỗi Mai khôi. Vì thế, trong dòng Đa Minh mới có tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mai khôi cho thánh Đa Minh.

Thực ra, theo cha La-co-đe (Lacordaire), một tu sĩ dòng Đa Minh và một nhà giảng thuyết trứ danh tại nhà thờ Đức Bà Pa-ri (Paris) vào giữa thế kỷ XIX, thì năm 1209 ở miền Tu-lu-giơ (Toulouse), tình thế lúc bấy giờ rất nhiễu nhương : quân của quận Chúa Ray-mông (Raymond) theo bè rối An-bi-doa (Albigeois) đánh nhau với quân của quận chúa Xi-mông đờ Mông-pho (Simon de Montfort) theo công giáo. Thánh Đa Minh làm việc tông đồ ở miền Toulouse lúc bấy giờ. Người thấy rằng bao lâu chưa có hòa bình thì bấy lâu rất khó giảng giải để đưa các người theo bè rối về nẻo chính đường ngay. Vì thế, người mới cầu nguyện và xin ai nấy cầu nguyện cho hòa bình. Người được ơn soi sáng kiện toàn kinh Mai khôi đã có từ thế kỷ XIII, bằng cách cứ sau mỗi mười kinh thì dừng lại một chút, rồi thêm vào một câu hát vắn hay mấy lời lấy trong các sách Tin Mừng về cuộc đời Chúa Cứu Thế, cho thay đổi và đỡ nhàm chán. Ban đầu chỉ lấy những câu nói về các niềm vui, sau mới thêm những câu nói về các nỗi khổ và các điều mừng.

Từ thế kỷ XV trở đi, chuỗi lần hạt Mai khôi được tổ chức như chúng ta thấy ngày nay, nghĩa là chia làm ba chuỗi, mỗi chuỗi năm chục kinh suy ngắm về một số các mầu nhiệm liên quan đến các niềm vui, nỗi khổ và các điều mừng.

Hai tu sĩ dòng Đa Minh là linh mục A-lanh đờ la Rót- sơ (Alain de la Roche) người Pháp ở tỉnh Đu-ê (Douai), (sau được nâng lên hàng chân phước) năm 1470 và linh mục Gia-cóp Pơ-ren-gơ (Jacob Sprenger) người Đức ở tỉnh Kơn (Koeln) năm1475 đã lập ra các Hội Mai khôi. Từ thế kỷ XVI, các ĐGH chính thức giao cho dòng Đa Minh nhiệm vụ rao giảng về chuỗi Mai khôi và thành lập các hội Mai khôi.

Nguồn gốc lễ Mai khôi
Ngày Chúa nhật 7.10.1571, hải quân công giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lơ- păng-tơ (Lepante) (giữa Co-rin-tô và Pa-trát). Tin chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội viên Mai khôi đang rước kiệu trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, ĐGH Pi-ô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải làm một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 1.4.1573, ĐGH Ghê- go-ri-ô đặt tên cho lễ này là lễ Mai khôi và truyền phải cử hành trong các nhà thờ và nhà nguyện của các Hội Mai khôi vào Chúa nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, ĐGH Cơ- lê-măng (Clément) XI truyền cho toàn thể Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, lễ Mai khôi được ấn định vào ngày 7.10 mỗi năm.

Ý nghĩa của chuỗi Mai khôi và lễ Mai khôi
Trên đây là nguồn gốc của chuỗi Mai khôi và lễ Mai khôi, nhưng còn ý nghĩa của chuỗi và lễ thì thế nào ? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thừa biết lần chuỗi Mai khôi là đề tỏ lòng kính yêu và cầu xin cùng Đức Mẹ. Chúng ta tôn vinh Đức Mẹ và nhớ lại tình thương của Chúa đối với Hội thánh qua tay Đức Mẹ, trong những hoàn cảnh gần như tuyệt vọng. Từ những sự việc hiển hách của Chúa trong các hoàn cảnh này, chúng ta càng thêm xác tín lời của thần sứ trong bài Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mai khôi : "Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được."

Thiên Chúa làm được tất cả. Nhưng oái oăm thay ! Nhiều khi Chúa không biểu lộ trực tiếp và ngay tức khắc quyền năng của Người cho chúng ta thấy. Bởi thế, nhiều lúc chúng ta hoài nghi, tỏ ra chán nản vì thấy nguyện vọng của mình chưa hay không được đáp ứng và xem ra Chúa như câm lặng xa vắng.

Giữa những hoàn cảnh éo le ở đời và giữa lúc phải đắm chìm trong đêm tối của hoài nghi, thất vọng, ước gì chúng ta nhớ lại những hoàn cảnh lịch sử gắn liền với chuỗi Mai khôi và lễ Mai khôi, để giữ vững niềm tin và đốt cháy lên ngọn lửa hy vọng.

15. Canh tân đời sống, lần chuỗi Mân Côi

"HÃY CANH TÂN ĐỜI SỐNG & LẪN CHUỖI MÂN CÔI MỖI NGÀY"
* Câu hỏi gợi ý
1. Đức Ma-ri-a có vai trò gì trong Chương trình Nhập thể và Cứu độ của Thiên Chúa?
2. Đức Ma-ri-a và việc lần hạt Mân Côi.
3. Hãy học cùng Mẹ trên con đường theo Chúa Giê-su Ki-tô.

* Suy tư gợi ý
1. Vai trò của Đức Ma-ri-a trong Chương trình Nhập thể và Cứu độ của Thiên Chúa:
Bài Tin Mừng về Truyền Tin trong Phúc Am Lu-ca cho chúng ta thấy vai trò quan trọng của Đức Ma-ri-a trong Chương trình Nhập thể và Cứu độ của Thiên Chúa. Như bao thiếu nữ Do Thái khác khi sắp đến tuổi lấy chồng, Ma- ri-a cũng đã có chương trình riêng của mình. Người thanh niên mà nàng yêu thương và tính lấy làm chồng là Giu-se, thuộc chi tộc Đa-vít. Nhưng sau khi thiên sứ trình bày về kế hoạch của Thiên Chúa và được giải đáp thắc mắc một cách thỏa đáng, thì Ma-ri-a đã mau mắn chấp thuận lời đề nghị của Thiên Chúa và phó thác cuộc đời mình cho Ngài: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói."

Bài đọc 1 của Sách Tông đồ Công vụ cho chúng ta thấy vị trí của Đức Ma-ri-a giữa các Tông Đồ, tức giữa lòng Giáo hội sơ khai. Các vị chờ đợi Thánh Thần trong thanh vắng và cầu nguyện.
Bài đọc 2 của Thư Gá lát của Thánh Phaolô nói về việc Con Thiên Chúa sinh ra từ một phụ nữ theo đúng chương trình của Thiên Chúa để cứu chuộc mọi người và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa, có quyền gọi Thiên Chúa là Cha (Abba).

2. Đức Ma-ri-a và việc lần hạt Mân côi.
Một trăm năm mươi Thánh vịnh đã được thay thế bằng 150 kinh Kính Mừng: Miệng đọc lòng suy 15 Mầu Nhiệm Mân Côi: Năm Sự Vui, Năm Sự Thương và Năm Sự Mừng. Đó chính là bản tóm tắt cuộc đời của Chúa Giê-su Ki-tô và cũng là của Đức Ma-ri-a, vì hơn ai hết, Đức Mẹ đã cùng với Con bước các chặng đường Vui-Thương-Mừng ấy với tinh thần của lời "XIN VÂNG = FIAT!" mà Mẹ đã tuyên xưng trước khi Ngôi Lời Thiên Chúa đầu thai làm người trong cung lòng Mẹ.

Khi chúng ta đọc sự tích về các cuộc Đức Mẹ hiện ra, dù ở Lộ Đức hay ở Fa-ti-ma, dù ở Gua-da-lu-pe hay ở Mễ Du, hay ở La Vang…. chúng ta đều thấy Đức Mẹ nhắn nhủ người tín hữu hãy canh tân đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi để làm đẹp lòng Thiên Chúa: "Ta là Đức Mẹ Mân Côi, ta đã đến để cảnh báo các tín hữu canh tân đời sống và xin ơn tha thứ tội lỗi của họ. Họ không được xúc phạm đến Thiên Chúa nữa, vì Ngài đã quá phiền muộn vì tội nhân loại. Loài người hãy lần chuỗi Mân Côi. Họ hãy tiếp tục lần chuỗi hàng ngày." (Thông điệp Đức Mẹ gởi cho chị Lu-xi-a 13/10/1917).

Thánh Đa Minh là người cố công rất lớn trong việc quảng bá việc đọc kinh Mân Côi trong Giáo hội, để cầu xin Chúa bảo vệ Giáo hội trước sự tấn công của kẻ thù.

Thánh Piô Năm Dấu Thánh chia sẻ: "Vũ khí của tôi là tràng hạt Mân Côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì khi tôi xin với Mẹ qua chuỗi Mân Côi. Muốn làm Đức Mẹ vui lòng và muốn được Đức Mẹ thương yêu hãy lần chuỗi Mân Côi".

Còn cha Stefano Gobbi viết: "Chuỗi Mân Côi mang lại hòa bình cho bạn. Với lời Kinh Mân Côi, bạn sẽ có thể nhận được từ Thiên Chúa hồng ân vĩ đại nhất là canh tân đời sống, thu phục các linh hồn về với Chúa trong sự ăn năn tội, tình yêu và thánh ân." Và "Chuỗi Mân Côi là lời kinh của tôi. Những lời kinh này dù khiêm nhường và mong manh cũng sẽ nên như xích sắt để khóa lại quyền lực tối tăm của thế giới, kẻ thù của thế giới và của các tín hữu"

3. Hãy học cùng Đức Mẹ trên con đường theo Chúa Giê-su Ki-tô.
Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể cứu độ nhân loại. Chân lý ấy không bao giờ chúng ta được lãng quên! Đức Mẹ, dù là Mẹ Thiên Chúa cũng chỉ là tạo vật. Nhưng Mẹ là tạo vật hoàn hảo nhất của công trình Tạo Dựng của Thiên Chúa và Mẹ là môn đệ "gương mẫu" nhất của Đức Giê-su. Tuy thế, Mẹ cũng đã phải vất vả, khổ đau trên con đường theo Đức Giê-su. Vì thế mà Mẹ có đủ khả năng, kinh nghiệm hướng dẫn, chỉ bảo chúng ta nếu chúng ta muốn bước theo Mẹ trên con đường theo Chúa! Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ để học cùng Mẹ!

Hơn nữa Thiên Chúa đã có ý đặt Đức Mẹ bên cạnh Chúa Giê-su và giữa Chúa Giê-su và chúng ta. Nếu nhờ có Chúa Giê-su mà Thiên Chúa trở nên gần gũi với con người hơn, thì cũng nhờ có Đức Mẹ mà chúng ta mạnh dạn và tin tưởng hơn khi dâng lời khẩn nguyện và tạ ơn lên Thiên Chúa.

LỜI NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha, chúng con cảm tạ Cha đã ban Con Một Cha cho chúng con. Chúng con cũng cảm tạ Cha vì Cha đã chọn cho Con Một Cha một người Mẹ tuyệt vời là Đức Ma-ri-a. Cha đã đổ tràn ân sủng của Cha trên người Nữ Tỳ đặc biệt này. Chúng con xin ngợi khen và chúc tụng Tình Thương và Quyền Năng của Cha!

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã sinh ra từ một người mẹ, đã lớn lên và trưởng thành bên cạnh Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se, đã lên đường rao giảng Nước Trời với sự cộng tác của Mẹ, đã trao Mẹ cho thánh Gio-an trước giờ tắt thở. Chúng con cảm tạ và ngợi khen Chúa.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng đã xuống tràn đầy trên các Tông Đồ và Đức Ma-ri-a, để khai sinh Hội Thánh là Cộng đoàn của Chúa Ki-tô Phục Sinh. Xin Chúa xuống trên tất cả chúng con, để chúng con nhận được ánh sáng, bình an và sức mạnh cần thiết cho cuộc lữ hành của chúng con.

16. Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi

Trong lịch phụng vụ, tháng 10 có tên là tháng Mân côi. Suốt tháng này, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi.

Mân côi chính là hoa hồng. Như thể, bằng chuỗi Mân côi, Hội Thánh trở thành một vườn hồng mênh mông, hương thơm sắc đẹp, dâng lên Mẹ hiền.

Lịch sử chuỗi Mân côi là một hành trình dài. Hành trình đó mang nhiều gợi ý. Những gợi ý này có thể giúp chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến.
Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Người được nhắc tới nhiều trong lịch sử kinh Mân côi là thánh Đaminh, đấng sáng lập Dòng Giảng thuyết. Ngài qua đời năm 1221. Một số tài liệu quả quyết rằng chính Đức Mẹ đã trao cho thánh Đaminh chuỗi Mân côi. Xung quanh thánh Đaminh còn một số tu sĩ nhiệt thành, như tu sĩ Dominique dòng Chartreux thành Trèves, tu sĩ Alain de la Roche dòng Đaminh thành Lille.

Các vị này đã có những đóng góp quan trọng. Tất cả các ngài đều là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành, các ngài rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận Âu Châu.

Phong trào đọc kinh Mân côi sau đó được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric III, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội kinh Mân côi. Nhờ vậy, chuỗi Mân côi có thêm uy tín.

Uy tín đó không phải là lý do để phong trào kinh Mân côi lan rộng. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi. Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh. Các mầu nhiệm suy gẫm trong chuỗi Mân côi cũng được rút ra từ Kinh Thánh. Số 150 kinh Kính Mừng cũng là để nhớ lại số 150 thánh vịnh của Cựu Ước.

Tuy nền tảng là Kinh Thánh, nhưng chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân thấy có ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật giáo, Hồi giáo.

Với hình thức đạo đức này, kinh Mân côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ.
Lịch sử cho thấy: Khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

Năm 1571, trước cơn đe doạ đạo Chúa bị tàn phá, Đức Thánh Cha Piô V, đã truyền cho Hội Thánh cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu. Khấn cầu đó đã được Chúa chấp nhận. Chiến thắng ở vịnh Lepante ngày 7 tháng 10 năm 1571 đã là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi. Hằng năm cứ đến ngày 7 tháng 10, Hội Thánh đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng.

Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon, đã có sáng kiến lập ra phong trào "Kinh Mân côi sống". Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng.

Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.
Đầu thế kỷ XX, trước tình hình suy giảm đức tin tại Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần. Những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi. Và thực sự chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Chuỗi Mân côi mở kho tàng trái Tim Đức Mẹ.
Trước đây, chuỗi Mân côi được truyền bá bởi các thánh, và Hội Thánh. Nay, chính Đức Mẹ lên tiếng.
Tại Fatima, khi hiện ra với ba trẻ, Phanxicô, Giacinta và Lucia, Đức Mẹ đã mang chuỗi Mân côi. Đức Mẹ cũng đã khuyên người ta hãy năng cầu nguyện kinh Mân côi.

Tại Fatima, Lộ Đức và những nơi hành hương, chuỗi Mân côi ví như những chuỗi hoa hồng của các trái tim không ngừng dâng lên Đức Mẹ. Còn Đức Mẹ, thì luôn mưa những hoa hồng thiêng xuống cho các người chân thành cầu khấn. Hoa hồng nói đây là những ơn phúc phần hồn phần xác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Phúc Âm, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ đồng công cứu chuộc.

Các ơn Đức Mẹ ban qua chuỗi Mân côi phát xuất từ trái tim Đức Mẹ. Trái tim ấy đầy tình thương và cũng đã chịu nhiều đau đớn, để cùng với Chúa Giêsu cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh trên thánh giá. Vì thế có thể nói, các ơn đó đến từ trên, và chảy vào trong nội tâm mỗi người. Với nhận thức đó, chúng ta hiểu ý nghĩa lời Đức Mẹ nói với Bernadette ở Lộ Đức: "Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau". Tuy nhiên, ngay ở đời này, những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác.

Hiện nay, cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải. Kinh Mân côi sẽ giúp chúng ta tìm được lối thoát. Lối thoát sẽ từ trên trái tim Đức Mẹ mà xuống và từ trong nội tâm ta mà ra. Nội tâm ta cầu nguyện sám hối. Trái tim Đức Mẹ sẽ làm chứng một cách sống động lời thiên thần đã nói với Đức Mẹ xưa: "Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Lc 1,37).

17. Vị Thánh Của Kinh Mân Côi

Đaminh, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, mở mắt chào đời năm 1170 bên Tây Ban Nha trong một gia đình quý tộc, nhưng ngay từ nhỏ, Đaminh đã tập quen sống hãm mình. Ngoài ra, Đaminh có tính khẳng khái, thích làm việc có hệ thống và chú ý đến việc trau dồi kiến thức.

Khi làm linh mục, rồi kinh sĩ, Đaminh nổi bật về lòng ngay thẳng, hăng hái và tinh thần hy sinh. Ngài cảm thấy như được Chúa gọi đi để loan báo Tin Mừng cho các bộ lạc bên nước Nga, nhưng Đức Innocentê thứ 3 lại cử ngài đến hoạt động tại Toulouse bên Pháp, nơi những làn sóng lạc giáo đang làm lung niềm tin của nhiều người.

Đaminh xác tín rằng: Lời giảng dạy phải đi đôi với cuộc sống. Vì thế, ngài đã lập một hội dòng, quy tụ các tu sĩ sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm để có thể rao giảng, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống của mình. Chính Đaminh đã là người đầu tiên làm gương về nếp sống ấy bằng cách đi chân không, ngủ dưới đất, ăn chay và sống bằng của bố thí.

Vào năm 1216, Đức Hônôriô thứ 3 đã phê chuẩn dòng do cha Đaminh sámg lập mang tên "Dòng anh em giảng thuyết" thưo quy luật của thánh Augustinô, tức là dòng Đaminh ngày nay. Thiên Chúa chỉ dành cho cha Đaminh 5 năm vắn vỏi để chu toàn sứ mệnh của người gieo giống. Suốt thời gian này ngài đã rảo qua các nước Pháp, Italia và Tây Ban Nha để rao giảng và đã đưa nhiều người ly giáo trở về với Giáo Hội.

Trong suốt cuộc sống, Đaminh đã nêu cao gương hy sinh và cầu nguyện. Ngoài ra, ngài còn truyền bá lòng sùng kính Đức Maria và kinh Mân Côi, vì thế, ngài đã thành lập một dòng nữ để giúp chị em sống theo tinh thần này.

Cha Đaminh qua đời tại Bologna bên italia ngày 06/8/1221 và chỉ 13 năm sau, vào năm 1234, Đức Gregoriô thứ 9 tôn phong ngài lên bậc hiển thánh.

Có một câu chuyện thuật lại giấc mơ của thánh Đaminh: Ngài thấy thế gian sắp bị án công thẳng của Thiên Chúa luận phạt, nhưng được cứu thoát nhờ lời cầu bàu của Đức Maria. Đức Mẹ chỉ cho Chúa Giêsu hai hình ảnh: một hình ảnh là chính Đaminh và hình ảnh kia là một người ăn mày quần áo rách tả tơi.

Ngày hôm sau, trong lúc cầu nguyện trong nhà thờ, Đaminh thấy người ăn mày trong mộng xuất hiện, tiến đến gần, ôm chầm Đaminh và nói: "Anh là người đồng hành với tôi. Nếu chúng ta cùng sánh vai tiến bước, thì không quyền lực nào có thể thắng chúng ta". Nhìn kỹ, Đaminh nhận ra người ăn mày đó chính là Phanxicô thành Assisi.

Cuộc gặp gỡ này của hai vị sáng lập dòng vẫn được các tu sĩ Đaminh và Phanxicô mừng mỗi năm. Vào ngày lễ kính hai thánh nhân, họ cùng nhau dâng Thánh Lễ và sau đó ngồi vào bàn để chia sẻ với nhau những tấm bánh và những lý tưởng đã làm cho Giáo Hội trở nên phong phú trong việc sống theo tinh thần Phúc Âm trải qua 7 thế kỷ nay.

Lý tưởng mà dòng Đaminh cũng như của các dòng khác không phải chỉ để chúng ta kính phục, nhưng cũng là để chúng ta noi gương. Các tu sĩ là những người tự nguyện sống trọn những lời khuyên của Phúc Âm qua ba lời khấn: khó nghèo, thanh tinh, vâng lời. Đó cũng là ba nhân đức mà mỗi người Kitô cũng phải thực hành tùy sức, tùy hoàn cảnh và địa vị của mình.

18. Kinh Mân Côi

Vào thế kỷ mười ba, bèrối Albigeois nổi lên ở miền nam nước Pháp, gây nhiều thiệt hại cho Giáo hội. Và theo truyền thuyết, chính Đức Mẹ đã hiện ra và truyền dạy thánh Đa Minh phép lần lật Mân côi, như là một phương thế tuyệt điêu để cảm hóa bè rối. Và sự thật đã xảy ra đúng như thế. Chỉ sau một thời gian ngắn quảng bá việc lần chuỗi Mân côi, thánh Đa Minh đã dẫn đưa được 150.000 người theo bè rối trởvề cùng Giáo hội. Và đó chính là nguồn gốc của kinh Mân Côi.

Tiếp đến, vào thế kỷ mười sáu, vua Thổ Nhĩ Kỳ đảm đạo quân Hồi giáo của mình xâm chiếm Âu Châu. Sau khi lấy được đảo Chypre và Creta, ông ngang nhiên tuyên bố sẽ cho ngựa ăn cỏ trong đền thờ thánh Phêrô. Trước sự tấn công như vũ bão, cũng như trước áp lực nặng nề ấy, các nước Âu châu đã phải liên kết với nhau. Đồng thời, Đức Giáo Hoàng đã truyền cho mọi người phải ăn chay, cầu nguyện và nhất là lần chuỗi Mân côi. Sau cùng, đạo quân Công giáo đã dành được chiến thắng tại vịnh Lépante. Để cám ơn Đức Mẹ và để kỷ niệm chiến thắng lịch sử này, Đức Thánh Cha Piô V đã thiết lập lễ kính Mẹ Mân Côi hôm nay. Và đó chính là nguồn gốc của lễ Mẹ Mân Côi.

Rồi từ đó cho đến bây giờ, kinh Mân côi đã trở nên một việc đạo đức quen thuộc của người Công giáo. Vậy tại sao chúng ta lại ưa thích kinh Mân côi ? Phải chăng vì cỗ tràng hạt vừa nho nhỏ lại vừa xinh xắn ? Phải chăng vì kinh Kính mừng là một lời kinh vùa dễ đọc, lại vừa dễ thuộc, để rồi chúng ta có thể lần chuỗi ở mọi nơi và trong mọi lúc ? Phải chăng vì tình cảm của chúng ta thường dễ hướng tới người mẹ ? Phải chăng qua dòng thời gian, Mẹ đã nhiều lần hiện ra khuyên nhủ chúng ta hãy siêng năng lần hạt và hứa ban nhiều ơn lành qua việc đạo đức ấy ?

Tất cả những lý do trên đều đúng nhưng còn mang nặng tính chất tình cảm. Nếu suy nghĩ, chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa sâu xa và nội dung phong phú của kinh Mân Côi, khiến chúng ta càng yêu thích việc lần hạt nhiều hơn nữa.

Thực vậy, là một sáng kiến đạo đức được Mẹ đưa ra, nên chuỗi Mân côi có một hình thức thật đơn sơ : một trăm năm mươi kinh Kính mừng, mười lăm kinh Lạy Cha và mười lăm sự việc được xoay quanh mười lăm đề tài suy gẫm cụ thế và dễ hiểu.

Tuy hình thức đơn sơ, nhưng chuỗi Mân côi lại có được một nội dung phong phú. Thực vậy, kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng là những kinh cao trọng nhất xuất phát từ Tin mừng. Còn những mầu nhiệm suy gẫm là những biến cố được rút tỉa từ cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Chính vì thế, chúng ta có thể gọi kinh Mân côi là một cuốn Phúc âm được rút ngắn của người tín hữu.
Vậy chuỗi Mân côi đem lại những hậu quả nào ?

Cha Lacordaire nói :
- Con đường bảo đảm nhất để về trời là con đường của các bà già, bởi vì các bà luôn có cỗ tràng hạt trong tay.
Chính Mẹ, khi hiện ra tại Phatima, cũng đã nói :
- Phanxicô sẽ được lên thiên đàng, nhưng phải lần hạt thật nhiều trước đã.

Nếu chúng ta đọc và sống kinh Mân côi, thì kinh Mân côi sẽ là một bảo đảm cho phần rỗi của chúng ta. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, kinh Mân côi còn đem lại cho chúng ta nhiều an ủi và khích lệ, nhất là trong những giờ phút chúng ta gặp phải khổ đau và buồn phiền.

Có một anh lính trở về từ thế giới ngục tù đã cho biết như sau: Chính chuỗi Mân côi đã giúp anh ta cầu nguyện và thánh hóa những khổ đau trong những tháng ngày đen tối ấy. Rồi anh ta kể tiếp :
- Khi bị thương và nằm lại trên chiến trường, tôi đã lần hạt. Liền sau đó hai người bạn bên cạnh cũng muốn lần theo. Thế là tôi dứt cỗ tràng hạt làm ba mẩu, mỗi người một mẫu để cùng nhau lần chuỗi. Và mẫu chuỗi ấy, tôi vẫn còn lần nó cho đến bây giờ . Nó mãi mãi sẽ là một kỷ vật thân thương nhất trong cuộc đời của tôi. Hãy dâng lên Mẹ những cánh hồng thiêng liêng, đó là những lời kinh Mân côi sốt sắng để xin Mẹ nâng đỡ và phù trợ cho chúng ta luôn mãi.

19. Suy Niệm của Nguyễn Văn Nội

Kinh Mân côi là bản tóm lược sứ điệp Tin Mừng
Ngày 16 tháng 10 năm 2002, đúng vào ngày kỷ niệm năm thứ 25 triều đại Giáo hoàng, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã ban hành Tông Thư Kinh Mân Côi và công bố Năm Mân Côi là thời gian kể từ tháng 10 năm 2002 đến tháng 10 năm 2003. Vì thế mừng lễ Mẹ Mân Côi hôm nay, chúng ta phải có những tâm tình đặc biệt khi lắng nghe Lời Chúa, suy niệm và sống Mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể và Cứu độ bằng con đường thập giá.

ĐÓN NHẬN & SỐNG SỨ ĐIỆP LỜI CHÚA
1. Vai trò của Đức Maria trong công trình Nhập thể và Cứu độ của Con Một Thiên Chúa.
Trong cả ba bài Thánh Kinh mà Giáo hội đọc hôm nay đều nói đến vai trò của Đức Maria trong công cuộc Nhập thể và Cứu độ của Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa.

Trong bài Công vụ Tông đồ, Thánh Luca chỉ đơn giản nhắc đến sự hiện diện của Đức Maria giữa các Tông đồ trước và sau biến cố Chúa Giêsu về Trời. Chúng ta có thể nghĩ mà không sợ sai rằng: Đức Maria cũng đã có mặt trên Núi Oliu với Chúa Giêsu và các Tông đồ và Mẹ cũng đã chứng kiến cảnh Con mình được rước lên trời như thế nào. Sau khi Chúa Giêsu biến khỏi tầm nhìn của mọi người thì Đức Maria cùng trở về nhà với các môn đệ yêu dấu của Con.

Trong thư viết cho tín hữu thành Galát, Thánh Phaolô nhắc đến việc Con Một Thiên Chúa sinh ra bởi một phụ nữ. Như vậy thì Đức Maria đóng vai người mẹ của Đức Giêsu. Nhờ có Đức Giêsu cả nhân loại được ơn làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Abba= Cha ơi, được làm kẻ thừa hưởng gia nghiệp của Chúa Kitô.

Trong bài Phúc Âm, thánh Luca tường thuật lại sự kiện xẩy ra cho Đức Maria. Sứ thần Thiên Chúa được sai đến để nói cho Đức Maria biết kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa: Đó là việc Chúa Cha muốn Con Một Người sẽ thụ thai làm người trong lòng Đức Maria. Chúa Cha không ép buộc mà chờ đợi sự chấp thuận của Đức Maria trong sự việc quan trọng này. Sau khi đã được sứ thần giải tỏa những khúc mắc chính đáng, Maria nói lời xin vâng: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói".

2. Gương sáng của Đức Trinh Nữ Maria đáng chúng ta noi theo.
Người giáo dân thường được khuyến khích noi gương bắt chước Đức Trinh Nữ Ma-ria trong việc thực hành các nhân đức của Người: tin, cậy, mến, trong sạch, khiêm nhường, khó nghèo v.v...

Nhưng thiết nghĩ nhân đức lớn nhất của Đức Maria, nhân đức đáng chúng ta học cùng Mẹ nhất, chính là việc Người toàn trí toàn tâm chấp thuận chương trình hay kế hoạch của Thiên Chúa nơi Mẹ. Lời "xin vâng" là cao điểm của sự chấp thuận ấy. Lời "xin vâng" là bản tóm tất cả cuộc đời Mẹ. Với lời "xin vâng" Mẹ để cho Thiên Chúa hành động. Mẹ dâng cuộc đời Mẹ cho Thiên Chúa để Người thực hiện chương trình Cứu độ trần gian. Vì thế mà điều quan trọng nhất đối với mỗi người chúng ta là lắng nghe, khám phá ra ý định của Thiên Chúa về mình và chấp thuận thánh ý ấy và để cho Thiên Chúa hoạt động. Muốn được như thế thì chúng ta phải biết bỏ mình: ý riêng, kế hoạch, quan điểm v.v… của riêng mình và tán thành quan điểm, kế hoạch, thánh ý của Thiên Chúa. Sự thánh thiện Kitô giáo là thế!

3. Mừng kính Đức Mẹ Mân Côi bằng năng đọc, suy niệm và sống Mầu nhiệm Mân Côi.
Trong phần mở đầu Tông Thư Kinh Mân Côi, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: "Kinh Mân côi kính Đức Trinh Nữ Maria…. Là một lời kinh được vô vàn các vị thánh yêu thích và được huấn quyền khuyến khích. Đơn sơ nhưng sâu sắc, lời kinh này vẫn là lời kinh có ý nghĩa lớn lao vào buổi hừng đông của Ngàn năm thứ ba này, vì mang lại hoa quả thánh thiện. Nó dễ dàng hòa vào cuộc hành trình thiêng liêng của đời sống Kitô hữu, đời sống này sau hai ngàn năm vẫn không đánh mất sự tươi trẻ của buổi ban đầu và cảm thấy được Thánh Thần Thiên Chúa lôi kéo chèo ra chỗ nước sâu (duc in altum) để một lần nữa loan báo và cả đến hô to lên rằng Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Đấng Cứu độ, là Đường, Sự Thật và Sự Sống (Ga 14,6), mục tiêu của lịch sử nhân loại và đích điểm mà các khát vọng của lịch sử và văn minh hướng về" (Hiến chế Mục vụ, 45).

Kinh Mân côi, dầu rõ ràng gắn liền với Đức Maria, chủ yếu là một lời kinh lấy Đức Kitô làm trung tâm. Qua vẻ giản dị của các yếu tố, lời kinh có được chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng mà ta có thể gọi là một bản tóm lược. Qua lời kinh ấy vang vọng lại lời kinh của Đức Maria, kinh Ma-gnificat ca ngợi việc nhập thể cứu chuộc đã khởi sự trong cung lòng trinh khiết của ngài. Với kinh Mân côi, dân Kitô giáo theo học tại ngôi trường của Đức Maria và được dẫn đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trên khuôn mặt của Đức Kitô và kinh nghiệm chiều sâu thẳm tình yêu của Người. Qua kinh Mân côi các tín hữu lãnh nhận vô vàn ơn thiêng, hầu như qua chính đôi tay của Mẹ Đấng Cứu Thế" (số 1).

Chúng ta hãy thực hiện những lời giáo huấn trên của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, để qua Kinh Mân Côi, chúng ta gặp chính Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa Cứu độ và để khi đọc và suy niệm Kinh Mân Côi, chúng ta ôn lại toàn bộ sứ điệp của Tin Mừng. Đời sống chúng ta sẽ được chan hòa ơn thiêng liêng và sự sống đời đời bên Chúa và Mẹ của chúng ta sẽ được bảo đảm.

CẦU NGUYỆN
Lạy Thiên Chúa Cha toàn năng và yêu thương, chúng con cảm tạ Cha vì Cha đã thực hiện kế hoạch Cứu độ của Cha khi Cha chọn Đức Maria làm mẹ sinh ra Đức Giêsu Con Cha. Cha đã trân trọng sự ưng thuận của Đức Maria cũng như Cha luôn trân trọng sự cộng tác của chúng con. Xin Cha cho chúng con ơn biết noi gương bắt chước Đức Maria mà nói lời "xin vâng" với mọi ý định, mọi chương trình của Cha.

Lạy Chúa Giêsu Kitô là Đấng đã sinh ra bởi một người phụ nữ là Mẹ Ma ria. Mẹ đã dâng cho Chúa cung lòng Mẹ để Chúa nhập thể làm người. Chúa đã ban cho Mẹ muôn vàn ơn phúc, mà ơn cao trọng nhất là ơn làm con Thiên Chúa và làm mẹ Đấng Cứu Thế. Xin Chúa Giêsu Kitô cũng ban cho chúng con ơn làm con Thiên Chúa, để cùng với Mẹ, suốt đời chúng con ngợi khen cảm tạ Thiên Chúa và sống tình con thảo với Chúa Cha.

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng đã làm cho chương trình của Thiên Chúa được thực hiện nơi Trinh Nữ Maria. Xin Chúa Thánh Thần hãy thực hiện kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cho chúng con và nơi chúng con.

Lạy Mẹ Maria, lạy Mẹ Mân Côi, Mẹ là Đấng đã nói lời "xin vâng" với sứ thần để trở thành Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Đấng Cứu Thế, xin Mẹ cầu bầu cùng Thiên Chúa cho chúng oon ơn biết từ bỏ mình mà sống theo tinh thần, đường lối và thánh ý của Thiên Chúa. Amen.

20. Maria Đấng đầy ân sủng

Bài Tin mừng lễ Mân Côi hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Ma-ri-a trong bối cảnh của ngày Truyền Tin, khởi đầu cho mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa hiện diện trong cung lòng Đức Nữ trinh, thực hiện chương trình Cứu chuộc nhân loại.

Khác với việc truyền tin cho Da-ca-ri-a, diễn ra trong sự huy hoàng của Đền thờ Giê-ru-sa-lem, xảy ra trong phiên dâng hương Đền thờ của Tư tế Da-ca-ri-a để rồi chương trình của Thiên Chúa được thực hiện trước hết qua việc "Vị Tiên tri của Đấng Tối Cao" xuất hiện, loan báo Đấng Cứu thế sẽ đến; Sứ thần Gab-ri-el truyền tin cho Đức Ma-ri- a ở một nơi thật khiêm tốn trong "một thành xứ Ga-li-lê" trong gian nhà đơn sơ tại Na-za-rét. Đây là một khung cảnh tuyệt vời, trong đó mầu nhiệm cao siêu nhất lại sát cánh với sự nghèo khó trần trụi nhất.

Trái với tôn ti thứ bậc thời đó, Đức Ma-ri-a được nêu tên đầu tiên như người nhận sứ điệp của Thiên Chúa. Thánh Lu-ca đã hai lần nhấn mạnh người thiếu nữ này là một trinh nữ. Từ Trinh nữ ở đây phải hiểu như thế nào?

Trinh nữ tiếng Hy-lạp là Par-the-nos: chỉ mọi thiếu nữ mặc nhiên được coi là đồng trinh. Điều này càng được khẳng định cách vững chắc trước câu nói của Đức Me với sự thần: "Việc ấy xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?"

"Đấng đẩy ân sủng" được coi là danh hiệu của Đức Mẹ, vì được Thiên Chúa đặt tên. Chúng ta thấy kiểu nói này chỉ gặp hai lần trong Kinh thánh (x. Hc 18,17; Ep 1,16) để chỉ đặc sủng của nhà vua và lòng sủng ái của người yêu. Đây chính là ân sủng và lòng ưu ái nhưng không mà Thiên Chúa đã dành cho mẹ Như vậy là, tôn danh cao quý mà Đức mẹ nhận được từ nơi Thiên Chúa một lần nữa cho thấy vai trò hết sức quan trọng của mẹ trong sức điệp Truyền tin cũng như trong suốt chiều dài lịch sử Cứu độ xuất phát từ thánh ý Thiên Chúa.

Trước sứ điệp của sứ thần, chúng ta thấy là Đức Mẹ chỉ bối rối chứ không sợ hãi như trường hợp Da-ca-ri-a. Sự sợ hãi và nghi ngờ pha chút giễu cợt của Da-ca-ri-a đã làm cho ông trờ nên người câm trong suốt thời kỳ vợ ông mang thai. Trái lại, nơi Đức Ma-ri-a, chút bối rối thoáng qua để rồi Mẹ ra sức để tìm hiểu ý nghĩa của mầu nhiệm mà Mẹ vừa được Thiên sứ mạc khải một cách bất ngờ.

Cũng như Da-ca-ri-a, Đức Mẹ cũng đặt vấn đề với Sứ thần nhưng khác với Da-ca-ri-a, Đức Mẹ không hoài nghi mà xuất phát từ lòng tin đi tìm ánh sáng. Câu hỏi của Đức Mẹ không gì khác hơn là nhằm đưa đến một mạc khải rõ ràng về Chúa Giê-su- Người mà Mẹ phải lãnh trách nhiệm cưu mang và sinh thành dưỡng dục.

Tước hiệu "Con Thiên Chúa" là một tước hiệu mà Kinh thánh Cựu ước và thánh sử Lu-ca dùng để chỉ Đấng Mê-si- a, tức Chúa Giê-su. Điều này cho chúng ta thấy ngay từ đầu của việc truyền tin, Thiên Chúa - qua lời sứ thần- đã mạc khải nguồn gốc Thần linh cũng như mối quan hệ Phụ - Tử từ đời đời của Chúa Giêsu

Qua tiếng thưa "Xin vâng" của Đức Ma-ri-a cho chúng ta thấy đó chính là thái độ tin kính và mến yêu hơn là thái độ khiêm tốn, vì trong Kinh thánh, được làm tôi tớ Thiên Chúa là một vinh dự. Bằng niềm tin tưởng phó thác tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa, Mẹ đã để cho Lời đó được thực hiện qua việc để Con thiên Chúa được trở nên Người giữa muôn muôn người.

Sứ thần Gab-ri-el loan báo việc Chúa Giê-su sinh ra nhằm thực hiện hai lời tiên tri quan trọng đã được loan báo trong Cựu ước:

- Lời thứ nhất của Isaia 7, 14 "Này đây một Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh con, và ngài sẽ đặt tên cho con trẻ là Em-ma-nu-el"

- Lời thứ hai là sấm ngôn của Na-than, Thiên Chúa tuyên bố cùng Đa-vid :"Đối với Ta, nó sẽ là Con… ngai vàng nó sẽ tồn tại mãi mãi. (x. 2 Sm 7,14tt)

Mừng lễ Mân Côi hôm nay, mỗi người trong chúng ta hướng nhìn lên Đức Ma-ri-a như mẫu guơng để noi gương Mẹ, chúng ta biết lắng nghe và tuân hành thánh ý Chúa. Cũng như Mẹ và nhờ mẹ, chúng ta phó thác đường đời đầy gian lao vất vả cho Chúa, xin Người hướng dẫn và nâng đỡ chúng ta trong mọi sự ngõ hầu danh Chúa được tôn vinh.

Nguồn http://chiendang.blogspot.com

1245    02-10-2014 19:30:59