Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Chúa Nhật XXV Thường Niên B năm 2015

CHÚA NHẬT XXV TN  
Mc 9, 30 - 37

“Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (Mc 30, 35cc)

Tôi có nuôi một con chó, nó rất dễ thương, đến lúc nó đẻ, nó cho ra bốn chú cún thì có hai chú giống hệt như mẹ nó. Tôi bèn để lại nuôi. thế nhưng sau hơn ba tháng thì những chú chó con này bị ghẻ lở rồi lần lượt chết đi. Lần nữa, nó lại đẻ và cũng như lần trước, tôi để lại hai chú để nuôi và kết quả cũng giống hệt. Nhưng qua đó tôi thấy được một việc rất cảm động:

Hai lần tôi để các chú chó con để lại tôi đều chọn một con vàng và một con đen. Chó mẹ rất thương các chú chó con, nó luôn nhường cho các con của nó ăn mà không hề giành giật.

Trong hai con, chó mẹ thương con đen hơn con vàng, nó thường âu yếm, chơi đùa với con đen hơn. Tôi không thể hiểu được lý do, nhưng có một sự thật luôn xãy đến với những chú chó đen là thời gian sau đó chúng bị ghẻ lở đầy mình không thể trị được và chết trước con vàng. Khi nó bị ghẻ lở, chó mẹ luôn đi theo để liếm vết lở cho chó con cách tận tình cho đến lúc con nó chết.

Thật lạ lùng ! Nơi con vật mà Chúa cũng dạy cho chúng biết cách làm lớn đúng nghĩa của nó, nếu đem con người ra so sánh thì thật đáng xấu hổ!

Ngày nay người lớn lại giành phần lợi về phần mình, chỉ nghĩ cho bản thân mình mà không nghĩ cho kẻ thấp bé hơn. Người lớn, kẻ mạnh lại lợi dụng thế lực mình có để ăn giành, ở giật, thậm chí còn hùa nhau đàn áp, giết chết những kẻ chưa được thấy ánh mặt trời. Chúng ta nghĩ gì về điều đó ?

“ Ai tiếp đón một trẻ nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống xứng bậc của mình.

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
Mc 9, 30 - 37

“Ai là người lớn nhất?” (Mc 9,34)

Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn lần thứ nhất, phản ứng của các môn đệ là không đón nhận và ngăn chặn chương trình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dạy cho họ một bài học muốn theo Chúa phải từ bỏ mình và vác thập giá mình. Lần thứ thứ hai Chúa Giêsu loan báo cuộc khổ nạn phản ứng của các môn đệ là im lặng vì sợ sai lầm như lần trước. Nhưng trong thâm tâm lại suy nghĩ, bàn tán với nhau ai là người lớn nhất trong nhóm và bây giờ Chúa Giêsu dạy bài học về phục vụ. Qua đó cho thấy dù con người suy nghĩ như thế nào hay làm gì, chương trình cứu độ của Thiên Chúa vẫn phải thực hiện và Ngài muốn hướng dẫn con người đi theo và sống tinh thần của Chúa.

Chúa Giêsu loan báo điều quan trọng và quyết định nhất trong công trình cứu độ con người. Ngài phải chịu đau khổ, chết và sống lại nhưng các môn đệ không hề để ý điều đó mà quan tâm đến một chuyện không ăn thua gì và trái nghịch với lời loan báo của thầy mình: ai là người lớn nhất. Chúa Giêsu hiểu ước muốn và suy nghĩ tầm thường của họ, Ngài dịu dàng và chân tình dạy dỗ các môn đệ, phục vụ là cách làm tốt nhất của người muốn làm lớn. Chúa Giêsu cho thấy một khuôn mặt khác của Thiên Chúa, một Thiên Chúa phục vụ vì phần rỗi và hạnh phúc của con người. Ngài phục vụ con người bằng tình yêu, sự hiền hoà, bằng thân phận và chính mạng sống của mình. Từ một Đấng đầy quyền năng nhưng Ngài không ngại thân phận con người mà yêu thương, sống và chết cho con người. Vì vậy, mỗi người dù sống trong bậc sống nào phục vụ cụ thể và sống tinh thần phục vụ đều cần phải có trong đời sống hằng ngày của mình. Phục vụ với tinh thần khiêm tốn, hiền hoà, vô vị lợi cũng là đón tiếp chính Chúa. Đón tiếp Chúa, có Chúa ở trong tâm hồn không phải là niềm vui và hạnh phúc nhất của đời sống mỗi người kitô hữu hay sao?

Nhưng con người vẫn luôn có những toan tính riêng tư cho bản thân mình, ngại khó, ngại khổ nhưng thích làm lớn. Yù Chúa nhiều khi rất rõ ràng nhưng con người không nhận ra hay cố tình không nhận ra, đó là cái khốn khổ của con người.

Lạy Chúa xin cho con biết khiêm tốn phục vụ Chúa và mọi người như Chúa đã dạy con.

THEO CHÚA HÃY BIẾT PHỤC VỤ
Mc 9, 30 - 37

Chúa Nhật tuần trước, Hội Thánh cho chúng ta nghe lời Chúa Giêsu dạy: ai muốn theo Chúa phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa. Hôm nay, Chúa tiếp tục dạy cho các môn đệ là những người muốn theo Chúa: ai muốn theo Ta, muốn có vỊ trí trong Nước Chúa thì ngay ở đời này phải biết phục vụ mọi người.

Thực ra, theo bản tính tự nhiên chưa luyện lọc thì ai mà không thích làm lớn, địa vị cao để được nhiều người phục dịch cho mình. Thế nhưng Chúa Giêsu lại bảo các môn đệ tìm cái ngược lại: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người , hãy biết đón tiếp những kẻ bé mọn với lòng yêu mến. Nói đến đây, tôi nhớ đến mẹ Têrêsa Calcuta. Mẹ qua đời vào năm 1997. Toàn thể nhân loại nhứt là những người cùng khổ đều thương tiếc mẹ. Tại sao cả thế giới chú ý đến mẹ Têrêsa nhiều như vậy? Vì mẹ đã trọn đời hy sinh phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật.

Năm 1937, nữ tu têrêsa được cử làm giám đốc một trường trung học dành riêng cho học sinh giàu tại Calcuta. Tuy nhiên, nhìn thấy cảnh đói khổ của dân chúng, trước cảnh đau xót của các bệnh nhân, những người phong cùi và nhất là các trẻ em, những người già yếu lê lết ngoài đường phố, mẹ không cầm lòng được. Năm 1946, nữ tu Têrêsa đang ngồi trên chiếc xe lửa chật chội bên những người cùng khổ, thì nghe như có tiếng thì thầm trong lòng: con hãy phục vụ người nghèo bằng cách đến sống với họ và như họ. Nhiều lần cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa, chị xác tín đây là tiếng Chúa gọi và trình lên bề trên. Một năm sau, chị được Bề trên và Đức Giám Mục địa phương cho phép ra khỏi dòng để đến sống với những người nghèo khổ. Từ đó, chị khoác vào người chiếc áo Sari cổ truyền Ấn độ, giống như người nghèo, phục vụ người nghèo, chia sẻ cuộc sống của người nghèo, nhứt là chị nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo. Năm 1974, Mẹ trả lời cho một cuộc phỏng vấn: Tôi thấy Chúa trong mỗi người. Khi tôi rửa các vết thương cho người cùi, tôi nghe như tôi rửa cho chính Chúa Giêsu.

Mẹ quả là tấm gương thi hành lời Chúa dạy hôm nay: biết quên mình phục vụ tha nhân, sẵn sàng hy sinh mạng sống vì người khác. Mẹ là mẫu gương quãng đại, xả kỷ, vị tha theo gương Chúa giêsu.

Mỗi người chúng ta đều đang được Chúa mời gọi phục vụ theo gương mẹ têrêsa: phục vụ hết mình theo đấng bậc và hoàn cảnh hiện tại. Nếu chúng ta phục vụ cho người giàu sang để được trả lại sòng phẳng thì còn công cán gì, nếu chúng ta tôn trọng những người tôn trọng mình thì có gì lạ đâu, nếu chúng ta quan tâm đến người giúp đỡ mình cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, môn đệ Chúa Giêsu phải vượt trên mức tự nhiên để trở nên giống Chúa là Đấng đã, đang và tiếp tục làm ơn cho những kẻ làm khổ ngài, phạm tội làm mất lòng ngài, không biết đón nhận tình thương của ngài, hoặc chống lại ngài dưới nhiều hình thức : những cuộc chiến phi nghĩa, hại sự sống của các thai nhi và người già lão, cuộc sống nô lệ vật chất tiền tài… tất cả những điều đó làm Chúa Giêsu trên thánh giá phải oằn oại, không chỉ vì đau đớn, tủi hổ mà còn vì sự vong ân, thất đức, đui mù của nhiều người, nhiều kẻ để mình bị dục vọng tội lỗi giam hãm mà không biết tìm đến Ngài để được ơn giải thoát. Thật khốn khổ cho họ!

Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta hãy khiêm tốn giúp đỡ mọi người, nhất là những người cô thân cô thế, biết quên mình phụng sự chúa và phục vụ tha nhân để nêu gương sống của người kitô hữu: yêu thương phục vụ như Chúa Giêsu.

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN.
Mc 9, 30 – 37

Trong những ngày này, người dân sống trên lưu vực sông Mêkông đang rơi vào tình trạng khổ sở. Những gì của dòng sông trước kia cho họ nguồn lợi, giờ đây lại tàn phá tất cả, lại còn đe dọa cả mạng sống của họ. Người Việc Nam sống trên đồng bàng sông Cửu Long, hạ nguồn của sông Mêkông cũng không tránh khỏi tình trạng bi thương đó.

Chúng ta thử tưởng tượng về những suy tư của những người đang trong cơn lũ lụt. Người thì lo cho hiện tại, không biết có qua được cảnh thiên tai này không. Người thì lo cho tương lai, không biết phải sống như thế nào. Nhưng rồi, một số trẻ em, chúng nó không cùng đồng cảm như thế.

Có được bao nhiêu người tỏ chút lòng thương tâm đối với những người hoạn nạn. Tất cả cùng đóng góp để giúp đở, nhưng mỗi người theo đuổi một mục đích khác nhau. Mặc dù họ cũng động lòng trắc ẩn, cũng giúp đở, nhưng không ở trong hoàn cảnh của người, nên sau đó!!! mọi việc rồi cũng đi vào quên lãng. Đường ai nấy đi, việc ai người đó làm.

Các môn đệ sống kề cận bên Thầy mình, đi theo Thầy, nghe những lời Thầy giảng dạy. Nhưng họ mãi theo đuổi mục đích riêng của mình. Thầy vừa loan báo Thập Giá, các ông lại tranh giành quyền lợi cá nhân. Thầy bảo khiêm nhường phục vụ, các ông tranh giành quyền lực và tìm cách núp bóng Thầy để tìm những lợi ích cho riêng mình. Khi trở về nhà trong yên tĩnh vắng lặng, ngồi đối diện với Thầy, các ông đã được Thầy cho nhìn thấy con người thật của mỗi người.

Ai muốn làm lớn, hãy làm người nhỏ nhất để phục vụ.

Bài học thật quý giá, các ông đã cảm nhận được và đã thực hiện trong suốt quảng đời còn lại của mình. Các ông đã nhìn thấy những sai phạm, nên các ông đã thay đỗi. Thực sự giờ đây, các ông đã trở thành những người lớn nhất theo như Lời Thầy đã dạy.

Lời dạy năm xưa không phải chỉ còn phản phất lại dư âm, nhưng trái lại, Lời đó còn vang mạnh bên tai mỗi người qua mọi thời đại. Suốt những năm tháng dài, có biết bao người đã thay đỗi đời sống, để có được sự đồng cảm với Vị Thầy Chí Thánh . Những con người đó đã học được cách làm lớn của Thầy, cách phục vụ xứng đáng.

Ngày hôm nay, lời dạy bảo vẫn còn thống thiết bên tai mỗi người chúng ta. Nhưng những con người của thời đại mới này có còn biết lặng thinh theo Thầy vào nhà, chỉ có Thầy với mình, để lắng nghe, để nhìn lại chính mình và có một thay đỗi xứng đáng với cuộc sống. Cũng có những người không thể yên lặng bước theo Thầy. Họ tìm cách trốn tránh, để không ngồi đối diện với Thầy, họ không muốn lắng nghe những Lời Thầy dạy bảo, vì họ sợ nhìn thấy chính mình, sợ phải thay đỗi. Điều quan trọng hơn là họ sợ phải đồng cảm với Thầy thì họ sẽ mất đi những gì mình đang có trong hiện tại.

Nhìn lại đời sống của chính mình. Mỗi người đã lãnh bí tích rửa tội, là môn đệ của Chúa Kitô. Nhưng trong đời sống hằng ngày, trong cuộc sống đời người, biết bao lần chúng ta tranh luận để tìm vị thế. Chúng ta vẫn biết rỏ những gì phải làm, những gì không nên làm. Nhưng nhiều khi đời sống chúng ta giống như những người đang sống trong sự yên tĩnh, tìm cách giúp đở chút ít cho những người không may. Như thế chúng ta tự hào rằng mình đã sống đạo. Còn những ngày kế tiếp chúng ta mặc tình sống theo ý muốn riêng tư, tìm lợi lộc bản thân, bất chấp những điều công bằng, yêu thương mà chúng ta đã biết. Đó là những lúc chúng ta đang tranh tụng trên đường cùng nội dung như các Tông Đồ khi xưa. Chúa Giêsu cũng đem chúng ta vào yên lặng với Ngài, để cho chúng ta bài học: Ai muốn làm lớn, hãy tự làm người nhỏ nhất và phục vụ. Nếu chúng ta biết lắng nghe, biết thay đỗi cuộc sống của mình, thì chúng ta thật sự là một môn đệ tốt trong thời đại mới. Đó là chúng ta đã đồng cảm với Ngài khi nghe thông báo Thập Giá của cuộc đòi mà không trốn chạy. Còn nếu chúng ta không có được sự đồng cảm đích thực với Ngài bằng những hành động thiết thực trong cuộc sống, thì chúng ta đã chọn cho mình một hướng đi, một con đường không phải là con đường mà Chúa Kitô đã đi.

Xin Chúa cho con biết lắng nghe Tiếng Chúa, biết dấn thân phục vụ, để con được đồng cảm với Chúa và trở nên môn đệ trung thành của Chúa.

GẠN ĐỤC KHƠI TRONG
Mc 9, 30 - 37

Có người đã nhận định như sau: “Tin mừng là quyển sách kẻ tội các tông đồ”. Quả thật, đọc kỷ các bản văn Tin mừng, chúng ta sẽ dễ dàng thấy được là hầu không có chỗ nào nói về những cái tốt của các tông đồ cả. Và hầu như Chúa Giêsu cũng chẳng có lần nào khen tặng các tông đồ ngoài một lần Ngài đặt câu hỏi: “người ta bào Con Người là ai? Thì Phêrô đại diện các anh em mình trả lời rằng: “Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng Chúa Giêsu cũng nói thêm, sở dĩ Phêrô trả lời được như thế thù cũng do Thiên Chúa soi sáng cho nói chứ không phải tự ông có khả năng nói lên chuyện hệ trọng ấy. Trái lại, chúng ta chỉ thấy các bản văn Tin mừng kể về các tật xấu và những sai lỗi của các tông đồ như: thiếu lòng tin, chậm tin, chậm hiểu, nóng nảy, hèn nhát, ghen tỵ, thiếu ăn chay và cầu nguyện, phản bội . . . Và trong đoạn Tin mừng hôm nay, chúng ta vừa nghe kể về một chuyện xem ra chẳng tốt đẹp gì nơi các tông đồ, đó là cái thói thích làm lớn!

Thật ra thích làm lớn cũng chưa có gì để gọi là tật xấu, là tội cả. Nếu làm lớn mà biết quan tâm đến người khác, nâng đỡ và yêu thương người khác thì tốt quá đi chứ! Nhưng theo thói thường, khi con người ta làm lớn thì thích dùng quyền cuả mình để hành hạ người khác; bắt người ta phục vụ mình và sai khiến người khác như đầy tớ của mình. Tình trạng này đã và đang xảy ra đầy dẫy trước mắt chúng ta. Ơû ngoài xã hội thì thôi khỏi nói, mà trong gia đình cũng có và thậm chí trong các tôn giáo cũng có. Đạo chúng ta cũng có tình trạng ấy nữa. Có thể nói đó cũng là tội tổ tông truyền!

Các tông đồ ngày xưa theo Chúa Giêsu, có thể nói, động lực ban đầu chưa đúng đắn, chưa trong sáng gì bao nhiêu. Trong suy nghĩ và tính toán của mình, các tông đồ theo Chúa vì muốn tìm cho mình một chỗ đứng, một địa vị cao sang nào đó khi Chúa Giêsu khôi phục nước Israel và lên làm vua. Quả thật, Chúa Giêsu là Vua, một vị Vua trên hết các vua trần gian, nhưng Nước của Ngài không thuộc thế gian này. Ngài đến trần gian là đểå giới thiệu cho con người biết về Nước trời. Ngài kêu gọi tham dự vào Nước trời và không ngừng mở rộng Vương quốc ấy. Nhưng con đường để vào Vương quốc vĩnh cửu ấy đòi hỏi con người phải có nhiều hy sinh và cố gắng lắm. Vì “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. Con đường ấy ngày xưa làm cho các tông đồ khó chấp nhận vì không hiểu và cũng không muốn hiểu nữa. Chúng ta thấy thật là trớ trêu. Ba lần Chúa Giêsu tiên báo về con đường mà Ngài sẽ phải đi qua để mở đường về Thiên quốc cho con người thì 3 lần các tông đồ không muốn nghe, rồi nghe mà không hiểu nên bàn tính với nhau những chuyện hoàn toàn đi ngược lại với con đường mà Chúa Giêsu kêu gọi họ bước đi.

Trong lần thứ 1 Chúa Giêsu tiên báo về cuộc khổ nạn, thì Phêrô đại diện cho anh em của mình ngăn cản và bắt đầu trách Ngài.

Trong lần Chúa Giêsu tiên báo cuộc thương khó lần thứ 2, thì phúc âm ghi lại là các tông đồ không hiểu, mà cũng không dám hỏi lại, nhưng bắt đầu tranh luận xem ai là người làm lớn hơn cả.

Và trong lần Chúa Giêsu báo trước về cuộc thương khó lần thứ 3 thì các ông run sợ. Rồi sau đó, Giacôbê và em nình là Gioan đến gần Chúa Giêsu nói nhỏ với Ngài để xin cho 2 anh em một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa trong Nước của Chúa. Các tông đồ tiếp tục nuôi dưỡng ước mộng làm lớn.

Trước những người môn đệ với những động lực còn mang tính phàm tục như thế, Chúa Giêsu không chê bỏ họ, nhưng từng bước sửa dạy họ, uốn nắn họ và huấn luyện họ để họ từng bước được thanh tẩy tâm hồn, giúp họ hiểu biết ơn huệ lớn lao mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Chúa Giêsu đã “gạn đục khơi trong” trong tâm hồn các tông đồ để giúp họ từng bước nên thánh, nên người môn đệ đích thực của Thiên Chúa. Điều đáng quý nơi các tông đồ là họ biết chấp nhận những lời sửa dạy của Chúa Giêsu, không tự ái, không tự cao tự đại. Nhờ đó mà họ được Thiên Chúa đoái thương; nhờ đó mà họ không ngừng tiến triển trên con đường nên thánh, nhất là họ biết nâng đỡ nhau, nương tựa vào nhau, biết yêu thương nhau và giúp nhau chu toàn sứ mạng của mình.

Chúng ta ngày nay hãy nhìn vào các tông đồ để hiểu biết mình hơn. Chắc chắn, chúng ta không hơn các tông đồ đâu. Chắc chắn, chúng ta cũng còn nhiều những khuyết điểm: nóng nảy, tham lam, ghe tỵ, ghen tương, thích được phục vụ, thích hưởng thụ, thích làm lớn để dùng quyền bính của mình cho hả dạ . . . Chúng ta chắc cũng còn muốn theo Chúa để được cái này, cái nọ ngay ở tràn gian này. Không thiếu những người giữ đạo vì thấy mình được ban ơn, được Giáo hội quan tâm hay muốn tìm một uy tín nào đó nhờ mang danh là Kitô hữu. Chúng ta rất cần thanh lọc động lực theo Chúa và giữ đạo của chúng ta. Chúng ta cần khiêm tốn đón nhận những lời dạy bảo của Chúa trong Tin mừng hay qua những thừa tác viên của Giáo hội.

VINH QUANG TUYỆT ĐỈNH
Mc 9, 30 - 37

“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương!”

(Thi hào Tagor, Ấn Độ)

Đối diện trước cái chết, con người có nhiều thái độ khác nhau. Có kẻ bình thản chờ điều phải đến, có kẻ đau đớn tuyệt vọng, kẻ khác thì sợ hãi lẩn trốn… Nhưng tất cả, tất cả, từ những vị thánh sống đến những con thú đội lốt người, đều không thể tránh khỏi cái chết.

Một điều sẽ xảy ra với ta, với cha ta, mẹ ta, với mọi người thân hay kẻ thù của ta có vẻ như không hy vọng gì để thoát khỏi cái chết.

Đức Giêsu, nhìn từ nhãn quan y học, Người đã chết thật, máu người đã đổ ra là máu thật, đau đớn Người phải chịu là đau đớn xác thịt thật như chúng ta. Thế nhưng, trước cái chết, Người không tránh né, không dùng quyền năng để chống lại. Người vui lòng đón nhận, và còn dùng ý thức về cái chết để huấn luyện các tông đồ. Thế nhưng các ông lại sợ điều khủng khiếp ấy xảy ra cho Thầy mến yêu, sợ mà không dám hỏi thăm. “Các Ngài kỳ quá!”

Nhưng tệ hơn, mặc dù đang mơ hồ đối diện cuộc tử nạn của Thầy, các ông vẫn rục rịch cãi nhau xem ai lớn nhất!

Chúng ta thì sao? Nếu có lần nào ta lỡ ngồi trên xe của một ông tài xế say rượu, và ta chỉ biết nhắm mắt đọc kinh, mong cho mau tới chỗ an toàn, ta mới có thể hình dung tình huống đối diện với cái chết là thế nào!

Lúc đó, hẳn ai cũng sẵn lòng đổi tất cả phù hoa thế gian để được xuống đất bình an!

Thế mà, ta không nghĩ đến việc một ngày kia Chúa vẫn gọi ta, ta không nghĩ đến hạnh phúc thiên đàng mới quan trọng hơn hết thảy. Để ngày hôm nay ta sống chan hoà yêu thương hơn với mọi người!

Không muộn đâu! Ngay bây giờ, ta hãy nghĩ đến những người nguội lạnh mà cầu nguyện cho họ, nghĩ đến một người đau khổ mà trăn trở cùng người đó; sáng mai, ta hãy tìm một hoàn cảnh túng quẫn mà nâng đỡ, dọc đường thấy ai vác nặng thì chia sớt giúp người…

Thế rồi, ta sẽ hiểu rằng, vinh quang tuyệt diệu không phải là ngồi ghế nhất, không phải là được mọi người cúi đầu, càng không phải là được làm thánh sống!

Mà, vinh quang lớn nhất của ta là sống yêu thương như Chúa Giêsu, chết hạnh phúc như Chúa Giêsu!

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con mỗi sáng và mỗi ngày con biết tìm đến với Chúa qua anh chị em của con là những con người đang bị bất hạnh. Để con biết sống yêu thương như Chúa, và đưa anh chj em của con đến đỉnh vinh quan với Chúa.

TẠI SAO CÁC MÔN ĐỆ SỢ, KHÔNG DÁM HỎI?
Mc 9, 30 - 37

Tuần trước khi Chúa Giêsu loan báo người sẽ chịu khổ nạn, Pet. Đã can trách Chúa Giêsu và bị Chúa Giêsu trách là Satan. Lần này, khi Chúa Giêsu loan báo như các ông như lần trước, không ai trong các ông, kể cả Pet., một người bạo mồm bạo gan dám nói gì, vì sợ. Các tông đồ sợ gì ?

  • Sợ bị rầy như lần trước ? Không, môn đệ theo thầy để học, chuyện sửa dạy là chuyện đương nhiên có gì phải sợ ? Vậy họ sợ gì mà không dám hỏi ?
  • Họ sợ phải chấp nhận một sự thật phủ phàng làm tan biến giấc mơ được làm lớn của họ.

Khi khám phá ra Đức Giêsu là “Đấng Kitô của Thiên Chúa” hẳn các ông đã hí hửng! Rồi đây tương lai của mình sẽ rộng mở, khi triều đại của Đấng Messia được thiết lập. Thế nhưng liền sau đó, Đức Giêsu lại làm họ thất vọng, thất vọng hoàn toàn khi Ngài tuyên bố rằng: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, bị giết chết.

Bị bắt rồi còn làm được việc gì ? bị giết rồi thì còn gì nữa để hy vọng? Phò một minh chủ với mộng thành vương, thành tướng, thế mà chưa khởi nghiệp, minh chủ đã tuyên bố thất bại. Có đáng để theo không ? Đó chắc chắn chính là nỗi lo của họ.

Đang khi nỗi lo còn đang canh cánh, chưa vơi thì một lần nữa, Chúa Giêsu lập lại điệp khúc cũ : Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời…. giờ đây nỗi lo trở thành nỗi sợ. Đó là chuyện đương nhiên !

Nhưng Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy nỗi lo sợ của các tông đồ là do “xớn xác”. Đức Giêsu đâu cẩm họ làm lớn, nhưng là phải làm lớn như thế nào mới là làm lớn thật.

Để có thể làm lớn thật, không thể dùng quyền uy, thế lưc mà có được, nhưng phải đổi lấy bằng sự phục vụ, phục vụ mọi người từ lớn chí bé, không trừ một ai. Như vậy một cách gián tiếp, Ngài chỉ cho ta thấy nền tảng của địa vị con người không phải là cái ghế mà người ta ngồi vào, nhưng nó được đặt ngay trong lòng của những người ái mộ. Đó chính là chân lý.

Ở đời, nhiều người để trở thành nguyên thủ của một quốc gia, họ phải đi vận động, hứa hẹn đủ điều với dân chúng để được sự ủng hộ của cử tri, nhiều khi dùng cả những thủ đoạn xấu xa để mua chuộc, để lường gạt hòng chiếm được địa vị đó. Thế nhưng có nhiều kẻ, sau khi đã toại nguyện, đã ngồi được vào chiếc ghế nguyên thủ, với lương cao bổng đầy, với quyền quy tối thượng, họ tìm cách trục lợi cho bản thân và gia đình mà không lo sao cho ích nước lợi dân, kết quả, họ bị rút mất địa vị mà họ từng có được. Cụ thể như cựu tổng thống Đài Loan, Trần Thụy Điển, từmg là tổng thống, đáng lẽ sau đó sẽ tiếp tục được người dân kính trọng,kính nể, thế nhưng giờ đây ông đã bị tống vào tù với mức án chung thân vì tội tham ô nhận hối lộ. Một nhân vật từng ở chiếc ghế cao nhất, giờ đây lại bị đặt vào chổ rốt hết và phải mang ô danh suốt mọi thời.

Chúa Giêsu, ngược lại, Người đã tự hạ mình xuống để đón lấy thân phận của một kẻ tử tội, lãnh mức án nặng nhất để chịu khổ nhục, chết thay cho những kẻ thấp hèn nhất của nhân loại nhưng lại được tôn vinh trên toàn thế giới, qua mọi thời.

Cái gì cũng có cái giá của nó. những gì chúng ta kiên trì, khó nhọc vất vã có được mới xứng với vinh quang và hạnh phúc, nó mới bền vững. những gì chúng ta có được cách dễ dàng và gian trá, thì nó cũng tan biến cách mau chóng và sẽ không có giá trị như một thứ đồ giả, không đáng để người ta quan tâm.

Như vậy chúng ta đừng sợ không thể làm lớn được, nhưng hãi sợ là chúng ta không thể củng cố được nó.

CON NGƯỜI PHỤC VỤ
Mc 9, 30 – 37

Ðể kính nể một con người, thông thường người ta dựa vào quyền cao chức trọng hay vào tiền bạc, của cải của người ấy. Bởi lẽ, người có quyền cao chức trọng và giàu có sẽ được nhiều người cung phụng.

Với quan niệm ấy các Tông đồ là những người thân tín của Chúa Giêsu cũng đã bị nhiễm. Mặc dù, Chúa Giêsu vừa tuyên bố Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ và cuối cùng sẽ bị đóng đinh nhưng các ông vẫn chưa hiểu được Người. Trong tâm tưởng các ông vẫn còn mong Chúa Giêsu là một Ðấng Cứu Thế đầy quyền lực, để rồi các ông sẽ được thơm lây. Khi đó sẽ có người lớn kẻ nhỏ. Cho nên, các ông đã tranh luận xem ai sẽ là người lớn hơn cả.

Biết được điều đó, Chúa Giêsu đã huấn giáo cho các ông: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 8, 35).

Như vậy, đối với Chúa Giêsu một con người đáng kính nể là một con người biết phục vụ và làm đầy tớ người khác. Chính Chúa Giêsu là Ðấng Kitô tôi tớ. Người đến trần gian này để phục vụ và hầu hạ con người.

Một trong ba bổn phận của người Kitô hữu là sống sứ mạng vương đế. Làm vua theo kiểu của Vua Giêsu là hầu hạ và hiến mạng sống cho người khác. Cũng vậy, tự bản chất con người là sống cho và sống vì người khác. Vì thế, Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở thành những con người biết phục vụ theo gương của Người. Chúng ta phục vụ nhau trong gia đình. Chúng ta phục vụ nhau trong cộng đoàn họ đạo.

Ðể trở thành một con người phục vụ chúng ta cần biết tập sống mở ra cho người khác.

Ðể trở thành một con người phục vụ chúng ta cần biết tập sống quan tâm đến những nhu cầu của người khác.

Khi đó, chúng ta sẽ tránh được tánh hay ghen ghét và tranh chấp mà Thánh Giacôbê nhắc nhở trong bài đọc 2. Ðồng thời, chúng ta cũng tránh được tánh hay tự ái. Trong bất cứ cộng đoàn lớn nhỏ nào mà có người hay ghen ghét hoặc hay tự ái thì cộng đoàn ấy khó được tồn tại.

Hãy xin Chúa Giêsu cho mỗi người chúng ta mỗi ngày trở thành những con người biết phục vụ đúng nghĩa theo gương của Người.

TIÊU CHUẨN NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Mc 9, 30 - 37

Vì sao ai cũng thích làm lớn? Câu hỏi đặt ra có vẻ dư thừa, ai cũng hiểu và dường như không cần vất vả đi tìm câu trả lời vì làm lớn ai mà chẳng thích. Ai cũng hiểu làm lớn sẽ có quyền uy, được người dời tôn trọng, được phúc lộc tiền tài, được điều mình mong ước cách dễ dàng mà không cần tốn công phí sức. Với những lý do đó cũng đủ để con người phấn đấu để được làm lớn.

Làm lớn cũng là kết quả đánh dấu sự thành công của một cá nhân. Đó cũng là dấu chỉ của sự phấn đấu liên lĩ trong học tập, trong công việc, trong tương quan. Vì thế, làm lớn là điều con người cần phấn đấu vì nó là phương thế để con người phát triển, là cơ hội để đời sống được văn minh.

Trong cuộc tranh luận ai là người đứng đầu trong các anh em, Chúa Giêsu không bác bỏ việc ai làm lớn giữa các ông nhưng Người định hướng cho các ông làm lớn để làm gì cho thích hợp. Quan niệm về người đứng đầu của Chúa Giêsu có vẻ khác thường, nhưng đó là một cách sống phi thường mà mỗi người cần vươn tới.

Người đứng đầu là người rốt hết

Chúa Giêsu nói có vẻ nghịch lý nhưng Ngài nói với một hậu ý rất rõ ràng. Người làm lớn đầy quyền uy, dễ có thái độ trịch thượng, kiệu ngạo. Ngài muốn người môn đệ có một thái độ khiêm nhường nơi tận cõi lòng: ý hướng khiêm nhường, nói năng khiêm nhường, hành xử khiêm nhường. Người quyền thế trong tự kiêu sẽ thống trị người khác hơn là nâng đỡ, cách xa hơn là thân tình. Người ý thức mình rốt hết sẽ dễ dàng gần gũi và dám sống hết mình với anh chị em.

Người đứng đầu mà ý thức mình rốt hết sẽ mang lại nhiều lợi ích: dễ nhận ra yếu hèn của mình, nhẫn nại với yếu đuối của kẻ khác; không chăm lo cho mình nhưng chú ý đến người khác. Thánh Phaolô đã khuyên: “Đừng làm chi ganh tỵ hay vì hư danh, hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, những hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4). Quả thật, chỉ khi mình trở nên nhỏ bé ta mới thấy được bao điều mới mẻ. Khiêm nhường không phải là nghĩ ít về mình, tự cho mình kém cõi nhưng khiêm nhường là ít nghĩ về mình, mà nghĩ đến người khác nhiều hơn.

Người đứng đầu là người tiếp nhận kẻ bé mọn

Người làm lớn thì quen biết lớn, có kế hoạch lớn, có tài sản lớn. Với những cái “lớn” đó vô tình đưa người đứng đầu sống tách biệt với người, sống cô lập giữa đời. Chúa Giêsu đến trần gian Ngài muốn gần gũi với hết mọi người. Người đã tháo gỡ mọi rào cản để tất cả sống trong tình yêu mến. Ngài quy tụ tất cả trong quỹ đạo tình yêu của Ngài.

Ngài thực hiện kế hoạch lớn của Chúa Cha bằng những hành động nhỏ: sinh ra trong cảnh nghèo, sống trong đơn sơ, chết trong cô độc. Ngài đã sống tận cùng của thân phận con người để Ngài nâng con người lên tới cùng tận.

Tiếp nhận kẻ nhỏ đó là một lối sống vô vị lợi. Kẻ bé mọn chẳng có gì cho, chẳng có gì đáp đền. Tiếp nhận kẻ bé mọn chẳng khác nào chuốt hoạ vào thân. Nhưng điều mà con người cho là “hoạ” lại là cái “phúc” trước mặt Thiên Chúa. Thế nên, ta cần đón nhận nhiều cái “hoạ” nơi con người để ta lãnh lấy nhiều cái “phúc” tự Thiên Chúa.

Chúa Giêsu hôm nay đã đưa ra một cuộc cách mạng về quan niệm sống. Người đứng đầu thì không dùng quyền chỉ huy từ trên cao nhưng là người đứng sau để chỉ biết khiêm nhường phục vụ. Người đứng đầu cũng không chú ý tiếp đón hạng cao sang nhưng tiếp đón kẻ thấp hèn.

Quan niệm sống của Chúa Giêsu thật cần thiết hơn bao giờ hết cho thế hệ hôm nay. Trong khi mọi người đang chạy tốc độ cao để tìm những cái nhất: ai đẹp nhất, ai giàu nhất, ai giỏi nhất, quyển sách bán chạy nhất. Ai cũng cố chen chân để nằm ở top-ten trong mọi lĩnh vực thì Chúa Giêsu kêu mời hãy sống khiêm nhường mà phục vụ nhau. Khi mọi người ráo riết tìm cách sống cho mình thì Chúa Giêsu bảo hãy tập sống cho người. Khi mọi người chạy tìm những cái nhất thì Chúa Giêsu hướng mọi người những cái nhất khác: khiêm nhường nhất, yêu thương nhất, phục vụ nhất, tiếp đón những kẻ bé mọn nhất…

Ngày nay, lời kêu mời sống khiêm nhường phục vụ chắc chắn sẽ được con người đáp lời bằng sự thinh lặng như các môn đệ xưa kia. Chúng ta yên lặng vì lòng mỗi người còn sống kiêu căng, vì mình còn thích trổi vượt, vì lòng còn quá nặng quyền uy.

Đã đến lúc mỗi người cần mạnh dạn lên tiếng thân thưa với Chúa: Lạy Chúa con muốn phụng sự Chúa, muốn phục vụ mọi người, muốn giúp ích mọi người trong tình yêu mến Chúa Kitô.

ĐẦY TỚ MỌI NGƯỜI
Mc 9, 30 - 37
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP.

Bài Tin Mừng này có ba phần nhưng chỉ diễn tả một vấn đề, một bài học, đó là hãy sống khiêm nhường phục vụ mọi người với tinh thần chí công vô tư.

Trước hết, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn của Ngài. Trong ba năm giảng dạy, Chúa Giêsu đã nói trước về vấn đề này ba lần. Bài Tin Mừng này là lần thứ hai. Chúng ta thấy các môn đệ không muốn nghe, lại còn vô tâm tranh giành với nhau ngôi thứ xem ai sẽ làm lớn hơn. Đó là hai thái độ trái ngược rõ rệt : Chúa Giêsu thì quyết tâm đi vào con đường từ bỏ, khổ giá, chịu xỉ nhục để phục vụ và hiến cả mạng sống cho mọi người. Ngược lại, các môn đệ lại sợ khổ, sợ khó, không muốn phục vụ anh em mà chỉ thích làm lớn, muốn địa vị cao…Thấy tâm trạng các môn đệ chưa ổn, chỉ hám danh, ham nổi, Chúa phải họp các ông lại trong vòng thân mật và giải thích thêm : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”.

Chúa đã khẳng định : có quyền hành là có cơ hội, có phương tiện phục vụ tốt hơn, rộng rãi hơn và đạt tới nhiều người hơn, chứ không phải chỉ để tô điểm cho cá nhân thêm tự đắc, tự phụ, bắt người khác kính nể và phục dịch mình; hoặc dùng người dưới như phương tiện để củng cố địa vị và lợi lộc cho mình. Vậy, càng làm lớn, càng ở địa vị cao, càng có trách nhiệm thì càng phải phục vụ và lo cho người khác nhiều hơn.

Rồi, để cho các môn đệ hiểu rõ hơn và nhớ kỹ hơn, Chúa Giêsu gọi một em nhỏ đến, đặt em đứng giữa các ông, sau khi ôm em vào lòng, Chúa nói : “Quả thật, Thầy bảo các con, nếu các con không thay đổi và trở nên như những trẻ nhỏ, thì các con chẳng được vào nước trời”. Qua em nhỏ này, Chúa muốn chỉ cho các môn đệ thấy hình ảnh đáng yêu và cảm động nhất của sự quên mình, của lòng khiêm nhường và từng phục, nghĩa là Chúa bảo: nếu chúng ta không trở nên đơn sơ, khiêm nhường, không chút tham vọng, tự đắc như bản tính trẻ em, thì không những chúng ta sẽ mất chỗ nhất trong nước trời mà còn không được vào nữa.

Sau đó, Chúa còn dạy về tình bác ái huynh đệ. Thay vì nghĩ đến mình, thay vì qui mọi sự về mình, chúng ta hãy nghĩ đến kẻ khác, hãy giúp đỡ người khác, vì Chúa coi tất cả những gì chúng ta làm cho người khác là làm cho Chúa. Lời nhắn nhủ này đưa chúng ta tới những cử chỉ cao đẹp : yêu mà không mong được yêu lại, hy sinh mà không cần ai biết đến. Đó mới là tình thương chân thực, cao thượng và vô vị lợi : chí công vô tư.

Bài học Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta thật rõ ràng : thích ngồi chỗ cao, thích được khen ngợi, thích làm lớn và ưa địa vị quan trọng. Đó là cái tật cố hữu của loài người từ ngày tạo thiên lập địa, chứ không phài chỉ là tật xấu của các môn đệ Chúa Giêsu. Tật xấu này trái ngược với tinh thần Tin Mừng, Chúa bảo chúng ta phải loại bỏ, vì Tin Mừng chủ trương sống khiêm nhường, quên mình, quảng đại, coi mình không là gì hết, bởi vì hễ ai trở nên bé nhỏ trước mặt loài người, kẻ ấy sẽ được đề cao trước Thiên Chúa. Lòng khiêm nhường ở đời này là điều kiện và là mức đo sự cao trọng trong nước trời.

Chúng ta sống sau những biến cố đau thương của Chúa, chúng ta suy niệm, học hỏi những biến cố đó. Thế nhưng sau đó chúng ta vẫn còn tranh giành địa vị lớn nhỏ : những chuyện tranh giành ngôi thứ trong các giáo xứ, trong các đoàn thể, mệnh danh là thuộc Kitô giáo, tức là các môn đệ của Chúa Kitô. Chúng ta thấy nhiều nơi còn phản ảnh tâm trạng của các môn đệ xưa kia. Chung qui cũng tại bản năng muốn ăn trên ngồi trước, muốn thống trị người khác mà thời đại nào cũng thế. Có điều cần lưu ý và cũng đáng khiển trách là ngày nay, sau khi đã được thấm nhuần ơn cứu chuộc, đã được ơn Chúa Thánh Thần trợ lực…điều mà xưa kia, lúc Chúa Giêsu báo trước cuộc tử nạn, các môn đệ chưa được, thì đáng lẽ ra chúng ta phải sống đúng tinh thần của Chúa hơn mới hợp lý. Nhưng đâu vẫn còn đó : những kẻ muốn làm lớn thì nhiều vô số, còn những kẻ bằng lòng thực hiện theo đường lối của Chúa là làm đầy tớ mọi người thì rất ít.

Quả thực, Chúa Giêsu không những không chấp nhận khuynh hướng xấu của loài người là muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước, mà Ngài còn đưa ra một đề nghị thật chói tai : “Hãy làm đầy tớ mọi người”. Chúa đã dạy một điều rất hợp tình, hợp lý và nhất là hợp với tinh thần siêu nhiên : hợp tình, vì tất cả mọi người đều mến thương những ai có địa vị, có quyền hành mà đồng thời lại có tinh thần phục vụ. Ngược lại, ai cũng ghét những kẻ hách dịch, kiêu ngạo. Hợp lý, vì danh dự và gánh nặng trách nhiệm hay bổn phận phải đi đôi với nhau : “Càng cao danh vọng càng dày gian lao”. Hợp tinh thần siêu nhiên, vì Chúa Kitô là Thầy và là Chúa đã chủ trương, đã khuyên nhủ và thực sự đã sống như người phục vụ mọi người, thì các môn đệ của Chúa không thể sống khác được, nếu không muốn trở thành một bằng chứng phản lại Chúa.

SỐ PHẬN NGƯỜI CÔNG CHÍNH
Mc 9, 30 – 37
Sr Mai An Linh OP

Tuy nhiên, người công chính theo đánh giá của Thiên Chúa thì luôn tỏ ra trông cậy Chúa và kêu xin Người giúp đỡ mình (Tv. 53). Đức Giêsu, người công chính của Giavê cũng không thoát khỏi thói đời. Người bị những người Biệt Phái, Luật Sĩ, những người đương thời ghét bỏ và tìm cách tiêu diệt, vì cách sống của Người tố cáo cách sống xấu xa của họ, chính vì thế mà Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết tình trạng khổ nạn của Người sắp đến (Mc 9, 29 – 36). Thánh Giacôbê tông đồ cũng xác quyết : Người công chính bị bách hại chỉ vì ganh tị của những kẻ ham muốn bất chính, từ đó mà sinh ra những xáo trộn, chiến tranh … (Gc 3, 16 – 4, 3).

Đức Kitô, người công chính, suốt đời bị kẻ thù săn đuổi bởi cách sống thánh thiện của Người vạch trần sự gian ác của họ. Thế nhưng không vì sự gian ác ấy mà Chúa Giêsu phải chịu thua, trái lại, Người đã chiến thắng bằng chính cái chết, đồng thời Người vạch ra cho các môn đệ thấy được thân phận của người công chính, nhưng các ông đã không hiểu được điều Người muốn nói, mà lại tưởng rằng đây là thời gian Chúa Giêsu sắp chiến thắng và đi vào vinh quang, thống trị đế quốc, nên mới xảy ra sự tranh giành quyền bính. Có lẽ Chúa Giêsu buồn khi thấy môn đệ không hiểu gì về sứ mạng của mình, nên Người phải nói trắng ra để đả kích tư tưởng mà các ông đang toan tính trong lòng “ai là người lớn nhất ?” bằng một bài học thật bất ngờ “ai muốn làm lớn thì phải phục vụ mọi người”. Thay vì muốn ngừơi khác hầu mình, thì Chúa Giêsu dạy phải biết hầu hạ người khác, bài học bất ngờ vì nó không giống quan niệm của người đời từ xưa tới nay.

Như thế giá trị của một con người không tuỳ thuộc vào địa vị của người đó mà do mức độ phục vụ của họ. Mà phục vụ người khác là phục vụ Chúa, và như thế mới xứng đáng là môn đệ Chúa. Với tinh thần phục vụ vô vị lợi, chúng ta sẽ thực sự lớn lên trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì người lớn nhất ở đây không dùng quyền để lãnh đạo mà dùng đôi tay để phục vụ, không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng con tim để yêu thương. Quả Chúa Giêsu đã đưa ra một cuộc cách mạng về quan điểm mà thế giới hôm nay đang cần những ngừơi lãnh đạo theo kiểu Đức Giêsu, nghĩa là phục vụ trong khiêm tốn.

Lạy Chúa, thế giới ngày nay xẩy ra bao tai hoạ khủng khiếp chỉ vì con người muốn tranh giành ảnh hưởng quyền bính của cải. Xin Chúa thức tỉnh lương tâm mọi người để tất cả biết tôn trọng quyền lợi của người khác, lo mưu cầu hạnh phúc chung để gia đình nhân loại được vui hưởng một nền hoà bình đích thực, và cho chúng con biết thực hiện đời sống từ bỏ, khiêm nhu và bác ái sẵn sàng chấp nhận những gian khổ để xứng đáng là môn đệ Chúa, ngừơi công chính của Giavê.

PHỤC VỤ THA NHÂN MỞ MẮT TÔI
Mc 9, 30 – 37
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Trên quãng đường từ Galilê về Caphácnaum, trong khi Chúa Giêsu muốn âm thầm đồng hành cùng các môn đệ để dành thời gian hé lộ thêm cho các ông về việc “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại”, thì các môn đệ tuy không hiểu và cũng không dám hỏi về vấn đề “nhậy cảm” ấy, thay vào đó, các ông xem ra có vẻ hứng thú với những chuyện “nhỏ to” về việc xem ông nào là lớn nhất, là oai nhất trong nước Trời. Chúng ta hãy xem giáo huấn của Chúa Giêsu về vấn đề này như thế nào.

Chúng ta thấy trong khi Chúa Giêsu đang tiến gần đến ngày phải đương đầu với cuộc Khổ nạn, với cái chết thì các môn đệ của Người vẫn cứ “vô tư” tranh cãi với nhau về mỗi chuyện “rất trẻ con”, xem ai là người lớn nhất, oai nhất trong vương quốc của Thầy mình. Cho đến bây giờ, các ông vẫn xem việc theo Chúa Giêsu để được hưởng vinh hoa, phú quý và quyền lực mà bỏ ngoài tai những lời loan báo về đường khổ nạn của Chúa. Nước trời đối với các ông là nơi mà ở đó, các ông đóng vai của những quan lớn oai phong lẫm liệt, là nơi để các ông vinh thân phì da. Hoá ra, theo Thầy bấy lâu nay, các ông vẫn chưa giác ngộ một điều, rằng việc bước theo Thầy là bước theo đường phục vụ hy sinh, là bước theo đường khổ giá để mưu ích cho đồng loại.

Chúa Giêsu đã kịp thời “uốn lại” những ngộ nhận, những mơ tưởng tư lợi nhỏ nhen, hướng các ông đến với giáo huấn về ơn gọi Phục vụ dấn thân. Chúng ta biết trong xã hội Dothái xưa, trẻ em được xem là đối tượng không đáng để tôn trọng. Lý do có lẽ là vì chúng không có khả năng tự vệ, hoàn toàn sống sống lệ thuộc vào người khác. Và vì thế, chúng là đối tượng dễ dàng bị người ta khinh thường, xem chẳng có giá trị gì. Chúa Giêsu đã lấy chính đối tượng “hạng bét” này trong xã hội để dạy cho các môn đệ về bài học phục vụ.

Trong giáo huấn này, Chúa Giêsu đã đảo lộn trật tự mà từ xưa đến nay, theo lẽ tự nhiên, con người cũng như loài vật vẫn áp dụng: Kẻ mạnh thống trị người yếu hơn mình. Giáo huấn của Chúa ở đây là “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Xa hơn nữa đó là việc Chúa Giêsu xem việc tiếp rước những em nhỏ- đối tượng nghèo hèn đúng nghĩa nhất- là tiếp rước chính Chúa và cũng là tiếp rước chính Chúa Cha. Như thế, từ nay, một trật tự mới được thiết lập, nó phá vỡ những trật tự cố hữu từ bao đời nay. Từ nay, chính giao huấn mới mẽ này sẽ là khuôn vàng thước ngọc, là kim chỉ nam cho hết những ai bước theo Chúa Giêsu trên con đường dấn thân phục vụ.

Chúng ta thấy giáo huấn của Chúa Giêsu mang tính cách cách mạng, đảo ngược khuynh hướng thống trị tự nhiên của con người : “ông chủ trở nên người phục vụ, trở thành đầy tớ cho mọi người”. Đây là một bài học lớn về thái độ khiêm tốn và tâm hồn nghèo khó, một sự từ bỏ quyền thống trị trên người khác của những ai muốn làm môn đệ Chúa. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã đi bước trước trên con đường này, để nêu gương cho chúng ta. Là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã không màng đến địa vị cao quý, xuống trần gian, mặc lấy thân xác phàm hèn của con người để yêu thương, chung sống và phục vụ con người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố cách rõ ràng “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ mà là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người ” (Mt 20, 28).

Người Kytô chúng ta dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn được kêu mời dấn thân phục vụ. Tinh thần phục vụ Kytô giáo mang sắc thái rất khác so với tinh thần phục vụ theo kiểu hiện sinh. Khác, bởi vì người Kytô chúng ta được mời gọi dấn thân phục vụ cách vô vị lợi; Khác, bởi vì khi dấn thân phục vụ anh em đồng loại, chúng ta không tìm vinh quang cho cá nhân mình mà làm cho Danh Chúa được tôn vinh; Khác, bởi vì chúng ta nhìn ra đối tượng phục vụ không ai khác chính là hình ảnh của Chúa Giêsu - Đấng vẫn đang ẩn hiện trong những người khốn khổ nghèo hèn. Do đó, phục vụ họ cũng chính là phục vụ Chúa Giêsu, làm cho họ được an vui hạnh phúc cũng chính là làm cho Chúa Giêsu được hân hoan. Thế nên, tinh thần dấn thân phục vụ tha nhân của Kytô giáo mãi luôn là tinh hoa không chỉ cho người Kytô mà còn cho toàn thể nhân loại.

Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI trong thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” có nhắc đến cảm nghiệm thiêng liêng của người về tinh thần dấn thân phục vụ. Người viết : “Chỉ có việc phục vụ tha nhân mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Ngài đã yêu thương tôi như thế nào” (Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” số 18). Xin cho Lời Chúa hôm nay thêm sức mạnh cho chúng ta trên đường phục vụ Chúa và tha nhân. Câu hát “phục vụ là cho không, phục vụ là quên mình…” như một lời mời gọi và thúc giục chúng ta…

SỰ CAO TRỌNG ĐÍCH THỰC!
Mc 9, 30 – 37
LM Nguyễn Hữu Thy

Nếu đứng vào địa vị Ðức Giêsu, chúng ta sẽ phản ứng thế nào trước thái độ của các môn đệ của Người ? Người đã sống với họ suốt ba năm trời liền, đã ra công dạy họ cần phải sống và cư xử với nhau như thế nào, cần phải thương yêu và phục nhau một cách vô vị lợi như thế nào rồi, v.v… Thế mà nay, tất cả họ đang cùng Người trên đường đi lên Giê-ru-sa-lem, trên con đường sẽ dẫn Người tới cái chết đau thương trên thập giá, vì muốn tự nguyện hiến thân cho toàn thể nhân loại, thì các môn đệ lại cãi cọ tranh dành gay gắt với nhau, ai trong họ sẽ là người lớn nhất, là người quan trọng nhất ! Ai trong họ sẽ là thủ lãnh của cộng đoàn, nếu một mai Sư Phụ không còn sống nữa ! Qua đó, các môn đệ đã cho thấy quan niệm của họ còn xa vời với tinh thần của Sư Phụ họ như thế nào ! Phải chăng đây chính là dịp thuận tiện để chúng ta suy tư và ít là có thể cảm nghiệm được phần nào điều đó ?

Tuy nhiên, Ðức Giêsu không thất vọng. Người vẫn bình tĩnh, bởi vì Người rất hiểu các môn đệ của Người, bởi vì người rất hiểu tất cả chúng ta ! Người đã thực hành trước và đã làm gương cho chúng ta trước về điều Người dạy dỗ chúng ta : « Ai muốn mình là người làm đầu thì hãy làm người sau hết và làm đầy tớ cho mọi người ».

Ðúng vậy, Ðức Giêsu là người làm đầu lại muốn trở nên người sau cùng và làm đầy tớ cho tất cả mọi người, bởi vì Người muốn cứu vớt và thương yêu tất cả mọi người. Vì thế, Người đã hiến thân mình cho chúng ta. Vì thế, Người đã ban Mình và Máu Người cho chúng ta ! Cuộc sống và cái chết của Người được gói ghém trong câu : « Vì các con và vì tất cả mọi người ». Vâng, tất cả được gói ghém trong lời kinh Tin Kính mà chúng ta từng tuyên đọc : «Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, người đã từ trời xuống thế ! »

Nhưng đáng tiếc là các môn đệ đầu tiên của Người đã không muốn hiểu như thế và rồi chúng ta cũng không muốn hiểu như thế. Vâng, chúng ta cũng chỉ muốn gạn hỏi nhau, ai trong chúng ta sẽ là người lớn nhất, sẽ làm đầu, sẽ là thủ lãnh của chúng ta. Bởi lẽ, ít nhiều mỗi người chúng ta đều mang trong mình sự ham muốn danh lợi. Nhưng dĩ nhiên chúng ta không được hiểu sai ý Chúa, để không tự cản trở bước đường tiến lên của mình.

Bởi vì ở đây, câu nói « ai muốn làm đầu thì hãy làm người sau hết và làm đầy tớ mọi người » không có ý nói rằng tất cả chúng ta phải cố gắng cách gượng gạo để suốt đời chỉ là một người tập sự, một người thợ quèn và một kẻ luôn phụ thuộc người khác. Tinh thần khiêm tốn Kitô giáo không chống lại sự thăng tiến trong nghề nghiệp, không chống lại việc giữ những địa vị cao trong xã hội; không đòi hỏi bất cứ ai, vì Phúc Âm mà phải mang thân đi làm nô lệ kẻ khác; cũng không chống lại việc theo đuổi những nghề nghiệp cao trọng. Thật là cả một sai lầm nguy hiểm, nếu chúng ta là những Kitô hữu chỉ vì muốn có tinh thần khiêm tốn mà luôn tìm cách trốn tránh các chức vị cao trong xã hội và qua đó trốn tránh các trách nhiệm quan trọng đối với đồng loại.

Lời Phúc Âm « ai muốn làm dầu thì hãy làm người cuối hết và làm đầy tớ mọi người » chỉ muốn nói là : Không phải người có địa vị cao trong xã hội đương nhiên là người quan trọng nhất trước mặt Thiên Chúa, nhưng là người biết mình được Thiên Chúa kêu mời, đem hết các khả năng và điều kiện mình có để phục vụ nhân loại. Ðiều quan trọng trước mặt Thiên Chúa không phải là giai cấp cao thấp trong xã hội, nhưng là tinh thần sống hay cách thức thực thi các giai cấp đó. Nói cách khác, mỗi người trong đấng bậc và địa vị của mình không phải để thống trị nhưng là để phục vụ kẻ khác. Thí dụ : Một ông bộ trưởng không được cho mình là người có quyền thế, là người quan trọng, bởi vì ông là một bộ trưởng. Ông sẽ là người có chức quyền và là người quan trọng thực sự, nếu ông biết thi hành chức vụ với ý thức đầy đủ về bổn phận của mình là phải phục vụ đồng bào dân tộc một cách vô vị lợi.

Trước mặt Thiên Chúa, điều quan trọng không phải địa vị và ngôi thứ trong xã hội, dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng là thái độ và sự dấn thân phục vụ người khác, chứ không tìm tư lợi riêng của mình.

Vậy, chúng ta có quyền vươn tới những chức vụ cao trong xã hội, trong nghề nghiệp ! Nhưng trước hết, không vì thế mà chúng ta được phép bon chen với bất cứ giá nào, kể cả việc gây thiệt hại cho đồng loại. Tiếp đến, không đảm nhiệm những chức vụ cao cốt để có uy thế hơn và có được những tước hiệu sang trọng hơn, nhưng trước hết là để có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, hầu có thể tổ chức và mở rộng các ảnh hưởng của chúng ta một cách công bằng hơn, nhân bản hơn và khoan dung hơn!

Phúc Âm không bao giờ muốn con người phải trở thành « những kẻ vô tích sự », những kẻ khi ở bất cứ nơi đâu hay làm bất cứ điều gì cũng chỉ biết tự ti mặc cảm và đấm ngực chịu tội về mình. Không ! Trái lại, Phúc Âm muốn con người, dù đàn ông hay đàn bà và dù họ ở trong bất cứ hoàn cảnh hay địa vị nào đi nữa, cũng biết mình được kêu mời đem hết khả năng sức lực ra để kiến tạo một thế giới tươi sáng hơn, trong đó mỗi người đều có thể thở và sống được, bởi vì mỗi người biết mình được Thiên Chúa chấp nhận và mọi người đều bình đẳng trước mặt Người.

Nói tóm lại, sống tinh thần Kitô giáo không có nghĩa là phải hạ thấp mình xuống hay vì muốn khiêm tốn nên chỉ tìm cách sống cảnh luồn cúi và chấp nhận thân phận hẩm hiu thiệt thòi. Sống tinh thần Kitô giáo có nghĩa là trong mọi giây phút luôn ý thức được rằng chúng ta được phép trở nên quan trọng trước mặt Thiên Chúa, nếu chúng ta cũng nên giống như Ðức Giêsu là luôn biết khiêm tốn tự hạ trước mặt Thiên Chúa và đồng loại. Nhưng khiêm tốn có nghĩa là can đảm phục vụ. Ai biết can đảm phục vụ, như Ðức Giêsu đã phục vụ chúng ta, người đó sẽ trở nên quan trọng trước mặt Thiên Chúa. Ðó là sự quan trọng mà tất cả chúng ta với tư cách là môn đệ của Ðức Giêsu luôn nỗ lực vươn tới

HÌNH THÀNH CHÍNH MÌNH QUA CHỌN LỰA
Mc 9, 30 – 37
LM Phạm Thanh Liêm, SJ

Kẻ ác người lành, khác nhau một trời một vực, nhưng lành dữ là do quyết định chọn lựa của mỗi người. Chọn Thiên Chúa là chọn tha nhân và chính mình; chỉ chọn mình là hủy hoại tất cả.

1. Người công chính bị kẻ dữ ám hại
Sách Khôn Ngoan cho biết những người không tôn thờ Thiên Chúa tìm mưu bày kế hãm hại người công chính, vì người công chính chống lại cách sống của họ, khiển trách họ vi phạm lề luật, tố cáo họ gian dối kiếm lời. Cách sống của người không tôn thờ Thiên Chúa, đã không đặt Chân Thiện Mỹ làm tiêu chuẩn sống. Tiêu chuẩn sống của người không tôn thờ Thiên Chúa là lợi ích cho chính họ; họ không tôn trọng người khác và quyền lợi của những người này, thậm chí cả của những người thân. Những người không sống theo Chân Thiện Mỹ là những người ích kỷ: chỉ nghĩ đến họ, đến quyền lợi của họ.

Tiên tri Giêrêmia là người đã bị những người không thật sự tôn thờ Thiên Chúa thời đó hãm hại, vì tiên tri nói những gì Thiên Chúa đã truyền cho ông nói. Và vì nói những gì không hợp với ý muốn của những người lãnh đạo thời đó, nên tiên tri đã bị người ta ghét và muốn loại trừ ngài khỏi đất của kẻ sống. Tiên tri đã run sợ, và đã bỏ cuộc; nhưng Thiên Chúa đã giúp tiên tri trở lại với Ngài, và Thiên Chúa lại dùng tiên tri để nói cho dân ý định của Thiên Chúa.

Trong lịch sử nhân loại, bao nhiêu người lành bị kẻ dữ ghen ghét và hãm hại. Điều này đã xảy ra và sẽ còn xảy ra. Khi người ta sống theo đường ngay nẻo chính, khi người ta tôn trọng sự thật, tôn thờ Chân Thiện Mỹ, thì người ta tôn trọng phẩm giá con người, tôn trọng tha nhân và quyền lợi của họ; lúc đó, con người được bình an sâu thẩm trong tâm hồn, thế giới sống trong hòa bình, người người sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau, tương thân tương trợ; con người sống hạnh phúc. Nhược bằng nếu con người đặt mình và quyền lợi của mình trên tất cả, nếu người ta không sống theo Chân Thiện Mỹ, không tôn trọng người khác và quyền lợi của tha nhân, thì thế giới sẽ sống trong hỗn loạn; chiến tranh sẽ nổ ra để người ta giành giựt quyền lợi; chết chóc sẽ lan tràn; con người không bình an và hạnh phúc.

2. Đức Giêsu loan báo ba lần Ngài sẽ bị bắt bị hành hạ và bị giết
Đức Giêsu đã dạy con người những điều tốt lành, đã làm nhiều phép lạ để chữa bao người đau ốm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ghét Ngài, đặc biệt là những người có chức có quyền, bởi vì Ngài không đồng ý với suy nghĩ, cách sống, và cách hành xử của họ. Đức Giêsu mới chỉ đi rao giảng được ba năm, nhưng người ta đã ghét Ngài đến độ muốn loại Ngài khỏi đất kẻ sống.

Đức Giêsu báo cho các tông đồ biết Ngài sẽ bị bắt, bị hành hạ và bị giết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại.Chính cách sống, cách hành xử, lời nói của Ngài đã làm một số người quyền thế ghét Ngài và muốn giết Ngài. Đức Giêsu biết điều này; Ngài biết Ngài khó có thể tránh cái chết vì những người ghen ghét muốn giết Ngài. Tuy nhiên Ngài tin rằng Thiên Chúa sẽ phục sinh Ngài, vì Thiên Chúa là Đấng Công Bình. Đức Giêsu tin điều đó là sự thật, nên Ngài đã báo cho các tông đồ biết điều này.

Đức Giêsu đã sống thân phận con người cho đến cùng. Ngài phải chết như bao con người. Là người, nghĩa là có thể bị những bất công, những sự dữ mà người khác gây ra cho mình. Đức Giêsu đã chấp nhận tất cả những cách đối xử bất công của con người thời đó đối với Ngài. Những gì con người gặp trong cuộc sống, chính Đức Giêsu cũng đã gặp. Cách hành xử khi gặp sự dữ của Đức Giêsu, trở thành mẫu mực hành xử cho tất cả mọi người.

3. Sự dữ từ lòng con người
Tại sao người ta muốn tru diệt người khác? Vì người đó làm nguy hại đến họ hay người khác, nhất là vi phạm đến quyền lợi của họ, đến tính “nhất” của họ. Ai cũng muốn mình là nhất, là người trổi trang và có quyền hành; nếu người khác có ảnh hưởng và người ta thấy uy quyền của họ bị đe dọa, thì người ta có khuynh hướng hủy diệt đối thủ cạnh tranh của mình. Đức Giêsu đã giảng dạy như một người có uy quyền; Ngài không phục tùng uy quyền của họ; Ngài phê bình cách sống quá nệ vào hình thức của họ; Ngài muốn dân chúng đến với Thiên Chúa bằng tất cả con người, chứ không chỉ là giữ một vài hình thức. Chính vì vậy những người có quyền đương thời đã quyết định giết Đức Giêsu.

Các tông đồ cũng là những người muốn có địa vị và quyền thống trị trên người khác. Các ngài khi được Thầy báo tin sẽ bị bắt bị giết, thì các ngài đã vội tranh cãi xem ai sẽ là người lớn nhất giữa họ. Đáng lẽ khi được báo tin thầy sẽ gặp cảnh tang thương như vậy, thì các ông phải buồn sầu, và phải quan tâm đến số phận của thầy; đằng này các ông lại tranh nhau xem ai là người lớn nhất. Đức Giêsu đã phải dạy các tông đồ bằng việc đặt một em bé ở giữa các ông, cho các ông biết ai đón tiếp một em bé là đón tiếp Ngài, ai muốn là đầu thì phải là người chót hết, là người phục vụ người khác. Và khi các ông vẫn chưa hiểu bài học Đức Giêsu dạy, thì Đức Giêsu đã phải rửa chân cho các ông để dạy các ông bài học phục vụ và khiêm tốn.

Từ các tông đồ đến các vị lãnh đạo dân Do Thái, tất cả đều có khuynh hướng muốn trổi trang, muốn có quyền hành; tuy nhiên mỗi người ra sao, thành người như thế nào là tùy chọn lựa của mỗi người. Khuynh hướng, như những cám dỗ, không là yếu tố quyết định hình thành nên con người; chính những chọn lựa mới làm nên chân tính của mỗi người. Nếu tôi luôn tôn thờ Thiên Chúa, nếu tôi luôn sống theo đường ngay lẽ phải, nếu tôi luôn theo những gì là chân thiện mỹ, nếu tôi luôn vâng phục lương tâm làm lành lánh dữ, thì tôi sẽ tôn trọng tha nhân và quyền lợi của họ, thì tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ tha nhân, quan tâm đến nỗi khổ của họ, thông cảm với những lo toan của họ, thì tôi sẽ là người tuyệt vời. Chính hành vi chọn lựa của tôi, làm tôi là người như thế nào.

Ở ĐÂU CÓ GANH TỴ VÀ CÃI VÃ, Ở ĐÓ CÓ HỖN ĐỘN VÀ ĐỦ THỨ TỆ ĐOAN
Mc 9, 30 – 37
LM Peter Nguyễn Hương

Một trong những chủ đề mà phụng vụ Chúa Nhật 25 TNB đề cập nhiều đó là tính ganh tị. Chúng ta sẽ tập trung suy nghĩ về chủ đề này.

Ở bài Tin Mừng, trong lúc Chúa Giêsu loan báo một biến cố quan trọng nhất đó là Người sẽ bị bắt, bị giết chết và ngày thứ Ba Người sẽ sống lại, thì các Môn đệ chỉ có nghĩ đến quyền lợi, địa vị và tranh dành nhau ai lớn hơn trong Nước Chúa. Rõ ràng là các môn đệ theo Chúa nhưng vẫn còn mang trong mình những “giấc mơ trái mùa” là sẽ được thăng quan tiến chức theo kiểu trần thế. Tin Mừng ghi lại điều đó cho thấy rằng tính ganh tị có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và bất cứ người nào, kể cả các môn đệ thân tín của Chúa.

Giáo lý của chúng ta dạy rằng: Tính ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Có nghĩa là ganh tị là đầu mối, là nguyên cớ sinh ra những điều tồi tệ xấu xa khác. Thánh Giacôbê là một người rất thực tế đã có một nhận định chí lý đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Ở đâu có ghanh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và mọi thứ tệ đoan” (Bài đọc II).

Chúng ta thử suy nghĩ xem Lời này có đúng không, ví dụ:

Trong một gia đình mọi người đều thương yêu nhau, nhưng bổng có một người có tính hay ganh tị, chỉ vì những chuyện vớ vẫn, như Chị gái ganh tị em mình sao mà đẹp hơn; Mẹ chồng ganh tị với con Dâu là sao mà nó được con trai mình thương nó hơn mình.. vv. thế là gia đình trở thành chổ để lườm nguýt và gièm pha nhau, cãi cọ nhau.

Trong một công ty, mọi người làm việc tốt và vui vẽ nhưng không may có một cô ganh tị với cô kia vì được ông chủ tin tưởng hơn. Thế là bắt đầu “nhiều chuyện” với nhau và cả hai phải đổi job.

Trong một giáo xứ, Ông kia làm việc cho giáo xứ quá tốt, được mọi người mến phục, thế là sinh lòng ganh tị so sánh. Gặp nhau nhiều lúc thì cũng “Hi, how are you”, nhưng trong lòng thì nghĩ là giá mà “mày đừng có làm tốt và thành công như thế …

Những ngày gần đây chúng ta đều biết chuyện những người Hồi giáo đùng đùng nổi giận chỉ vì Đức Giáo Hoàng trích dẫn một lời đối thoại của Đại đế Byzantine Emanuel II Paleologos với một học giả Ba tư: Người ta đã gán cho Đức Giáo Hoàng có ý bài Hồi Giáo. Nhưng nếu ai đọc kỷ bài thuyết trình nổi tiếng và xúc tích đó thì ý của Ngài không như họ nghĩ. “Khi ta chỉ thì hãy nhìn Mặt trăng chứ đừng nhìn ngón tay”! (Đức Phật đã nói như thế), hãy nhìn rừng để thấy tổng thể chứ đừng có nhìn cành cây!

Thực ra khi nói về tương quan giữa Đức Tin và Lý Trí, Đức Giáo Hoàng đã can đam mời gọi cả hai thế giới Tây Phương và Hồi Giáo phải giữa cho được thế quân bình và hổ tương giữa Đức Tin và Lý Trí của hai nền văn hóa, để Đức Tin và Lý Trị cùng nhau sánh bước tay trong tay. Trong khi Tây Phương vốn là cái nôi của Kitô giáo nay có vẽ quá nhấn mạnh đến Lý Trí mà lãng quên Đức Tin, xa rời Đức Tin. Ngược lại Hồi Giáo lại quá nhấn mạnh Đức Tin mà xem ra coi nhẹ Lý Trí. Tây Phương phải dọn chổ cho Niềm Tin và Hồi Giáo quá khích phải buông gươm đao xuống. Bấy giờ mới hy vọng đi vào cuộc đối thoại với các nền văn hóa và tiến tới mục đích hòa hợp giữa các tôn giáo. Hiểu như thế thì Đức Giáo Hoàng đã có những tư tưởng tỏa sáng hướng dẫn cho hai thế giới đó đi vào cuộc đối thoại và hòa hợp. Nhưng tiếc rằng những người Hồi Giáo chỉ thấy “ngón tay” mà không thấy “Mặt Trăng”, chỉ thấy “cành cây” mà không thấy rừng!

Phải chăng đó là do tính tự ái và ganh tị? Đụng một cái thì đùng đùng nổi giận để lấy cớ để nhuộm máu các đường phố? Đâu rồi thái độ đối thoại của Người học giả hồi giáo Ba Tư? Đâu rồi thái độ tự phê bình và lắng nghe người khác nói về mình. Nếu một người có lòng bao dung và đối thoại thì không bao giờ có thái độ bạo lực như thế. Không phải những gì người ta nói là mình, nhưng những gì chúng ta làm phản ánh con người của chúng ta.

Theo như nhận định của ĐHY Kasper, là chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng vể Hiệp Nhất Kitô giáo: “Hồi giáo ngay từ đầu đã phát triển dựa trên việc chống đối với Thiên Chúa giáo chân chính, và coi đạo Hồi là vượt cao trên Thiên Chúa Giáo”. Ngài ghi nhận thêm rằng Hồi giáo không nhận sự tự do tôn giáo và cũng không chấp nhận những nhân quyền mà thế giới Tây Phương cho rằng đó là nền tảng. ĐHY Kasper nói chính sách khủng bố Hồi giáo được khơi dậy từ lòng thù ghét Tây phương và do niềm thất vọng vì những yếu kém của xã hội Hồi giáo.

Đâu có ganh tị và cãi vã, ở đó có hỗn độn và mọi thứ tệ đoan!

Đức Kitô là Thầy và là Đấng cứu độ chúng ta hướng chúng ta tới một thái độ bao dung, đối thoại và phục vụ. “Nếu khi một người vả má bên phải con, thì hãy giơ má bên trái cho họ nữa”. Đó không phải là thái độ nhu nhược, nhưng là thái độ của người quân tử, vì nếu con vã mặt cha, nhưng cha không vã lại thì tương quan giữa cha với con vẫn còn, nhưng nếu cha cũng đánh lại con thì “con thế nào cha thể ấy”!

Và đối với Đức Kitô điều quan trọng của cuộc sống này không phải ai lớn hơn ai, nhưng là biết khiêm tốn và là người phục vụ người khác, nghĩ đến người khác trong sự kính trọng chứ không phải bằng ganh tị và cạnh tranh nhau.

Chúa đã sống như Người đã nói. Tất cả chúng ta cũng được mời gọi để đi vào con đường đó, đó là con đường của sự thật, “ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, nhân từ và không thiên vị, không giã dối”, không ganh tị ai. Thấy người khác gặp khốn khó, không lấy làm mừng. Và vui khi thấy họ gặp điều may mắn. Vì đâu có ganh tị và cãi vã thì ở đó có hỗn độn và mọi thứ tệ đoan!

MUỐN LÀM ÐẦU THÌ PHẢI PHỤC VỤ TRONG KHIÊM HẠ
Mc 9, 30 – 37
LM Trần Bình Trọng

Trong Thánh kinh Cựu ước, nhiều lời tiên tri về Ðấng cứu thế đề cập đến một vương quốc phổ quát có tính cách hoàn cầu. Theo lời các ngôn sứ, thì đến một thời gian nào đó, tất cả các dân tộc đều qui phục dòng dõi Ðavít, và các chư dân sẽ hướng về Giêrusalem. Tuy nhiên các ngôn sứ nói về một vương quốc thiêng liêng mà Ðấng cứu thế sẽ thiết lập.

Mặc dù một lần nữa trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu báo trước việc Người sẽ phải chịu khổ nạn và tử hình, rồi được phục sinh, các tông đồ vẫn không nhận thức được ý nghĩa của lời Người giảng dạy. Họ vẫn còn nuôi hi vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian. Vì thế dọc đường, họ tranh luận với nhau xem ai sẽ là người quan trọng nhất trong vương quốc của Chúa.

Ðể loại trừ quan niệm sai lầm về Ðấng cứu thế, Chúa Giêsu lập tức triệt hạ tính tự kiêu tự đại của họ, bằng cách dạy họ về đức khiêm tốn: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người (Mc 9:35). Theo lời Chúa dạy thì tính tự kiêu tự đại là một nết xấu mà người môn đệ Chúa phải xa tránh và loại trừ để luyện tập nhân đức khiêm tốn để làm người rốt hết. Một vài hậu quả của tính tự kiêu mà ta đọc thấy trong thánh kinh là các thần dữ, vì không vâng lời phụng sự Thiên Chúa, nên đã bị đày ải xuống âm phủ. A- đam và E-và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cũng vì nghĩ rằng mình có thể trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm. Cội rễ của sự dữ là ghen tương và kiêu ngạo như trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nêu ra những ý định cuả người kiêu ngạo định làm để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và lên án người công chính. (Kn 2:1-20). Ðó cũng là điều mà thánh Giacôbê tông đồ nhận xét trong thư gủi giáo đoàn: Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa (Gc 3:16).

Phúc âm hôm nay đưa ra hình ảnh của trẻ em để dạy ta bài học về đức khiêm tốn. Quan sát người ta thấy những đặc tính của con trẻ là tín nhiệm, đơn sơ và chân thành. Trẻ con thường không có tham vọng và không tự phụ. Ðón nhận trẻ em có nghĩa là đón nhận những người giống như trẻ con: người khiêm tốn, người thấp hèn, người nghèo đói, người đau yếu, người yếu thế, người bị bỏ rơi.. Nếu phân tích, ta thấy người khiêm tốn có nhiều đức tính của trẻ con. Người khiêm tốn là ngưòi biết nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự, và hành động theo sự xác tín của mình: không giả tạo, không đóng kịch. Người khiêm tốn là người biết tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa, vào ơn khôn ngoan và chương trình quan phòng của Chúa.

Trinh nữ Maria nêu gương mẫu cho ta về đức khiêm tốn. Trinh nữ không mơ ước địa vị làm mẹ Ðấng cứu thế như giới phụ nữ Do thái thời bấy giờ. Thiên Chúa nhìn thấy lòng khiêm tốn của trinh nữ Maria nên đã chọn trinh nữ làm mẹ Ðấng cứu thế. Khiêm tốn thực sự là sống trung thực với lòng mình và nhìn nhận sự thực về mình: ưu điểm cũng như khuyết điểm. Vì nhìn nhận sự thực về mình nên trinh nữ Maria đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về những việc trọng đại Người đã thực hiện nơi mình trong kinh Ngợi Khen (Magnificat).

Chính Chúa Giêsu đã đến để dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đổi ngược lại những giá trị của loài người. Theo lời Chúa dạy thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham muốn vinh dự và địa vị.

Nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu ngăn cản người ta làm lớn. Trong xã hội cũng như trong Giáo hội phải có những người làm lớn, những người nắm giữ địa vị nọ kia để điều hành guồng máy tổ chức trong Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên Chúa bảo làm lớn là để phục vụ chứ không phải chỉ vì ham chức tước. Làm lớn còn có nhiều cơ hội và phương tiện để phục vụ như có ngân khoản, có người thừa hành. Chúa bảo ta chỉ tìm được sự bình an và hạnh phúc thực sự khi sống trong gương mẫu khiêm tốn phục vụ. Chúa chỉ cho ta thấy việc làm vĩ đại thật, không phải là việc phô trương cho người khác biết đến, nhưng được tìm thấy trong việc quên mình để phục vụ tha nhân. Và đó là một nghịch lý của Kitô giáo. Ðể nhắc nhở cho mình và cho hàng giáo sĩ và giáo dân lời Chúa dạy về việc khiêm tốn phục vụ, các Ðức giáo hoàng thường thêm châm ngôn La tinh Servus servorum, có nghĩa là đầy tớ của các đầy tớ vào trước chữ kí tên.

Lời cầu nguyện xin cho được noi gương khiêm tốn phục vụ:

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa.
Chúa đã đến thế gian làm người để dạy bảo nhân loại
bài học phục vụ trong khiêm hạ.
Xin tha thứ những lần con tỏ ra tự kiêu, tự đại và tự phụ
với những người anh chị em con.
Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa
nơi người anh chị em con,
những người đau khổ, bất hạnh về thể xác và tinh thần
để con biết phục vụ trong khiêm tốn. Amen

THANH THOÁT ĐỂ ĐẾN VỚI CHÚA VÀ NÓI VỀ CHÚA
Mc 9, 30 – 37
Anmai, CSsR

Ai đã một lần phải lội suối vượt đèo chúng ta sẽ có cái trải nghiệm trong lần đi đó. Nếu như chúng ta mang trong mình quá nhiều vật dụng không cần thiết thì những vật dụng ấy sẽ làm cản trở con đường ta đi biết dường nào. Khi vượt đèo lội suối như thế, nếu ta thong dong với con người đơn giản thì ta đến đích sẽ nhanh chóng và nhẹ nhàng.

Cũng như con chim muốn bay vút tận cao xanh thì hai cánh của nó phải được tự do, nghĩa là nó không còn vướng bận gì ở đôi cánh của nó nữa. Và nếu như có những sợi chỉ cột nó thì không thể nào nó có thể bay xa được.

Trong Thánh Kinh Cựu Ước, chúng ta vẫn thường nghe nói đến những cuộc “thần hiện”, những lần gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, cách riêng là những người Thiên Chúa chọn thay mặt dân, đại diện dân gặp Chúa. Những lần gặp gỡ ấy ở trên núi và người ta cũng thường ví nơi gặp ấy chính là núi Thánh:

Ai được lên núi Chúa ? Đó là những kẻ có lòng ngay, không mê theo ngẫu tượng, không hề thề dối thề gian !

Thế đấy ! Lòng phải ngay, tay phải sạch mới được gặp Chúa trên núi Thánh của Người. Môsê ngày xưa cũng thế ! Môsê cũng phải có một tâm hồn trong sạch và nhẹ nhõm từ vật chất cũng như tinh thần thì mới lên núi để gặp Chúa và đàm đạo với Chúa được.

Với ý tưởng đó, với tâm tình đó, trang Tin mừng mà chúng ta vừa nghe Thánh Máccô thuật lại. Chúa Giêsu hôm nay sai các tông đồ đi rao giảng Tin mừng của Ngài.

Một điều rất dễ nhận thấy trong trang Tin mừng này là sắc thái Palestina được phác họa ở đây. Những hình ảnh như: đi từng hai người một, gậy, tiền đồng lận ở thắt lưng, rủ đất bụi dưới chân v.v... thuộc về một bối cảnh văn hóa đậm nét Palestina.

So sánh với trình thuật của Luca và Mathêu, thánh Máccô có một kết cấu văn chương không hoàn toàn tương hợp. Nơi Luca và Mathêu; lược đồ như sau:

Chọn nhóm 12 (Lc 6,12-16; Mt 10,1-4)
Sai đi (Lc 9,1t; Mt 10,1-4)
Huấn dụ của Chúa Giêsu cho các môn đồ (Lc 9,3-5; Mt 10,5-42)

Thánh Máccô trình bày việc lựa chọn nhóm 12 trong một trình thuật ở trước (Mc 3,13-19) và ở bản văn này chỉ đề cập tới việc sai đi và những lời căn dặn. Tuy nhiên, thánh Máccô trình bày các chủ đề rất vắn gọn.

Sự khác biệt đó trong lối biên soạn gợi lại cho chúng ta nhớ ý hướng thần học của Máccô.

Thánh Máccô luôn nhấn mạnh: sứ mệnh của các môn đệ là sự tiếp nối sứ mệnh của Chúa Giêsu Đấng Thiên sai cứu độ. Thế nên, người môn đệ của Chúa Giêsu trước hết là kẻ thâm tín rằng: họ chọn đi theo con đường cũng như sứ mệnh của Thầy họ.

Từ đó, trong nhãn quan thần học Máccô, sứ mệnh của nhóm 12 mang một tầm vóc rộng rãi hơn các thánh ký kia. Nghĩa là sứ mệnh này cũng là sứ mệnh của tất cả các môn đệ, áp dụng cho mọi Kitô hữu của mọi thời. Nói cách khác, sứ mệnh này của nhóm 12 dự phóng lên sứ mệnh của Giáo Hội toàn thể, nó bao hàm một quyết định nền tảng cho mọi người. Sứ mệnh này cống hiến ơn cứu rỗi của Thiên Chúa; song, nó trở nên sự xét xử cho những ai cứng lòng chai đá. Việc sai phái nhóm 12 do Chúa Giêsu đềà xướng, trở thành một lời khuyên nhủ cũng như một sự kiểm điểm lương tâm nơi những ai được ủy thác tránh vụ này. Vì chưng những huấn dụ của Chúa Giêsu ngỏ cho các môn đệ luôn giữ giá trị hiện sinh cho mọi sứ giả Tin Mừng.

Người... sai họ đi từng hai người, cho họ quyền năng trên các thần ô uế. Người truyền cho họ không được đem gì đi đàng, trừ cái gậy, không bánh, không bị, không tiền đồng vận ở thắt lưng, được đi dép nhưng đừng mặc hai áo... Đã vào nhà nào thì lưu lại đó cho đến lúc đi khỏi (c. 7-10)

Đây là thói lệ của người Do Thái, dù trong trường hợp sai các sứ giả chính thức hay tư riêng. Vì chưng theo quan niệm của họ, kẻ loan báo sứ điệp cần có một người làm chứng bên cạnh để xác minh lời truyền đạt. Như vậy, các môn đệ còn là những chứng nhân của sứ điệp Thiên Chúa.

Nơi Máccô, Chúa Giêsu cho phép các môn đệ mang gậy và dép: gậy đi đường và dép là thứ phương tiện cần thiết cho khách lữ hành trên các nẻo đường sỏi đá xứ Palestina. Luca, vì không biết rõ sinh hoạt Palestina, đã miêu tả là cũng không được mang các thứ phương tiện đó (Lc 9,3; 10,4; x. Mt 10,9-11). Thực ra, dù các chi tiết khác nhau, các Tin Mừng cũng chỉ nhằm phác họa sự siêu thoát nội tâm của người sứ giả Tin Mừng. Quả vậy, trong nhãn quan thần học Máccô, những lời huấn dụ của Chúa Giêsu muốn khơi dậy nơi người môn đệ tinh thần thanh thoát biết vượt qua tất cả để có thể rao giảng Tin Mừng.

Những nhu cầu vật chất như tiền bạc, bao bị, áo quần đều là phụ thuộc nơi người môn đệ Chúa. Thời đó, những người Do Thái giàu sang dư giả thường mặc 2 áo nhưng người môn đệ của Chúa không mặc hai áo (c. 9), vì sự giàu sang dư giả cũng không phải là mục đích của cuộc đời. Sự thao thức chủ yếu của họ là loan báo Tin Mừng, là mời gọi sự hoán cải và Đức tin.

Vấn đề đã rõ, tại sao Chúa Giêsu lại huấn dụ rõ ràng cho các môn đệ về sự thanh thoát về của cải, vật chất.

Hơn một lần, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời là của họ”. Không phải Chúa Giêsu phải bắt môn đệ của mình phải sống nghèo, sống đói, sống khổ nhưng sống trong cái tâm tình của sự tin tưởng, phó thác vào quyền năng của Thiên Chúa.

Là môn đệ đích thực, ắt hẳn phải thực thi triệt để huấn dụ, lời mời gọi này của Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc đời mỗi người chúng ta, là kitô hữu, là môn đệ của Chúa ấy nhưng lòng của chúng ta có thanh thản với vật chất, với danh vọng, với những gì làm cản bước tiến của ta trên con đường gặp Chúa và gặp anh chị em đồng loại hay không ?

NGƯỜI LỚN NHẤT
Mc 9, 30 – 37
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Vấn đề làm lớn, làm bé vẫn là vấn đề muôn thuở của con người. Thường ở đời, con người vẫn có kuynh hướng thích làm lớn, thích ăn trên ngồi trước chứ chẳng ít có người muốn làm bé và thích ngồi ở dưới. Chúa Giêsu lại dạy người ta khác: “ trong Nước Thiên Chúa, người chót hết và phục vụ mọi người sẽ là người lớn nhất. Lời dạy của Chúa Giêsu và với suy nghĩ của Ngài làm cho các tông đồ lúc bấy giờ không mấy phấn khởi. Do đó, Chúa đã giới thiệu với các ông một em bé và mời gọi Giáo Hội tiên khởi hãy ân cần, nhiệt tâm đón tiếp những người cha gửi đến, xuất hiện trong khiêm tốn và nghèo hèn.

Đức Giêsu loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó và sống lại của Ngài. Thế nhưng Tin Mừng của thánh Máccô hôm nay cho biết, các môn đệ không hiểu, nên lấy làm lơ là, khó chịu, tệ hơn họ còn tranh luận dọc đường với nhau về việc ai sẽ làm lớn trong nước Thiên Chúa. Đây là một nét chẳng vẻ vang gì của các môn đệ, những người thân tín của Chúa, những người được Chúa tin tưởng, nhưng lại còn u tối về sứ mạng của Chúa. Ở đây, các thánh sử viết Tin Mừng ghi lại nét này để nhắc nhở nhân loại, nhắn nhủ con người rằng con người sẽ triền miên gặp khó khăn trong đời sống hoàn thiện, đời sống đạo, đời sống tâm linh bởi vì con người sẵn sàng cho đi nhưng luôn luôn muốn lấy lại chính mình. Bài đọc I của sách Khôn Ngoan gợi lên những thách thức của kẻ gian ác đối với người công chính.Mặc dù, gặp trăm ngàn thử thách, đắng cay, chống đối, phỉ báng nhưng Thiên Chúa vẫn nâng đỡ, che chở, hộ phù, an ủi người công chính. Thực tế, người công chính ám chỉ dân Israen và tiên báo về Đức Giêsu, người Con Một duy nhất và là người con chí ái yêu dấu của Thiên Chúa Cha. Nên, ai muốn theo Chúa:” phải vác thập giá mà theo Chúa, nghĩa là phải tiếp nối con đường Chúa đã đi “. Ai tranh đấu cho công bằng, lẽ phải cũng như các ngôn sứ xưa sẽ gặp phải nhiều chống đối, phỉ bang, vu khống và bị bách hại.

Nước Thiên Chúa luôn khác với nước đời. Cơ cấu, tổ chức của nước Thiên Chúa cũng hoàn toàn khác với thế gian. Chính vì thế, trong nước trời, Thiên Chúa là Cha, Đức Giêsu là Thầy, còn mọi người đều bằng nhau, đều là anh em của nhau,đều phục vụ, yêu thương, cảm thông, quảng đại với nhau. Chúa dạy trong nước của Ngài, mọi người đều là tôi tớ của nhau, nghĩa là trung thành hầu hạ nhau cách nhưng không, vô điều kiện, không vì chức vị, danh vọng, ham hố lợi lộc tiền của nhưng tất cả đều phục vụ lẫn nhau vì có chung một Thiên Chúa là Cha. Theo Chúa trong cơ cấu của nước trời, phục vụ hoàn toàn khác với tổ chức trần gian:” Chúa đến không phải để được hầu hạ mà để hầu hạ mọi người “. Trong nước Thiên Chúa, người lớn nhất là người phục vụ nhiều nhất, hăng say, không cân đo, không tính toán. “ Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “ ( Mc 9, 35 ). Đây quả thực là một cuộc cách mạng lớn của Đức Giêsu Kitô. Cuộc cách mạng này làm đảo lộn mọi suy nghĩ về làm lớn làm bé của các tông đồ. Người làm lớn theo quan điểm của Chúa Giêsu là người dùng đôi tay để phục vụ chứ không dùng quyền hành để cai trị.Người lớn nhất theo Đức Kitô là người dùng con tim để yêu thương chứ không dùng sức mạnh, dùng quyền bính để lãnh đạo, để thống trị. Thánh Giacôbê đã viết: ” những đức tính mà những người đi phục vụ phải tập và phải có là ôn hòa, bao dung, không xét nét, không thiên vị, ba hoa, khoác lác, nhưng xây dựng sự an bình”.

Thời nào cũng vậy có những người ham hố danh vọng, thích ăn trên ngồi trước nhưng lại có rất nhiều người luôn họa theo mẫu của Đức Giêsu Kitô:” yêu thương như Ngài và phục vụ như Ngài “. Họ luôn coi nước trời là đích đến, lấy tình thương làm thước đo và đặt sự trung tín nơi Chúa làm mục tiêu tiến bước. Những con người này coi thường cả mạng sống, hy sinh tất cả để tiếp tục tuyên tín như thánh Phêrô:” Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.” Bỏ Thầy con biết theo ai vì Thầy mới có những Lời ban sự sống “. Hoặc: ” Thầy biết con yêu mến Thầy “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con luôn biết sống khiêm tốn phục vụ trong yêu thương hiệp nhất. Amen.

PHỤC VỤ LÀ ƠN GỌI CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA KITÔ
Mc 9, 30 – 37
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Trên đường đến Capharnaum, Chúa Giêsu đã công khai loan báo cuộc thương khó và phục sinh của Người lần thứ 2. Lần này Ngài đi thẳng vào vấn đề chứ không rào đón như lần trước. Thế nhưng trước những lời loan báo ấy, thái độ của các mộ đệ thế nào ? Xem ra cả hai lần loan báo của Chúa Giêsu không có tác dụng gì đối với tâm thức của các ông cả, chẳng khác nào nước đổ đầu vịt. Theo những gì Tin mừng thuật lại, ta thấy dường như các ông không hiểu gì hết. Không hiểu một phần vì các ông không muốn hiểu. Không hiểu một phần vì các ông vẫn còn bám vào quan niệm về một Đấng Kitô theo kiểu trần thế.

Mặc dù không hiểu, nhưng các ông lại không dám hỏi. Sống với Thầy gần 3 năm rồi, tự dưng hôm nay thấy Thầy “khó gần” quá đỗi. Thế mới hay! Đây cũng là một nghịch lý “khó ưa” nơi các môn đệ. Thật ra là vì các ông sợ. Sợ điều gì ? Sợ hiểu rõ điều các ông không muốn hiểu. Sợ biết rõ sự thật các ông không muốn biết. Và nhất là sợ bị Chúa Giêsu cho “ăn đòn” như Phêrô hôm trước.

Hậu quả là khi khư khư giữ lấy quan niệm về một Đấng Cứu Thế mang tính chính trị, ô-tô-ma-tíc các ông đã sa vào cơn cám dỗ kinh điển của con người: tranh giành địa vị, quyền lực. Trong thâm tâm các ông vẫn luôn nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của Đế Quốc La Mã và tái lập một vương quốc Israel hùng mạnh. Lúc bấy giờ, chắc chắn các ông, chứ không ai khác, sẽ được tân vương Giêsu bổ nhiệm vào 12 chức vụ quan trọng trong điều đình. Vì mang não trạng như thế, nên không lạ gì dọc đường các ông đã “giành ghế” với nhau. Ai sẽ là tể tướng ? Ai sẽ là Quân sư ? Ai sẽ là Phò mã ? v.v... Quả đúng, quyền lực luôn là vấn đề muôn thuở của con người, ngay cả những người đi theo Chúa. Chiến tranh, chia rẽ, xung đột, đau khổ… cũng từ đó mà ra.

Thế thì Chúa Giêsu đã sửa sai quan niệm và thái độ của các ông ra sao ?

Chúa Giêsu đã nêu cao tinh thần phục vụ cho các môn đệ theo mẫu gương của Ngài. Ngài đã, đang và sẽ phục vụ với tư cách là người rốt hết và là người tôi tớ của mọi người: “Ai muốn làm người đứng đầu thì thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9,35); “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Thái độ mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ phải có đó là tinh thần phục vụ. Phục vụ chứ không phải là thống trị, và phục vụ đến độ sẵn sàng hi sinh cả mạng sống mình: “Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Mc 10,45). Ngài còn đồng hoá mình với các trẻ nhỏ, đồng hoá mình với những người bé mọn: “Ai đón tiếp trẻ nhỏ này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy” (Mc 9,37).

Rõ ràng ơn gọi của người môn đệ Chúa Kitô là phục vụ, phục vụ theo gương mẫu của Chúa Kitô. Khi ta chỉ lo tìm kiếm địa vị danh vọng và tranh giành quyền lực hơn thua là ta đang sống theo tinh thần thế tục. Ngược lại, khi ta sống tinh thần khiêm nhường phục vụ là ta đang sống ơn gọi làm người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Phẩm giá của người môn đệ Chúa Kitô được đo bằng chính phẩm chất của việc phục vụ anh chị em đồng loại.

Vậy ta đã sống tinh thần phục vụ thế nào ? Thường thì ta vẫn thích sai khiến, thích thống trị kẻ khác hơn là phục tùng và phục vụ, và nếu có phục vụ đi nữa, ta chỉ thích phục vụ những kẻ giàu sang quyền thế, hay những kẻ trên mình. Ít khi ta tự nguyện hạ mình phục vụ những kẻ nghèo khó thấp hèn. Trong khi đó Chúa lại dạy rằng khi ta phục vụ những kẻ bé mọn là ta đang phục vụ chính Chúa. Mà được phục vụ chính Chúa thì còn vinh phúc nào bằng ! Vậy thử hỏi bao nhiêu lần ta đã đánh mất cái phúc vinh lớn lao này vì đã từ chối phục vụ Chúa trong những người anh em bé mọn ?

Lạy Chúa, chắc là nhiều nhiều lắm, con đếm không nổi rồi Chúa ơi !!!

HÃY CÙNG DÌU NHAU TIẾN BƯỚC
Mc 9, 30 – 37
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất và tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.

Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và quay lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:

- Như thế này em sẽ thấy tốt hơn.
Cô nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.
Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.

Cuộc đua nào cũng cần chiến thắng. Nhưng chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng vươn lên, dù ta phải chậm một bước. Bởi lẽ đó, nền văn minh thực sự chỉ có khi con người cùng dìu nhau tiến bước. Không để ai ở lại phía sau. Không đạp đổ ai ngã quỵ. Nhưng cùng nhau vun trồng cây tình thương giữa nền văn minh hôm nay. Cuộc đời sẽ không còn khoảng cách quá xa giữa người giầu và người nghèo, và phẩm giá con người được tôn trọng khi nhân loại biết xiết chặt vòng tay và dìu nhau tiến bước.

Nhưng đáng tiếc cho nhân loại chúng ta, có quá nhiều người tham quyền cố vị. Họ cần địa vị, cần có chức, có quyền để “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ. Họ đua nhau leo lên đài cao danh vọng để hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà chức tước sẽ mang lai cho họ. Vì quyền, vì lợi mà biết bao người đã chẳng ngại lừa thầy, phản bạn, sống vô ơn, phản phúc. Vì bổng lộc mà biết bao người đã chẳng sợ đánh mất nhân phẩm của mình để chà đạp người dưới và tâng bốc, luồn cúi cấp trên. Có mấy ai sống vị tha, sống quên mình vì lợi ích đồng loại?

Năm xưa, Chúa Giêsu đã rất đau buồn khi nghe các môn đệ thân tín của mình đang kèn cựa nhau địa vị và bổng lộc. Nỗi lòng của Thầy, các môn sinh đâu muốn chia sẻ. Chúa Giêsu thật cô đơn. Cô đơn vì chẳng ai hiểu mình. Cô đơn vì các môn sinh vẫn còn đó bản tính vụ lợi. Chẳng ai nên giống Thầy Chí Thánh. Thầy quên mình vì lợi ích nhân sinh. Trò lại lo vinh thân phì gia. Thầy đang đi dần đến đỉnh cao của hiến tế để cứu độ nhân loại, các môn sinh lại tìm kiếm vinh hoa phú qúy trần gian.

Chúa Giêsu đã không ngần ngại đặt thẳng vấn đề với các môn sinh: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”. Các ông im lặng làm thinh. Im lặng vì có mấy ai trong lòng không chứa đầy những toan tính vụ lợi. Có mấy ai thanh sạch lòng ngay trước danh vọng mà các ông tưởng chừng như sắp đến tay mình? Im lặng để lắng nghe. Lắng nghe lòng mình để thấy rằng tính tham sân si vẫn còn đó sau bao ngày tháng theo Thầy tầm đạo. Lắng nghe lời Thầy giáo huấn để sửa đổi và bước đi theo gương Thầy chí thánh đã đi.

Chúa buồn nhưng không trách mắng. Chúa kêu gọi các ông thay đổi cách suy nghĩ chứ không ra lệnh. Chúa mời gọi các ông: “ai làm lớn hãy hết mình phục vụ”. Phục vụ với thái độ như một người đầy tớ. Phục vụ không phân biệt sang hèn. Đỉnh cao của phục vụ là không toan tính theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ để tượng trưng cho những con người tay trắng, yếu đuối và chắc chắn không có gì để đền ơn đáp nghĩa. Họ mới cần chúng ta giúp đỡ. Họ mới thực sự có nhu cầu để van xin lòng tốt của chúng ta. Họ mới thực sự là đối tượng mà Chúa cần chúng ta rộng tay giúp đỡ. Chúa còn đồng hoá họ trở nên chính Chúa. Thế nên, ai tiếp đón họ là tiếp đón chính Chúa. Và ngược lại, ai từ chối họ là từ chối chính Chúa.

Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu hằng ao ứơc các môn sinh của mình phải suy đi nghĩ lại trong cuộc đời và đem ra thực hành với trọn lòng mến yêu. Đó chính là nét đẹp của người kytô hữu sống đạo theo gương Thầy chí thánh Giêsu. Chính Chúa đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người như chúng ta, và qua đó thánh hoá chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn sinh để từ nay “kẻ làm lớn phải trở thành kẻ phục vụ như một đầy tớ” theo gương Thầy đã để lại.

Có lẽ cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết từ bỏ tham sân si, để sống bác ái vị tha. Cuộc đời sẽ hết khổ đau bởi ganh ghét, tị hiềm và nhân loại sẽ cùng đan tay nhau xây dựng một thế giới đầy yêu thương. Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết dùng khả năng, địa vị Chúa ban để phục vụ lẫn nhau trong yêu thương chân thành.

Nguyện xin Chúa là Đường dẫn đến sự thật và sự sống dẫn dắt chúng ta bước đi trên con người mà Chúa đã đi để mỗi ngày chúng ta được trở nên giống Chúa hơn.

NỀN VĂN MINH MỚI
Mc 9, 30 – 37
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang đựơc trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lĩnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Chúa Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin mừng hôm nay.

Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.

Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hoá trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.

Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Chúa Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.

Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.

Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì bị ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.

Với lời dạy dỗ ấy, Chúa Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.

Để làm gương cho ta, chính Chúa Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Chúa Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.

Người đã hoá thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.

Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên chúa.

Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khoẻ, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.

Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.

Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.

Lạy Trái Tim Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.

VẺ ĐẸP CỦA ĐỜI PHỤC VỤ
Mc 9, 30 – 37
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ người khác” (Mc 9,36)
1. Lý tưởng phục vụ
Có thể nói đây là một trong những câu nói đẹp nhất của Tin Mừng. Từ khi mới đi tu, tôi không hiểu hết ý nghĩa của nó, bởi vì cái nhìn của Chúa hoàn toàn khác với cái nhìn của con người. Vì thông thường ai cũng muốn làm đầu. Ai cũng thích chỗ cao trọng. Ai cũng muốn được người khác phục vụ. Ngay cả các tông đồ cũng thế, theo Chúa rồi mà vẫn còn mang não trạng tranh giành nhau và tìm chổ lớn chỗ nhỏ.

Nhưng dần dần tôi mới hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Tôi nhận thấy rằng:

Trong một quốc gia, nếu những người lãnh đạo là những người phục vụ người dân thì đất nước đó sẽ phát triễn và sẽ tiến nhanh tiến mạnh.

Trong một xã hội, nếu mọi người biết phục vụ nhau, thì xã hội đó sẽ bình an và thịnh vượng.

Một giáo xứ mà trong đó ai cũng mặc lấy tinh thần phục vụ lẫn nhau, thì giáo xứ đó rất sống động và đầy niềm vui.

Cũng thế trong một gia đình vợ chồng, con cái biết phục vụ lẫn nhau, thì gia đình đó sẽ có sự cảm thông, yêu thương và hạnh phúc dư tràn.

Phục vụ là lý tưởng mời gọi tất cả mọi người sống và thực hành để làm cho cuộc sống này được đẹp hơn, nhân bản hơn và yêu thương hơn.

Giáo hội cũng chọn phục vụ làm con đường phải đi như Chúa đã dạy. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người là con đường của Giáo Hội”. Nghĩa là Giáo Hội được thiết lập là để phục vụ con người. Con người là trung tâm điểm của sứ mạng Giáo Hội. Trong Giáo Hội có chức vụ, có địa vị nhưng không phải là để thống trị người khác, nhưng là phương tiện để phục vụ lợi ích các linh hồn và xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô.

Giáo hội được mời gọi bước theo mẫu gương phục vụ của Chúa Kitô. Người là Đấng giàu có nhưng đã trở nên nghèo khó. Người là Đấng cao trọng nhưng đã trở nên rốt hết. Người là Thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Người là Chúa nhưng đã hiến mạng sống mình vì ơn cứu độ của chúng ta. Đúng như Lời Người: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).

2. Ơn gọi linh mục là ơn gọi phục vụ

Trong Năm Linh Mục, tôi muốn chia sẽ về ơn gọi của tôi. Chúa gọi tôi đi tu vào năm 19 tuổi, lúc đó tôi mang trong mình nhiều ước mơ. Khi chọn lựa đi tu, tôi cũng phải vật lộn với chính mình và cứ tự hỏi phải đi con đường nào. Những buổi tối về mấy người bạn cùng làng đồng lứa quây quần bên nhau dưới ánh đèn dầu, chúng rĩ vào tai tôi: “Cậu đừng có đi tu, thời nay ít người đi tu rồi, đời độc thân cực lắm”. Nghe những lời đó làm tôi cũng lung lạc muốn bỏ ý định đi tu. Nhưng tôi vẫn nghe trong lòng một tiếng mời gọi ra đi. Sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, cuối cùng tôi nói với Mẹ, “con sẽ đi tu mẹ ạ”. Nghe điều đó, tôi thấy mắt mẹ tôi rưng rưng nước mắt và tôi hiểu được tâm trạng của mẹ tôi lúc đó: có thể đó là những dòng nước mắt của niềm vui vì có một người con sẽ dâng mình cho Chúa. Nhưng có thể đó là những dòng nước mắt của hy sinh vì “mất một người con trai trưởng” là chổ dựa của gia đình tôi.

Tôi đã bước đi theo tiếng gọi làm linh mục của Chúa. Sau hơn sáu năm huấn luyện ở Đại Chủng Viện Vinh Thanh, mùa Đông năm 2001 tôi được truyền chức linh mục bởi Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên. Nay tôi đã làm linh mục được tám năm. Càng ngày tôi càng xác tín rằng: Chức linh mục không phải là một cái nghề, cũng không phải là một địa vị trong lòng Giáo Hội để tìm kiếm. Nhưng chức linh mục là một hồng ân, hay đúng hơn, nói theo Thánh Phaolô là một đặc sủng (charisma) của Chúa Thánh Thần. Đặc sủng này được ban cho tôi là vì lợi ích chung, là để phục vụ lợi ích cộng đoàn. Hiểu như thế, tôi càng được thôi thúc hơn và mời gọi hơn đi vào con đường của Chúa, đó là con đường yêu thương và phục vụ người khác. Lý tưởng đó thúc đẩy tôi lên đường và “ra khơi” mỗi ngày. Khi phục vụ trong sứ mạng linh mục tôi thấy những chân trời mới ló dạng, chân trời của yêu thương và hy vọng, chân trời của niềm vui và truyền giáo. Tôi rất thích câu thơ của đại thi hào Ân Độ, Tagor, vì rất đúng với đời linh mục:

Khi tôi ngủ, tôi mơ thấy niềm vui
Khi tôi thức, tôi thấy đời phục vụ
Khi tôi phục vụ, tôi gặp được niềm vui
”.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết đi vào con đường của Chú, đó là con đường yêu thương và phục vụ. Vì chỉ con đường đó dẫn chúng con tới niềm vui, bình an và hoan lạc trong tâm hồn. Amen!

THEO CHÚA PHẢI KHIÊM NHƯỜNG PHỤC VỤ
Mc 9, 30 – 37
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Sau khi thăm dò ý kiến dân chúng về chính con người của mình, Chúa Giêsu quay sang hỏi các môn đệ, và nhận được phản hồi từ Phêrô tuyên xưng : "Thầy là Đấng Kitô" (Mc 8, 29). Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho các ông biết Người là "Người Tôi Tớ đau khổ" được Isaia loan báo cũng Đavít đã nói trong Thánh Vịnh 22 (21) . Người Tôi Tớ ấy : "Sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi" (Mc 8, 31).

Các môn đệ kia không biết các ông có hiểu hay có ý kiến gì không, vì không thấy ai nói gì? Còn Phêrô, vì không chấp nhận mạc khải ấy nên đã bị khiển trách nặng nề : "Satan, hãy lui đi" (Mc 8, 33). Nhưng với tình thầy trò, Chúa Giêsu tiếp tục dạy dỗ các ông nhiều điều, dẫn các ông lên một ngọn núi cao và biến hình trước mặt các ông, để củng cố niềm tin của các ông trước cuộc Khổ Nạn sắp tới.

Bài học về sự phục vụ

Sau khi biến hình, thầy trò xuống núi, trở lại với các môn đệ kia, Chúa Giêsu lại tiếp dục dạy dỗ các ông lần thứ hai : "Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Marcô ghi rõ : "Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người" (Mc 9, 10), nghĩa là có Phêrô, Giacôbê và Gioan vừa chứng kiến cảnh Thầy biến hình, vậy mà các ông vẫn không hiểu, vì không hiểu nên các ông mới hỏi nhau : "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10) Và cũng từ sự không hiểu biết này dẫn đến cuộc cãi vã dọc đường (x. Mc 9, 34), tệ hơn nữa Giacôbê và Gioan đến xin Chúa Giêsu cho được một ngồi bên tả, một ngồi bên hữu Thầy (x. Mc 10, 35). Câu trả lời của Chúa Giêsu thật mạnh mẽ : "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35); Và Người nói tiếp : "Cũng vậy, Con Người đến không phải để được người ta hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống cho nhiều người" (Mc 10, 45).

Bài học về sự khiêm nhường

Khiêm nhường đón tiếp cả trẻ nhỏ và trở nên người rốt hết phục vụ mọi người, là điều Chúa Giêsu muốn các môn đệ của mình phải noi theo. Kiêu ngạo sẽ biến người ta trở thành kẻ tự phụ, đề cao mình không đúng mức, hoặc khinh dể kẻ khác, tìm cách hạ người khác xuống để mình được tôn lên. Người kiêu ngạo hay khoe khoang và có thái độ tự đắc, rất ham thích địa vị và tiếng khen, muốn được phục vụ và không phục thiện. Ai không đồng ý kiến, hay nói lời khinh chê, thì họ tỏ thái độ buồn giận bực tức và tìm cách trả thù. Hậu quả là kẻ kiêu ngạo bị Thiên Chúa đối địch và người đời ghen ghét.

Kinh Thánh dạy rằng: “Thiên Chúa chống đối kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho người khiêm tốn” (x. Gc 4,6). Kẻ kiêu ngạo không những bị Thiên Chúa đối địch mà còn bị người đời ghét bỏ và xa tránh. Bị người đời chống lại đã nguy hiểm, phương chi bị Thiên Chúa đối địch thì khủng khiếp biết bao, khốn nạn biết chừng nào. Có lời Chúa phán "Kẻ nào tự nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nhắc lên" (Mt 23,12) ... Nếu như bạn có điều gì tốt, hãy nhận về bạn, nhưng đừng quên lỗi lầm của bạn; đừng thổi phồng những gì hôm nay bạn đã làm tốt, đừng loại sự xấu gần đây và trong quá khứ; nếu điều hiện tại mang lại cho bạn hư vinh, hãy nhớ quá khứ; đây là cách bạn nhận ra sự kém cỏi của mình!

Và nếu bạn thấy lỗi lầm của tha nhân, hãy thận trọng coi như lỗi này ở trong anh em, nhưng cũng phải suy nghĩ về những gì tốt anh em đang làm hoặc đã làm ; nếu bạn duyệt toàn bộ cuộc sống của bạn và không tính toán chi li, thì theo lẽ thường, bạn sẽ khám phá ra điều tốt nơi mình. Thiên Chúa không để ý đến từng li từng tí của con người ... chúng ta phải luôn nhắc nhủ nhau rằng, đừng có kiêu ngạo, hãy ăn ở khiêm hường và hạ mình xuống để được nhấc lên.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã từ trời hạ mình xuống… Nhưng sau khi tự hạ, Người đã được tôn vinh, những người bị ngược đãi như các môn đệ đầu tiên, hay những người nghèo khổ, đói rách, trần truồng, đi khắp thế gian, không lời khôn ngoan, không đánh trống phô trương, nhưng nhiệt thành làm việc, lang thang trên đất và trên biển, bị đánh đập, bị ném đá, bị trục xuất và cuối cùng bị giết cũng được tôn vinh với Người.

Chúng ta cũng vậy, hãy bắt chước họ và bước theo để được vào nơi đầy ánh sáng và vinh quang đời đời, đây là món quà tốt hảo và chân thật Thiên Chúa dành cho những ai đi theo đường lối Người.

Lạy Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền lành, xin giúp chúng con dẹp tính khoe khoang, cậy mình và năng nhớ lời Chúa dạy: "Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người" (Mc 9, 35). Amen.

NGƯỜI LỚN NHẤT
Mc 9, 30 – 37
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Khuynh hướng của con người luôn muốn hơn người khác. Đặc biệt, ai cũng muốn xếp hạng nhất, muốn làm người lãnh đạo, làm người điều khiển người khác. Trên thị trường, nhiều quảng cáo xem ra rất kêu, nhằm kéo thị hiếu của con người. Như vậy, con người luôn nghĩ ra nhiều kế, nhiều kế hoạch, nhiều trò nhằm làm thỏa mãn khuynh hướng muốn thống trị, đứng đầu, số một của mình. Chúa Giêsu lại dạy con người bài học thật khác lạ :” Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “ ( Mc 9, 35).

Thật vậy, Chúa Giêsu đem đến cho nhân loại một luồng gió mới. Ngài dạy dỗ con người với lòng yêu thương vô bờ của Ngài. Ngài đến làm cho Lề Luật nên trọn hảo. Ngài kiện toàn luật Cựu Ước. Do đó, Chúa Giêsu ban cho nhân loại, ban cho con người giới răn yêu thương mới, giới răn được đặt trên bác ái yêu thương. Các môn đệ của Chúa đã được Chúa uốn nắn,dạy dỗ và rèn luyện,nhưng thực tế, các Ngài vẫn chưa hiểu được ý Chúa, chưa nhận ra con đường của Người. Do đó, các môn đệ còn tranh cãi nhau, còn giành giật nhau theo kiểu người đời, theo cung cách của thế gian.

Một bữa kia khi đi trên đường, các môn đệ tranh cãi nhau xem ai làm lớn, làm bé. Chúa không can thiệp vào công việc của các môn đệ lúc đó, Ngài giả bộ như không biết gì. Ngài muốn đo lường sự hiểu biết của các môn đệ. Chính vì thế, sau khi về đến nơi nghỉ, Chúa Giêsu đã vặn hỏi các môn đệ xem các Ngài đã tranh luận gì khi đi dọc đường. Chúa Giêsu đã biết rõ cõi lòng của các môn đệ. Bởi vì, các môn đệ cứ tưởng Chúa sẽ làm vua theo kiểu người đời và các Ngài sẽ tranh nhau các ghế trong nội các của Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ bài học phục vụ khiêm nhường, phục vụ vô vị lợi. Chúa đem một em bé đến trước mặt các ông và nói :” Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy “ ( Mc 9, 37 ).

Đối với Chúa Giêsu trẻ nhỏ bị xã hội, bị người lớn coi thường, họ coi trẻ nhỏ như những người không quan trọng, không đáng quan tâm, lưu ý; những người tàn tật, bị bỏ rơi, những kẻ bơ vơ, vất vưởng, neo đơn, tất bạt. Chúa Giêsu đồng hóa với những con người bất hạnh ấy. Ngài nói :” khi cho một kẻ nghèo, một người bơ vơ, bệnh hoạn, tù đầy…vv… ăn, uống, giúp đỡ, thăm nuôi họ là đã làm cho chính Chúa. Chúa Giêsu muốn gửi đến thế giới, đến con người, đến mỗi người chúng ta sứ điệp yêu thương này.

Về vấn đề phục vụ, làm người đứng đầu, Chúa Giêsu lại có một quan điểm khác lạ bởi vì bình thường người lãnh đạo, người đứng đầu là người truyền lệnh, bắt cấp dưới thi hành lệnh của cấp trên. Chức tước, địa vị càng cao, họ càng có quyền, càng ra lệnh bắt cấp dưới phải thi hành ý muốn của họ. Đối với Chúa Giêsu thì khác, người làm lớn là người phục vụ nhiều nhất, hăng say, năng nổ nhất, người làm lớn làm trước, làm gương và nghỉ sau cùng.

Người làm đầu theo kiểu của Chúa, theo quan điểm của Ngài là người không dùng quyền để quyết định, dùng quyền để sai khiến, lãnh đạo. Người lãnh đạo không dùng sức mạnh để chỉ huy, để chèn ép người khác, nhưng dùng con tim đầy yêu thương, đôi tay nhẹ nhàng để phục vụ.

Làm lớn theo kiểu của Chúa Giêsu là người hy sinh phục vụ quên mình, là người yêu thương, quảng đại. Chính Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Chồn có hang, chim trời có tổ…Chúa Giêsu đã làm gương cho những người làm lớn là Ngài không nhà, không cửa,không dành cho mình bất cứ điều gì…Ngài tay không: không có nơi tựa đầu thua con chồn, chú chim vv…

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói :” người ngày nay thích chứng nhân hơn là người nói “. Làm, phục vụ theo cung cách của Chúa Giêsu là kiểu mẫu Ngài muốn để lại cho những người lãnh đạo: khiêm nhường, phục vụ, yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đẩy ra khỏi đầu óc chúng con sự ích kỷ, ghen tương, khoe khoang, tự cao, tự đắc. Xin cho chúng con biết khiêm tốn phục vụ trong yêu thương bởi vì Chúa đã thật sự dạy nhân loại bài học khiêm tốn, hy sinh và phục vụ. Albert Schweitzer đã viết :” Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ “. Amen.

Nguồn vietcatholic.org

841    17-09-2015 21:19:22