Sidebar

Thứ Ba
23.04.2024

Chúa Nhật XXI Thường Niên B năm 2015

CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN
Ga 6, 54. 60 - 69

Trong thời gian gần đây, nếu anh chị em có dịp đi đến Châu đốc để vía bà, hay đi Cà Mau viếng mộ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp. Quang cảnh của những nơi đó hết sức tưng bừng náo nhiệt, người tới lui tấp nập. Đi vòng quanh, có nhiều bia tạ ơn, bông hoa, nhan, đèn không bao giờ ngớt. Nhìn lại thì thấy đủ mọi hạng người, thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi tôn giáo. Họ đến đây vì nhu cầu riêng tư của cuộc sống : kẻ đã được đáp ứng, đến để tạ ơn, kẻ khác thì đến van xin. Nhìn lại, tất cả đều vì mối lợi riêng tư cho bản thân, vì cuộc sống riêng của mình.

Tôi suy nghĩ : nếu một người nào đã đi đến đó hai, ba lần mà nhu cầu của họ không được đáp ứng, thử hỏi họ có còn can đảm để đến thăm viếng và cầu xin nữa không. Tất cả chỉ vì nhu cầu của cuộc sống, vì quyền lợi riêng tư. Một khi quyền lợi bị đụng chạm, hay nhu cầu không còn cần thiết nữa thì chắc là họ sẽ không đến đó nữa.

Những người Do Thái, đi theo Chúa Giêsu vì Ngài đã đáp ứng nhu cầu của họ. Ngài cho họ ăn, giảng dạy, nói những lời mới lạ họ thích nghe. Nhưng khi Ngài nói những lời không hợp ý họ, họ liền chống đối và rời xa Ngài. Kể cả những người thân tín, những kẻ được gọi là môn đệ cũng bỏ Ngài. Còn lại nhóm 12, Chúa Giêsu đưa mắt nhìn và hỏi :" Còn các con, các con có muốn bỏ đi không ?"

"Lạy Thầy, chúng con biết đi theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời".

Phêrô đại diện cho cả nhóm nói lên như thế. Ông nhìn thấy được sự sống thật trong vị Thầy mà ông đang theo, ông nhìn thấy được sự cần thiết khi có Thầy bên cạnh. Chính vì thế các ông đã theo Thầy cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, các ông đã đạt được sự sống đời đời.

" Còn các con, các con có muốn bỏ đi không ?"

Chúa Giêsu cũng hỏi từng người trong chúng ta như thế. Không phải chỉ một lần, nhưng rất nhiều lần trong cuộc sống. Nhưng nào chúng ta có nghe thấy gì đâu để mà trả lời cho Ngài, vì chúng ta đã bỏ đi trước khi nghe Ngài hỏi như thế. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta chán nản thất vọng, không kiên nhẫn đủ để chờ đợi Thiên Chúa ban ơn cho mình. Chúng ta quay ra phiền trách Thiên Chúa, vì Ngài không phục vụ cho nhu cầu riêng tư, phục vụ cho lợi ích cá nhân của mình. Chúng ta cầu xin, đòi hỏi, nhưng ít khi nào suy nghĩ rằng : điều mình cầu xin có thật sự cần thiết và hợp thánh Ý Thiên chúa không ? Nếu đó là điều tốt đẹp, thì Thiên Chúa của chúng ta có bị bắt buộc phải vâng lời và thi hành ngay những điều chúng ta đòi hỏi hay không. Thiên Chúa nhìn thấy và Ngài cũng biết trước chúng ta đang nghĩ gì và làm gì. Thế là chúng ta rời bỏ Thiên Chúa của mình vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi, hay đúng hơn là không có một con tim chân thành để theo Ngài.

Có khi nào trong cuộc sống, chúng ta lắng nghe và trả lời như Phêrô: "Chúng con biết đi theo ai, Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời". Nói được như thế là khi chúng ta biết để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc sống của mình. Còn phần chúng ta biết lắng nghe và vâng theo những gì Ngài đặt để cho chúng ta trong cuộc sống. Chúng ta biết chấp nhận và chu toàn cách tốt đẹp hoàn cảnh sống của mình. Đó là sống kề cận bên Chúa và đó cũng là sự sống đích thực mà Thiên chúa ban cho những kẻ thành tâm theo Ngài.

Chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe và luôn sống kề cận bên Chúa, để xứng đáng là môn đệ trung thành của Ngài.

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
Ga 6, 54. 60 - 69

Sau khi rao giảng về Bí tích Thánh thể, dân chúng và ngay cả một số đông môn đệ đã lấy làm chướng tai gai mắt và khó nghe, nên đã lìa bỏ Chúa. Thấy vậy, Chúa bèn quay về với nhóm Mười Hai. Ngài đòi các ông phải có thái độ và lập trường dứt khoát, Ngài hỏi các ông:

- Còn chúng con, chúng con có muốn bỏ Thầy mà đi hay không ?

Phêrô thay mặt cho tất cả anh em trong nhóm đa thưa lên cùng Chúa:

Thưa Thày, bỏ Thày chúng con biết theo ai, Thày mới có Lời ban sự sống đời đời. Qua câu trả lời này, ông đa nhất quyết không bỏ Thày, ông hứa se mai mai theo thày, nghĩa là ông đa làm một sự chọn lựa.

Cuộc đời chúng ta là một chuỗi những sự chọn lựa. Có lẽ chỉ trừ việc sinh ra và cái chết là người ta không lựa chọn được, còn tất cả mọi việc khác thi người ta phải lựa chọn. Và chính nhưng sự lựa chọn này sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời mình. Nghĩa là nếu chọn đúng, chọn khéo thì đời mình se tốt đẹp và hạnh phúc. Còn nếu chọn ẩu, chọn sai thi đời sẽ xấu xa và bất hạnh. Sống là phải lựa chọn luôn. Đời là vậy. Chúa cũng muốn chúng ta luôn lựa chọn. Lời Chúa hôm nay cũng nói đến vấn đề lựa chọn.

Trong bài đọc một ông Giôsuê bảo dân Do Thái phải chọn lựa: thờ Thiên Chúa hay thờ các thần tượng khác. Trong bài đọc hai, thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng một khi đa chọn nhau làm bạn đườn, thi phải suốt đời trung thành với sự lựa chọn ấy,nghĩa là phải thủy chung, phải tùng phục và phải hòa thuận với nhau.

Còn nếu nói theo từ ngữ Phật giáo, thi chúng ta cũng phải luôn lựa chọn một bên là tham sân si và một bên là lý tưởng đạo đức của minh.

Mỗi ngày chúng ta phải đứng trước biết bao sự lựa chọn như thế. Một người đến đề nghi cho chúng ta một kiểu làm ăn gian lận, tiền sẽ có nhiều nhưng lại trái đức công bình: chúng ta phải chọn lòng tham hay là đức công bình. Rồi một người hàng xóm làm điều gi đó không vừa ý chúng ta, chúng ta phải lựa chọn buông theo tính nóng của minh hay nhin nhục tha thứ. Ai chọn lựa tham sân si là chọn sai, cuộc đời se trở thành xấu xa. Còn ai chọn công binh, bác ái, tự chủ là chọn lấy cái tốt, chọn con đường Chúa đa vạch ra.

Nếu chúng ta chọn Chúa thì sẽ ra sao ? Và nếu chúng ta bỏ Chúa thi sẽ ra sao. Linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đa suy diễn câu nói bất hủ của thánh Phêrô thành một bài thánh ca rất ý nghĩa như sau: Bỏ Ngài con biết theo ai, đời lộng gió cánh chim ngàn khơi ? Bỏ Ngài con biết theo ai, thuyền không lái biết trôi về đâu ? Bỏ Ngài con biết theo ai, trên đời kia tương lai khuất mờ ? Bước đi không Ngài, đời con buồn tênh.

Còn nếu chọn Ngài, thi cuộc đời của chúng ta tuy van là một cuộc hành trinh, cũng vẫn như cánh chim bay trong khung trời lộng gió, cung vẫn như con thuyền giưa biển cả mênh mông, nhưng trong cuộc hành trình ấy, có Chúa đồng hành, cánh chim đa biết hướng mà bay, con thuyền đa có người lèo lái và như thế se bảo đảm tới bến binh an. Trên đây là một vài gợi ý về sự lựa chọn trong cuộc đời. Điều quan trọng đó là chúng ta phải biết chọn lựa như thế nào trước nhưng hoàn cảnh riêng của cuộc đời mình. Xin cho mỗi người chúng ta biết chọn lựa đúng và chọn lựa tốt.

Một trong những quà tặng cao quí mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta, đó là tự do lựa chọn. Chắc chắn chúng ta sẽ có một đời sống để dàng hơn nếu Thiên Chúa điều hành mọi sự.

Sự kiện Thiên Chúa tôn trọng tự co của chúng ta là một dấu chỉ Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Thiên Chúa không chiếm hữu và cố tình làm chủ chúng ta. Ngài cho chúng ta được tự do lựa chọn giữa tốt và xấu, tự do lựa chọn cái này hoặc cái kia.

Dầu chúng ta không vâng theo giới răn của Ngài, Ngài vẫ không ngừng yêu thương chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài dễ dãi. Vấn đề ở đây không phải là chúng ta làm gì, mà là một số phận đáng sợ đang chờ đón. Thiên Chúa nhìn thấy mỗi người hành động. Ngài không bỏ qua tội lỗ và nhưng việc làm sai trái.

TUYÊN XƯNG LÒNG TIN BẰNG CẢ CUỘC SỐNG
Ga 6, 54. 60 - 69

Cùng với Giáo hội, hôm nay chúng ta suy niệm đoạn tin mừng cuối chương 6 Tin mừng theo thánh Gioan. Sau một diễn từ dài về Bánh Hằng Sống kết quả từ hơn năm ngàn người theo Chúa Giêsu giờ đây chỉ còn lại nhóm Mười Hai.

Những người bỏ đi cho rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (Ga 6, 60) vì tại hội đường Capharnaum Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6, 54 – 55)

Có thể, nói những cố gắng của Chúa Giêsu như đổ sông đổ biển. Người muốn dân chúng đến với Người bằng cả lòng tin hơn là bằng thái độ thực dụng. Tiếc thay, động cơ theo Chúa của họ chưa được tinh ròng.

May mắn là còn lại nhóm Mười Hai. Chúa Giêsu hỏi họ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” (Ga 6, 60). Phêrô thay mặt anh em trả lời: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa." (Ga 6, 68 – 69). Một lời tuyên xưng đức tin một cách mạnh mẽ.

Lời tuyên xưng này không phải có giá trị ngay hôm nay nhưng sẽ có giá trị trong suốt cuộc đời của các ông. Thật vậy, sau biến cố Phục sinh của Chúa Giêsu các ông đã sống triệt để lời tuyên xưng này. Mỗi người làm chứng cho Chúa bằng cả mạng sống của mình mà chẳng sợ nguy hiểm hay bắt bớ.

Nhân dịp này mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình. Chúng ta đã đón nhận hồng ân đức tin ngày chịu phép Rửa tội nhưng chúng ta có sống tốt đức tin của mình chưa.

Trong khung cảnh năm giáo dục gia đình những bậc phụ huynh nhìn lại đời sống đức tin của mình có làm gương sáng cho con cái mình chưa. Nếu tôi nhớ không lầm sau khi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan 23 được bầu làm Giáo Hoàng, ngài trở về nhà và khoe với mẹ của mình về chiếc nhẫn Giáo hoàng của mình. Mẹ của ngài liền đưa tay của bà lên và nói : không có chiếc nhẫn này làm sao có chiếc nhẫn đó.Nghĩa là nhờ đời sống đức tin của bà mà ngài mới có được như ngày hôm đó.

Chúng ta cũng vừa cùng với toàn thể Giáo hội mừng trọng thể lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời – một trong 4 đặc ân cao cả mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Chắc chắn Mẹ đã được thừa hưởng đời sống đức tin từ Thánh Gioakim và Thánh Anna nên đời sống đức tin của Mẹ mới được mạnh mẽ như thế. Nhờ đời sống đức tin mạnh mẽ mặc dù gặp không biết bao nhiêu khó khăn thử thách nên Mẹ mới được trọng thưởng như thế.

Hãy noi gương các Tông đồ và Mẹ Maria sống đức tin trong đời sống của mình. Nhất là các bậc phụ huynh hãy tích cực sống đức tin để làm gương sáng cho con cái của mình.

HAI THỨ LỰA CHỌN
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm. Anthony Trung Thành

Trừ việc sinh ra và chết, cuộc sống con người là một chuỗi những chọn lựa. Chọn tin hay không tin. Chọn điều tốt hay điều xấu. Chọn trường, chọn lớp. Chọn vợ, chọn chồng. Chọn đi tu hay lập gia đình. Chọn đúng sẽ có hạnh phúc. Chọn sai sẽ gặp bất hạnh. Chọn lựa là chủ đề xuyên suốt các bài đọc Lời Chúa hôm nay. Xin được nêu lên hai thứ chọn lựa thông thường. Chọn lựa trong đời sống tôn giáo. Chọn lựa trong đời sống gia đình hoặc đời sống dâng hiến.

Thứ nhất, chọn lựa trong đời sống tôn giáo

Hiện nay, dân số trên thế giới có khoảng 7 tỷ, số người thuộc về các tôn giáo khoảng 6,3 tỉ. Số tín đồ thuộc các tôn giáo như sau: Kitô giáo khoảng 2,1 tỷ. Hồi Giáo 1,5 tỷ. Ấn độ giáo có 900 triệu. Đạo giáo 400 triệu. Tôn giáo dân gian Trung Quốc 394 triệu. Phật Giáo 365 triệu. Tôn giáo của các bộ tộc 300 triệu. Nho Giáo 150 triệu. Tôn giáo truyền thống Châu Phi có 100 triệu. Thần đạo 30 triệu. Sikh giáo 23 triệu. Do thái giáo 9 triệu. Đạo Cao Đài 2,4 triệu. Jaina 1,2 triệu (Nguồn số liệu theo Adherents.com, riêng số lượng tín đồ Khổng giáo theo Macionis.)

Số liệu trên cho thấy: đa số con người đều có niềm tin. Niềm tin thật đa dạng. Điều đó cũng nói lên quyền tự do chọn lựa của con người. Nhưng tự do đi liền với trách nhiệm. Con người có quyền tự do chọn lựa thì con người cũng chịu trách nhiệm về sự chọn lựa đó của mình. Cũng như con người có quyền chọn lựa điều tốt hay điều xấu, điều lành hay điều dữ và trách nhiệm đi kèm theo.

Bài đọc I hôm nay cho chúng ta thấy: trước mặt các chi tộc Sikem, ông Giosuê đã nói lên sự chọn lựa của mình “Phần tôi và gia đình chúng tôi sẽ tôn thờ Thiên Chúa”. Và ông cũng muốn biết sự chọn lựa của dân chúng: chọn Chúa hay chọn thờ các thần khác? Dân chúng đã quyết tâm chọn Chúa. Họ nói rằng: “không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần ngoại. Chúa là Thiên Chúa của chúng tôi, chính Người đã chọn chúng tôi và cha ông chúng tôi ra khỏi đất Ai cập, khỏi nhà nô lệ...”.

Sự chọn lựa của ông Giosuê và dân các chi tộc Sikem cũng chính là sự chọn lựa của Thánh Phêrô trong bài Tin mừng hôm nay. Khi Chúa Giêsu tuyên bố chính Ngài là Bánh Trường Sinh từ trời xuống. Ai ăn bánh này thì được sống đời đời. Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta, để cho thế gian được sống. Một số các môn đệ phản đối, thậm chí bỏ Chúa mà đi. Chúa Giêsu vẫn không thay đổi lập trường. Ngài cũng không níu kéo họ. Ngài chỉ giải thích thêm để họ hiểu. Đồng thời, Ngài muốn biết sự chọn lựa của nhóm Mười Hai: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?”. Thánh Phêrô thay mặt cho anh em đưa ra sự chọn lựa của mình: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa”. Câu trả lời của Thánh Phêrô vừa nói lên quyết tâm chọn lựa của mình vừa tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Bởi vì, chỉ có Chúa mới có khả năng đem đến cho các ông sự sống đời đời. Thánh Phêrô và các Tông đồ không chỉ nói lên sự chọn lựa của mình mà các Ngài còn sống sự chọn lựa đó bằng việc từ bỏ, bằng việc hy sinh, hy sinh cả tính mạng của mình.

Khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, mỗi người chúng ta đã nói lên sự chọn lựa của chúng ta. Quyết tâm từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng Đức Tin. Đó là sự chọn lựa bằng lời nói. Sự chọn lựa đó phải được chúng ta thể hiện bằng cả đời sống. Cuộc sống luôn gửi đến cho chúng ta những cơ hội để chọn lựa. Chọn lựa khi bình an, khoẻ mạnh thì dễ, nhưng để đưa ra sự chọn lựa khi gặp thử thách khó khăn thì không dễ chút nào. Lịch sử Giáo hội qua các thời kỳ bách hại đạo cho chúng ta thấy điều đó. Trong danh sách các Thánh tử đạo Việt Nam có Thánh Phaolô Bột, trước những cực hình đau đớn đã chối Chúa, nhưng sau suy nghĩ lại đã tuyên xưng đức tin. Các vị tử đạo đã dứt khoát chọn Chúa dù bị gông còm, tù tội, voi dày ngựa xéo. Nhưng cũng không ít những tín hữu đã chối Chúa vì không thể vượt qua được thử thách, đau khổ. Thậm chí, có những người kitô hữu chưa phải chịu khổ nhưng đã chối Chúa để chọn tiền, tình, tài và những thứ khác tương tự.

Phần chúng ta thì sao? Chiếc áo trắng và cây nến sáng linh mục trao cho ta ngày lãnh nhận bí tích rửa tội nay như thế nào? Áo có trắng nữa không? Đèn có sáng nữa không? Chúng ta có còn trung thành với lời thề hứa ngày lãnh nhận bí tích rửa tội hay không? Nếu Chúa Giêsu hỏi chúng ta như hỏi Thánh Phêrô, chúng ta sẽ trả lời như thế nào? Chọn Chúa hay từ bỏ? Chọn Chúa hay tiền, tài, tình?

Thứ hai, chọn lựa trong đời sống gia đình

Khi đến tuổi trưởng thành, người kitô hữu tự do chọn lựa một trong hai bậc sống: Đời sống gia đình, đời sống thánh hiến.

Một số ít người chọn lựa sống đời thánh hiến. Họ thuộc hàng giáo sỹ hoặc tu sỹ. Họ chọn sống theo các lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục. Nghĩa là họ từ bỏ đời sống đôi bạn. Sống đời sống độc thân. Nói lên sự lựa chọn thì dễ, nhưng để trung thành với sự lựa chọn suốt đời cần có ơn Chúa và cần phải cố gắng quyết tâm mỗi ngày.

Đa số các kitô hữu chọn lựa bậc sống gia đình. Để có một gia đình hạnh phúc. Thời gian tìm hiểu rất quan trọng. Làm thế nào chọn người thích hợp để sống với mình suốt đời. Chọn người cùng niềm tin? Chọn người tâm đầu ý hợp. Chọn người yêu mình hay người mình yêu? Dù tiêu chuẩn như thế nào thì ngày lễ thành hôn phải đưa ra quyết định dứt khoát. Trước mặt linh mục và cộng đoàn, hai người thề hứa sống chung với nhau, yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời. Chấp nhận vui buồn, sướng khổ. Chấp nhận ưu khuyết điểm của nhau.

Thánh Phaolô đã nêu lên trách nhiệm của vợ chồng trong bài đọc thứ II, thư gửi giáo đoàn Ep 5,21-32.

- Người chồng là chủ gia đình. Người chồng thay mặt Chúa coi sóc gia đình. Lo cho gia đình về đời sống vật chất cũng như đời sống thiêng liêng. Người vợ đóng vai trò thứ hai. Con cái đóng vai trò thứ ba. Có những việc chồng phải bàn bạc với vợ. Cha mẹ bàn bạc với con cái. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là người chồng người cha. Đương nhiên những quyết định của người cha người chồng phải hợp tình, hợp lý, hợp lẽ đạo.

- Chồng phải yêu thương vợ. Vì sao? Vì chồng và vợ là một. Thân xác của vợ là thân xác của chồng. “người chồng sẽ lìa bỏ Cha mẹ mà luyến ái với vợ mình và cả hai trở nên một xương một thịt”. Yêu như thế nào? Chồng yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh. Vì yêu thương, Chúa lập nên Hội Thánh. Chúa trung thành với Hội Thánh. Chúa trao cho Hội Thánh các Bí tích và Lời Chúa để Hội Thánh sử dụng. Chúa đã chết vì Hội Thánh. Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu của mình. Đó là mẫu mực cho tình yêu vợ chồng. Vợ chồng yêu thương nhau thì phải chung thuỷ và hy sinh cho nhau. “Yêu là chết trong lòng một ít” (Xuân Diệu). “Nếu biết tình yêu có chân thật hay không, hãy bỏ tình yêu vào máy ép, nếu nó tiết ra chất nước hy sinh vô vị lợi, đó là tình yêu thật”(Pierre l’Ermite).

Điều đáng mừng vì nhìn thấy trong cộng đoàn chúng ta rất nhiều người cha người chồng sống có trách nhiệm. Đóng đúng vai trò làm chủ gia đình. Hết mực yêu thương vợ con. Gia đình trên thuận dưới hoà. Mọi thành viên trong gia đình biết quan tâm lẫn nhau.

Nhưng vẫn không thiếu những gia đình sống không có tôn tri trật tự. Trong gia đình không biết ai là chủ? Vợ chồng thiếu chung thuỷ. Cha mẹ không yêu thương con cái. Con cái không nghe lời cha mẹ. Vợ chồng ly tán. Con cái sa vào các tệ nạn xã hội. Thật đau lòng !

Mỗi người chúng ta tự hỏi: Gia đình của tôi như thế nào?

Lạy Chúa, xin cho mỗi chúng con có một đức tin vững mạnh, lòng mến sắt son để chúng con luôn trung thành với Chúa khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như khi thất bại. Xin cho mọi thành phần trong gia đình chúng con luôn biết sống đúng địa vị của mình, có tinh thần trách nhiệm, biết yêu thương và quan tâm lẫn nhau. Amen

LÒNG TRUNG THÀNH
Ga 6, 54. 60 - 69
LM. Vũ Xuân Hạnh

Chắc bạn vẫn nghe thường xuyên về người này hứa dỏm, người kia hứa lèo. Hoặc chính bản thân nhều khi cũng tỏ ra bực mình vì ai đó không giữ đúng lời hứa. Từ những chuyện nhỏ nhất, tầm thường nhất của cuộc sống đến những vấn đề quan trọng nhất, người ta đều cóp thể thất trung, bất tín. Ví dụ: Ai cũng biết, hôn nhân là mối giây ràng buộc chặt, nhưng người ta vẫn phản bội nhau. Một hợp đồng kinh tế vừa mới ký xong, có thể vì lợi lộc riêng tư, người ta vẫn phản bội hợp đồng đó. Một hiệp ước hòa bình giữa hai đảng phái đã được ký kết để đừng chém giết nhau nữa, thì cũng không ai dám tin chắc rằng, hai đảng phái đó hoàn toàn tuân theo hiệp ước, dù nó là hiệp ước quốc tế đi nữa. Vậy là chiến tranh nổ ra, chém giết vẫn còn, những cái chết oan uổng vẫn không ngừng tiếp diễn từng ngày. Nhìn vào thực tế của đời sống như thế, nhiều lúc ta như chán nản, bật thốt lên: Người đời là vậy! Họ phản bội nhau, bất trung với nhau, không cần đếm xỉa gì đến hậu quả của nó.

Đối với nhau đã vậy, đối với Thiên Chúa, con người cũng phản bội, cũng bất trung không kém. Từ thủơ bình minh của nhân loại, thế giới theo Thánh Kinh diễn tả, chỉ có hai người thôi: Ađam, Eva. Tưởng chừng cả hai sẽ an phận trong hạnh phúc tuyệt đối Chúa đã an bài, nhưng không, lòng tham, sự kiêu ngạo đã làm ông bà không chấp nhận hạnh phúc đó mà lại muốn bằng Thiên Chúa. Để bằng Thiên Chúa, chỉ còn cách không vâng lời, chống lại Thiên Chúa, bất trung với Người. Vì tội chống lại Thiên Chúa một cách tày trời, đã gây ra hậu quả không lường hết được: cả loài người cùng bị vạ lây trong tội nguyên tổ.

Bất trung của Ađam và Eva là mở đầu cho vô vàn những bất trung mà con người phản bội Thiên Chúa. Chẳng hạn, thời gian dài dân Chúa phải lang thang trong sa mạc là một bằng chứng. Bốn mươi năm trường, nếm đủ mùi vị của khổ đau: nào là đói, rét, khát, rắn độc cắn…, đã làm cho dân của Chúa mất kiên nhẫn, nhiều lần lên tiếng trách móc ông Môsê và ông Aaron đã vậy, họ còn oán trách nặng lời đối với Thiên Chúa của họ. Họ nghi ngờ lòng thương xót của Chúa: không biết Chúa có thương mình không, hay Thiên Chúa đem họ ra khỏi Aicập để mượn nỗi khổ gay gắt của sa mạc giết chết họ? Lòng dân nổi loạn đến mức, có lần ông Môsê thất vọng cùng cực, than thở với Chúa: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con? Có phải con đã cưu mang dân này đâu, có phải con sinh ra nó đâu?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12 tt). Trong sa mạc, lòng dân quên mất tình yêu của Chúa, vì thế, đã không biết ơn Thiên Chúa của mình, ngược lại nhiều lần đi từ thái độ bất trung đến đối nghịch Thiên Chúa.

Hôm nay bài đọc một là một phần của câu chuyện dài về sự bất trung và lòng thương xót ấy. Sau những năm tháng lang thang rày đây mai đó trong sa mạc, bây giờ sắp định cư trong đất hứa, hạnh phúc chỉ còn là một bước nhảy về phía trước. Trong hoàn cảnh này, dân Chúa phải xác định lại lập trường của mình: Họ có muốn trung thành theo Chúa, thờ phượng Chúa nữa hay không? Dẫu hôm nay, họ dỏng dạc tuyên bố sự chọn lựa của mình: “Không đời nào chúng tôi bỏ Đức Chúa mà đi thờ những thần khác”, và dù cho lý do buộc họ phải xác định lại đức tin của mình là bởi đã quá nhiều lần họ bất trung với Chúa, thì không phải vì thế, mà từ nay về sau họ không còn bất trung. Lời quyết tâm trung thành hứa trước nhan Chúa vẫn còn đó, nhưng lòng dân thì hay thay đổi. Suốt dọc dài của lịch sử, sự phản bội ngấm ngầm hay ra mặt đã làm cho dân của Chúa nhiều lần bước ra khỏi tình yêu của Người, sống cách xa Thiên Chúa. Chính vì sự bất trung liên tục mà dân Chúa đã bao lần phải chuốc lấy cơn phẫn nộ của Người. Nhưng nổi bậc lên trên tất cả, lớn hơn cả những lần phẫn nộ, lớn hơn cả sự phản bội của dân vẫn là tình yêu khoan dung, và tha thứ mà Thiên Chúa dành cho họ. Đọc Thánh Kinh ta có cảm tưởng như Thánh Kinh hình thành bởi một công thức gồm ba động từ: phản bội – nổi giận – tha thứ. Dân không ngừng phản bội, nhiều lần Thiên Chúa nổi giận, sau đó lại xót thương và tha thứ. Suốt chiều dài của lịch sử mà Thánh Kinh diễn tả cứ lặp đi lặp lại y như thế.

Đó là bài đọc I trích sách Giosuê. Trong bài Tin Mừng, một lần nữa, ta lại thấy lời khẳng định về lòng trung thành một cách dứt khoát của thánh Phêrô: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Dù khẳng khái là thế, nhưng không phải mọi lúc Phêrô đều cứng rắn và hết lòng trung thành. Vì khi Thầy Giêsu của mình lâm nguy trong cuộc tử nạn, có lẽ chính là lúc Thầy cần Phêrô nhất: cần một sự đồng cảm, cần một sự chia sẻ nào đó, cần lắm một thái độ, ít nữa là một ánh mắt tin tưởng để Thầy bớt cô đơn trên mỗi bước đường thập giá… Chính những giờ phút quan trọng ấy, những giờ phút cần thiết ấy, Phêrô lại quên mất lời tuyên xưng mới đó, tính cho đến nay chưa được bao lâu. Vì một chúc sợ hãi và yếu lòng, Phêrô đã chối Thầy, không phải một lần, mà là ba lần, không phải trong ba năm, nhưng chỉ cách nhau có hai canh gà!

Ôn lại những gì dân Chúa đã sống ngày xưa, và nhìn lại lời tuyên xưng cũng như lỗi lầm của thánh Phêrô nhân dịp Giáo Hội mời gọi ta suy niệm các bài Kinh Thánh nói về lòng trung thành của ngày Chúa nhật XXI, bạn và tôi, một lần nữa, hãy thâm tín một cách chắc chắn rằng, Chúa vẫn yêu chúng ta, yêu từng người. Dẫu ta có lỗi lầm bao nhiêu, có bất trung cách mấy, Chúa vẫn một lòng khoan dung tha thứ. Chúa đã chấp nhận nguyên tổ ngay cả khi nguyên tổ chống đối Chúa; Người cũng không vì lỗi lầm của dân riêng mà khước từ tình yêu đối với họ, cũng không phải vì Phêrô yếu đuối mà Chúa tước quyền làm tông đồ trưởng, hơn nữa làm giáo hoàng tiên khởi của Hội Thánh, thì hôm nay, bạn và tôi vẫn có quyền hy vọng. Chúa vẫn thế, vẫn mãi mãi là Thiên Chúa của lòng trung thành, của tình yêu và tha thứ, chỉ sợ chúng ta không còn hy vọng nữa mà thôi. Ta bất trung với Chúa nhiều lần, đó là sự thật. Nhưng còn một sự thật khác lớn hơn nhiều: Tình yêu của Chúa lớn hơn mọi tội lỗi của ta. Bởi thế, biết mình yếu đuối, lỗi lầm bao nhiêu, ta càng vững tin vào Chúa bấy nhiêu. Nếu lỡ có lần nào vấp ngã, ta nhanh chóng đứng lên và chạy về phía Chúa. Bí tích giải tội là cách tốt nhất để ta lấy lại bình an, lấy lại lòng trung thành cùng Chúa mà chính mình đã đánh mất.

LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Khởi đi từ tình mục tử ấp ủ đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt (x. (Mc 6, 30-34), Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 1-15). Từ của ăn vật, Chúa gợi lên trong họ sự khát vọng trường sinh, muốn được họ phải đi tìm Chúa, tin vào Chúa, ăn chính thịt và uống máu Chúa là bánh hằng sống từ Trời xuống (x. Ga 6, 16-60).

Với diễn từ của Chúa Giêsu về bánh hằng sống tại Hội đường Do thái ở Capharnaum, nhiều người bỏ Chúa, còn các môn đệ không chấp nhận điều ấy, họ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60) Tại sao họ lại có thái độ khước từ Chúa đến như vậy? Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao ?

Có người khước từ

Vấn đề ở đây là "ăn thịt và uống máu" (Ga 6,54) một con người có tên là Giêsu, đồng hương với họ để được sống đời đời. Chúa Giêsu cố tình nói như thế, đây là một vấn đề rất cam go, một khúc quanh trong cuộc đời công khai của Chúa. Dân chúng, và cả các môn đệ, trước đây rất phấn khởi đi theo Chúa, thấy Chúa làm phép lạ; cả việc hóa bánh ra nhiều cũng là một sự mạc khải về Ðấng Messia, khiến họ muốn tung hô và tôn Chúa Giêsu làm vua Israel, nhưng chắc chắn ý Chúa Giêsu không như vậy. Với diễn từ dài, Chúa làm dịu bớt sự phấn khởi trong dân và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Chúa giải thích hình ảnh bánh ấy chính là Chúa và khẳng định Người đã được Chúa Cha sai đến để hiến mạng sống, ai muốn theo Người, thì phải kết hiệp mật thiết với Người, và tham gia vào hy tế tình thương của Người.

Khi nghe những lời ấy, dân chúng hiểu rằng ông Giêsu này không phải là Đấng Messia như họ tưởng. Người không tìm kiếm sự đồng thuận để chinh phục thành Giêrusalem; trái lại, Người muốn vào Thành để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ : hiến mạng sống trở nên tấm bánh vì Thiên Chúa và cho loài người. Những tấm bánh đó, được bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành mình và máu được dâng hiến để đền tội cho thế gian được sống. Chúa muốn đám đông dân chúng tỉnh ngộ, nhất là khơi lên nơi các môn đệ một quyết định. Và thực tế là : "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa " (Ga 6, 66)

Có người quyết tâm theo Chúa

Nếu có môn đệ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60) trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa, là vì họ không muốn từ bỏ bản thân, để cho mình tham dự và biến đổi đến độ sống nhờ Chúa khi đón nhận hồng ân nay.

"Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60), khó nghe vì người ta lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói : "Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập..." (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa : "Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con" (1V 19, 4).

Tại thung lũng Sikhem, nơi tổ phụ Abraham và Xara trú ngụ. Giôsua kêu mời dân ra đứng trước tôn nhan Thiên Chúa và làm một quyết định dứt khoát : "Nếu các người không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn … tôn thờ ai hơn : hoặc là các thần cha ông đã tôn thờ…hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở, về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Dân trả lời "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần Ngoại, Chúa là Thiên Chúa chúng tôi" (x. Jos 24, 15-17).

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đòi hỏi thính giả của Chúa Giêsu làm một quyết định tương tự sau khi nghe giảng về Bánh hằng Sống là máu thịt Chúa. Nhưng vì lời chướng tai của mình, họ đã bỏ đi, chỉ còn lại Phêrô và nhóm Mười hai. Phêrô mạnh dạn thưa : "Lạy Thầy chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).

Hôm nay, chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa, trong sự khiêm nhường thẳm sâu, tin tưởng vào Chúa là Lời cuối cùng và chung kết của Thiên Chúa nhập thể, đến gặp gỡ chúng con. Chúa là Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (x. Ga 6,32-35), chúng con muốn trung thành với Chúa bây giờ và mãi mãi, cũng như Phêrô : "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).

Chúa có lời ban sự sống

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy : Những ai ăn Đức Kitô trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này, như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người. Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế : "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Sự bảo đảm này về sự sống lại mai sau bắt nguồn từ sự kiện thân xác của Con Người, được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển sau khi sống lại. Với Thánh Thể, chúng ta như thể biết được "bí mật" của sự sống lại. Vì thế, Thánh Inhatiô thành Antiokia đã định nghĩa cách xác đáng Bánh Thánh như là "linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết".

Chiều hướng cánh chung được gợi lên trong Thánh Thể…Khi cử hành hy tế của Con chiên, chúng ta được liên kết với "phụng vụ" trên trời và trở nên thành phần của một đoàn người đông đảo lớn tiếng tung hô : "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,10). Thánh Thể quả thật là một thoáng hiện của thiên đàng trên trái đất. Thánh Thể là một tia sáng huy hoàng của Giêrusalem thiên quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch sử chúng ta và soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta. (Trích Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia số 18-19)

THẦY MỚI CÓ LỜI BAN SỰ SỐNG
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Trong những tuần này, Tin Mừng của thánh Gioan cho chúng ta hiểu thật rõ về giáo huấn của Chúa Giêsu : Ngài quả quyết, Ngài là Bánh Trường Sinh, Bánh từ Trời xuống. Điều làm cho nhiều người ngạc nhiên, bỡ ngỡ và không tin khi Chúa quả quyết Ngài sẽ nuôi nhân loại bằng chính Thịt Máu của Ngài. Lời xác quyết này đã làm cho nhiều người Do Thái và ngay một số môn đệ của Chúa không tin. Do đó, đã có một số môn đệ bỏ Ngài…Tuy nhiên, thánh Phêrô đại diện cho nhóm 12 đã trả lời Chúa một cách hiên ngang, không hề nao núng :” Bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? “( Ga 6, 68 ).

Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay cho thấy, các môn đệ có người cũng bị khủng hoảng về đức tin bởi vì chính các ngài đã gần gũi Chúa nhưng thực tế các ngài chưa hiểu gì về căn tính của Chúa. Các ngài khi được Chúa vén mở căn tính :” Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời “ ( Ga 6, 54a).Các ngài phản ứng :” Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi ?. Chúa đã quả quyết : Ngài từ Trời xuống. Điều này đã làm nhiều người Do Thái khó chấp nhận vì họ tưởng là đã biết rõ tông tích của Chúa Giêsu. Thực tế, tuy sống cùng làng với những người dân Nagiarét, họ hay nhiều người Do Thái lúc đó đã không thể tin vào Chúa vì họ quá thiển cận, quá thánh kiến đối với Chúa Giêsu. Chúa đã nói với các môn đệ : Ngài là Bánh bởi Trời, Ngài sẽ trở lại nơi Ngài đã ở trước, sau khi Ngài đã chịu chết cho nhân loại và nuôi con người bằng chính Máu Thịt của Ngài.Ngày nay, thực sự những lời của Chúa vẫn làm chướng tai cho nhiều người, vẫn có nhiều người không tin vào Ngài vì họ không được Thiên Chúa Cha lôi kéo nghĩa là Ngài không ban đức tin cho họ. Họ không có đức tin, nên không thể nào hiểu được công việc của Chúa. Đạo Công giáo la đạo đức tin.Nên, những mầu nhiệm như Nhập Thể, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Mầu Nhiệm lên Trời, vẫn là những mầu nhiệm khôn dò, khó hiểu. Phải có lòng tin, phải được Chúa Thánh Thần soi sáng, phải yêu mến Chúa thật tình, con người mới biết, hiểu, đón nhận Lời Chúa, đón nhận chính Chúa.

Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa ( Ga 6, 66). Các môn đệ là những người đã đi theo Chúa, đã tin Chúa nhưng khi nghe Chúa quả quyết về căn tính, về con người thực của Người, họ đã bỏ Người mà đi. Họ không thể đi hết cuộc hành trình đức tin, họ không thể đi tới cùng cuộc phiêu lưu với Chúa. Trở thành môn đệ của Chúa không chỉ một lần là xong nhưng nó đòi hỏi người môn đệ Chúa luôn luôn phải phấn đấu, luôn luôn phải vượt thắng, luôn luôn phải đổi mới vv…Trở thành Kitô hữu cũng vậy. Nó đòi hỏi con người phải trở về, phải sám hối, phải đổi mới không ngừng. Bước theo Chúa Giêsu là bước vào một cuộc phiêu lưu, một cuộc mạo hiểm. Mạo hiểm của đức tin, mạo hiểm của đức ái vv…Đã có những môn đệ bỏ Ngài mà đi. Ngay nhóm 12 cũng có một môn đệ không đi hết cuộc mạo hiểm của tình yêu…

Đi theo Đức Kitô là bỏ chính mình hơn là bận tâm về mình. Đi theo Đức Kitô là vác thập giá của mình mà theo Ngài…Phêrô và các môn đệ khác đã làm được điều đó vì họ tin Chúa, tin Ngài mới có lời ban sự sống. Tin Ngài là Đường, là sự Thật, là sự Sống. Tin Chúa là Con Thiên Chúa ( Ga 6, 69 ). Họ không dừng lại ở của cải chóng qua, ở sự thiển cận, hời hợt bên ngoài :” Sao ông này lại có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được “ ( Ga 6, 52 ).
Theo Chúa là một cuộc phiêu lưu, một cuộc mạo hiểm đầy gian nan.

Trong đời sống hằng ngày, trong cuộc hành trình đi theo Chúa, người Kitô hữu vẫn còn nhiều thử thách, nhiều chông gai cần phải vượt thắng…Người Kitô hữu sẽ thắng, sẽ vượt qua những chông gai, thử thách một cách anh hùng, nếu họ biết nhìn lên Chúa, biết bám chặt lấy Chúa…Mỗi khi gặp phong ba bão táp trong cuộc sống hãy có lòng tin như Phêrô :” Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa “ ( Ga 6, 52 ) và hãy xác tin như Phêrô :” Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời “ ( Ga 6, 68 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con không bao giờ nao núng trước những thử thách của cuộc đời.Xin cho chúng con luôn biết kêu cầu Chúa, tin tưởng vào Chúa vì chỉ có Chúa mới là Đấng duy nhất ban ơn cứu độ cho chúng con.Amen.

CHỌN LỰA: MỘT HÀNH VI KHÔNG DỄ
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa

Cả anh em nữa, anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không ? Chúa Giêsu không hỏi: anh em có tiếp tục theo Thầy không mà lại hỏi thẳng thừng: anh em có muốn bỏ Thầy mà đi không. Một câu hỏi không thuộc dạng mời gọi như trước đây mà là đặt vấn đề chọn lựa rõ ràng, dứt khoát.

Kitô hữu chúng ta theo đạo không phải là theo một học thuyết mang tính triết lý hay thần học nào đó, nhưng là theo một "con người", theo một "ai đó", một "Đấng nào đó". Đấng hay con người mà chúng ta lựa chọn đi theo, lựa chọn để gắn bó, đó là Đức Giêsu Kitô. Phụng Vụ Lời Chúa ngày Chúa nhật XX TN B đặc biệt lưu ý chúng ta đến hành vi lựa chọn. Chọn lựa một công việc để làm kế sinh nhai quả không mấy dễ. Chọn lựa một bậc sống thật lắm phân vân đủ bề. Chọn lựa một con người để làm bạn đời trăm năm cũng lắm sự nhiêu khê. Và chọn lựa Đấng để trao gửi hạnh phúc hôm nay và vĩnh cửu chắc chắn sẽ khó khăn hơn nhiều. Vì thế, khi phải chọn lựa trong một vấn đề quan trọng, chúng ta cần có đủ cơ sở một cách nào đó.

Sau khi nhắc lại cho dân tình yêu của Thiên Chúa qua các kỳ công Người đã thực hiện để bảo vệ dân, Giosuê khẳng khái trước toàn dân rằng: “Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” ( Gs 24,15 ). Và dân đã đáp lại rằng họ không hề có ý định bỏ Đức Chúa để phụng thờ các thần khác ! Họ sẽ thờ phụng Thiên Chúa, vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của họ dùng quyền năng thực hiện những dấu lạ lớn lao để đem họ cùng với cha ông họ ra khỏi đất Ai Cập, khỏi nhà nô lệ mà vào đất hứa. Như thế, cơ sở để dân Chúa xưa chọn thờ phụng Người đó là vì Người quyền năng đã đưa họ ra khỏi nhà nô lệ.

Trước câu hỏi của Chúa Giêsu, một kiểu đặt vấn đề đòi hỏi có sự chọn lựa dứt khoát thì Phêrô đã thay mặt nhóm Mười Hai trả lời: “ Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” ( Ga 6,68 ). Không kể trường hợp một phần tử trong nhóm không tin, thì câu trả lời của Phêrô nói lên sự chọn lựa của cả nhóm Tông Đồ. Và sự chọn lựa ấy đặt cơ sở trên điều này: vì Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Để nói lên được những lời này, chắc chắn cùng với các bạn, Phêrô đã từng chứng kiến uy quyền của Thầy khi khiến nước lã hóa thành rượu ngon ( x.Ga 2,1-12 ). Các vị đã từng nghe Thầy nói với viên sĩ quan cận vệ nhà vua rằng: “Ông cứ về đi, con ông sống” và đứa con trai của ông ta đang đang hấp hói đã đuợc cứu sống ( x. Ga 4,46-54 ). Và các ngài chưa thể quên lời tạ ơn mới đây của Thầy đã giúp cho năm ngàn người đàn ông chưa kể đàn bà và con trẻ no nê chỉ từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá ( x. Ga 6,1-15 ).

Không ai tự nguyện dấn thân theo một lý tưởng, thực hiện một trách vụ hay gắn bó với một con người mà không ấp ủ một hoài bão, một ước mơ hay niềm hy vọng nào đó. Xưa, dân Do Thái chọn tôn thờ Thiên Chúa là để một mặt khỏi bị Người giáng họa, trừng phạt, mà trái lại sẽ được Người chúc phúc và che chở trước các “kẻ thù” lân bang ( Gs 24,19-20 ).

Cái hoài bão, uớc mơ, đúng hơn là cái mục đích việc Phêrô thay mặt anh em chọn gắn bó với Thầy đó là vì “Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Sự sống đời đời là một ước mơ của con người, mọi thời và mọi nơi. Dù đủ đầy của cải vật chất, dù nắm trong tay quyền sinh sát của bậc đế vương thì con người vẫn cảm nhận cái hữu hạn của cuộc sống đời này. Danh vọng quyền lực, của cải hay tiền tài không thể giúp ta kéo dài cuộc sống đến vô tận. Một thanh niên có nhiều sản nghiệp đã đến tham vấn Chúa Giêsu: Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời ? Sau khi biểu anh ta giữ các giới răn, Chúa Giêsu đã mời gọi anh ta hãy bán của cải, phân phát cho người nghèo rồi đến mà theo Người ( x. Mt 19,16-22; Mc 10,17-22; Lc 18,28-30 ).

Chọn lựa là hy sinh. Một câu nói cho thấy một lẽ tất yếu của việc chọn lựa, Chọn ra đi thì phải hy sinh chuyện không ở lại, chọn việc cất tiếng nói thì đương nhiên phải mất thái độ giữ im lặng, đã chọn tôn thờ Thiên Chúa thì phải bỏ các thần của dân ngoại ( x. Gs 24,23 )… Tuy nhiên sự hy sinh trong việc chọn lựa không chỉ dừng lại ở các nội dung xem như đối lập của sự chọn lựa mà còn có đó sự hy sinh ngay trong chính hành vi chọn lựa. Sự hy sinh ở đây được hiểu như một sự đánh cược, một sự dân thân, một sự “liều lĩnh” nào đó. Vì chưng, chúng ta vốn khó có được các cở sở một cách chắc chắn kiểu trăm phần trăm khi chọn lựa một điều gì đó. Chúng ta dễ nhận ra ngay hiện thực này qua việc các bạn thanh niên nam nữ chọn bạn đời hay chọn ơn gọi tu trì. Như thế, sự hy sinh ở đây có thể hiếu như sự can đảm dấn thân, chấp nhận nhiều “cái giá” phải trả khi chọn lựa.

Cái giá mà chúng ta phải trả khi chọn lựa đi theo Chúa Giêsu, gắn bó với Người đó chính là “vác thập giá”. “Ai không các thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” ( Lc 14,27 ). Cái giá mà Phêrô sẽ phải trả được Đấng Phúc sinh báo trước: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đế nơi anh chẳng muốn. Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” ( Ga 21,18-19 ).

“Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu tôi mà cần có tôi” ( thánh Âugustinô ). Tự do là một quà tặng cao quý Chúa ban cho loài người, loài cao trọng nhất trong các loài hữu hình Người dựng nên. Tự do là một ân ban cao quý và cũng là một thử thách ắt có của tình yêu. Được sống đời đời hay phải chết đời đời có nghĩa là được hạnh phúc bất diệt hay bị trầm luân mãi mãi, các khả thể này đang tùy ở sự lựa chọn của chúng ta. Ai lại không muốn được sự sống đời đời, được hạnh phúc bất diệt, nhưng vấn nạn khó vượt qua đó là chúng ta thường e ngại phải trả giá.

TÌNH ĐỜI THAY TRẮNG ĐỔI ĐEN!
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Con người thường đổi trắng thay đen. Lòng người thường thay lòng đổi dạ khiến cho nhiều người đã chua chát nhìn đời mà bảo rằng: “Còn tiền còn bạc còn đầy tớ. Hết tiền hết bạc hết ông tôi”. Người ta gắn bó với nhau thường là vì tình, vì tiền và quyền lợi. Và một khi quyền lợi của mình bị lung lay, họ liền thay lòng đổi dạ để rồi “gió chiều nào xuôi theo chiều đó” để được an toàn bản thân. Xem ra tình cảm giữa con người với nhau thật mong manh. Mọi quan hệ đều được liên kết với nhau bằng những quyền lợi và nghĩa vụ phải thi hành với nhau. Tình đời thường thay trắng đổi đen nên mới có chuyện ‘ông ăn chả bà ăn nem”. Bất trung và phản bội với lời đoan hứa thường là sự mất tín nhiệm nơi nhau và hậu quả là chẳng ai tin ai, ai cũng lo cho chính mình để khỏi bị thiệt hại bản thân.

Lịch sử cứu độ là một chuỗi dài sự tha thứ của Thiên Chúa và sự bất trung, phản bội của dân tộc được tuyển chọn. Họ hứa rồi quên. Họ đứng lên rồi lại ngã qụy. Dân Do Thái đã từng hứa trung thành với Giavê Thiên Chúa, nhưng rồi họ lại tin thờ thần ngoại bang. Mặc dầu Thiên Chúa luôn bảo vệ họ, chăm sóc họ như tình phụ tử dành cho con cái. Ngược lại, họ thường lãng quên ân huệ của Thiên Chúa. Họ năm lần bảy lượt quay lưng lại với tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ.

Lời Chúa trong bài đọc thứ nhất là bằng chứng về quá khứ đầy thất trung của dân tộc được tuyển chọn. Cha ông họ đã từng thờ thần ngoại bang. Hôm nay họ tuyên hứa chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa Giavê duy nhất, nhưng rồi lời hứa lại đi vào quên lãng chỉ còn lại những thất tín, bội thề. Thiên Chúa đối với họ như là một kho ơn, chỉ đề rút tỉa và một khi không đáp ứng nguyện vọng là họ lại tìm kiếm nơi các thần ngoại bang. Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng tín trung với lời giao ước. Ngài chỉ giận, giận trong giây lát nhưng yêu thương, yêu thương trọn đời.

Hôm nay, Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ một chọn lựa. Chọn gắn bó với Chúa hay chạy theo thói đời của thế gian “hạnh phúc thì xum vầy, gian nan thì bỏ chạy”. Chúa đòi các môn đệ không lấp lửng, lập lờ “làm tôi hai chủ”, mà phải tỏ rõ lập trường. Bỏ đi hay ở lại. Chọn sự sống đời đời hay sự sống chóng qua đời này. Các môn đệ đã gắn bó với Chúa bao lâu nay nhưng liệu rằng bằng đó thời gian có đủ để niềm tin các ông trưởng thành và có thể nhận ra Thầy là Chúa, là Đấng ban sự sống hay chưa? Trước câu hỏi: “cả anh em, anh em cũng muốn bỏ Thầy đi sao?”. Nhiều môn đệ đã bỏ đi. Và chắc chắn ngay trong số 12 vẫn còn có kẻ muốn bỏ đi. Số còn lại do dự, im lặng, chỉ có một mình Phêrô đã mạnh dạn thưa lên rằng: “bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Vì chỉ có Thầy mới có lời ban lại sự sống đời đời’. Thánh Phêrô đã ở lại với Thầy, vì ông tin vào Thầy mình là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Ông ở lại với Thầy vì chỉ có Thầy mới mang lại sự sống đời đời.

Người xưa thường nói: “Qua gian nan mới biết ai là bạn, là thù”. Chúa Giêsu biết rõ một trong nhóm sẽ nộp mình. Ngài cũng Phêrô sẽ ba lần chối Thầy và đa số sẽ bỏ Thầy cho người ta hành hạ và treo lên thập tự giá, nhưng Ngài vẫn yêu thương. Ngài vẫn tìm mọi cách cho các môn đệ ở lại mãi trong tình yêu của Ngài. Tình yêu của Thiên Chúa đời đời vẫn thế. Tựa như tình yêu của cha của mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi con cái. Tình yêu của Thiên Chúa vẫn mãi mãi trung thành với tình yêu ban đầu. Ngài vẫn hằng tha thiết mời gọi con người hãy ở lại trong tình yêu của Ngài. Dù rằng đó là đứa ngỗ nghịch, dù rằng đó là đứa thường phạm sai lầm, đôi khi còn bất hiếu bất trung. Ngài vẫn yêu thương và yêu thương cho đến cùng.

Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn hỏi chúng ta “phần các con có muốn bỏ Thầy không?”. Chúng ta có dám ở lại với Thầy khi mà nhiều người đã không còn tin có thế giới thần linh? Chúng ta có dám gắn bó với Người khi mà cả khối đông nhân loại đang bỏ đi để chạy theo ma lực của đồng tiền và địa vị? Có lẽ phần nhiều chúng ta do dự, phần nhiều chúng ta im lặng. Vì biết bao lần chúng ta cũng bị cám dỗ bỏ đạo để được tiến thân trên đài cao danh vọng. Vì biết bao lần đồng tiền đã làm mờ con mắt, khiến chúng ta chao đảo đức tin, muốn buông xuôi theo thói gian dối của thế gian để tìm mối lợi cho bản thân của mình. Có thể chúng ta đang đóng vai trò một Giuđa vẫn ở xen lẫn với nhóm 12 nhưng chỉ chờ cơ hội để bán đứng Thầy và bán đứng anh em.

Nguyện xin Thiên Chúa tình yêu tha thứ những yếu đuối, nhỏ nhen đầy ích kỷ của chúng con. Xin Mình Máu Thánh Ngài nâng đỡ chúng con thoát khỏi những cám dỗ trần thế để mãi mãi con có thể nói như thánh Phêrô ngày nào: “Bỏ Ngài chúng con biết đến với ai. Thầy mới có Lời ban sự sống đời đời”. Amen

LẠY CHÚA, BỎ NGÀI CON BIẾT THEO AI?
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Theo chân Chúa, được Chúa uốn nắn, dạy dỗ và đào tạo. Các tông đồ, các môn đệ đã được chứng kiến muôn vàn phép lạ, đã sống kinh nghiệm làm Con Chúa, đã nghe Chúa giảng dạy, đã chứng kiến mọi gương sáng của Chúa.Do đó, khi được Chúa mạc khải về Bánh trường sinh, khi nghe Ngài nói về Mình Máu của Ngài trở nên của ăn của uống nuôi sống con người, có nhiều người và có một số những môn đệ của Chúa cũng đã đang tâm bỏ Ngài.Phêrô, Vị Tông đồ trưởng đã thay mặt anh em tuyên xưng lòng tin sắt đá: ” Lạy Chúa, bỏ Ngài con biết theo ai ? Chỉ có Ngài mới có Lời ban sự sống đời đời “.

Dân chúng và các môn đệ, những người theo Chúa khi nghe Chúa nói về Bánh trường sinh, mạc khải về chính Thân Thể của Ngài là lương thực nuôi sống nhân loại, nuôi sống con người. Thực tế, nhiều đã khó chịu, lẩm bẩm, trách cứ Chúa: lời gì mà chướng tai thế ? Ông ta làm sao có thể lấy thịt mình mà nuôi sống người ta được ? Dân chúng chán ngán và một số các môn đệ cũng bị khủng hoảng, suy sụp. Tin Mừng thánh Gioan cho biết từ lúc đó một số môn đệ tự rút lui, không còn theo Chúa Giêsu nữa( Ga 6, 66 ). Các môn đệ bỏ Chúa mà đi vì họ không thể nào nhận ra tình thương của Chúa, cũng như số đông dân chúng đi tìm gặp Chúa, không phải vì họ thương Chúa, họ tin Chúa nhưng vì họ đã được Chúa cho ăn no nê.Còn nhóm 12 thì sao ? Đây là nhóm đã được Chúa chọn cách riêng, là cánh tay nối dài để thực hiện công trình cứu độ của Chúa. Nên, Chúa muốn hiểu đức tin của họ ra sao ! Ngài đã hỏi nhóm 12 sau khi một số môn đệ theo dân bỏ Chúa: ” Chúng con muốn bỏ đi không ?”( Ga 6, 67 ). Simon Phêrô đã nhanh nhảu trả lời thay cho các tông đồ: ” Không bao giờ chúng con bỏ Thầy “. Lời tuyên xưng của thánh Phêrô an ủi Chúa biết bao ! Các tông đồ là những cánh tay nối dài của Chúa, là những người Chúa tin cậy nhất đã tuyên xưng lòng tin của họ vào Đức Giêsu Kitô:” Chính Thầy là Con Thiên Chúa, là Đấng thánh của Thiên Chúa “ ( Ga 6, 69 ). Lời tuyên xưng của tông đồ Phêrô và các bạn của Ông đã nói lên sự hiểu biết sâu xa của họ về Thầy của mình. Chính lời tuyên xưng ấy đã là phần thưởng Chúa ban cho họ sau này được chết như Thầy và được phục sinh như Thầy.

Lời tuyên xưng của thánh Phêrô là một ân sủng Chúa ban bởi vì Ngài hoàn toàn được tự do đáp trả. Thánh Phêrô cũng như các tông đồ khác đã làm một cuộc nối kết thân tình, sâu xa với Chúa, dẫu sau này, Phêrô có yếu hèn chối Chúa, hay các tông đồ khác có bỏ chạy Chúa, nhưng họ nhất nhất vẫn trung thành với Đức Kitô qua cái chết của họ để làm chứng cho Chúa.

Chúng ta và con người muôn thời vẫn được Chúa ban cho ân huệ tuyệt vời, Ngài cho chúng ta tự do để đáp trả tình yêu của Chúa. Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích tình yêu. Mỗi lần dâng lễ, chúng ta cũng hãy đến với Chúa như các tông đồ. Khi rước lễ chúng ta hãy tuyên xưng chúng ta rước chính Thịt Máu Chúa, lương thực nuôi dưỡng chúng ta và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Thánh Thể minh chứng Chúa yêu thương chúng ta vô cùng và Ngài cũng muốn chúng ta yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta ( Ga 15,12 ). Yêu thương là cho đi, yêu thương là sống trong chân tình, hiệp nhất và huynh đệ. Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích nuôi sống và Bí Tích ban sự sống mới.

Do đó, mỗi lần tham dự thánh lễ, mỗi khi dâng lễ, chúng ta phải gột rửa tâm hồn trong sạch để mau mắn rước Chúa vào lòng để Mình Máu thánh Chúa nối kết chúng ta lại với nhau và giúp ta nhớ lại Mình Máu Chúa dẫn chúng ta sống với nhau chan hòa yêu thương bởi vì Đức Kitô là Lời ban sự sống đời đời mà chúng ta tin Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng thánh của Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tuyên xưng như thánh Phêrô: ” Bỏ Ngài con biết theo ai ? Chỉ có Ngài mới có Lời ban sự sống đời đời.” Amen.

LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

Trong cuộc sống nhân sinh, có một thực tế cho thấy rằng, con người một mặt rất quý trọng chân lý, không ngừng truy tầm chân lý; nhưng mặt khác, khi đối diện với chân lý, khi chân lý nằm trong tầm tay, họ lại có thái độ coi thường ra mặt. Thật thế, ở những Chúa nhật trước, chúng ta thấy những lời chân lý được Chúa Giêsu công khai rao giảng về việc chính Người là Bánh từ trời xuống, đã bị đám đông dân chúng xầm xì thắc mắc lấy làm khó chịu và phản đối. Lần này cũng vậy. Sau khi Người tuyên bố “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, thật phủ phàng, người phản đối không còn là đám đông dân chúng mà chính là các môn đệ của Người. “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi”. Thế đấy! Thật khó hiểu lòng người!

Cũng như ở Tin mừng Matthêu (x.13, 54-57), người Dothái lấy cớ để vấp phạm Chúa chính là vì họ biết “tỏng tòng tong” lý lịch của Người. Họ cho rằng với một người tầm thường như thế ở trong một ngôi làng Nazarét nghèo nàn chẳng có gì đặc biệt thì làm sao có thể khôn ngoan tài đức và làm những việc phi thường. Ở đây cũng vậy. Các môn đệ lấy làm chướng tai, bởi vì Chúa Giêsu- người mà họ biết rất rõ hoàn cảnh xuất thân. Vì thế, họ xem những lời nói của Chúa Giêsu có gì đó chói tai và khó nghe.

Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật. Chúa Giêsu vẫn và sẽ còn tiếp tục nói với các môn đệ và dân chúng về những điều “chói tai và khó nghe” như thế. Bởi, như Người đã nói, những điều Người nói mà họ cho là chướng tai thì những chuyện như “Con Người lên nơi đã ở trước kia” thì còn chướng tai gấp bội. Thật vậy, các ông không thể hiểu một người từ trời xuống bằng xương bằng thịt nói sự thật với các ông thì làm sao các ông có thể tin rằng Đấng ấy sẽ lên nơi mà mình đã từ đó đi xuống! Chính vì lẽ đó mà Chúa Giêsu càng nói nữa, họ cũng chả hiểu. Kết quả là nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa.

Trước việc rút lui của nhiều môn đệ, Chúa Giêsu quay sang hỏi Nhóm mười hai để xem thái độ của họ trước những lời “chói tai và khó nghe” như thế nào. Phêrô đã nhân danh toàn thể các môn đệ công khai tuyên bố sự gắn kết của các ông đối với Thầy mình. “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai. Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Lời tuyên xưng của Thánh Phêrô mặc nhiên chấp nhận hoàn toàn lời giáo huấn của Chúa Giêsu – điều mà các môn đệ khác không chấp nhận và bỏ đi. Cách tự nhiên, lúc đó có lẽ Phêrô cũng như các môn đệ khác chưa hiểu hết những sứ điệp từ Chúa Giêsu nhưng thay vào đó, các ông có một niềm tin- niềm tin hoàn toàn tuyệt đối vào Chúa Giêsu – Đấng mang lại sự sống cho muôn người. Chúa Giêsu chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Đấng có sự sống nơi chính mình và cũng là Đấng thông ban sự sống đó cho những ai tin và phó thác vào Người.

Vâng, thưa thánh Phêrô, ngài quả là chứng nhân đích thực của Chúa Giêsu. Chứng kiến sự phẩn nộ và xa lìa Chúa Giêsu cách phủ phàng của các môn đệ trước lời chân lý của Thầy Chí Thánh – điều mà họ cho là “chướng tai và khó nghe”, chắc hẳn ngài cũng có những cảm nghiệm và chia sẻ nổi mất mát như Thầy mình. Đôi khi, chính thái độ và hành động của họ ít nhiều đã làm ngài dao động và ưu tư lo lắng. Thế nhưng, đó lại chính là động lực giúp ngài nhận rõ sức mạnh thần linh đang tiềm ẩn trong con người Chúa Giêsu - người mà ngài hết mực yêu thương và tín thác. Chính vì thế, lời tuyên xưng của ngài – vô hình trung, trở nên lời củng cố niềm tin không chỉ cho mình mà còn cho tất cả những ai đang có tâm trạng dao động và lo lắng như ngài – có thể, đã từng dao động và lo lắng.

“Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?”. Lời Chúa Giêsu hôm nay không chỉ hướng đến nhóm mười hai mà còn hướng đến chúng ta - những Kytô hữu trong thời đại hôm nay. Thật thế, rất có thể chúng ta cũng đang ở trong tâm trạng như những môn đệ đã lìa bỏ Chúa ra đi vì cảm thấy “chói tai và khó nghe” trước lời giáo huấn của Người. Lời Chúa là lời chân lý. Đúng vậy. Nhưng lời đó cũng là chướng ngại vật cho những ai tự cao tự đại, có tư tưởng “xét lại” hay nghi ngờ tính chân thật đã được lưu truyền. Chính vì thế, đây là lúc chúng ta cần xét lại thái độ của mình, duyệt xét lại niềm tin của mình để xem trước giáo huấn của Chúa Giêsu, của Giáo hội, câu trả lời của chúng ta là gì. Vì nếu không, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thái độ thờ ơ với Lời Chúa, với những giáo huấn của Giáo hội.

Xin cho Lời Chúa hôm nay củng cố niềm tin của chúng ta. Và ước mong lời tuyên xưng của thánh Phêrô cũng là lời tuyên xưng của chúng ta trong thế giới hôm nay, giúp chúng ta sống chứng nhân giữa lòng thế giới đang ngày một tục hoá và xa lìa chân lý Chúa.

SỐNG LÀ CHỌN LỰA
Ga 6, 54. 60 - 69
Sr Mai An Linh OP

Tư tưởng xuyên suốt phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật 21 năm B hôm nay đặt con người trước sự chọn lựa căn bản. Thật vậy ngay bài đọc I. Giôsuê mời gọi dân phải lựa chọn Chúa hay tà thần, không được bắt cá hai tay(Gs.24,1-2;15-18). Trong bài đọc II thư gửi tín hữu Ephêsô thánh Phaolô khuyên các đôi vợ chồng một khi đã chọn nhau làm bạn đời thì phải trung thành suốt đời với sự lựa chọn đó, phải thủy chung và yêu thương nhau (Eph.5,21-32). Bài Tin Mừng Chúa Giêsu đòi hỏi các mộn đệ một sự chọn lựa quyết liệt hơn “ Các con có muốn bỏ Thầy không ?”(Ga.6,60-69).

Sống là chọn lựa, đó là một qui luật, chọn lựa sẽ định hướng và đánh giá cuộc đời của mình, chọn đúng thì đời mình sẽ tốt, chọn sai thì sẽ gặp bất hạnh. Sống là như thế, và Chúa mời gọi chúng ta phải lựa chọn luôn luôn trong cuộc sống, lựa chọn từng ngày, từng giờ, từng phút…. Bài Tin Mừng tường thuật việc Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân thì họ hồ hởi đi theo để được ăn bánh mà Chúa nói là được sống đời đời, và họ còn muốn phong Người lên làm vua. Thế nhưng khi Người tuyên bố bánh đó là Mình Máu Người thì họ cho là chói tai rồi bỏ đi, trong số đó cũng có một vài môn đệ nên Chúa Giêsu đã phải đặt vấn đề với các ông “ Các con có muốn bỏ Thầy không ?”(c.67).

Đã một thời gian theo Chúa và trở thành môn đệ Người, thế mà giờ đây các ông rơi vào cuộc khủng hoảng đức tin “ lời này sao mà chói tai thế!”, và Chúa chờ đợi câu trả lời của các ông “ các con có muốn bỏ Thầy không ?”. Các ông chọn Chúa và đi theo Người, nhưng không phải là sự chọn lựa một lần là xong, trái lại phải lựa chọn từng ngày. Bước theo Chúa là bước vào một cuộc mạo hiểm tình yêu, cho nên Chúa Giêsu muốn các môn đệ tự do nói lên sự chọn lựa của mình, Phêrô thay mặt nhóm đã mạnh dạn tuyên xưng “ …Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời, phần chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”(c.68-69). Các ông đã tự do nói lên tình yêu của mình, sẵn sàng đi vào cuộc phiêu lưu của tình yêu, của lòng tin đầy mạo hiểm và bất trắc, nhưng tin tưởng có Thầy ở bên.

Chúng ta cũng trở thành những Kitô hữu nhờ lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy, nhưng đó chưa phải là một bảo đảm chắc chắn là chúng ta sẽ mãi mãi giữ được tấm áo trắng ấy, có thể sẽ lấm lem bẩn thỉu vì sự chọn lựa sai lầm trước sự mời mọc của đồng tiền để rồi gian lận mà không sống công bình, hoặc hung dữ trước một lời sỉ nhục hay hành động lỗ mãng của tha nhân mà không hiền lành nhịn nhục… Chúa vẫn đang mời gọi chúng ta chọn lựa trước hoàn cảnh riêng tư của mỗi người trên cuộc lữ hành trần thế, chọn Chúa hay chọn tham, sân si?

Hãy liều lĩnh mạnh dạn, đi vào cuộc phiêu lưu tình yêu như các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, dù có gặp rủi ro, thua thiệt nhưng nên nhớ rằng đó là một cuộc thách đố vô cùng hào hứng và bất ngờ, vì dù có là cánh chim trên khung trời bao la, hay con thuyền trong biển cả bao la thì hãy tin rằng Chúa vẫn luôn đồng hành để hứơng dẫn cánh chim và lèo lái con thuyền đến bến bình an, Người vẫn giang tay đỡ nâng khi chúng ta vấp ngã, chờ đón ôm chúng ta vào lòng khi chúng ta đến bên yêu thương.

Lạy Chúa, đã hơn một lần chúng con tuyên hứa tin vào Người, “ Bỏ Ngài con biết theo ai” đó là ngày chúng con được ẵm vào Thánh Đường. Xin giúp chúng con biết chấp nhận những nghịch lý của đời Kitô hữu bằng đời sống luôn gắn bó với Chúa, tin tưởng và phó thác tuyệt đối nơi Người, để chúng con có thể kiên vững hăng say bước theo Chúa.

KIÊN QUYẾT THEO CHÚA
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng,OP.

Cả bốn bài Tin Mừng của bốn Chúa nhật trước đây và cả bài Tin Mừng hôm nay, đã kể lại bài giảng của Chúa Giêsu về bánh ban sự sống đời đời; đồng thời cũng lần lượt cho biết thái độ và phản ứng của các thính giả. Riêng bài Tin Mừng hôm nay cho biết phản ứng của các môn đệ nói chung và của Nhóm Mười Hai nói riêng. Mỗi phản ứng lại được Chúa Giêsu bình luận và giài thích thêm.

Suốt cuộc nói chuyện, hay đúng hơn, suốt bài giảng của Chúa Giêsu, chúng ta thấy Chúa không ngừng mời gọi người ta đến với Ngài, tin vào Ngài, đón nhận Ngài làm của ăn thức uống. Nhưng không những dân chúng mà nhiều người trong số các môn đệ cũng đã phản ứng như những người Do thái khác : “Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi”. Họ lẩm bẩm với nhau như thế. Nhưng Chúa Giêsu không cần nghe cũng biết họ đang khó chịu. Chúa giải thích thêm cho họ hiểu và mời gọi họ hãy nhìn sâu hơn vào bản thân và sứ mạng của Ngài. Ngài nói Ngài lên nơi Ngài đã ở trước, nghĩa là lên cùng Chúa Cha, vào trong vinh quang của Chúa Cha, vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Chúa Con từ muôn thuở.

Khi nghe Chúa nói như vậy, nhiều môn đệ rút lui, không đi với Chúa nữa. Như vậy, không những dân chúng chán ngán mà cả đến các môn đệ cũng bị khủng hoảng, nhiều người bỏ Ngài. Đứng trước sự tan rã bi đát này, Chúa Giêsu quay về phía nhóm mười hai tông đồ, những người được coi là thân tín nhất của Chúa. Phản ứng của họ thế nào ? Thánh Phêrô đã thay mặt cho cả nhóm nói lên thái độ của họ : họ không bỏ Ngài, họ không đi theo ai khác, họ tin Ngài là Đức Kitô, Ngài có những lời ban sự sống đời đời. Như vậy, thánh Phêrô đã đại diện cho anh em nói lên một lời tuyên xưng rất trọn vẹn và đầy đủ : tin Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, tin vào sứ mạng của Ngài : Ngài có những lời đem lại sự sống đời đời. Do đó, những lời tuyên bố, quả quyết và khẳng định trong bài giảng về bánh hằng sống này thực sự là theo nghĩa đen thông thường nói về phép Thánh Thể.

Nhìn về chúng ta, đối diện với Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta đều phải đích thân chọn lựa đứng lại với Chúa hay không ? Đứng lại với Chúa không phải chỉ vì thấy người khác còn đứng lại hay vì chưa gặp dịp thuận tiện để tháo lui. Nhưng đứng lại với Chúa vì tin rằng Ngài là Đấng có lời ban sự sống đời đời, không còn ai khác để mình đi theo.

Chúng ta là Kitô hữu, tức là chúng ta là người chấp nhận đi theo Chúa Giêsu, là Đấng không những ban cho chúng ta sự sống đời này mà còn ban cho chúng ta sự sống đời đời nữa. Sống ở đời, ai cũng có niềm tin, và bởi thế, có nhiều thứ niềm tin khác nhau, chẳng hạn các vận đông viên thể thao tin ở sức mạnh của bắp thịt và sự dẻo dai của họ. Các chính trị gia đặt tất cả niềm tin nơi đảng phái của họ. Những người hoạt động theo một ý thức hệ cũng tin tưởng ở sự toàn thắng của lý tưởng mà họ đang theo đuổi…

Ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng bị bắt buộc phải có niềm tin, chẳng hạn : đau bệnh, chúng ta tìm đến thầy thuốc, chúng ta đặt niềm tin nơi khả năng và thiện chí của thầy thuốc. Đi mua hàng, chúng ta cũng phải tin tưởng nơi người bán hàng. Giao tiếp với nhau, chúng ta cũng phải tin tưởng nhau…Đối với chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta không những có niềm tin vào cuộc sống mà chúng ta còn có đức tin nữa. Làm sao có được đức tin ? Triết gia Pát-can nói : “Nếu bạn muốn có đức tin, bạn hãy quỳ gối xuống và cầu nguyện”.

Mẹ Tê-rê-xa cũng nói như thế. Người ta kể rằng : một lần kia, Mẹ Tê-rê-xa nói với một phóng viên báo chí : “Tôi nghĩ rằng ông nên có đức tin”. Người ấy hỏi : “Tôi phải làm gì để có đức tin ?”. Mẹ Tê-rê-xa đáp : “Ông hãy cầu nguyện”. Người ấy nói : “Tôi không biết và không thể cầu nguyện”. Mẹ Tê-rê-xa nói : “Tôi sẽ cầu nguyện cho ông, phần ông, ông hãy cố gắng mỉm cười với những người chung quanh. Một nụ cười có thể đánh động người khác. Một nụ cười có thể cho người ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống”.

Chúng ta lãnh nhận được đức tin khi chịu phép rửa tội. Như vậy, tất cả chúng ta đều đã có đức tin. Nhưng cũng như mọi thứ tài năng khác nơi con người, đức tin cần phải được triển nở, cần phải được nuôi dưỡng. Một tài năng không được nuôi dưỡng sẽ mai một với thời gain. Một đức tin không được vun trồng cũng sẽ chết dần chết mòn. Chúng ta cầu nguyện, chúng ta làm những việc đạo đức là chúng ta nuôi dưỡng đức tin của mình. Ngoài ra, cả cách sống quảng đại, vị tha và yêu thương cũng là cách để nuôi dưỡng đức tin như lời Mẹ Tê-rê-xa khuyên trên đây : mỉm cười với mọi người. Một nụ cười có thể cho người ta cảm nghiệm được Thiên Chúa trong cuộc sống. Một nụ cười còn có giá trị như thế phương chi những lời nói, những việc làm còn giá trị hơn biết bao.

BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI?
Ga 6, 54. 60 - 69
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Dân Do Thái xưa và các môn đệ của Chúa Giêsu luôn bị đặt trước thử thách về lòng trung tín đối với Thiên Chúa Giavê. Ông Giosuê cho dân Do Thái hay họ chọn Thiên Chúa hay thần nào khác. Tất cả dân chúng đồng thanh chọn lựa Thiên Chúa:” Không đời nào chúng tôi bỏ Đức Chúa mà đi thờ các thần khác ! Vì Đức Chúa là Thiên Chúa chúng tôi, chính Người đã đưa chúng tôi và cha ông chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ. Chính Người đã thực hiện trước mắt chúng tôi những dấu lạ vĩ đại…”. Chúa Giêsu cũng đã đặt các môn đệ của Chúa trước một sự lựa chọn giống như dân Do Thái:” Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?”( Ga 6, 67 ) và ông Phêrô đã nhanh nhảu đại diện các tông đồ khác mà thưa với Chúa: “ Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6, 68 ).

Trong hội đường Capharnaum, Chúa Giêsu đã tuyên bố rõ ràng :” …thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống “ ( Ga 6, 55 ). Nghe những lời ấy, một số môn đệ đã phản ứng kịch liệt, họ ngờ vực, hồ nghi lời của Chúa :” Lời này chướng tai quá ! Ai mà nghe nổi ? “ ( Ga 6, 60 ). Thánh sử Gioan viết tiếp: “ Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa “ ( Ga 6, 68 ). Ở đây Gioan viết có nhiều môn đệ, nghĩa là có một số khá đông đã tin theo Chúa, đã đi theo Ngài, nhưng họ không thể chấp nhận lời mạc khải của Chúa Giêsu. Cho nên, họ đã rút lui, không theo Chúa nữa. Thực tế, theo lẽ tự nhiên, con người rất khó hiểu về lời mạc khải của Chúa về Bí Tích Thánh Thể. Nhưng với đức tin, người Kitô hữu chúng ta cử hành bí tích Thánh Thể suốt cả cuộc đời mà không bao giờ băn khoăn, do dự hoặc nghi hoặc Mình và Máu Chúa Kitô. Bởi vì, “ Đức tin giúp ta nhận ra Chúa, là đôi tay để ta nắm lấy Ngài, là sức mạnh để ta tận hiến cho Ngài “ ( James Woolbridge ). Theo Chúa Kitô là chấp nhận chịu thử thách từng giây từng phút, là phiêu lưu vào một cuộc mạo hiểm tình yêu, và mạo hiểm đức tin. Nhiều môn đệ vì chưa có đức tin vững chắc, nên khi nghe Chúa nói về Mình Máu của Ngài, họ không tin và họ bỏ Ngài. Đây là cái trớ trêu của những môn đệ này.

Chúa Giêsu công bố thịt và máu của Ngài làm của ăn của uống nuôi sống nhân loại, nuôi dưỡng con người, Ngài đã loan báo cái chết của Ngài trên thập giá để cứu độ thế gian. Khi báo trước cái chết của Ngài trên thập giá, Chúa Giêsu đã hứa ban sự sống đời cho con người. Ngài đã nói:” Ta là Đường, là sự Thật, là sự Sống “. “ Ai tin vào Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống lại “. Lời nói của Ngài đòi con người, đòi các môn đệ không chỉ nghe lời giáo huấn, nhưng là chấp đi theo con đường thập giá của Ngài. ” Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá của mình mà theo Ta “. Mình và Máu Chúa Kitô chúng ta chịu lấy cũng là chịu lấy thần trí của Ngài, tinh thần của Ngài và sự chọn lựa cứu độ loài người theo ý Cha của Ngài. Nơi Chúa Kitô cuộc sống của Ngài là cuộc hy tế thập giá, là thánh lễ nối dài trong cuộc đời. Do đó, theo Chúa,cuộc sống của người Kitô hữu cũng là thánh lễ liên tục, nối dài trong cuộc đời. Người Kitô hữu luôn luôn phải yêu mến bí tích Thánh Thể, vì Mình Máu Chúa Kitô là lương thực ban cho con người sự sống vĩnh cửu.

Người Kitô hữu phải có thái độ lòng tin trước sự chói tai mà nhiều môn đệ đã theo Chúa, rồi lại bỏ Chúa, thái độ lòng tin là kiên trung với Chúa, nhìn ngắm Chúa và vững tin vào Chúa:” Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa “ ( Ga 6, 69 ).

Câu thưa của thánh Phêrô đại diện nhóm mười hai :” Bỏ Thầy, chúng con biết theo ai, vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống” ( Ga 6, 68 ). Lời thưa ấy vẫn phải là lời vang lên miệng, trên môi và trong lòng của người Kitô hữu muôn thời.

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn tôn kính và yêu mến bí tích Thánh Thể. Amen.

CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN
Ga 6, 54. 60 - 69
Gm Giuse Ngô Quang Kiệt

Ðức tin là một con đường : con đường dẫn ta tới Chúa. Ðây là một con đường dài. Vì ta sẽ phải đi suốt cuộc đời mới hết. Ðường đức tin có những quãng đầy hoa thơm cỏ lạ và tiếng chim hót véo von. Ðó là những khi niềm tin dâng đầy. Ta cảm thấy phấn khởi vì được gặp gỡ Chúa, được Chúa an ủi, mọi sự diễn ra êm xuôi tốt đẹp. Nhưng đức tin sẽ phải trải qua những quãng đường gian nan đầy chông gai sỏi đá. Ta gặp khó khăn thử thách. Ta gặp đau khổ thất bại. Ta không tìm đâu ra lối thoát. Ta như chìm trong đêm tối mênh mông chẳng có ánh sáng nào soi đường dẫn lối. Ðó là khi niềm tin bị thử thách, bị nghiêng ngả chao đảo. Ta cảm thấy mệt mỏi chán chường. Ta muốn bỏ cuộc, rẽ sang đường khác. Ta bị cám dỗ tìm con đường dễ dàng hơn, rộng rãi hơn, thoải mái hơn.

Ðó là trường hợp của những người Do thái và một số môn đệ hôm nay.

Khi Ðức Giê-su hoá bánh và cá ra nhiều nuôi năm nghìn người, niềm tin của đám đông dâng lên cao vời vợi. Họ phấn khởi mừng vui. Họ tin tuyệt đối rằng Người chính là Ðấng Cứu thế đến cứu dân tộc Do thái. Niềm tin của họ mạnh mẽ đến nỗi khi Ðức Giê-su trốn đi, họ vẫn đuổi theo sát nút với ý định tôn Người lên làm vua cai trị họ.

Thế mà hôm nay, khi Ðức Giê-su tuyên bố : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, đám đông đã bỏ Chúa. Một số môn đệ cũng bỏ Chúa mà đi. Ðức tin bồng bột tưởng chừng như không gì dập tắt nổi của những ngày hôm trước nay đã tan tành như mây khói. Sự gắn bó tưởng chừng như không gì chia cắt nổi bỗng trở nên nhạt nhẽo lạnh lùng. Ðức tin gặp thử thách và họ đã không đủ mạnh tin để vượt qua thử thách. Họ đã thất vọng bỏ cuộc. Nhưng Ðức Giê-su vẫn bình tĩnh chấp nhận sự quay lưng trở gót của những người thân tín. Người không vì thế mà nói những lời nhẹ nhàng hơn. Ðức tin phải trải qua thử thách. Lửa thử vàng, gian nan thử lòng trung tín. Chỉ có những người bạn trung thành qua những khó khăn mới là những người bạn đích thực. Chỉ có niềm tin kiên vững bất chấp mọi thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa.

Giữa cơn khủng hoảng ấy, thánh Phê-rô đã đại diện nhóm 12 tuyên xưng niềm tin sắt đá vào Ðức Ki-tô. Dù chưa hiểu những điều Ðức Giê- su nói, nhưng các ông vẫn đặt trọn niềm tin vào Người. Thế mới gọi là tin. Vì chưa thấy nên mới cần tin. Ðã thấy rõ, đã biết rõ thì đâu cần tin nữa. Tuy nhiên niềm tin không phải là cái gì vô lý. Sau khi thấy Ðức Giê-su làm phép lạ hoá bánh ra nhiều và sau khi chứng kiến Người đi trên mặt nước, các ông hoàn toàn có cơ sở để đặt niềm tin nơi Người. Ðó là hai khía cạnh trái ngược của niềm tin. Tin là một ngọn đèn soi cho ta bước đi trong đêm tối. Ngọn đèn chỉ sáng đủ cho ta bước đi từng bước nhỏ trong niềm tin. Nhưng màn đêm vẫn tăm tối đủ cho ta nghi ngại. Chính vì thế mà niềm tin mới có giá trị và cần thiết.

Lời tuyên xưng của thánh Phê-rô lại càng có giá trị trong lúc mọi người gặp khủng hoảng và bỏ Chúa. Tin tưởng khi thời cơ thuận lợi thì thật dễ dàng. Nhưng vẫn tin tưởng gắn bó với Chúa trong những lúc gặp khó khăn thử thách đó mới thật sự là niềm tin chân chính.

Hành trình đức tin của chúng ta chắc chắn sẽ không khác hành trình đức tin của các tông đồ. Có những thời gian thuận lợi, ta thấy niềm tin dâng cao mãnh liệt. Khi ấy Lời Chúa là những lời êm ái ngọt ngào làm phấn chấn lòng ta. Lời Chúa mang đến cho ta niềm vui, niềm bình an, niềm hy vọng. Lời Chúa đem đến cả thành công và may mắn nữa.

Nhưng rồi tới những ngày u ám tăm tối, ta cảm thấy niềm tin lung lay chao đảo. Ðó là khi ta gặp khó khăn thử thách. Lúc ấy Lời Chúa làm cho cuộc đời ta mất bình an. Lời Chúa gõ vào tính tự ái, tự cao, tự đại của ta. Lời Chúa gõ vào sức khoẻ ta. Lời Chúa gõ vào gia sản của ta. Lời Chúa như lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn ta, tạo ra những vết thương sâu thẳm không bao giờ ngưng rỉ máu. Những lúc ấy, ta dễ bị cám dỗ từ bỏ Chúa như những người Do thái trong bài Tin mừng hôm nay.

Trong những giờ phút gặp gian nan thử thách như thế, ta hãy nhớ đến lời tuyên xưng của thánh Phê-rô. Niềm tin tuyên xưng trong đau đớn thử thách mới là niềm tin đúng nghĩa. Sự trung tín vượt qua được những cơn khủng hoảng mới minh chứng một tình yêu chân thực.

Trong những giờ phút tăm tối nhất, hãy mạnh dạn thưa với Chúa như thánh Phê-rô : “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết đi theo ai. Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời”. Amen.

Nguồn vietcatholic.org

 

1949    22-08-2015 20:16:52