Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Nhật XII Thường Niên B năm 2015

NIỀM TIN VƯỢT THẮNG SỢ HÃI
Mc 4, 35 - 41

Có một câu chuyện kể rằng: Người ta tổ chức một cuộc du lịch xuyên qua Đại Tây Dương. Trong lúc tàu chạy yên hàn, mọi người ra hong tàu khoan khoái nhìn ngắm cảnh hoàng hôn tươi thắm. Bỗng sóng to gió lớn nổi lên làm cho chiếc tàu nghiêng ngửa dữ dội. Mọi người hoảng sợ chạy vào phòng, duy chỉ còn một cậu con trai vẫn tiếp tục ở lại xem cảnh. Thấy vậy, nhiều người lo sợ nguy hiểm cho em, nên gọi em vào phòng trú ẩn, nhưng em không vào. Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố hãi hùng như thế. Em thản nhiên trả lời: vì cha tôi là người cầm lái con tàu.

Như khách du lịch sợ hãi trên tàu khi phong ba bão táp, chúng ta bình thường cũng mang nhiều nỗi sợ hãi trong cuộc đời. Người thì sợ lái xe trên xa lộ. Kẻ khác sợ phải nói chuyện trước công chúng. Sợ thi rớt. Sợ bị bệnh ung thư. Sợ bị nhiễm HIV. Sợ cô đơn. Sợ thất nghiệp. Sợ gia đình tan vỡ. Sợ con cái hư hỏng… thậm chí sợ ma nữa. Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy các Tông đồ sợ bão tố, sợ nguy hiểm và sợ chết. Bão lớn, nước sắp đầy thuyền thì ai mà không sợ. Vậy mà Chúa còn trách các Tông đồ: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao?”. Các Tông đồ lâm nguy thật sự. Trong hoàn cảnh đó, chẳng những nên kêu cứu Chúa, mà đúng là phải kêu cứu Chúa. Nhưng đừng kêu cứu với tâm trạng sợ hãi đến tuyệt vọng như vậy. Phải kêu cứu nhưng hãy kêu cứu trong niềm cậy trông và tín thác tuyệt đối. Lời trách cứ của Chúa Giêsu mở cho chúng ta một kinh nghiệm đức tin quý báu: niềm tin vững vàng làm chúng ta thêm can đảm và bớt sợ hãi, thậm chí an bình trong gian nguy. Nhưng cũng phải can đảm lắm mới có thể tin.

Trong câu chuyện trên, vì tin vào tài cầm lái con tàu của cha mình mà cậu con trai thản nhiên không lo sợ nguy hiểm trước mắt. Cũng vậy, đối với mỗi người chúng ta đang sống trên cuộc đời này cũng giống như con thuyền của các Tông đồ lênh đênh trên biển cả và gặp gió bão. Chúng ta cũng gặp không ít những cơn dông tố bất ngờ. Thật vậy, có lẽ ai trong chúng ta cũng đã có lần trải qua một nỗi lo sợ nào đó hoặc kinh nghiệm qua những giờ phút đen tối trong cuộc sống. Bởi vì cuộc đời này luôn có những cam go, gian truân, thử thách, nguy hiểm, đau thương… đứng trước những hoàn cảnh như thế, ai cũng lo lắng, sợ hãi. Nhưng đối với chúng ta, những người có đức tin, không phải chúng ta không biết sợ hãi, nhưng chúng ta tin rằng Thiên Chúa ở đàng lái, là Cha yêu thương luôn quan tâm săn sóc chúng ta. Nhưng có thể đã có những lần chúng ta đau đớn vì Chúa lại ngủ giữa phong ba. Niềm tin không phải là giải đáp dễ dãi, không miễn trừ những khó khăn. Nhưng trong những khó khăn đó, chúng ta phải hoàn toàn phó thác vào Chúa. Chúa có thể ngủ, nhưng Chúa luôn thức vào lúc khó khăn, nguy hiểm để trợ giúp những ai bằng lòng để cho “Chúa ở đàng lái”. Với niềm tin đó sẽ giúp chúng ta có thái độ lạc quan hơn trước cuộc sống và bình tĩnh để đối phó với những khó khăn thử thách. Nếu niềm tin không đem lại cho chúng ta sự an bình, thanh thản, thì đó là dấu chỉ cho thấy niềm tin của chúng ta chưa mạnh mẽ đủ, chúng ta cần phải cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.

Chính vì thế, qua Lời Chúa hôm nay, ước gì mỗi khi chúng ta gặp khó khăn, thử thách, gian nan, vất vả trong cuộc đời, chúng ta biết chạy đến kêu cầu Chúa Giêsu với một niềm tin tưởng sâu xa, phó thác trọn vẹn và cầu nguyện chân thành, xin Chúa cứu giúp. Amen

QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA GIÊSU
Mc 4, 35 - 41

Trong một chuyến du lịch xuyên Đại Tây Dương, mọi người ra hong tàu hóng gió và ngắm cảnh thiên nhiên. Bỗng nhiên, sóng to gió lớn nổi lên làm chiếc tàu nghiêng ngửa dữ dội. Mọi người hoảng sợ chạy vào phòng, duy chỉ có một bé trai vẫn tiếp tục ở lại ngắm cảnh. Thấy vậy, nhiều người lo sợ cho em, nên gọi em vào phòng trú ẩn nhưng em không vào. Được hỏi tại sao em không sợ hãi trước cơn giông tố hãi hùng như thế, em thản nhiên trả lời: vì cha tôi là người cầm lái con tàu.
(x. LMTV, Minh hoạ lời Chúa, Tập II, Tr. 220)

Niềm tin vào cha làm bé trai được vững tâm, không sợ sóng cả ba đào, trong khi những người khác hoảng hốt lo sợ. Trong Tin mừng hôm nay, các tông đồ khiếp đảm trong trận cuồng phong khi vượt biển hồ. Điều này cho thấy, các tông đồ còn kém lòng tin vào quyền năng của Chúa Giêsu.

1. Lòng tin yếu kém của các tông đồ:

Nếu các tông đồ có niềm tin vững vàng vào Chúa Giêsu, có lẽ các ông cũng chống chọi với sóng gió cật lực nhưng không sợ hãi và cũng không cần đánh thức Chúa Giêsu là Chủ trời đất và biển khơi. Nếu có niềm tin, các Tông đồ sẽ có thái độ như em bé này: có Chúa ở đây, chúng ta lo sợ gì. Thế nhưng, trong tường thuật Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy các Tông đồ sợ hãi lắm. Có lẽ các ông nghĩ: chết đến nơi rồi, đánh thức Thầy dậy xem có cách gì hay không, hay ít nhất cũng có thể giúp các ông một tay. Các ông không biết Thầy mình có thể khiến biển yên gió lặng. Vì vậy, Chúa Giêsu trách các ông yếu lòng tin là phải lắm.

2. Quyền năng của Chúa Giêsu:

Khi Chúa Giêsu trổi dậy, người truyền cho gió yên, biển lặng khiến các Tông đồ lại một phen hoảng sợ và bắt đầu tin tưởng vào Chúa Giêsu, nhận ra quyền năng và con người thật của Thầy mình.

Câu chuyện trong Tin mừng này cũng là câu chuyện của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta cũng đang ở trong con thuyền đi trên biển trần gian, nhiều lúc cũng có phong ba bão táp, đủ thứ thử thách khó khăn trong cuộc sống khiến chúng ta vất vả lao đao. Nhiều lúc chúng ta tự hỏi: “ Tôi cầu xin Chúa sao Chúa vẫn để tôi nghèo, gia đình tôi gặp khó khăn về tinh thần vật chất, có khi chúng ta cảm thấy như Chúa không nghe thấy lời cầu xin của chúng ta. Những lúc đó, chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa trong Tin mừng hôm nay và tiếp tục tin tưởng vào Chúa. Tuy vẫn lo chèo chống nhưng không hoảng hốt mà bình an tin tưởng vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

Có những lúc chúng ta đứng trước những huống cảnh buộc phải chọn lựa, chúng ta hãy xin Chúa soi sáng để biết phải làm gì. Cái khó là chúng ta có thuận phục theo sự hướng dẫn của Chúa hay không. Nếu chúng ta yêu mến và phó thác cho Chúa thì tâm hồn sẽ được bình an. Nếu chúng ta không tín thác thì chúng ta càng khổ sở vì không có bình an.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết tin tưởng phó thác vào quyền năng Chúa trước mọi biến cố cuộc đời và xin Chúa ban ơn thêm sức cho chúng con biết vượt qua tất cả những khó khăn thử thách trong sự trung thành để mai sau được hưởng hạnh phúc đời đời bên Chúa.

SỰ DỮ TRONG ĐỜI
Mc 4, 35 - 41

Trong cuộc đời, kinh nghiệm đã cho chúng ta nhiều bài học về sự dữ. Sự dữ là một thực tại khả thể, hiện hữu và hoạt động trong thế trần. Tự sức mình con người chúng ta khó có thể chiến thắng sự dữ, nhưng nếu có ơn Chúa trợ giúp thì chúng ta có thể chiến thắng. Tuy nhiên nhiều khi chúng ta cũng còn lờ mờ, đi trong đêm tối của đức tin để tìm kiếm chân lý, sự thật, Thiên Chúa.

Trên con đường theo Chúa Giêsu, mặc dù các môn đệ được Người đào tạo, dậy dỗ, uốn nắn…các ông vẫn chưa hiểu về đường lối của Chúa: Người đã giảng dạy, làm nhiều phép lạ nhưng các môn đệ vẫn sống trong sự mờ ảo của cuộc sống, các ông chưa làm sao hiểu được ý của Thầy Giêsu. Do đó, có lúc các ông tưởng Thầy mình là ma, có lúc các ông lánh xa Chúa, các ông phản ứng lại bằng lời nói, cách sống, cử chỉ, thái độ của Thầy mình. Đức tin của các môn đệ nhiều lúc tưởng như lu mờ, hay nói một cách khác các ông chưa có lòng tin. Tin Mừng Mc 1,35- 41 là một bằng chứng nói lên quyền năng vô biên của Chúa giống như sách Gióp khẳng định: “Chỉ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo quyền năng, chủ tể muôn loài, muôn vật, chủ tể mọi sự”. Phép lạ Chúa Giêsu làm cho sóng to, gió lớn phải im bật nói lên quyền uy của Chúa. Đáng lẽ các môn đệ phải vui mừng vì Thầy có quyền năng khiến gió to, biển động im hơi lặng tiếng, các môn đệ lại hoảng hốt sợ sệt. Chúa Giêsu phải lên tiếng:” Sao nhát thế ? Anh em chưa có lòng tin sao ?”. Sự dữ trong đời sống đã che mắt đức tin của họ.

Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin vào Chúa, bám chặt lấy Chúa, tin vào uy quyền tuyệt đối của Chúa trên mọi loài, mọi vật, mọi sự để chiến đấu ới sự dữ cuộc đời. Tiếng la hoảng hốt của các môn đệ trước trận cuồng phong bão táp, phải chăng đang là thử thách của con người, của mỗi người khi họ gặp cơn cám dỗ, gặp sự thử thách gian nan giữa cuộc đời, giữa hành trình đức tin đầy cam go ? Liệu Chúa có bỏ con người hay con người chỉ ngờ ngợ, yếu tin chưa có lòng tin mạnh mẽ và gắn chặt vào Chúa Giêsu? Nếu đọc lại nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy nhiều lòng tin làm ta ngạc nhiên. Và khi ta tin thật sự vào Chúa, chắc chắn sự an bình sẽ đến với chúng ta. Thiên chúa không ở xa ta, Ngài ở bên ta, Ngài yêu thương ta, Ngài sẵn sàng can thiệp vào mọi biến cố của đời ta. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có thái độ như các môn đệ hoảng hốt, như ông Môsê trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,1), như ngôn sứ Isaia khi nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong Đền Thờ (Is 6,5). Tất cả đều tùy thuộc vào lòng mến và vào sự phó thác tuyệt đối của mỗi người chúng ta trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Bình thường ta nghĩ mình chẳng kém thua ai. Nhưng khi gặp thử thách mới biết mình thật yếu đuối. Đã chứng kiến biết bao phép lạ Chúa làm, nhưng khi gặp gió bão vẫn hoảng kinh. Thử thách giúp ta biết mình. Biết mình để thêm khôn ngoan, thêm trông cậy và nhất là để biết rèn luyện bản thân cho tiến bộ hơn.

Thử thách giúp ta biết yêu mến, cậy trông vào Chúa hơn. Vì thế gặp nhiều thử thách giúp ta biết cậy trông phó thác vào Chúa hơn. Gặp thử thách ta mới biết chẳng ai yêu thương ta bằng Chúa. Chúa sẽ không để ta bị thử thách quá sức chịu đựng, nên ta sẽ biết yêu mến Chúa hơn.

Thử thách giúp đức tin vững mạnh. Chúa chỉ cho thử thách một thời gian. Rồi Chúa lại can thiệp để sóng yên biển lặng. Khi sóng yên biển lặng rồi, các môn đệ càng vững tin nơi Chúa hơn. Đời sống mỗi người chúng ta cũng như vậy. Ai càng gặp nhiều thử thách thì càng trở nên từng trải, vững vàng.

Đời sống không thiếu thử thách. Hãy biết rằng Chúa cho phép thử thách vì yêu thương ta, để rèn luyện ta nên người. Nhưng Chúa luôn ở bên ta. Nên ta hãy vững tin, cậy trông phó thác và biết tận dụng những khó khăn để đức tin thêm mạnh mẽ. Thử thách rồi sẽ qua đi. Nhưng cách ta phản ứng trước thử thách lại tồn tại và tạo thành giá trị đời ta. Xin Chúa cho mọi thử thách ta gặp trong đời đều biến thành cơ hội cho ta được thêm lòng, lòng cậy và lòng mến Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn bám chặt lấy Chúa vì Chúa là Đấng uy quyền và hay thương xót để chúng con có thể vượt qua thử thách, chiến đấu với sự dữ trong cuộc sống và thêm tin yêu vào Chúa hơn.

NIỀM TIN VƯỢT QUA SÓNG GIÓ
Mc 4, 35 - 41

Quan sát một đứa bé qua một cây cầu chúng ta sẽ thấy nó đi một cách bình tĩnh khi có cha mẹ hay người thân ở phía trước hay cùng đi với nó. Ngược lại nó sẽ cảm thấy hoang mang lo sợ và có thể không dám đi qua nếu tự nó phải một mình đi qua. Với hình ảnh này, chúng ta thấy đứa bé đó nhờ có lòng tin vào những người thân của của mình nên nó rất an tâm. Chắc chắn nó sẽ nghĩ rằng cho dù có té ngã thì họ sẽ không nỡ lòng nào bỏ nó.

Ðoạn Tin mừng Chúa nhật hôm nay cho thấy các Tông đồ cùng ở trên thuyền với Chúa Giêsu. Mà chiếc thuyền đang vượt biển sang bờ bên kia. Bỗng nhiên “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước” (Mc 4, 37). Ðang khi đó, “Chúa Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ” (Mc 4, 38a). Các Tông đồ hoảng sợ nên đã đến đánh thức Chúa Giêsu “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (Mc 4, 38b). Sau khi truyền cho gió biển im lặng Chúa Giêsu nói với các ông “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (Mc 4, 40)

Với lời của Chúa Giêsu trên đây, chúng ta thấy mặc dù các Tông đồ được ở cùng với Chúa Giêsu nhưng các ông vẫn chưa nhận ra Ðấng đang ở bên mình là ai. Do đó, các ông vẫn còn hoang mang lo sợ. Nếu các ông nhận ra Ðấng ở bên mình là ai chắc chắn các ông sẽ rất tự tin. Bởi lẽ, Ðấng ấy chính là Chúa trời đất.

“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế." (Mt 28, 20). Ðây là lời hứa của Chúa Giêsu cho những ai thật sự tin vào Người. Tuần vùa qua cùng với Giáo hội chúng ta đã mừng trọng thể lễ Mình Máu Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hiện diện cách thiêng liêng và cao quý nơi Bí Tích Thánh Thể. Sự hiện diện này chúng ta chỉ có thể nhận ra được trong cái nhìn đức tin.

Xin Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng ta thêm tin tưởng vào sự hiện diện cao quý của Người trong đời sống đức tin của mình. Ðể rồi cho dù có vượt qua bao nhiêu khó khăn thử thách nhất là trong đời sống đức tin chúng ta vẫn luôn cảm thấy bình an và tự tin.

SANG BÊN KIA BỜ
Mc 4, 35 - 41

DẪU BIẾT DÒNG ĐỜI KHÔNG ÊM ÁI NHƯ DÒNG SÔNG nhưng tôi vẫn thích cách so sánh dòng đời giống như dòng sông. Cách so sánh đó gợi lên một hình ảnh rất thực về cuộc sống. Nếu dòng sông khi đầy khi vơi thì dòng đời có khi ngập đầy có khi thiếu thốn. Nếu dòng sông đem nguồn nước tưới mát cho cánh đồng, cho vườn tược thì dòng đời cũng đem lại cho con người nguồn sức sống nơi sự thịnh đạt và những niềm vui. Nếu dòng sông có những đợt sóng dâng trào thì dòng đời cũng có những mênh mông của buồn chán.

Buổi chiều trên biển hồ Tibêriat như là điểm hẹn của từng đợt sóng dữ. Thời điểm ai cũng biết hiểm nguy, vậy mà Thầy Giêsu bảo các môn đệ “Chúng ta sang bờ bên kia đi”. Lời thúc giục tưởng chừng Chúa Giêsu muốn tìm chỗ nghỉ ngơi sau một ngày giảng dạy mệt lã. Thật ra Chúa không tìm nghỉ ngơi, Ngài tiếp tục dạy dỗ. Nếu từ sáng đến chiều Ngài giảng dạy cho đám đông thì giờ đây Ngài muốn dành ưu tiên cho các môn đệ yêu dấu của mình. Chúa Giêsu dạy họ từ những lời được ghi chép trong Thánh Kinh đến những biến cố thường ngày đã xảy ra trong đời sống.

Sang bên kia bờ để nhận ra quyền năng của Chúa

Nơi Thiên Chúa, quyền năng của Ngài không phải để phô diễn làm loé mắt người đời. Ngài không muốn người khác theo Ngài chỉ vì tính hiếu kỳ của họ được đáp ứng. Vì vậy mà Ngài không hoá đá thành bánh, không nhảy xuống từ nóc đến thờ để mọi người tung hô. Ngài không làm phép lạ cách phung phí để “dằng mặt” những kẻ thách thức Ngài.

Quyền năng của Ngài tỏ hiện nhằm đem đến những giá trị sâu xa hơn: nâng đỡ đức tin những người yếu kém, ban niềm vui cho kẻ u sầu, đem bình an cho những ai đang phải khốn đốn. Rõ ràng quyền năng Thiên Chúa không chỉ để giải quyết những vấn nạn tức thời nhưng là củng cố một cuộc sống luôn tiếp nối nhiều bất an.

Sang bên kia bờ để lòng tin được củng cố mỗi ngày

Chúa có mặt trên tàu nhưng sóng dữ vẫn bùng lên. Sóng dữ không kiên nễ người nào vì đó là quy luật mà Thiên Chúa đã đặt để. Điều đó cho ta hiểu rằng bình an của người vượt sóng không phải là sự bất động của dòng sông nhưng là một tâm thái biết cậy nhờ, biết ứng phó để vượt qua sóng gió. Biết rõ buổi chiều biển hồ sóng mạnh, Chúa vẫn bảo sang bờ bên kia. Biết sóng dữ sắp làm đắm con thuyền, Chúa vẫn ngon giấc bình thường như việc gì đến sẽ đến. Tưởng chừng Chúa không biết gì nhưng thật ra Ngài biết tất cả, Ngài lo tất cả.

Dĩ nhiên hiệu quả của niềm tin không do Thiên Chúa làm cách độc lập nhưng cần có sự “tận lực” của con người, “tận nhân lực, tri thiên mênh”. Tận lực của các môn đệ ở chỗ sẵn sàng nghe thầy sang bên kia. Tận lực sau cùng là lời kêu cầu có vẻ trách móc: “Thầy ơi, chúng ta chết tới rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Tận lực của các tông đồ có thế thôi nhưng đó là lời kêu cầu cần thiết.

Chúng ta không thể kêu cầu chấm dứt chiến tranh vì Chúa cho chúng ta có khả năng kiến tạo hoà bình. Chúng ta không thể nài xin Thiên Chúa xoá đi nghèo đói vì Ngài đã ban cho chúng ta của cải để biết cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Chúng ta không xin Chúa dẹp bỏ những nghi kỵ hờn ghen, vì Ngài ban cho chúng ta một lương tâm ngay chính và một trái tim biết cảm thông. Chúng ta cũng không nài xin Chúa cất di sự tuyệt vọng bởi vì Ngài ban cho ta đầy đủ nghị lực để vượt thắng khổ đau mà vươn lên hy vọng.

Sang bên kia bờ để tâm hồn được đổi mới

Từ chỗ thay đổi địa điểm Thầy Giêsu đã thay đổi tâm hồn của các học trò. Khi sang đến bờ bên kia các ông đã có cái nhìn khác hẳn trước đây. Niềm tin đã vững vàng hơn. Các ông không tự mãn vì có Thầy ở bên nhưng tự hào vì mình có thêm sức mạnh. Lời trách cứ về Thầy có vẻ vô tâm giờ đã đổi thành những lời tán dương không ngớt.

Sự yên lặng của biển kéo theo sự lắng đọng của cõi lòng. Chính khi tâm hồn lắng đọng thì hiểu biết mới được khai sáng. Khi tâm trí sáng suốt ta mới hiểu được rằng Chúa luôn có mặt để cùng vượt sóng với ta. Những sóng gió của hiện tại không làm nhạt mờ biết bao điều tốt đẹp Chúa đã ban cho ta. Sợ hãi không làm ta cuống cuồng vì biết rằng Chúa sẽ hướng dẫn ta về tới bến bình an.

Nếu dòng đời còn nhiều nổi trôi thì thuyền đời kitô hữu không bao giờ êm ả. Nó chỉ bình yên khi ta về tới bến mong chờ. Nhưng dù thế nào thì lòng ta vẫn một lòng tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Dẫu có lúc ta nghĩ Ngài đã ngủ quên, Ngài không nghe đến tiếng cầu cứu của ta nhưng ta luôn tin rằng Ngài sẽ cứu lấy ta theo cách của Ngài.

SAO NHÁT THẾ ? ANH EM CHƯA CÓ LÒNG TIN
Mc 4, 35 - 41
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT
Trên con đường theo Chúa Giêsu, mặc dù các môn đệ đã được Người đào tạo, dậy dỗ, uốn nắn…các ông vẫn chưa hiểu gì về đường lối của Chúa: Người đã giảng dậy, đã làm nhiều phép lạ nhưng các môn đệ vẫn sống trong sự mờ ảo của cuộc sống, các ông vẫn chưa làm sao hiểu được ý của Thầy Giêsu. Do đó, đã có lúc các ông tưởng Thầy mình là ma, đã có lúc các ông lánh xa Chúa, đã có lúc các ông phản ứng lại những lời nói, cách sống, cử chỉ, thái độ của Thầy mình. Đức tin của các môn đệ nhiều lúc tưởng như lu mờ, hay nói một cách khác các ông chưa có lòng tin. Tin Mừng Mc 1, 35-41 là một bằng chứng nói lên quyền năng vô biên của Chúa giống như sách Gióp khẳng định:” Chỉ Thiên Chúa là Đấng sáng tạo quyền năng, chủ tể muôn loài, muôn vật, chủ tể mọi sự”. Phép lạ Chúa Giêsu làm cho sóng to, gió lớn phải im bật nói lên quyền uy của Chúa. Đáng lẽ các môn đệ phải vui mừng vì Thầy có quyền năng khiến gió to, biển động im hơi lặng tiếng, các môn đệ lại hoảng hốt sợ sệt. Chúa Giêsu đã phải lên tiếng:” Sao nhát thế? Anh em chưa có lòng tin sao ?”.

Theo Chúa gần ba năm, các môn đệ đã được Chúa dậy bảo nhiều điều: Người đã nói thực tế, đã làm những phép lạ, đã dùng những dụ ngôn, những ví dụ xẩy ra chung quanh các môn đệ để làm sáng tỏ lòng tin của các ông, nhưng các ông vẫn còn u tối, các ông vẫn chưa cảm nghiệm được quyền năng và tư cách thần linh của Chúa Giêsu. Các môn đệ luôn tỏ ra không hiểu hay tỏ ra hiểu lờ mờ về Thầy mình. Các ông luôn mơ tưởng đến việc Chúa Giêsu sẽ khôi phục lại nước Israen và rồi các ông được ăn trên ngồi trốc trước mọi người khi Chúa Giêsu đăng quang làm vua theo ý nghĩ trần gian của các ông. Điều đó không lấy gì làm lạ khi phép lạ hôm nay xẩy ra. Bối cảnh phép lạ được Chúa Giêsu thực hiện vào một buổi chiều trên biển hồ. Thuyền của các môn đệ rời bến để qua bờ bên kia. Chi tiết này giúp chúng ta hiểu phép lạ diễn ra trong đêm. Chúa Giêsu ngồi ở đằng lái, gối đầu mà ngủ. Bỗng gió to, sóng lớn nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước.

Các môn đệ hoảng hốt, xôn xao, nhốn nháo đánh thức Chúa :” Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo sao ?”( Mc 4, 38 ). Chúa Giêsu liền can thiệp bằng một lời và chỉ một lời truyền của Người :” Im đi ! Câm đi !”( Mc 4,39 ). Gió liền im. Biển lặng như tờ. Điều làm chúng ta ngạc nhiên không phải là phép lạ, nhưng là cách Chúa Giêsu thực hiện phép lạ:” Tại sao Chúa biết trước sẽ có cuồng phong, biết trước việc Người sẽ làm?. Tại sao Người không can thiệp liền, tại sao Người cứ gối đầu mà ngủ?

Thực ra khi gió to, biển động, sóng gào, các môn đệ xốn xáo, chạy lại đánh thức Chúa dậy, các ông xin Chúa can thiệp hai điều xem ra như là một tối hậu thư:” Thầy ơi, chúng con chết đến nơi rồi “. Điều thứ hai :” Thầy chẳng lo gì sao ? “. Câu nói thứ hai của các môn đệ hàm ý sao Thầy vô tư quá, chúng con sắp chết mà Thầy cứ tỉnh bơ ngủ say. Chúa Giêsu đã trả lời cả hai điều các môn đệ yêu cầu. Điều thứ nhất, Chúa truyền cho biển yên, gió lặng. Điều thứ hai, Người khiển trách:” Sao nhát thế ? Anh em chưa đủ đức tin hay sao ? “( Mc 4, 40 ). Cái trớ trêu hầu như khờ khạo của các môn đệ ở chỗ Chúa luôn có mặt, luôn hiện diện dù Người đang ngủ, Người hay biết mọi sự nhưng các môn đệ đâu có nhận ra điều ấy. Vậy, khi Người khiếm diện, khi Người không có mặt ở đấy, các môn đệ sẽ ra thế nào!:” Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ?”( Mc 4, 40 ). Anh em để đức tin ở đâu ? Ở đây, trong tình huống này, các môn đệ có thể nghĩ đến những can thiệp của Thiên Chúa đối với số mệnh của dân tộc các ông. Thiên Chúa đã cứu thoát cha ông của các ông, đã giữ lời Giao Ước của Ngài cho dù có lúc Thiên Chúa hầu như im lặng. Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân tộc. Bốn mươi năm sau, dân lưu đầy bên Ai Cập đã được Thiên Chúa giải thoát, đoàn người lưu đầy kéo về Giêrusalem được thanh luyện và lớn lên trong thử thách.

Đối diện với quyền lực của sự dữ, của ma quỷ vì theo não trạng của người Do Thái, biển là biểu tượng của quyền lực ma quỷ. Các môn đệ cuống quýt đã quên cả lòng tin của mình vào Chúa Giêsu. Vậy phải chăng Tin Mừng hôm nay mời gọi con người, nhân loại hãy tin vào Chúa, hãy bám chặt lấy Chúa, hãy tin vào uy quyền tuyệt đối của Chúa trên mọi loài, mọi vật, mọi sự. Tiếng la hoảng hốt của các môn đệ trước trận cuồng phong bão táp, phải chăng đang là thử thách của con người, của mỗi người khi họ gặp cơn cám dỗ, gặp sự thử thách gian nan giữa cuộc đời, giữa hành trình đức tin đầy cam go ? Liệu Chúa có bỏ con người hay con người chỉ ngờ ngợ, yếu tin chưa có lòng tin mạnh mẽ và gắn chặt vào Chúa Giêsu ? Chúng ta hãy đọc lại nhiều dụ ngôn trong Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy nhiều lòng tin làm ta ngạc nhiên. Và khi ta tin thật sự vào Chúa, chắc chắn sự an bình sẽ đến với chúng ta. Thiên chúa không ở xa ta, Ngài ở bên ta, Ngài yêu thương ta, Ngài sẵn sàng can thiệp vào mọi biến cố của đời ta. Nhưng chắc chắn chúng ta cũng có thái độ như các môn đệ hoảng hốt, như ông Môsê trước bụi gai bốc cháy ( Xh 3, 1 ), như ngôn sứ Isaia khi nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa trong đền thờ ( Is 6, 5 ). Tất cả đều tùy thuộc vào lòng mến và vào sự phó thác tuyệt đối của mỗi người chúng ta trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn bám chặt lấy Chúa vì Chúa là Đấng uy quyền và hay thương xót.

LẠY CHÚA, NGÀI VẪN NGỦ SAO?
Mc 4, 35 - 41
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb
Trong hành trình rao giảng Tin mừng, Biển hồ Galilê là nơi thường xuyên chứng kiến những phép lạ Chúa Kytô thực hiện. Phép lạ Chúa Kytô thực hiện hôm nay không ngoài mục đích củng cố đức tin cho các môn đệ, đồng thời biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa vượt trên mọi thế lực ác thần.

Ý định băng qua bên kia Biển hồ vào lúc trời đã về chiều của Chúa Giêsu quả là một ý định táo bạo nếu không muốn nói là liều lĩnh, bất chấp hiểm nguy. Lý do là vì, theo quan niệm thời đó, biển luôn được xem là biểu hiện cho những gì nguy hiểm, tối tăm và sợ hãi. Và, biển động sóng gào biểu trưng cho một thế giới hỗn loạn và phường tội lỗi như Ngôn sứ Isaia loan báo (x. Is 57, 20). Mặt khác, sang bờ bên kia, tức phía đông Biển Hồ, thuộc miền Thập tỉnh vào thời điểm trên không chỉ tạo điều kiện cho ma quỷ xuất hiện quậy phá- vốn ưa thích màn đêm, mà còn là miền đất thuộc dân ngoại vốn thù hằn với dân Dothái.

Mặc dù thế, Chúa Giêsu không chỉ đem theo các môn đệ mà còn dẫn theo một số thuyền khác vượt đại dương giữa trời đêm. Phải chăng đây là dụng ý của thánh sử Máccô đưa một số thuyền khác đi theo Chúa Giêsu và các môn đệ như là những đồng chứng nhân với các môn đệ? Vâng, đúng thế. Chúng ta biết, những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện quanh Biển hồ không chỉ cho các môn đệ, mà còn cho dân chúng, cho người Dothái, cho dân ngoại nữa. Chính vì thế, phép lạ Chúa Giêsu sắp thực hiện giữa Biển hồ rất quan trọng không chỉ cho đức tin các môn đệ mà còn cho cả dân chúng – những người “liều mạng” bước theo Người.

Con thuyền lướt sóng ra khơi, hướng về bờ bên kia rẽ sóng giữa màn đêm vây kín. Và, những gì đến tất sẽ đến. Bão tố cuồng phong bỗng dưng ập đến. Xung quanh ngập tràn tiếng thét gào của mãnh lực thiên nhiên. Tất cả như muốn nuốt chửng con thuyền vốn hom hem nhỏ bé chẳng đáng gì trước trận cuồng phong. Các môn đệ, dù kinh nghiệm về biển có thừa vẫn hốt hoảng lo lắng cho số phận không biết sẽ ra sao. Riêng một mình Chúa Giêsu vẫn an nhiên tự tại, đắm chìm trong giấc ngủ như không có gì xảy đến. Lạ quá, lạy Chúa, đến nước này mà Ngài vẫn ngủ sao? Các môn đệ cuống cuồng lo lắng và tự hỏi. Lẽ ra Người phải thức tỉnh cùng các ông để cùng nhau bàn tính lèo lái con thuyền vượt qua cơn hiểm nguy này chứ. Thế mà… Người vẫn ngủ!

“Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”. Tiếng nài van của các môn đệ cất lên trong nổi tuyệt vọng. Khi con người đối diện với những gian nan khốn khó, đối diện với những mãnh lực ác thần, họ mới thấy tài hèn sức yếu của mình. Đứng trước số phận ngàn cân treo sợi tóc, họ mới thấy cần biết bao đến quyền năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ ra tay đúng lúc để đáp ứng tiếng van nài của họ. Chúa Giêsu thức dậy, và Người ra lệnh cho sóng biển lập tức lặng yên. “Im đi! Câm đi!”. Phép lạ phát sinh hiệu quả. Sóng yên biển lặng như tờ. Chúng ta thấy Chúa Giêsu ra lệnh cho sóng biển giống như Người đã ra lệnh cho quỷ xuất khỏi người bị thần ô uế ám ở Caphácnaum (x. 1, 25). Cho hay, phép lạ Người thực hiện hôm nay- cách nào đó, cho thấy ma quỷ vẫn luôn luôn rình rập để hãm hại con người. Vì thế, điều cần thiết, là con người hãy giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa để có thề thắng vượt trước mọi sự dữ.

Cuộc sống trần gian, tự nó đã là một gian nan khốn khó; bước theo Chúa Kytô, vâng lệnh Người, nhổ neo cuộc đời ra khơi, lại càng không ít những khó khăn thử thách. Thế nhưng Tin mừng hôm nay làm chúng ta an tâm. An tâm, bởi con thuyền cuộc đời chúng ta ra khơi, giữa phong ba bão táp, giữa những thử thách gian truân vẫn luôn có Chúa là viên thuyền trưởng, hướng dẫn con thuyền vượt sóng. An tâm, bởi Chúa luôn xuất hiện đúng lúc đúng thời để ra tay nâng đỡ chúng ta trước những khó khăn. An tâm, bởi chúng ta biết chúng ta tin vào Đấng chiến thắng mọi thế lực ác thần và sự chết. An tâm, bởi từ nay, cuộc đời chúng ta đã trao vào tay Chúa, tín thác mọi sự trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì như thánh Phaolô, “tôi biết tôi tin vào ai” (2 Tm 1, 12).

Xin cho Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta vững tin vào sự hiện diện của Chúa. Để trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, chúng ta luôn có Chúa ở vị trí hoa tiêu để hướng dẫn và can thiệp kịp thời, giúp chúng ta đến bến bờ bình an.

CHÚA LÀM YÊN LẶNG SÓNG GIÓ
Mc 4, 35 - 41
Rev Raniero Cantalamessa

Bài giải thích của Cha Capuchin Raniero Cantalamessa, cha giảng Phủ giáo hoàng, về những bài đọc phụng vụ Chúa nhật này với đề tài: "Chợt có Một Cơn Bão Lớn"

Bài Tin Mừng Chúa nhật này là sự làm yên lặng sóng gió.
Trong buổi chiều, sau một ngày làm việc cực nhọc, Chúa Giêsu xuống một chiếc thuyền và bảo các tông đồ chèo qua bờ bên kia. Vì mệt nhọc, Chúa nằm ngủ ở đàng lái.

Lúc đó, một trận bảo lớn nổi lên dọa phá hủy chiếc thuyền

Hoảng sợ, các tông đồ đánh thức Chúa Giêsu dậy, thưa với Người: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Sau khi thức dậy, Chúa Giêsu truyền cho biển yên lặng: “Hãy im đi! Hãy lặng đi!” Tức thì gió ngừng và biển lặng như tờ. Rồi Chúa nói với các ông: “Tại sao anh em sợ hãi thế ? Anh em không có đức tin sao?”

Chúng ta cố gắng tìm hiểu sứ điệp gởi đến chúng ta hôm nay trong trang Tin Mừng này.

Sự vượt Biển Galilée chỉ cuộc hành trình sự sống. Biển là gia đình tôi, cộng đồng tôi, chính cõi lòng tôi. Trong những biển nhỏ, như chúng ta biết, những trận bảo lớn và thình lình có thể được tháo xích

Ai không biết một số những trận bảo này, khi tất cả ra tối tăm và con thuyền nhỏ sự sống chúng ta bắt đầu đầy nước tứ phía, đang khi Chúa xem ra vắng mặt hay ngủ thiếp. Một sự chẩn đoán báo động của bác sĩ, và hết sức thình lình chúng ta đang ở trên cao đỉnh cơn bảo.

Phải làm gì? Chúng ta có thể bám vào cái gì và chúng ta phải thả neo phía nào? Chúa Giêsu không cho chúng ta phương pháp ma thuật để trốn thoát mọi cơn bảo. Người không hứa với chúng ta là chúng ta sẽ tránh khỏi mọi sự khó khăn. Tuy nhiên, Người đã hứa ban cho chúng ta sức mạnh để vượt thắng chúng nếu chúng ta xin Chúa cho phép như vậy.

Thánh Phaolo nói với chúng ta về một vấn đề nghiêm chỉnh ngài phải đối mặt trong cuộc sống của ngài, mà ngài gọi là “một cái dầm trong thân xác tôi,” “Ba lần”—nghĩa là, vô số lần—ngài nói ngài xin Chúa giải thoát ngài khỏi nỗi khổ này, và Chúa đã trả lời ngài ra sao?

Chúng ta hãy đọc chung câu này: “Ơn của Thầy đã đủ cho coni, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”

Từ ngày đó, ngài nói với chúng ta, ngài rất tự hào vì những yếu đuối, nhửng cơn bắt bớ và những nổi âu lo của mình, đến độ có thể nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Co 12:7-10).

Sự tin tưởng vào Chúa: Đó là sứ điệp của Tin Mừng. Trong ngày đó điều đã cứu sống các môn đệ khỏi đắm thuyền là hành vi rước Chúa Giêsu trong thuyền, trước khi khởi sự vượt biển.

Đối với chúng ta đó cũng là sự bảo đảm tốt nhất chống lại những cơn bảo sự sống: đưa Chúa Giêsu đi với chúng ta. Những phương tiện rước Chúa Giêsu xuống thuyền của sự sống chúng ta và của gia đình chúng ta là đức tin, sự cầu nguyện và sự tuân giữ các điều răn.

Khi một cơn bảo tung hoành trong biển, ít nhất trong quá khứ, những người thủy thủ có thói quen đổ dầu trên sống để làm yên lặng chúng. Trong những đợt sóng sợ hải và âu lo chúng ta phải đổ sự tin tưởng vào Chúa.

Thánh Pherô khuyên những Kitô hữu đầu tiên tin tưởng vào Chúa trong những cơn bắt bớ, ngài nói: “Mọi âu lo hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pt 5:7). Sự thiếu đức tin của các môn đệ mà Chúa Giêsu quở trách trong dịp này là do sự kiện các ông nghi ngờ Người “quan tâm” về mạng sống và sự an toàn của các ông: “ Thưa thầy chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?”

Thiên Chúa chăm sóc đến chúng ta, người quan tâm về mạng sống chúng ta! Một giai thoại thường được trưng dẫn nói về một người có một giấc mơ. Ông thấy hai cặp dấu chân in trong cát sa mạc và ông hiểu một cặp vết chân là của mình và cặp kia là của Chúa Giêsu, Đấng đi bên mình.

Tới một lúc, một cặp vết chân biến mất, và ông ấy hiểu rằng sự đó đã xảy ra đúng lúc cuộc sống của ông gặp khó khăn.

Lúc đó ông phàn nàn với Chúa kitô, đã để ông một mình trong lúc thử thách. “Nhưng, Ta đã ở với con!” Chúa Giêsu trả lời.

“Làm sao được việc Chúa ở với con, khi chỉ có một cặp vết chân trong cát?” người đó nói.

“Đó là những vết chân của Ta,” Chúa Gêsu trả lời. “Trong những lúc đó, Ta vác con trên vai Ta.”

Chúng ta hãy nhớ điều này khi chúng ta cảm thấy cơn cám dỗ phàn nàn với Chúa là Chúa bỏ chúng ta một mình.

TÍN THÁC VÀO CHÚA TRONG MỌI HOÀN CẢNH
Mc 4, 35 - 41
LM Trần Bình Trọng

Thường khi gặp nguy cơ quẫn bách, người ta trở nên khiếp đảm, sợ hãi. Ðó là phản ứng tự nhiên của loài người. Mỗi người biểu lộ mối lo sợ bằng những cách thế khác nhau tuỳ theo phái tính và gan dạ tính. Theo quan niệm chung, thì người ta cho rằng đàn bà khi gặp gian nguy, thường hay cuống cuồng, la hét ầm ĩ lên. Còn đàn ông thì tự kiềm chế hơn. Có người gặp đối tượng sợ hãi thì buông thả, phó mặc cho hoàn cảnh. Người khác tìm cách chạy trốn. Người gan lì thì ở lại đối phó với những khó khăn nguy hiểm. Ngoài những mối lo sợ có đối tượng rõ rệt, người ta còn có thể mang những tâm trạng sợ hãi, kéo dài lê thê suốt cả cuộc sống mà không có đối tượng.

Phúc âm hôm nay ghi lại khi các tông đồ gặp sóng gió bão táp ập vào thuyển đã trở nên thất đảm, kinh hồn bạt vía. Các ông liền đánh thức Ðức Giêsu dậy vì Người đang ngủ ở đàng lái, xin Người cứu giúp - một điều xem ra là cần thiết phải làm. Không biết Ðức Giêsu có ngủ thật, hay chỉ giả vờ ngủ để thử đức tin của các môn đệ, thì không được biết. Dầu sao đi nữa Người cũng trách móc các ông: Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có lòng tin sao? (Mc 4:40). Ðiều Ðức Giêsu muốn nói ở đây là các tông đồ phải có lòng tin vào Chúa một cách liên tục trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, chứ không phải chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp nguy cơ, gian khổ mà thôi.

Cũng như các tông đồ, ta cũng đã có thể gặp sóng gió bão táp ngoài biển khơi khi đi tầu du ngoạn hoặc đánh cá, hoặc khi đi vượt biển tìm tự do. Ta cũng có thể gặp sóng gió bão táp trong tâm hồn. Sóng gió bão táp trong tâm hồn có thể là những cơn cám dỗ nặng nề, những mối tình ngang trái, những dằn vặt trong tâm can, những nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Sóng gió bão táp trong tâm hồn có thể xẩy ra cho bất cứ ai: người lành cũng như người dữ, người có lòng tin tưởng cũng như người không tin.

Hôm nay mỗi người cần tự xét xem ta xử sự với Chúa thế nào? Có phải ta chỉ kêu cầu đến Chúa khi gặp gian nguy hoạn nạn như bị lênh đênh trên biển cả. Khi tới được miền đất tự do, ta lại quên Chúa. Ðã có bao giờ ta chỉ kêu cầu đến Chúa khi mang bệnh hoạn tật nguyền? Ðã có bao lần ta chỉ kêu xin Chúa nâng đỡ tinh thần khi bị thất tình, bị người yêu phản bội? Ðã có bao lần ta chi kêu xin Chúa giúp khi mất việc làm, khi công việc buôn bán bị thua lỗ? Nói tóm lại, ta chỉ kêu cầu đến Chúa để xin cho được một ân huệ nào đó như cho được thi đậu, cho có việc làm, cho được khỏi bệnh.. Khi được việc rồi, hay khi sự việc đã qua, ta lại đóng khung Chúa hay xếp Chúa vào hộp cất đi.

Thường người ta chỉ coi Chúa là người cuối cùng để kêu cầu khi gặp nguy hiểm thử thách. Ta đợi cho tới khi sóng gió nổi dậy, mới kêu xin với Chúa. Còn những lúc khác, ta lại quên Chúa. Ta muốn tự mình giải quyết những vấn đề thường ngày, mà không nghĩ đến Chúa, không xin Chúa giúp. Ta chỉ kêu cầu đến Chúa, khi đã dùng mọi phương thế đối phó mà vô hiệu, khi ta ở trong trạng huống vô phương cứu chữa. Trong tình thế vô phương cứu chữa như vậy, ta mới kêu cầu tới Chúa như là cơ hội cuối cùng, để xem may ra Chúa có giúp được gì không.

Ðức tin của ông Gióp trong bài sách Cựu ước hôm nay phải là gương mẫu cho ta noi theo. Ông Gióp là người giầu sang phú quí. Ông lại có lòng biết kính sợ Chúa, luôn tuân giữ giới răn Chúa. Khi gặp cảnh hoạn nạn, bị mất của cải vợ con, ông vẫn giữ một lòng trung kiên với Chúa. Ông coi khổ đau ở đời này là một mầu nhiệm mà trí óc loài người không thể thấu hiểu (G 38:8-11). Ðể có thể trung thành với Chúa trong thử thách lớn, ông Gióp đã phải trung thành với Chúa trong những thử thách nhỏ trong đời sống hằng ngày. Ðể có thể trung thành với Chúa trong thử thách lớn, các vị anh hùng tử đạo đã phải trung thành với Chúa trong những việc nhỏ bé hằng ngày, chứ không phải cứ khơi khơi mà dám xông ra pháp trường cho lí hình hành xử.

Mối liên hệ của ta với Chúa xét về phương diện thời gian và thường trực, giống như mối liên hệ mà vợ chồng hứa với nhau ngày lên xe hoa: Anh T. nhận em làm vợ (em T. nhận anh làm chồng) và hứa sẽ giữ lòng chung thuỷ với em (anh), khi thịnh vượng, cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời (Nghi thức hôn phối). Người tín hữu còn phải hứa với Chúa hơn thế nữa để đặt cậy trông phó thác vào Chúa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ, khi thành công cũng như lúc thất bại mọi ngày suốt đời như vậy.

Chúa muốn ta tìm đến Chúa, đặt tin tưởng, cậy trông phó thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chứ không phải chỉ khi gặp khó khăn trắc trở mà thôi. Và Chúa muốn ta đặt tin tưởng phó thác vào Chúa như trẻ thơ đặt tin tưởng phó thác vào cha mẹ chúng như vậy.

Lời cầu nguyện: xin cho được luôn tín thác vào Chúa trong mọi hoàn cảnh:

Lậy Chúa, trên biển đời đã có lần,
con cảm thấy lo âu khiếp sợ:
lo sợ cho bản thân, cho tương lai đen tối..
Trong khi đứng giữa ngã ba đường chông gai
không biết phải theo hướng nào,
xin Chúa sai sứ thần đến dẫn dắt con đi.
Khi bóng tối bao trùm đường lối,
xin Chúa chiếu soi ánh sáng dẫn bước cho con.
Nếu trên đường con gặp hoa thơm cỏ lạ và khí mát,
xin cũng đừng để con quên Chúa,
nhưng dậy con biết cảm tạ.
Xin Chúa là chúa tể của con
và là gia nghiệp đời con. Amen.

HÃY VỮNG TIN, THẦY ĐÂY!
Mc 4, 35 - 41
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Trong cuộc hành trình đức tin, người tín hữu quả thực gặp biết bao thử thách, gian nan, gặp biết bao nhiêu sự khó khăn cần phải vượt thắng. Tuy nhiên, với sức riêng của con người những điều ấy con người hầu như vô phương chiến thắng. Vũ trụ luôn có quy luật của nó: động đất, thiên tai, bão lụt. Khoa học tiến bộ cũng chỉ chế ngự được phần nào sức mạnh của thiên nhiên. Riêng mình Thiên Chúa có thể làm được tất cả mọi sự: Ngài khiến cho biển yên, gió lặng

Khi vượt biển, một trận cuồng phong, gió lớn bỗng chỗi dậy, Chúa Giêsu lúc đó đang nằm trên đầu mạn thuyền để ngủ. Các môn đệ kinh hoàng, lo âu sợ sệt vì họ tưởng chừng sẽ bị phong ba bão táp nuốt chửng mất. Các môn đệ bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên, họ liền đánh thức Chúa Giêsu để xin ngài giúp đỡ. “ Chúng con chết mất !“ “Mà Thầy không lo sao ? “. Quả thực, các môn đệ sợ sệt, bó tay trước sức mạnh kinh hồn của gió bão. Chúa vẫn bình tĩnh xem như không có gì xẩy ra, chỉ khi các môn đệ hốt hoảng đánh thức Ngài dậy, Chúa mới thức tỉnh và ra lệnh cho gió bão, biển khơi: ” Câm đi ! Im đi ! “.

Tin Mừng cho hay: ” Gió ngừng ngay và biển lặng liền “. Nỗi kinh hoàng của các môn đệ tan biến, nỗi sợ chết cũng cất cánh bay xa.Bởi vì, Chúa đã dùng uy quyền để khiến gió, bão, biển im lặng. Rồi, Chúa nói với các môn đệ: ” Sao nhát thế ? Anh em chưa có lòng tin sao ? “.

Sóng gió, cuồng phong, biển thật là hình bóng Chúa Giêsu tiên báo trước cho các môn đệ thấy những bất trắc, những bắt bớ, những bách hại mà các môn đệ sẽ gặp sau này trong cuộc đời, đặc biệt trong đời làm việc tông đồ.Đối với các môn đệ, con thuyền nhỏ bé bị gió to sóng lớn, bão tố đánh dữ tợn, con thuyền hầu như sắp chìm là hình ảnh Giáo Hội sẽ bị ma quỉ, sự dữ tấn công dữ dội, các môn đệ phải kiên gan, bền vững chống đỡ. Nhìn vào Giáo Hội, con thuyền mà Phêrô là đầu đã trải qua hơn hai ngàn năm bị biết bao cơn gió bão tấn công, nhưng Giáo Hội luôn đứng vững. Giáo Hội luôn vững vàng bởi vì Chúa luôn có mặt như khi xưa Chúa có mặt trên thuyền của các môn đệ lúc gió to, bão lớn. Có lúc, chúng ta cảm tưởng hầu như Ngài ngủ và có vẻ buông xuôi tay lái. Nhưng thực ra Ngài vẫn có đó và luôn biểu dương sự hiện diện đầy uy quyền của Ngài.

Đối với mỗi người cuộc đời thật giống như một biển cả đầy sóng gió nào là vật chất, nào là tinh thần. Con người sinh ra và lớn lên không phải ai cũng hoàn toàn xuôi chảy. Đời con người hết tai nạn này tới đau khổ khác. Có người có đủ kinh tế để sống nhưng có người rất chật vật mới có ăn, rồi bệnh này hết bệnh khác lòi ra. Bao nhiêu tiền cũng đổ vào bác sĩ và tiền thuốc. Ai cũng phải mệt nhọc, vất vả để kiếm sống, để chống chọi với bệnh tật. Lúc đó, con người sẽ tự hỏi Chúa đâu rồi ? Tại sao Chúa lại không giúp chúng ta ? Nhiều khi chúng ta cảm tưởng như Chúa làm thinh, ngủ yên. Bao nhiêu chuyện dồn dập xẩy ra trong cuộc đời nhiều khi yếu đức tin khiến chúng ta chán nản và buông xuôi thất vọng.

Trong cuộc hành trình đầy cam go ấy, chúng ta hãy bắt chước các môn đệ đến với Chúa, xin Chúa cứu giúp, đặc biệt xin Chúa ban thêm đức tin để chúng ta luôn tin rằng: ” Chúa ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” và “ Hỡi những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho “.

Cuộc đời con người, đặc biệt trong việc loan báo Tin Mừng, chúng ta sẽ gặp những phong ba bão táp, những nghi kỵ, thử thách, ghen tương, bắt bớ, như các môn đệ xưa, chúng ta hãy mau tìm gặp và ở với Chúa, xin Chúa trợ giúp và cứu chúng ta. Chắc chắn Chúa sẽ truyền lệnh để sóng gió cuộc đời của chúng ta im lặng. Chúng ta hãy chạy tới với Đức Mẹ, xin Mẹ an ủi, nâng đỡ và đưa chúng ta tới gặp Chúa.Chúng ta hãy vững lòng tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa và lòng yêu thương của Mẹ Maria.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn bám chặt vào Chúa và cậy trông vào lòng từ mẫu của Mẹ Maria. Amen.

BIỂN ĐỜI – BIỂN KHƠI
Mc 4, 35 - 41
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Cuộc ra khơi nào cũng chứa đựng những bất trắc, những hiểm nguy. Dòng đời nào cũng có biết bao cạm bẫy giăng ngang. Biển khơi luôn làm cho con người sợ hãi. Dòng đời luôn làm cho con người lo âu. Con người luôn cảm thấy mình quá nhỏ bé trước biển khơi và biển đời. Biển đời và biển khơi mãi mãi làm cho con người cảm thất bất lực. Sóng gió vẫn thét gào. Sự dữ vẫn tung hoành. Con người luôn phải đối phó trước những tình huống rủi ro có thể xảy đến.

Thời gian qua báo chí nói nhiều về những nguy hiểm của các ngư dân Việt Nam đánh cá xa bờ. Lênh đênh trên biển. Không được bảo vệ. Một mình đối phó với biết bao hiểm nguy do thiên nhiên đưa đến, và ghê sợ hơn là do chính con người gây ra. Sự táo bạo của bọn cướp biển. Sự tranh giành phần biển đánh cá của các nước lân bang. Nhiều ngư dân cảm thấy sợ hãi khi phải rời bến xa bờ. Họ cảm thấy bất lực trước gian nguy trước mặt. Họ không dám mạo hiểm đánh đổi tính mạng mình để đổi lấy một vài con cá. Họ đành rút lui. Họ sợ không thể đương đầu với bao sóng gió nghi nan. Kẻ bán thuyền. Người để thuyền nằm bờ chờ đợi thời cơ. Có mấy ai đủ can đảm ra khơi lúc này? Họ biết rằng ở nhà thì đói. Nhưng ra đi càng thêm nợ nần, có khi còn mất cả tính mạng!

Năm xưa các tông đồ đã từng hoảng loạn, sợ hãi trước sức mạnh của thiên nhiên, của giông bão. Giông bão như muốn nhấn chìm tất cả: con người và tài sản. Con thuyền của họ thật mong manh! Họ đâu nghĩ rằng đêm nay biển dậy sóng trào. Họ đâu lường hết được những rủi ro có thể đến với họ đêm nay. Họ phải đối đầu với nguy nan, với bất trắc, với rủi ro. Một chiếc thuyền nan mong manh trên biển cả biết bám víu vào đâu? Làm sao họ có thể vào bờ an toàn trước gió biển và cuồng phong lồng lộng. Họ bất lực. Họ muốn buông xuôi cho dòng đời xô đẩy. Nhưng may thay, họ đã nhớ đến Thầy. Thầy vẫn hiện diện bên họ. Có Thầy hiện diện tại sao không cầu cứu? Thầy có thể làm cho kẻ chết sống lại. Thầy có thể đẩy lùi sự dữ. Thầy có thể làm mọi sự. Tại sao không chạy đến cùng Thầy? Dầu sao Thầy cũng là một cái phao duy nhất để các ông bám víu trong lúc nguy nan của dòng đời.

Các ông đã chạy đến kêu cầu Thầy: “Thầy ơi, chúng con chết mất!”. Đó là tiếng kêu từ thẳm sâu tâm hồn cần đến sự trợ giúp từ Thầy Chí Thánh. Đó là tiếng cầu cứu nói lên sự bất lực của con người trước sóng gió ba đào.

Đó cũng là tiếng kêu cứu của con người hôm nay khi đứng trước biết bao nghịch cảnh xảy đến trong đời. Biển đời vẫn đưa đẩy những sóng gió nghi nan, những bất trắc đau thương. Thiên tai vẫn ập xuống địa cầu. Sự dữ vẫn đang tung hoành. Có nhiều người như muốn thất vọng buông xuôi vì không tìm được lối thoát. Có nhiều người oán trời oán đất vì quá sức chịu đựng. Có nhiều người ôm phiền muộn trong đau thương một mình vì chẳng tìm được sự an ủi, cảm thông và tin tưởng nơi tha nhân. Dòng đời vẫn còn đó tiếng kêu van tha thiết dâng lên Đấng tối cao. “Xin cứu chữa chúng con, Chúa ơi!”.

Vâng, cuộc đời vẫn còn đó biết bao sóng gió nổi trôi. Cuộc đời tựa như chiếc thuyền nan chòng chành trước bao cám dỗ mời mọc, bao sự dữ bủa vây. Chúa vẫn mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa. Hãy kêu cầu Chúa. Hãy đưa tay để Chúa dìu chúng ta đi qua những thăng trầm của dòng đời. Dòng đời đâu mấy khi bình yên. Con người mãi chơi vơi trong bể khổ trần gian. Nhưng có Chúa vẫn đang đi trong cuộc đời chúng ta. Hãy tin tưởng phó thác vào Chúa. Hãy tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa, Ngài sẽ luôn làm những điều tốt đẹp nhất cho con cái của Ngài.

Nguyện xin Chúa Giê-su là Đấng luôn hiện diện bên cạnh các tông đồ và bên cuộc đời chúng ta, xin thương đến những cảnh đời đầy khó khăn thử thách của kiếp người chúng ta. Amen

SÓNG GIÓ TRONG ĐỜI SỐNG
Mc 4, 35 - 41
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Sóng to gió lớn trên biển cả là thử thách lớn lao đối với tầu, thuyền. Trên đại dương, ngoài biển khơi, tầu thuyền sẽ nhẹ nhàng lướt sóng nếu không gặp phong ba bão táp.Tuy nhiên, nếu gió to, sóng lớn nổi dậy, nguy cơ của những tầu bè không đủ tiêu chuẩn dễ sa vào nguy khốn. Cuộc đời con người ai cũng muốn không có những cơn giông tố xẩy ra, nhưng có giông tố mới giúp chúng ta nhận ra chính mình. Do đó, chúng ta những người có đức tin phải chạy đến với Chúa Giêsu và xin Ngài trợ giúp.

Đọc Tin Mừng của thánh Marcô hôm nay, chúng ta nhận thấy việc Chúa Giêsu và các môn đệ sang bên kia biển hồ không phải chỉ là một cuộc di chuyển nơi này qua nơi khác, vùng đất này qua vùng đất khác, cũng như sóng gió, bão táp không chỉ là những hiện tượng khí tượng thuần túy, nhưng nó còn mang một ý nghĩa siêu việt, linh thánh. Sự kiện Chúa Giêsu và các môn đệ rời bỏ vùng Israen để đi về phái dân ngoại, nói lên ý nghĩa truyền giáo. Chúa Giêsu và các môn đệ không chỉ ở một nơi nhưng Ngài và các môn đệ hướng về dân ngoại bởi ơn cứu độ không dành riêng cho một dân tộc, một nước hay một nhóm cá nhân nào, ơn cứu độ thuộc về mọi người. Sóng gió, cuồng phong nói lên sức mạnh kinh khủng của sự dữ, của ma quỷ nổi lên chống lại Chúa và các môn đệ của Chúa Giêsu.

Tin Mừng Mc 4, 37 – 38 viết: ” Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giêsu đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ “. Chúng ta đọc được những lời thật lo âu của các môn đệ: ” Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi “. Các môn đệ quả thực sợ hãi, họ sợ chết, mà sợ Thầy cũng chết nữa ! Cái chết thể xác không thể cưỡng lại nổi, nếu gió to sóng lớn đánh tan tành thuyền. Rồi các môn đệ than như một lời trách móc cay đắng “ Mà Thầy không lo sao ? “. Các môn đệ cứ tưởng Chúa yên tâm để ngủ khi sóng gió bập bùng nổi lên ! Chúa biết nhưng chưa tới giờ Ngài thực hiện. Chúa ngủ khiến chúng ta liên tưởng tới cái chết tự nguyện theo ý Thiên Chúa Cha trên Thập giá. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá xem ra là thất bại trước mặt con người, các quyền lực sự dữ, ma quỷ, tưởng như đã thành công vì chúng coi như đã tiêu diệt được đối thủ số một của chúng, nhưng chúng đã lầm to, Chúa đã sống lại khải hoàn, sự phục sinh của Ngài biểu trưng sự chiến thắng vinh quang trên mọi quyền lực của ma quỷ, và mọi thế lực chống đối Ngài.

Chúa Giêsu đã thức dậy, đã can thiệp đúng lúc và truyền cho gió bão: ” Im đi ! Câm đi “ ( Mc 4, 39 ). Tức thì, gió bão im lặng. Các môn đệ cảm thấy nhẹ nhõm vì không còn hoang mang, sợ sệt, lo lắng. Biển lặng tượng trưng cho lòng con người được an bình, được yên lặng. Sự an bình thực cao quí vì thiếu sự bình an, lòng chúng ta sẽ xôn xao, hoang mang và sợ sệt. Tâm hồn con người có lòng tin sẽ vững luôn gió có gặp sóng gió, bão táp cuộc đời. Chính tin và phó thác vào Chúa sẽ giúp chúng ta bình tĩnh giữa phong ba bão táp cuộc đời.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “ Sao nhát thế ? “. Chúa đang có đó trên thuyền cùng với các môn đệ. Vậy, tại sao các môn đệ lại sợ sệt, nhát đảm, sợ chết !

Chắc chắn các môn đệ hoang mang bởi vì các ngài chưa vững tin hay chưa tin tưởng thật sự vào Chúa ! Do đó, Chúa khiển trách các môn đệ: ” Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin ? “ ( Mc 4, 40 ). Các môn đệ sau biến cố biển động, bão táp, đã nhận ra Chúa.

Cuộc hành trình lữ thứ của Hội Thánh và của mỗi Kitô hữu được ví như một cuộc ra khơi. Chúa luôn hiện diện, Chúa luôn can thiệp dù rằng có những lúc Giáo Hội và chúng ta tưởng chừng Chúa ngủ quên giữa lúc chúng ta đang gặp phong ba bão táp. Điều quan trọng là chúng ta có biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp chúng ta vượt qua những cơn phong ba bão táp cuộc đời hay không ?

Chúng ta mượn lời của một nhà bác học để kết thúc bài suy niệm này: ” Ôi ân sủng diệu kỳ, âm thanh ngọt ngào biết bao ! Đã cứu kẻ đọa đầy là con đây ! Con như bị lạc mất, giờ được nhìn thấy. Đã mù lòa giờ thấy được ánh dương…Con đã trải qua bao gian khổ, nhọc nhằn, chông gai cạm bẫy. Ơn sủng Ngài đã gìn giữ con an toàn đến ngày hôm nay. Ân sủng Ngài cũng sẽ dẫn con về tới quê nhà “.

CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚNG TA
Mc 4, 35 - 41
Lm. Antony Trung Thành

Sau khi kết thúc những loạt bài giảng về các dụ ngôn, Chúa Giêsu cùng với các tông đồ rời bỏ ven biển hồ Galilê lên thuyền đi sang “bờ bên kia”. “Bờ bên kia” chính là thành Gêrasa. Đây là vùng có đông dân cư là người ngoại. Trong khi thuyền đang lướt sóng, thì bổng chốc “một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước”. Thấy cảnh tượng đó, Thánh Phêrô sợ hãi, đánh thức Chúa dậy : "Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ". Chúa Giêsu chổi dậy, chỉ phán một lời “Im đi, câm đi”. Gió liền tắt, biển lặng như tờ.

Phép lạ này cho chúng ta thấy quyền phép của Chúa Giêsu. Ngài chính là Thiên Chúa. Vì chỉ có Thiên Chúa mới truyền cho gió yên, biển lặng. Con người bình thường không thể làm được điều đó. Phép lạ này cũng kêu mời chúng ta tin tưởng phó thác vào Chúa, nhất là khi gặp thử thách gian nan.

Tại sao Chúa trách các tông đồ chưa có lòng tin? Theo tin mừng Marcô, trước biến cố này, các tông đồ đã từng chứng kiến nhiều phép lạ Chúa Giêsu làm. Phép lạ Chúa Giêsu chữa lành một người bị quỷ ám (Mc 1,21-28). Phép lạ Chúa Giêsu chữa nhạc mẫu ông Simon(Mc 1,29-31). Phép lạ Chúa Giêsu còn chữa cho nhiều người (Mc 1,32-34). Phép lạ Chúa Giêsu chữa người bị phong hủi (Mc 1,41-45). Phép lạ Chúa Giêsu chữa người bị bại liệt (Mc 2,1-12). Phép lạ Chúa Giêsu chữa người bị bại tay (Mc 3,1-6). Chứng kiến nhiều phép lạ như thế, đáng lẽ các tông đồ phải tin tưởng vào Chúa. Các ông không lo sợ khi có Chúa ở cùng. Nhưng các ông vẫn lo sợ, chứng tỏ các ông chưa có lòng tin. Các ông vẫn chưa tin vào quyền năng của Chúa. Cho nên, Chúa trách các ông “chưa có lòng tin”. Dẫu sao, sau khi phép lạ xảy ra, các ông xác tín hơn niềm tin của mình vào Chúa Giêsu. Bằng chứng là các ông hỏi nhau : "Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?". Hỏi tức là trả lời. Chỉ có Chúa là Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó.

Qua đó cho chúng ta thấy, tuyên xưng đức tin khi bình an, sau khi chứng kiến phép lạ thì rất dễ. Nhưng tuyên xưng đức tin trong đau khổ, trong khi gặp hoạn nạn rủi ro thì không dễ chút nào.

Hội Thánh như con thuyền vượt biển thế gian, luôn gặp sóng to gió lớn là sức chống phá của ma quỷ và tay sai của chúng. Nhìn lại lịch sử Giáo hội chúng ta thấy rõ điều đó. Sự bách hại Giáo hội thời sơ khai. Sự bách hại Giáo hội khắp mọi nơi qua mọi thời đại. Sự bách hại Giáo hội Việt Nam trong thời kỳ đầu. Tuy vậy, Giáo Hội luôn đứng vững và phát triển. Bởi vì, Giáo Hội là của Chúa. Chúa luôn can thiệp và đồng hành với Giáo Hội.

Gia đình, bản thân mỗi kitô hữu chúng ta cũng giống như con thuyền vượt biển thế gian. Có những lúc bình an. Có những lúc gặp sóng to gió lớn. Thử thách về đức tin. Thử thách về đời sống gia đình. Chúng ta có vượt qua được “những cơn cuồng phong” hay không là tuỳ thuộc vào chúng ta. Nghĩa là, trong thử thách, đau khổ, hoạn nạn rủi ro, chúng ta có cầu xin Chúa cứu giúp chúng ta không? Chúng ta có tin tưởng vào quyền năng của Chúa không? Nếu chúng ta chỉ dựa vào sức riêng của mình, hay dựa vào một thế lực khác ngoài Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ thất bại. Còn nếu chúng ta biết cậy dựa vào Chúa, tin tưởng phó thác vào Chúa chúng ta sẽ được Chúa cứu giúp. Mặc dầu có những lúc chúng ta cảm thấy như Chúa đang ngủ.

Có một người nọ ví cuộc đời của mình như một người lữ hành đang đi trên một bãi biển đầy cát. Khi nhìn lại cuộc hành trình, anh nhận ra hai điều kỳ lạ.

- Khi anh thành công, hạnh phúc, vui sướng… anh thấy có bốn dấu chân trên cát. Đó là hai dấu chân của anh và hai dấu chân của Chúa. Thiên Chúa đồng hành để chia sẻ niềm vui với anh.

- Khi anh thất bại, đau khổ, buồn sầu…anh chỉ thấy có hai dấu chân trên cát. Và anh nghĩ đó là hai dấu chân của mình. Thiên Chúa đã bỏ rơi khi anh thất bại. Thiên Chúa đã vắng bóng khi anh đau khổ.

Sau đó, anh thắc mắc với Chúa: “Khi con thành công, hạnh phúc…Chúa lại đồng hành với con, đi với con…Nhưng khi con thất bại, đau khổ…những lúc con cần Chúa nhất thì Chúa lại bỏ rơi con. Tại sao Chúa lại đối xử với con như thế?”. Chúa Giêsu trả lời: “Khi con vui thì Ta đi bên cạnh con, đi với con, song hành cùng con. Còn khi con buồn, đau khổ, thất vọng thì Ta lại vác con trên vai của Ta. Cho nên dấu chân trên cát là của Ta chứ không phải của con”.

Ngày kia, sau khi đã thoát khỏi sự cám dỗ nặng nề Thánh nữ Cartarina Sienna đã hỏi Chúa:

- Lạy Chúa, Chúa ở đâu khi con phải chiến đấu. Chúa Giêsu đã trả lời:

- Ta ở bên cạnh con để giúp đỡ con.

Lạy Chúa, Chúa luôn ở bên cạnh chúng con, đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường trần thế. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng con. Chúa luôn cứu giúp chúng con trong cơn gian nan khốn khó. Chúng con hết lòng cám ơn Chúa. Xin cho chúng con hằng tin cậy phó thác vào quyền năng vô cùng của Chúa. Amen.

BÃO TÁP CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI
Mc 4, 35 - 41
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Đời người là một cuộc hành trình lâu dài và khó khăn, bởi vì cuộc đời con người không phải lúc nào cũng xuôi chảy,có lúc giống như mặt nước êm ả, chảy trôi nhưng có lúc không thiếu giông ba bão táp…Với ngòi bút thật linh động của thánh Marcô, thánh sử mô tả một cơn bão tố trên biển hồ Tibêriat hay gió mênh mông, thổi mạnh vào những buổi chiều trong thung lũng sông Giorđăn. Dân chúng đi theo Chúa, nghe Chúa giảng dạy và khi họ được Chúa làm phép lạ nuôi họ, Ngài giải tán dân chúng và ra lệnh cho các môn đệ qua bờ bên kia để nghỉ ngơi một chút…

Chúa lên thuyền bởi vì mệt mỏi sau một ngày giảng dạy không ngơi nghỉ, Ngài xuống cuối mạn thuyền và nằm ngủ. Các môn đệ vẫn cần mẫn chèo thuyền để qua phía kia biển hồ…Các môn đệ đâu có tưởng được bỗng dưng gió thổi mạnh, sóng dâng cao…nước vào đầy thuyền,các môn đệ vẫn tay chèo, tay tát nước. Thế mà, Chúa vẫn ngủ say như không hề để ý gì đến cơn lốc, cơn bão táp. Thực tế, Chúa Giêsu muốn đưa các môn đệ của Người đi trên biển hồ mênh mông, giữa bão táp, sóng to, gió lớn, là để cho các môn đệ thấy trước những bão tố trong cuộc đời sau này sẽ xẩy đến cho các môn đệ là những thử thách, gian nan như bắt bớ, bách hại, tù đầy, hy sinh cả mạng sống mà các môn đệ sẽ gặp phải trên đường loan báo Tin Mừng. Các môn đệ sẽ phải đối diện với nhiều thử thách trên đường truyền giáo. Họ sẽ lèo lái con thuyền Giáo Hội và Giáo Hội sẽ gặp nhiều thử thách, các môn đệ và các tông đồ phải kiên trì, can đảm, mạnh mẽ chống đỡ.Cái trớ trêu là khi Chúa Giêsu đang có mặt, các môn đệ vẫn lo âu, sợ sệt, phải chăng các ngài chưa tin tưởng vào Chúa ? Chúa Giêsu nói tại sao các con sợ sệt ? Sợ sệt đang lúc Chúa đang có mặt chung trong con thuyền ? Sợ như thế thật vô lý ! Chúa muốn, Chúa đòi hỏi các môn đệ không được sợ, không được khiếp đảm! Chúa Giêsu đã làm biết bao phép lạ trước mặt các môn đệ ! Tại sao các môn đệ lại cuống cuồng lên như thế ? Nếu các ngài có lòng tin, chắc chắn các ngài không sợ sệt như thế ! Các môn đệ chỉ hoàn hồn khi Chúa truyền cho biển im, gió lặng…Đức tin chỉ hình thành khi con người phó thác và hiểu quyền năng của Chúa Giêsu.

Vâng, phép lạ Chúa Giêsu làm cho sóng to, gió lớn, biển động im lặng giúp chúng ta hiểu được rắng Giáo Hội trải qua thời gian trong lịch sử, đã gặp biết bao thử thách, đã gặp biết bao sóng to, gió lớn. Tuy nhiên, con thuyền Giáo Hội, cầm đầu là các Đức Giáo Hoàng, đứng đầu là Phêrô, đã vượt qua
Đối với chúng ta, cuộc đời mỗi người là một cuộc hành trình đầy sóng gió, có lúc đức tin chúng ta vững, nhưng cũng cói lúc đức tin chúng ta yếu, không vững vàng. Có lúc chúng ta như thấy Chúa đang hiện diện với ta, nhưng cũng có lúc xem ra chúng ta không còn thấy Chúa nữa. Những lúc đó đức tin của chúng ta thực yếu, thực mệt mỏi, chúng ta như muốn buông xuôi tất cả. Trong những lúc như thế, chúng ta phải bắt chước các môn đệ, đến với Chúa Giêsu, xin Ngài cứu giúp vì Ngài đã hứa :” Ở với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế “.

Xin mượn lời Cha Christophe Husson,A.a. để kết luận bài chia sẻ này :” …Con thuyền cũng là Giáo Hội của chúng ta, mà chúng ta là thành phần liên đới.Thuyền lướt êm trên biển lặng và thuyền quay cuồng muốn lật úp dưới sóng gió hung tàn. Chúng ta đều thấy rõ, dù là tín hữu, cuộc đời không nhân nhượng với chúng ta, nhưng giữa những thử thách của niềm tin, chúng ta phải giữ vững mũi tàu trong niềm hy vọng, chỉ đơn giản vì Thiên Chúa đang nắm giữ mũi tàu của chúng ta :” Tại sao các con lại sợ ? “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con vững mạnh, can đảm lướt thắng những thử thách, khó khăn vì tin rằng Chúa đang hiện diện với chúng con. Amen.

Nguồn vietcatholic.org

1121    18-06-2015 06:33:04