Sidebar

Thứ Năm
02.05.2024

Chúa Nhật VI Phục Sinh A_5

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH
Ga 14:15-21

Chúa nhật cuối của Mùa phục sinh chuẩn bị cho Lễ Hiện Xuống. Phụng vụ trình bày Đức Giêsu hứa ban Thánh Thần, Đấng đã làm cho Ngài sống lại, Đấng mà Các Tông Đồ, nhân danh Đức Giêsu thông ban cho những người Samaria khi lãnh nhận phép rửa.”Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”, Đức Giêsu hứa như thế trong bài tin Mừng. Trong thư thứ nhất, Thánh Phêrô nói: “Đức Kitô đã chết một lần vì tội lỗi…nhưng nhờ Thần Khí Người đã được phục sinh” (Bài đọc 2). Và Thánh Luca trong bài sách công vụ tông đồ, thuật lại việc Phêrô và Gioan “cầu nguyện cho những người dân Samaria để họ nhận được Thánh Thần” (bài đọc 1).

Trong lịch sử cứu độ, có sự diễn tiến hài hòa các biến cố biểu hiện tác động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, nhằm cứu độ con người. Chúa Cha là nguồn mạch mọi chương trình cứu độ. Vì tình yêu đối với nhân loại, Ngài đã sai Con của Ngài đến để cứu độ con người và phục hồi lại địa vị làm con. Một khi Chúa Con hoàn tất sứ mạng của Ngài trên trần gian, Thánh Thần được gởi đến để đồng hành với con người trong cuộc lữ hành trần gian tiến về Chúa Cha. Phụng vụ hôm nay trình bày Đức Giêsu hứa với các môn đệ rằng Ngài sẽ gởi Thánh Thần đến, để Ngài ở với họ luôn mãi. Vì sao Đức Giêsu Kitô hứa với họ như thế? Để các ông không cảm thấy mồ côi, vì Đức Giêsu sắp phải chết và trở về nhà Chúa Cha. Đức Giêsu bảo họ: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy sẽ đến cùng anh em” (tin Mừng) không phải bằng chính con người của Ngài, nhưng nhờ Thánh Thần. Thánh Thần mà Đức Giêsu hứa, trước tiên là Đấng Bảo Trợ, nghĩa là Đấng an ủi, trạng sư, đấng ban sự sống, Đấng sáng soi. Các môn đệ và các kitô hữu tiên khởi đã có kinh nghiệm đặc biệt về sự hiện diện quyền năng và soi sáng của Thánh Thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Ngài cũng là Thần chân lý, mạc khải Thiên Chúa cho con nguời, nhờ Ngài Thiên Chúa soi sáng cho mọi người biết được ý nghĩa đích thực của đời mình và lý do hiện hữu của mình. Chân lý này được các môn đệ chấp nhận, công bố và tuyên xưng, bảo vệ chống lại sự dối trá của thế gian. Hơn nữa, Ngài còn là Thần Khí ban sự sống, Đấng đã phục sinh Đức Giêsu (bài đọc 2) và soi sáng trí lòng các kitô hữu tin nhận Tin Mừng, như trường hợp các người dân Samaria (Bài đọc 2). Thần Khí sự sống của Thiên Chúa là chính sự sống, mà Ong Môsê đã thấy nơi bụi gai bốc cháy nơi chân núi Sinai, vẫn tiếp tục bùng cháy lên không bao giờ tàn lụi. Sau cùng, Thánh Thần là Đấng thúc đẩy việc rao giảng tin Mừng, cả cho người do thái lẫn dân Samaria, dân ngoại. Vì thế, các nhà chú giải sách Công Vụ nói đến ba lễ Hiện Xuống, hiện xuống của người do thái tại Giêrusalem (Cv 2) hiện xuống của người dân Samaria (Cv 8) và hiện xuống của dân ngoại (Cv 10). Cùng với việc nhận lãnh Thánh Thần, việc rao giảng Tin Mừng thu lượm nhiều kết quả và càng ngày càng có nhiều người tin vào Đức Kitô. Bằng cách này, Thần Khí đã làm những lời của Đức Giêsu trở thành hiện thực: “Ai yêu mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình cho người ấy”.

Những ai sống thánh đều hiểu và kinh nghiệm rằng Thiên Chúa luôn thực thi lời Ngài hứa. Đối với các kitô hữu tiên khởi, đây là một sự thật không thể chối cãi được. Tuy nhiên lời hứa của Thiên Chúa vẫn còn tiếp tục được thực hiện giữa nhân loại ngay cả hôm nay. Dĩ nhiên, ta cần phải ý thức rằng Thiên Chúa không hứa ban thứ hạnh phúc như kiểu trần gian.

Ngài không hứa một “Giáo Hội” không có vấn đề hoặc không có những bất đồng, không có những anh chị em sai lỗi, luôn tử tế và nhã nhặn. Ngài không hứa giải thoát chúng ta khỏi mọi vu khống, bách hại, thờ ơ, khỏi cách cư xử xấu và ngay cả tử đạo. Ngài chỉ hứa ban Thánh Thần, Thần Khí của Ngài để cho ta có thể hạnh phúc một cách mới mẻ, khác với tâm thức của người trần gian.

Ngài ban cho ta một cái nhìn mới về thế giới và về Giáo Hội với lòng tin, lạc quan, bình an và lòng mến. Ngài ban cho ta một trái tim quảng đại để rộng mở đón nhận các anh chị em trong lòng tin cùng với những nỗi yếu đuối khổ đau của họ, cùng với những phẩm tính và nhân đức của họ, cùng với lòng tin chân thực, lòng cậy trông và lòng mến của họ. Ngài ban cho ta ơn tìm kiếm tự do đích thực, tự do nội tâm và từ đó có thể giúp giải thoát mọi người khác khỏi thế lực xấu của thế gian.

Bởi vì Thiên Chúa luôn thực hiện lời Ngài hứa, cộng đoàn chúng ta phải hân hoan và kiên vững trong lòng tin. Thay vì muốn nhắm mắt trước những sự dữ đang xảy ra, lời Chúa hứa luôn tiếp tục được hiện thực giữa cộng đoàn chúng ta. Nếu ta không nhận ra, có lẽ vì đức tin ta còn yếu kém hoặc có khi bệnh hoạn chăng?

Trái lại, khi lưu tâm đến những nghi hoặc những rắc rối của các kitô hữu trong việc hiểu và sống đức tin của họ, sự hiện diện của Thần Chân lý sẽ làm cộng đoàn kitô hữu vững mạnh và xây dựng một lòng tin mạnh mẽ. Niềm tin của ta không cậy dựa nơi loài người, cho dù có tương đắc đi chăng nữa, cũng không cậy dựa nơi các thiên sứ, nhưng chỉ cậy dựa vào Thần Khí Chúa, Thần Chân Lý, Đấng là Thầy dạy tâm hồn, chứng thực mạc khải của Thiên Chúa và thúc đẩy sự đáp trả lòng tin của con người.

Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê

YÊU CHÚA, HÃY TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Ga 14, 15-21

Hình ảnh của người con khi phải đi xa nhà, vắng cha mẹ lâu ngày hay người chồng người vợ ngăn cách nhau thời gian lâu sẽ cho ta cảm tưởng có những sự lưu luyến,

bịn rịn và một trong những tâm tình đầu tiên là lời nhắn nhủcủa cha mẹ đối với con cái khi tiễn biệt xa cách: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, dặn dò, cố gắng học hành, cố gắng làm ăn để có một tương lai tốt đẹp, không làm hổ danh cha mẹ, không phụ công lao của cha mẹ vv…Còn đối với vợ, với chồng khi phải xa nhau, họ sẽ có những lời dặn dò đầy tâm huyết:" hãy trung thành và nhớ tới nhau "

Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi đi thật xa, về cùng Cha của Ngài, Ngài đã chuẩn bị tư thế, chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ. Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần, Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình, hết con tim của mình: "Các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con "( Ga 15, 12 ). Lời này Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ chung cho Giáo Hội của Ngài, một Hội Thánh mà Ngài là tảng đá mà người thợ xây loại bỏ, đã trở nên tảng đá góc tường, một Giáo Hội đã được xây dựng trên nền tảng là các tông đồ. Hôm nay, trước lúc về trời như lời tâm huyết sâu xa nhất, Chúa phục sinh đã hứa sẽ ban Thánh Thần, Đấng phù trợ đến để nâng đỡ các tông đồ, rồi Ngài khuyên các môn đệ phải có lòng tôn trọng yêu thương nhau và các môn đệ cũng phải có lòng yêu mến đối với Ngài:" Nếu Anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy " ( Ga 14, 15 ).

I.LỜI DI CHÚC CỦA CHÚA GIÊSU TRƯỚC KHI VỀ TRỜI:

Trước khi về trời, Chúa phục sinh không muốn để các môn đệ u buồn sầu não mãi mãi, Ngài muốn cho các môn đệ hiểu rõ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi các ông, Ngài trấn an, ủi an các ông:" Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy " ( Ga 14, 1 ). Chúa hứa với các ông:" Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi, Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho tới tận thế " ( Ga 14, 18 ).

Nhưng để mãi sống trong sự liên kết với Chúa như Chúa đang nói với các ông, chúa khuyên răn và nhắn nhủ các ông: " Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy " ( Ga 14, 21 ). Chúa Giêsu phục sinh đã liên kết với Cha của Ngài bằng một tình yêu sâu thẩm, vì yêu mến, kính trọng Cha, Chúa Giêsu đã luôn làm theo ý của Cha Ngài : " Lạy Cha nếu có thể được thì xin cất khỏi con chén này, nhưng đừng theo ý con mà theo ý của Cha ".

Vậy, yêu mến Chúa Giêsu, các môn đệ và mọi người phải tuân giữ mọi điều Chúa dặn, Chúa nhắn bảo cũng như Ngài đã tuân theo ý Cha Ngài thế nào, thì các môn đệ và nhân loại, Giáo Hội cũng phải tuân theo và thực hiện Lời của Chúa. Đức Giêsu đã yêu mến Cha Ngài đến nỗi Ngài đã thực hiện tuân giữ Lời Của Chúa Cha và chỉ làm mọi sự theo ý Cha để tất cả cho vinh danh của Cha. Chính vì lòng yêu mến tột bực của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha đã làm cho Ngài và Cha Ngài nên Một. " Ta và Cha Ta là một "( Ga 10, 30 ).

Như thế, lời truyền lệnh cho các môn đệ trước khi Chúa Giêsu về trời không chỉ làlời nói suông cho qua lệ, lời nói trên đầu môi chóp lưỡi mà chính là một lời tâm yết, một lời di chúc phải thực hiện để chứng tỏ lòng yêu mến, hiếu thảo và tôn

kính của môn đệ và mọi thế hệ kế thừa sau. Chúa Giêsu đã để lại gương tuyệt hảo cho các môn đệ và mọi thế hệ noi theo, đó là Ngài luôn làm mọi sự theo ý Cha và chỉ làm mọi việc theo ý Cha của Ngài vạch ra, hướng dẫn. Ta có thể nói mà không sợ quá lời là cuộc sống của Chúa Giêsu là cuộc sống của Cha, hành động, lời nói, cử chỉ, thái độ của Chúa Giêsu là của Cha.

II.HỘI THÁNH VÀ MỌI NGƯỜI MUÔN THẾ HỆ PHẢI NOI GƯƠNG BẮT CHƯỚC CHÚA :

Là môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta và Giáo Hội của Ngài không thể đi đường lối nào ngoài con đường mà Chúa Giêsu đã đi, đã chỉ dẫn và vạch cho con người bước theo : tuân giữ và thực thi Lời của Chúa. Có tuân giữ và thực thi Lời của Chúa, Giáo Hội và nhân loại mới sống trong tình liên đới yêu thương. Yêu thương mà Chúa Giêsu đã thực hiện và trối lại cho nhân loại là phục vụ và tự hiến. Phục vụ trong khiêm nhường, vô vị lợi và bao dung như gương Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ và yêu thương cho tới cùng :" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng

tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ).

Yêu thương của Chúa là " Lương thực của Ta là làm theo ý Đấng đã sai Ta " ( Ga 4, 32 ) hoặc như thánh Phaolô đã viết : " Này con xin đến, như trong cuốn sách đã viết về con, để thi hành ý Cha " ( Dt. 10, 4-7 ) và như thế, yêu thương tự hiến là " Người đã hạ mình xuống, vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá " ( Pl 2, 8 ). Chúa Giêsu đã sống, đã thực hiện tận cùng cuộc đời của mình bằng cái thật hoàn toàn tự hiến, tự nguyện và hoàn toàn theo ý của Cha.

Giáo Hội và muôn thế hệ sẽ sống thật với mình, sẽ nêu gương cho mọi người, khi biết giữ Lời Chúa và thực thi Lời Chúa trong cuộc sống. Thánh Phaolô nói :" Đức tin không có việc làm là đức tin chết ". Lời nói không đi đôi với hành động là lời nói suông, lời nói không có giá trị nào cả. Chúa Giêsu đã từng nói :" Không phải những ai kêu lạy Chúa,l ạy Chúa mà được cứu rỗi, mà chỉ những ai giữ Lời và tuân theo Lời Chúa…" hoặc những ai nói rằng mình yêu mến Chúa mà không yêu anh em mình là những người ở bên, ở trước mặt, ở sau mình là những kẻ nói dối ".

Lời trăn trối và lời hứa của Chúa sẽ muôn đời tồn tại:" …Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con, vì nếu Thầy không ra đi thì Đấng bầu chữa không đến với các con.

Còn nếu Thầy ra đi thì Thầy sẽ sai Người đến với các con " ( Ga 16, 6-7 ).

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con luôn biết noi gương bắt chước Chúa: tuân giữ và thực thi Lời Chúa để chúng con được sống trong tình yêu sung mãn của Chúa và Chúa Cha. Xin giúp chúng con luôn biết nói lời xin vâng làm theo ý Chúa

Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


CHÂN LÝ… Ở VỚI CÁC CON VÀ Ở TRONG CÁC CON

Bài Phúc Âm Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh hôm nay tiếp tục chủ đề "Thày là sự sống" như hai Chúa Nhật Phục Sinh IV và V trước đây, cũng như Chúa Nhật Phục Sinh VII tới đây. Nếu chủ đề "Thày là sự sống" của Chúa Nhật IV Phục Sinh liên quan đến tác giả sự sống là "chủ chiên", và của Chúa Nhật V Phục Sinh liên quan đến tác động sự sống là "tin", thì của Chúa Nhật VI tuần này liên quan đến tác nhân sự sống là Thánh Thần. Thật vậy, nếu "Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống", như Kinh Tin Kính tuyên xưng, thì quả thực, không có Ngài là "mạch nước vọt lên sự sống đời đời" (Jn 4:14; x 7:37-39), không ai có thể "được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn" (Jn 10:10). Mà "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô" (Jn 17:3), nên "Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống" tức Ngài là Đấng làm cho con người "tin vào Thiên Chúa và tin ở nơi Thày" (Jn 14:1), làm cho họ "tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày" (Jn 14:11).

Đó là lý do, trong bài Phúc Âm hôm nay, Lời Nhập Thể đã gọi Thánh Thần là "Thần Chân Lý", "Đấng thấu suốt mọi sự, kể cả thâm tâm Thiên Chúa" (1Cor 2:10). Như Ngài chỉ "là Đấng ban sự sống" chứ không phải là chính "sự sống" giống Lời Nhập Thể (Jn 14:6, 11:25; x 1Jn 5:11-12) thế nào, Ngài cũng không phải là "chân lý" như Lời Nhập Thể, "hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Heb 1:3), mà chỉ là "Thần Chân Lý", Vị Thần Linh của cả Cha lẫn Con, như Con Mắt Thần Linh nơi Nội Tâm Thiên Chúa, hay chính là Ý Thức Thần Linh nơi Thiên Chúa, khiến Cha biết Con và Con biết Cha. Tâm linh nơi con người "được dựng nên giống như và tương tự Thiên Chúa" (Gen 1:26) là ý thức của con người về bản thân mình thế nào, như Adong ý thức được bản thân mình nơi Evà (x Gen 2:23), thì Thần Linh hay Thánh Linh nơi Thiên Chúa cũng là chính Ý Thức Thiên Chúa biết mình như vậy.

Phải chăng Thần Linh hay Thánh Linh nơi Thiên Chúa cũng là chính Ý Thức Thiên Chúa biết mình như vậy mà Giáo Hội Chính Thống Đông Phương chỉ chấp nhận công thức Thánh Thần duy "bởi Cha mà ra"? Còn việc Giáo Hội Công Giáo Rôma lại thêm cả "bởi Con mà ra", cũng không phải là hoàn toàn vô lý, sai tín lý thần học, vì Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, khi "tỏ Cha ra" (Jn 1:18) không phải là Người đã cho thấy Ý Thức Thần Linh của Người về Cha hay sao? Bởi thế, công thức tuyên xưng Chúa Thánh Thần của Giáo Hội Công Giáo là "Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra" hoàn toàn đúng với mạc khải: "Không ai biết Con trừ ra Cha ("Người bởi Chúa Cha") và cũng không ai biết Cha trừ ra Con ("và Chúa Con mà ra")" (Lk 10:22): "Cha Tôi biết Tôi ("Người bởi Chúa Cha") và Tôi biết Cha Tôi ("và Chúa Con mà ra")" (Jn 10:15) là như thế. "Tất cả mọi sự Cha có đều là của Con" (Jn 16:15) ở đây chẳng những cho thấy Lời Nhập Thể "là hiện thân sống động của bản thể Cha" (Heb 1:3), mà còn cho thấy cả thực tại Cha và Con cũng chỉ có cùng một Ý Thức Thần Linh.

Thần Chân Lý từ Lời Nhập Thể

Chính vì Con có cùng một Ý Thức Thần Linh với Cha như thế mà khi "hóa thành nhục thể" (Jn 1:14), nhân tính của Lời Nhập Thể mới "đầy ân sủng và chân lý" (Jn 1:14), và Người mới chính là Đấng "rửa trong Thánh Linh" (Jn 1:33), tức là Đấng làm cho nhân loại nói chung và Nhiệm Thể Giáo Hội nói riêng không còn sống "trong tối tăm và bóng sự chết" (Lk 1:79), song "được ánh sáng sự sống" (Jn 8:12) là được có cùng một Ý Thức Thần Linh như Người và như Cha. Đó là ý nghĩa sâu xa của lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay: "Vào ngày ấy các con mới biết rằng Thày ở trong Cha Thày, các con ở trong Thày và Thày ở trong các con". Cũng bởi Ý Thức Thần Linh này, một Ý Thức cũng chính là Thực Tại Hiệp Thông Thần Linh nơi chính Nội Tâm Thiên Chúa, mà các môn đệ của Lời Nhập Thể mới có thể được ở trong một tình trạng liên lỉ Thần Hiệp, như Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay đã cho các vị biết ngay trước đó, là "Một ít lâu nữa thôi thế gian sẽ không còn thấy Thày đâu cả, nhưng các con lại thấy Thày như một Đấng có sự sống và các con cũng có sự sống".

Và Lời Nhập Thể đã thông ban Ý Thức Thần Linh của Người cho chung nhân loại nơi nhân tính của Người cũng như cho riêng Giáo Hội là Nhiệm Thể của Người thế nào, nếu không phải bằng Cuộc Tử Giá của Người, tức bằng việc Người "ra đi dọn chỗ cho các con", như Người nói đến trong bài Phúc Âm tuần trước. Và kết quả của việc Người "ra đi dọn chỗ cho các con" đó là, như Người tiết lộ tiếp trong cùng bài Phúc Âm tuần trước, việc "Thày sẽ trở lại mang các con đi với Thày, để Thày ở đâu các con cũng ở đó", nghĩa là các con cũng có cùng một Ý Thức Thần Linh "với Thày", tức được Hiệp Thông Thần Linh, "như Thày ở trong Cha, các con ở trong Thày và Thày ở trong các con". Đúng thế, Lời Nhập Thể, sau khi sống lại từ trong kẻ chết, "vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần" (Jn 20:19), đã chẳng "trở lại" hay sao, khi "đến đứng giữa các môn đệ" (Jn 20:19), và cũng đã không "mang các con đi với Thày" hay sao, ở chỗ "tỏ cho các vị thấy đôi tay và cạnh sườn của Người" (Jn 20:20), "để Thày ở đâu các con cũng ở đó" hay sao, ở chỗ "Người thở hơi trên các vị mà nói: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần"" (Jn 20:22)? "Thày không để các con mồ côi; Thày sẽ trở lại với các con" là thế, đúng như lời Người hứa trong bài Phúc Âm hôm nay. Thế nhưng, Lời Nhập Thể đã trở lại với các môn đệ của Người không phải theo hình thức như trước Cuộc Tử Giá nữa, không phải bằng sự hiện diện thể lý nữa, mà là bằng sự Hiện Diện Thần Linh, sự hiện diện của "một Đấng Cố Vấn khác", Đấng Người nói đến ở bài Phúc Âm hôm nay, "đó là Thần Chân Lý", Đấng "ở với các con và ở trong các con".

Thần Chân Lý nơi các Môn Đệ

Phần các môn đệ, nếu không có "Thần Chân Lý … ở với và ở trong" là Ý Thức Thần Linh được Đấng Tử Giá Phục Sinh ban cho này, các vị không thể nào mở miệng tuyên xưng như tông đồ Tôma "Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi" (Jn 1:28), nghĩa là không thể "tin vào Thiên Chúa và tin ở nơi Thày", như Chúa Giêsu đã kêu gọi các vị trong bài Phúc Âm tuần trước. Đó là lý do, theo Phúc Âm Thánh Luca, đoạn Phúc Âm cũng thuật lại việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với các tông đồ vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần như ở Phúc Âm Thánh Gioan, các môn đệ chỉ thực sự nhìn nhận Thày mình đã phục sinh sau khi Người ban cho các vị Ý Thức Thần Linh của Người mà thôi: "Thế rồi Người đã mở tâm trí họ ra để hiểu được những lời Sách Thánh" (Lk 24:45). Như thế, phải chăng thông hiểu Thánh Kinh là dấu chứng tỏ con người thực sự có Ý Thức Thần Linh, có "Thần Chân Lý ở với và ở trong"? Vì Thánh Kinh là những gì liên quan đến Mạc Khải Thần Linh về Mầu Nhiệm Tỏ Mình của Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, hay Con Ý Thức Cha và Cha Ý Thức Con, một Ý Thức cũng là Thánh Thần được Thiên Chúa tỏ ý muốn thông ban cho con người, để con người có thể Ý Thức Thần Linh hay Hiệp Thông Thần Linh (x 1Jn 1:3). Bằng không, Giáo Hội làm sao có thể biết được bản văn nào thực sự được Thiên Chúa linh ứng để chọn và lập thành sổ bộ Thánh Kinh như hiện nay, và làm sao Giáo Hội có thể "đi rao giảng tin mừng cứu độ cho tất cả mọi tạo vật" (x Mk 16:15)? Đúng thế, nếu thực sự con người có Ý Thức Thần Linh, có "Thần Chân Lý ở với và ở trong", họ mới có thể hiểu thấu những gì Lời Nhập Thể cần phải nói hơn nữa (x Jn 16:12), hay mới có thể hiểu được chính xác những gì Lời Nhập Thể muốn nói, muốn con người hiểu, nhờ đó, họ được Hiệp Thông Thần Linh: "Các con ở trong Thày và Thày ở trong các con".

Bởi vậy, bất cứ kiến thức đức tin hay hiểu biết thần học nào, dù có dựa vào Mạc Khải Thánh Kinh, nhưng lại đưa thành phần kinh sư này, thành phần thần học gia này, dù có lỗi lạc đến mấy đi nữa, tới chỗ bất tuân phục Giáo Hội, đến chỗ giảng dạy những gì phản với giáo huấn tông truyền của Giáo Hội, thì không phải bởi "Thần Chân Lý", mà là do bởi tinh thần "phản kitô… không tin Chúa Kitô đến trong xác thịt" (1Jn 22-23; 2Jn 7), thứ tinh thần của một "thế gian không thể chấp nhận Thần Chân Lý, vì họ không thấy cũng chẳng nhận biết Ngài", như Chúa Kitô nói đến trong bài Phúc Âm hôm nay. Satan cũng đã không thông thuộc và dựa vào những lời Thánh Kinh theo tinh thần "phản kitô" hay sao, như những đoạn Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại ở biến cố Chúa Giêsu bị cám dỗ trong hoang địa cho thấy? Bởi vậy, thành phần thực sự có Ý Thức Thần Linh phải là thành phần được Chúa Giêsu nhắc đến khi Người thân thưa cùng Cha Người như sau: "Lạy Cha là Chúa trời đất, con chúc tụng Cha, vì những gì Cha đã giấu thành phần thức giả và tinh khôn thì Cha lại tỏ cho những con trẻ bé mọn nhất biết" (Mt 11:25), tức là thành phần được Chúa Giêsu nói đến ở phần mở và kết bài Phúc Âm hôm nay: "vâng giữ các mệnh lệnh Thày truyền" hay "vâng giữ các lệnh truyền đã lãnh nhận từ Thày".

Vấn đề thực hành sống đạo:

Theo nguyên tắc "vô tri bất mộ", nghĩa là trước khi nghe lời ai, tuân giữ mệnh lệnh hay lệnh truyền của ai thì phải biết người đó, phải mộ mến người đó đã. Mà, theo Mạc Khải Phúc Âm được phân tích trên đây, con người cần phải có Ý Thức Thần Linh, có "Thần Chân Lý… ở với và ở trong" đã mới có thể nhận biết Lời Nhập Thể, nhờ đó và sau đó mới có thể "vâng giữ các mệnh lệnh Thày truyền" hay "vâng giữ các lệnh truyền đã lãnh nhận từ Thày". Vậy mà sao, cũng trong chính bài Phúc Âm hôm nay, "Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thày và vâng giữ các mệnh lệnh Thày truyền cho các con, Thày sẽ xin Cha và Ngài sẽ ban cho các con một Đấng Cố Vấn khác để ở cùng các con luôn mãi, đó là Thần Chân Lý…"; "Ai yêu mến Thày sẽ được Cha Thày yêu. Cả Thày cũng yêu họ nữa và tỏ mình ra cho họ". Như thế phải chăng việc con người tuân giữ mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô chính là việc làm phát sinh ra Ý Thức Thần Linh, tức là việc làm con người có được "một Đấng Cố Vấn khác là Thần Chân Lý"?

Chúng ta nên nhớ một điều ở đây là, trước hết, không phải ai cũng có thể "vâng giữ" hay muốn "vâng giữ" hoặc "vâng giữ" được "các lệnh truyền" hay "các mệnh lệnh" của Chúa Giêsu Kitô. Vậy kẻ nào "vâng giữ" được các mệnh lệnh hay các lệnh truyền của Chúa Kitô, thì người đó phải là người đã biết lấy gậy Đức Tin đập vào tảng đá Lời Chúa để từ tảng đá, từ Lời Chúa, vọt ra Mạch Nước Thần Linh (x Ex 17:6; Num 20:11). Bởi vì, tự mình, Lời Nhập Thể vốn "đầy ân sủng và chân lý" nơi nhân tính của Người, một Tảng Đá đầy Nước Thần Linh, chỉ cần đến với Người, "đập" vào Người, chạm vào Người, đụng vào Người, sờ vào Người (x 1Jn 1:1), qua tác động "chấp nhận Người" (Jn 1:12), được thể hiện bằng việc cụ thể là "vâng giữ các mệnh lệnh Thày truyền", như người đàn bà loạn huyết "sờ đến gấu áo Người" (Mk 5:28-30) liền được sức mạnh từ Người thoát ra chữa lành. Như thế, nếu Ý Thức Thần Linh được trực tiếp phát sinh từ Tảng Đá Lời Chúa, từ Lời Nhập Thể, từ "Tảng Đá bị thợ nề loại ra đã trở thành Tảng Đá Góc Tường" (Acts 4:11), thì "việc vâng giữ các mệnh lệnh Thày truyền" chỉ là việc con người tỏ ra về phần mình muốn "ở trong Thày", nghĩa là muốn "được sự sống", nhờ đó để được "Thày ở trong họ", nghĩa là muốn "được sự sống viên mãn hơn" (Jn 10:10).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

972    26-05-2011 22:12:28