Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Chúa Nhật V Phục Sinh A_4

THẦY ĐI TRƯỚC DỌN CHỖ CHO CHÚNG CON 
Ga 14, 1-12

Mùa Xuân năm 1990, tôi được hân hạnh sống và làm việc với các chị em Dòng Mến Thánh Giá tại trung tâm dành cho những người vô gia cư tại thành phố Los Angeles. Công việc của tôi mỗi ngày là dọn phòng và những vật dụng cá nhân cần thiết cho những người mới được nhận vào trung tâm, chào đón và chỉ dẫn cho họ các nơi trong nhà cũng như các chương trình, sinh hoạt hằng ngày, và giúp đỡ những khi họ cần đến. Hằng tuần, tôi theo các chị rảo quanh các công viên có đông dân số "homeless" (vô gia cư) để mang thức ăn cho họ, đồng thời thăm hỏi, ngỏ lời mời và đưa họ về ở với chúng tôi tại "Homeless Center". Nhiều lúc trung tâm chúng ta đầy ắp không còn đủ chỗ cho những người muốn đến sau.

Xã hội Mỹ đầy tiện nghi mà chúng ta đang sống không thiếu những người chẳng có một mái nhà để ở. Có biết bao người sống chui rúc dưới gầm cầu, trong các cống rãnh, bên những vệ đường, góc phố, hoặc một xó xỉnh nào đó. Biết bao thanh thiếu niên đã không ngần ngại lìa bỏ mái ấm gia đình để phiêu lưu đời mình vào một kiếp sống vô định không biết rồi sẽ đi về đâu? Có biết bao gia đình ngày nay vợ chồng li dị, li thân: cha mẹ con cái không hoà thuận, thiếu hiểu biết, thông cảm, tin tưởng, tôn trọng nhau, cho nên dù có mặt đó nhưng lòng vẫn như lạc lõng, xa cách... Tất cả đều là những hình ảnh vô gia cư!

Trong hành trình thiêng liêng, mỗi người chúng ta ít nhiều đã có lần nào đó cảm thấy bơ vơ, lạc lõng giống như tâm tình của các môn đệ trong Phúc âm hôm nay khi sắp phải xa cách Chúa. Trần thế rộng thênh thang nhưng đôi lúc chúng ta dường như không tìm thấy lối bước, không có chỗ dung thân! Nhưng Trái tim Chúa không bao giờ thiếu chỗ cho chúng ta. Nếu chúng ta thinh lặng và lắng đọng tâm hồn, chúng ta sẽ nghe tiếng Chúa thì thầm nhắn bảo như Ngài đã nhắn bảo các môn đệ: "Trong nhà Cha có nhiều chỗ... Thầy đi dọn chỗ cho các con... để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó (Ga 14,2-3).Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tín nhiệm Thầy" (Ga 14,1).

"Thầy đi để dọn chỗ!" Chúa Kitô đã đi trước bằng cách sống cuộc đời nhân loại của Người để từ đó trở nên con đường cho chúng ta nối tiếp theo sau. Theo gương Chúa, sống cuộc đời như Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ tới được nơi mà Chúa dọn cho mỗi người, và sẽ tìm gặp sự thật và sự sống.

Lạy Chúa, Trái Tim Chúa chính là căn nhà của con, là nơi con trở về sau những lần chiến đấu mệt mỏi, sau những giây phút vất vả lo âu trong cuộc sống để nghỉ ngơi và lấy lại sức. Khi cuộc đời không còn chỗ cho con thì Trái Tim Chúa vẫn hằng rộng mở chờ đón. Khi con người vô ơn bạc bẽo thì Trái Tim Chúa vẫn luôn ân cần sưởi ấm. Khi con không còn thấy lối đường nào để đi thì trong Trái Tim Chúa con sẽ gặp chính đường ban sự sống. Xin Trái Tim Chúa mãi mãi là căn nhà sưởi ấm tâm hồn con.

Sr Angeline Thanh Nga

CON ĐƯỜNG GIÊSU
Ga 14,1-12

Có một tác giả đã nói lên tính cách bí ẩn của cuộc sống con người bằng một câu chuyện như sau : Tại một vùng quê nọ bên Tây Phương, một ông từ coi nhà thờ có thói quen mỗi ngày cứ 15 phút trước giờ ngọ, ông gọi điện thoại đến người phụ trách tổng đài trong vùng và hỏi giờ. Ngạc nhiên về thói quen lạ lùng ấy, người tổng đài đã hỏi lại : "Thưa ông, nếu không có gì làm phiền ông, xin ông cho biết lý do tại sao ông hỏi như thế mỗi ngày ?". Ong từ nhà thờ giải thích : "Thưa ông, có gì đâu, tôi là người có trách nhiệm phải kéo chuông mỗi ngày vào đúng giờ ngọ. Tôi cần hỏi giờ chính xác thôi". Người tổng đài điện thoại mới vỡ lẽ ra, ông nói với ông từ nhà thờ : "Thật là buồn cười, trong khi ông điện thoại đến hỏi giờ nơi tôi, thì chính tôi là người điều chỉnh đồng hồ của tôi theo tiếng chuông của ông". 

Tác giả của câu chuyện trên kết luận : "Cuộc sống quả là bí ẩn mà những người trong cuộc không thể nào tự mình tìm ra được câu trả lời". Chúng ta cần có một câu giải đáp từ bên ngoài về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống, và người có thể nói với chúng ta về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống chính là Thiên Chúa, chủ tể của sự sống. Kinh Thánh, lời của Ngài, thường ví cuộc sống như một cuộc hành trình. Từ lúc Nô-ê xuống tàu, Ap-ra-ham cất bước ra đi vào vùng đất xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Đức Maria, và cả cuộc đời không ngừng di động của Chúa Giêsu. Tất cả đều là những hình ảnh diễn tả cuộc hành trình trong đức tin của người Kitô hữu.

Đời người là cuộc hành trình, ra khỏi lòng mẹ là nhập cuộc và ra đi không ngừng : tuổi trẻ và thanh niên được dệt đầy những năng động để không ngừng dự phóng và sáng tác. Tuổi trung niên thành công tràn ngập, nhưng thất bại cũng giăng đầy những lối đi : có những người bạn chợt đến rồi đi, vui tươi hớn hở chớm nở, nhưng thất vọng cũng bao trùm. Rồi tuổi già đến, chúng ta nhận ra rằng : tất cả trên đời này chỉ là tạm bợ.

Đời là một hành trình, Đức Kitô đã trải qua đời trần thế bằng không biết bao nhiêu cuộc hành trình : Sinh ra trong một cuộc hành trình, và mở mắt chào đời để phải vội vã ra đi như một người tị nạn, năm 12 tuổi, lạc mất trong một cuộc hành trình, trong cuộc sống công khai, Ngài không ngừng đi lại khắp nẻo đường Pa-lét-tin, và cuối cùng Giêrusalem, đồi Can-vê là điểm đến của cuộc hành trình. Qua cuộc hành trình không ngừng nghỉ ấy, Đức Kitô đã tuyên bố : "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống", nghĩa là ai tin Ngài và đi theo dấu chân của Ngài mới thực sự tìm được hướng đi cho cuộc hành trình. Ngài là con đường dẫn chúng ta về cõi phúc vinh quang.

Thực vậy, trên thế giới không thiếu những con đường nổi tiếng, nhưng có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng. Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc. Con đường ấy thắp sáng hy vọng để dẫn tới nhà Cha trên trời. Đó là con đường mang tên Giêsu. Đúng vậy, đối với chúng ta, chỉ có một con đường duy nhất để được cứu độ, để đạt tới cuộc sống bất diệt và hạnh phúc vĩnh cửu, tên gọi của con đường ấy là Giêsu. 

Đi trên đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những người biết mình có một lý tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lý tưởng ấy. Đi trên đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững. Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại nhà Cha đã được định hình ngay từ bây giờ trong bước đường lữ thứ giữa lòng đời. Đi trên đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ. Bởi vì con đường của Giêsu chính là con đường của yêu thương, sống trong phục vụ là lúc chúng ta đang đi trên con đường của Chúa. 

Vì hoàn cảnh, ơn gọi mỗi người thường khác nhau, không phải ai cũng thích hợp với ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ. Nhưng một điều chắc chắn mà có lẽ ít khi chúng ta nghĩ tới, đó là tất cả chúng ta đều được Chúa kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa. Chúa Giêsu đã sống ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa của Ngài một cách tuyệt đối hoàn hảo và đã trở thành mẫu gương lý tưởng cho chúng ta. Vì thế, Chúa bảo chúng ta hãy đi theo con đường của Ngài trong suốt hành trình của cuộc sống. Với Chúa, chúng ta sẽ không cảm thấy cô đơn. Chúng ta sẽ mệt mỏi, nhưng không kiệt quệ. Chúng ta sẽ khổ đau, nhưng không thất vọng. Chúng ta sẽ chán nản, nhưng không bị bỏ rơi. Chúng ta kiếm tìm hạnh phúc, và chúng ta sẽ đạt được.

Xin Chúa là ánh sáng, là đường đi, là chân lý, hướng dẫn chúng ta lúc nào cũng đi trên con đường của Chúa, để sau cuộc hành trình đời này, chúng ta được về bên Chúa là cùng đích của chúng ta.

Lm. Giacôbê Phạm văn Phượng, OP.

CON ĐƯỜNG MANG TÊN GIÊSU
Ga 14, 1-12

Nằm trong bối cảnh diễn từ biệt ly, Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta đồng hành với các môn đệ, cùng nhau suy chiêm những huấn từ quý giá mà Chúa Giêsu- cách nào đó, đã muốn đúc kết hoặc cắt nghĩa trọn vẹn ý nghĩa cuộc đời mà Người trải qua trên trần thế này, trước khi hoàn tất sứ vụ, trở về cùng Chúa Cha.

Đứng trước cảnh biệt ly, không ai tránh khỏi sự buồn phiền, ngậm ngùi và xao xuyến đến rơi lệ. Các môn đệ cũng trải qua trạng thái tâm lý này. Chúa Giêsu hiểu rõ tâm trạng bồn chồn, lo lắng của các ông. Chính vì thế, Người ra sức an ủi vỗ về. Người cho các ông biết rằng việc Người ra đi sẽ mang đến cho các ông nhiều mối lợi mà một trong những mối lợi đó là việc Chúa Thánh Thần sẽ đến ở cùng các ông. 

Tuy thế, không phải tất cả những giáo huấn của Thầy đều được học trò tiếp thu trọn vẹn. Tin mừng Gioan nhiều lần sử dụng thuật ngữ "Technique of misunderstanding", điều khiến cho không ít lần các môn đệ cứ hiểu theo một nghĩa khác. Ở đây cũng vậy. Khi Người nói về "đường", Tôma lại hiểu "đường" theo nghĩa đen, tức là một con đường giao thông bình thường do con người làm ra để kết nối giữa vùng này với cùng kia. Trong khi đó, Chúa Giêsu lại nói theo nghĩa bóng. 

Chúng ta biết trong Cựu ước, nhắc đến lịch sử dân tộc Israel là nhắc đến tiến trình "Xuất hành", nghĩa là lên đường, bước trên con đường Thánh ý của Giavê Thiên Chúa. Để về đến đích là miền đất hứa, dân Israel không còn cách nào hơn là đi theo đường lối và huấn lệnh của Giavê. Phần thưởng muôn đời của họ sẽ được bảo đảm khi và chỉ khi họ bước trên con đường mà Giavê Thiên Chúa đã vạch ra. 

Bên cạnh đó, lịch sử của dân tộc này cũng được xem là lịch sử luôn có mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa qua trung gian của một thủ lãnh vĩ đại là ông Môsê. Khi ban Luật Môsê cho dân, Thiên Chúa muốn cụ thể hoá mối tương quan với dân tộc này. Theo đó, luật Môsê chính là "đường" dẫn dân Israel đến với Giavê Thiên Chúa. Như thế, đường dẫn đến Thiên Chúa không phải do luật được ban hành mà do chính việc dân có thực thi luật đó hay không. 

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cho biết chính Người là Đường, là trung gian duy nhất để nhân loại nhận biết Chúa Cha. Khi sánh ví mình là Đường, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy con đường mà ngày xưa dân Dothái bước đi trong sa mạc, rồi lề luật để nối kết tình thân với Giavê, nay được thay thế bằng chính sự hiện hữu của Người. Vâng, chính bằng đời sống, lời rao giảng và nhất là cái chết trên thập giá và sự Phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu là một minh chứng cụ thể, sống động nhất cho chân lý này. 

Từ nay, sẽ không có chân lý và cũng sẽ không có sự sống nếu nhân loại không bước trên chính con người Giêsu là Đường. Lý do là vì, theo các nhà chú giải Kinh thánh, "Đường" mới là điều cốt yếu, còn "Chân lý" và "Sự sống" là yếu tố phụ thuộc, nhằm giải thích cho yếu tố đầu. Như thế, chúng ta có thể nói được rằng Chúa Giêsu là Đường bởi vì Người là Chân lý và Sự sống. Do đó, những ai bước theo Chúa Giêsu là Đường thì đương nhiên ở trong Chân lý và Sự sống và không thể khác được.

Câu hỏi của thánh Tôma, vô hình trung, mạc khải cho nhân loại được biết vũ trụ này có một con đường độc nhất vô nhị để đến với Chúa Cha, đó chính là Đức Giêsu Kytô. Vâng, con đường mang tên Giêsu từ nay sẽ là con đường mang nhân loại đến với chân lý vẹn toàn; đem nhân loại đến với sự sống vĩnh cửu; đem nhân loại đến với bình an và hy vọng; đem nhân loại đến với yêu thương và tha thứ; đem nhân loại đến với vâng phục và hiến tế; đem nhân loại đến với công lý và hoà bình; và cuối cùng, đem nhân loại đến với hoà giải và ơn cứu rỗi. 

Danh Chúa Cha có tiếp tục được nhân loại tôn vinh, công việc của Chúa Giêsu có tiếp tục sinh hoa kết trái và con đường mang tên Giêsu có được mở rộng hay không, tất cả đều tuỳ thuộc vào đời sống đạo của mỗi Kytô hữu. Ước mong trên con đường ân sủng mang tên Giêsu, mỗi Kytô hữu là những cây số hướng dẫn cho khách bộ hành- những người chưa nhận biết Chúa, tìm đến bến bờ chân lý và sự sống nơi tình yêu của Chúa Cha và tình hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

CHÚA GIÊSU NGUỒN BÌNH AN

Trong thời gian gần đây, theo dõi báo đài và tin tức trên truyền hình, chắc hẳn mỗi người chúng ta đều nghe biết về tình hình bất ổn trên thế giới, đặc biệt là miền Trung Đông. Cả thế giới đang lo lắng và suy nghĩ tìm cách giải quyết mối căng thẳng do nạn khủng bố gây ra. Và ngay tại Việt Nam chúng ta trong những ngày vừa qua, bà con tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, lại đang hết sức lo lắng khi kết quả kiểm tra ngẫu nhiên trên đàn vịt chạy đồng cho thấy có từ 70 -80 % số mẫu cho kết quả dương tính với type H5 (Hồ Văn-Trần An, Tuổi trẻ, ngày 15/4/2005). Rồi trong những ngày cuối năm nay, các em học sinh lại cũng đang bối rối không biết nên thi và chọn trường nào để có thể tiếp tục theo học. 

Và có lẽ không ai trong số chúng ta đang ngồi đây, tôi cũng như quý ông bà anh chị em không có một nỗi lo lắng riêng tư nào đó. Và không chỉ chúng ta mà tôi thiết nghĩ, tất cả mọi người ai cũng đang lo lắng, băn khoăn. Chúng ta băn khoăn về rất nhiều việc: nào là kinh tế gia đình đang gặp khó khăn, việc ăn học và dạy dỗ con cái; tương lai không biết như thế nào... và còn nhiều điều lo lắng khác nữa. Các tông đồ thời Chúa Giêsu cũng thế, đứng trước lời loan báo về cuộc khổ nạn sắp tới của Thầy mình, về những chia rẽ, phản bội trong hàng ngũ nội bộ, các ông cũng lo lắng băn khoăn. Nhưng với tình thương của người Thầy, của vị Mục tử nhân lành, Đức Giêsu đã lên tiếng trấn an các ông và cũng là với từng người chúng ta: "Lòng các con đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy". Một lời nói diễn tả tấm lòng dịu dàng, thương yêu bao la của Chúa đối với từng người chúng ta.

1. Nguyên nhân sâu xa của các nỗi lo lắng:

Chúng ta lo lắng vì nhiều lý do, nhưng tựu trung có lẽ vì hai lý do chính yếu sau đây: không biết tương lai sẽ ra sao và khi gặp khó khăn, trở ngại chúng ta không biết nên làm thế nào.

Các tông đồ hoang mang lo lắng không chỉ về cuộc khổ nạn của Chúa, nhưng theo cha Xavier Léon Dufour thì họ còn lo lắng bởi từ đây, họ phải xa cách một người thực sự cần thiết cho cuộc đời của họ. Họ còn lo lắng bởi sự thất vọng sâu xa, khi nhìn cuộc khổ nạn của Chúa như là một sự bế tắc, thất bại, không còn tương lai (x. Fiches Dominicales, Năm A, trang 141). 

Nỗi ưu tư của các tông đồ xưa, cũng chính là nỗi ưu tư của từng người chúng ta trước những khó khăn của cuộc sống, trước một tương lai bấp bênh, trước những trách nhiệm trong gia đình, xã hội đang đè nặng trên đôi vai của chúng ta. Đó là nỗi lo của các bậc làm cha mẹ trong việc hướng dẫn, giáo dục con cái. Đó còn là trăn trở của các bạn trẻ trước một tương lai còn mù mờ. Nó còn là những khắc khoải của từng người chúng ta trước sự im lặng của Thiên Chúa. Những khó khăn đó đôi lúc như muốn đè bẹp chúng ta. Nó khiến chúng ta bối rối, không biết phải làm gì. 

Suy nghĩ kỹ, chắc hẳn mỗi người chúng ta nhận ra rằng chúng ta bối rối, vì chúng ta đang khép kín và muốn tự mình giải quyết. Chúng ta giải quyết mọi việc như là không có Thiên Chúa. Nhưng lời Đức Kitô hôm nay, kêu gọi chúng ta: "Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy". Tin vào Thiên Chúa, nghĩa là giao trọn cuộc đời mình cho Chúa, để Ngài hướng dẫn và dìu dắt. Đây không phải là một niềm tin mù quáng, nhưng là niềm tin dựa trên chính lời hứa của Đức Giêsu, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta: "Thầy đi để dọn chỗ cho các con. Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu thì các con cũng ở đó".

2. Đức Giêsu, Nguồn bình an:

Tuy nhiên, nói tin vào Thiên Chúa thì dễ, nhưng sống niềm tin này thì không dễ chút nào. Suy nghĩ hiện nay của chúng ta hiện nay, dù muốn hay không cũng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng. Chúng ta đánh giá mọi việc, mọi người theo giá trị kinh tế. Trong khi đó, Đức Giêsu là một con người mà chúng ta chưa từng thấy, lại bị chết treo trên thập giá, hay nói như thánh Phêrô trong bài đọc hai: Ngài là "viên đá bị thợ xây loại bỏ". Bởi đó, tin vào Đức Kitô là dám bước một bước liều, một bước của những tâm hồn mạnh mẽ, can đảm. Tổ phụ Abraham, được gọi là cha của những kẻ tin, cũng đã minh chứng niềm tin của mình bằng một bước đi mà tác giả thư Do thái gọi là "đi mà không biết mình đi đâu" (Dt 11, 8). Tuy không biết mình đi đâu, nhưng tổ phụ biết Đấng gọi mình đi rất yêu thương mình, và ông đã tin tưởng để cất bước ra đi. Nhờ đó, ông được chúc phúc. Vì thế, thánh Phêrô khẳng định với từng người chúng ta rằng, Thiên Chúa đã tuyển chọn Đức Giêsu, viên đá bị thợ xây loại bỏ ấy để tôn vinh và làm nên tảng đá góc tường, để rồi, "ai tin Người sẽ không phải hổ thẹn". 

Sở dĩ chúng ta dám tin tưởng và phó thác cuộc sống của chúng ta cho Chúa là vì nhờ phép Rửa, chúng ta đã được trở nên con cái và là người nhà của Thiên Chúa, như lời thánh Phêrô khẳng định: "Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân tộc thánh thiện là dân riêng của Thiên Chúa." Chúng ta được tuyển chọn và trở thành dân riêng của Thiên Chúa không phải do công trạng của chúng ta, nhưng do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa.Vâng, tình thương của Đức Giêsu dành cho chúng ta thật lớn lao. Ngài không lấy cái chết khổ giá làm đủ, Ngài còn để lại Thịt và Máu Ngài trong bí tích Thánh Thể làm của ăn hàng ngày cho chúng ta trên hành trình về quê Trời. Với Thánh Thể, Đức Kitô mãi mãi ở với chúng ta, làm bạn đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Nhờ bí tích Thánh Thể, Ngài vẫn ở đó, hiện diện thực sự ở giữa cộng đoàn chúng ta, điều quan trọng là chúng ta có đủ xác tín để nhận ra Ngài, đến với Ngài và trải rộng lòng mình ra cho Ngài bước vào và để Ngài hướng dẫn cuộc sống của chúng ta hay không. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và hãy tâm sự với Ngài về tất cả những nỗi ưu tư, băn khoăn, khắc khoải của riêng mình. 

Một khi chúng ta uốn mình để Ngài hành động trong và qua chúng ta, mọi việc chúng ta làm sẽ sinh một hiệu quả kỳ diệu như lời Ngài đã hứa: "Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin vào Thầy, người ấy sẽ làm những việc Thầy làm. Người ấy còn làm những việc lớn lao hơn, vì Thầy về với Cha." Hiệu quả đó chính là sự bình an trong tâm hồn, cho dù những khó khăn và nghịch cảnh của cuộc sống vẫn còn đó. Tin vào Đức Kitô còn giúp cho chúng ta có một cái nhìn và một cách đánh giá mới đối với tất cả sự vật. Nó giúp chúng ta vượt qua những cái hữu hình trước mắt để hướng tới sự sống vĩnh cửu mà Ngài đã hứa.

Cầu chúc cho tất cả quý ông bà anh chị em cảm nhận được sự hiện diện thật sự của Đấng Phục Sinh trong lòng mỗi khi hiệp lễ. Nhờ đó, chúng ta có thêm sức mạnh và tâm hồn mãi mãi được bình an để hoàn tất cuộc hành trình về nhà Cha. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

TIN VÀO CHÚA GIÊSU 

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật thứ V Phục Sinh năm A này là Niềm Tin vào Đức Giêsu. Thật vậy, ngay từ bài đọc I trích sách Công Vụ cho chúng ta thấy : Nhờ vào việc rao giảng của các tông đồ mà thời đó đã có " một nhóm Tư Tế tin vào Chúa Giêsu" ( Cv.6,7) và bài đọc II lấy từ thư của Thánh Phêrô cũng diễn giải Chúa Giêsu là viên đá góc tường : " kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng" (1Pr.2,6c). Sang bài Tin Mừng Thánh Gioan, Chúa Giêsu qủa quyết Ngài là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, ai tin vào Ngài thì sẽ có sự sống đời đời (x.Jn.14,6).

Trong cuộc đời mỗi người chúng ta, chắc chắn đã có những lần chúng ta cảm thấy bất lực để thực hiện một việc gì đó, nhất là trong vấn đề sinh tử, chẳng ai có thể giúp được chúng ta. Lúc ấy chúng ta mới cảm nghiệm được chỉ một mình Chúa mới cứu được mà thôi.

Đúng vậy, Chúa Giêsu khẳng định Ngài là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Muốn có sự sống phải đến với Cha, nhưng muốn đến với Cha, muốn thấy Cha thì chỉ có mình Ngài là con đường độc đạo dẫn đến Cha " Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy"(c.6). Các môn đệ muốn thấy Cha thì Chúa Giêsu cho biết : " Ai thấy Thầy là thấy Cha, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy"(x.c.9). Các lời Ngài nói không phải tự Ngài nói ra mà chính Cha ở trong Ngài nói ra " Thiên Chúa không ai thấy bao giờ, Con Một, Đấng ở nơi cung lòng Cha, chính Ngài đã thông tri" (x.1Jn4,12). Cho nên, muốn biết Cha cũng không có đường nào khác ngòai Chúa Giêsu.

Philip muốn thấy Chúa Cha như một cuộc thần hiện, một sự xuất hiện cả thể của Thần Tính, giống như các lần xuất hiện của Thiên Chúa trên núi Sinai mà Moisen đã được chứng kiến (x. Xh.29,9-11) hay như Elia trên núi Horeb (x.1V.19,10-14). Philip chờ đợi một cuộc xuất hiện ngọan mục của Thiên Chúa, một nơi nào đó trên các đám mây. Nhưng không ! Thiên Chúa trong Đức Kitô đang ở trước mặt Philip, Thiên Chúa không còn tỏ hiện trong sấm sét nữa, hay trong các thị kiến nữa, mà được mạc khải trong hình hài nhân lọai của Đức Kitô, trong Đức Kitô sắp được vinh quang.

Nhìn thấy Chúa Giêsu, chiêm ngưỡng Ngài là nhìn thấy Cha nơi Ngài (x.Jn.12,24-25). Cha và Con là không thể tách biệt. Các lời Chúa Giêsu nói và các việc Ngài làm đều là Lời nói và việc làm của Cha (x.Jn.5,17-26..;7,16-17). Sự duy nhất với Cha trong hành động giả thiết sự hiệp nhất với Cha trong bản tính. Nghĩa là Chúa Giêsu là một với Thiên Chúa. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã trở nên giống chúng ta. Đối với chúng ta Ngài là mạc khải của Thiên Chúa Cha.

Đến với Chúa thì biết đường mà đi tới sự thật và đi đến sự sống. Ngài đi trước dẫn lối cho chúng ta như Mục Tử đích thực, Ngài chẳng những dùng lời chỉ dẫn chúng ta. Ngài còn đi trước chúng ta, đi cạnh chúng ta để dẫn lối, để đồng hành với chúng ta. Ngài là đường duy nhất, không có con đường nào khác để đến với Chúa Cha, mà đến với với Chúa Giêsu là đến với Cha. Vì thế, chúng ta phải tin vào Ngài để Ngài hành động, chứ không phải do lòng đạo đức của chúng ta. Vì vậy, nếu chúng ta chưa làm được những việc lớn lao là vì chúng ta chưa tin vào Ngài hoặc chưa để Ngài làm. Khi tin vào Ngài, ta sẽ muốn làm điều Ngài muốn, lúc đó Thiên Chúa sẽ tự do hành động qua chúng ta.

Từ chỗ cảm nghiệm việc Chúa đang làm mà tin vào Lời Ngài. Muốn được như thế phải cầu nguyện để cảm thấy rằng chúng ta cần Chúa một cách tuyệt đối. Trong những vấn đề sinh tử của chúng ta, của nhân lọai thì không ai khác ngòai Chúa Giêsu có thể giải quyết được và việc Chúa đến trần gian cũng là để giải quyết điều đó. Chỉ trong con đường của Ngài chúng ta mới vượt qua trần gian đóng kín này để đi về cùng Thiên Chúa Cha.

Tin vào Chúa Giêsu thì sẽ làm được những việc lớn lao hơn thế nữa (x.c.12). Lời hứa này có sức mạnh làm cho các môn đệ phấn chấn. Sức mạnh ấy lớn lao đến nỗi các ngài sẽ làm những việc to lớn hơn cả những việc Chúa Giêsu đã làm. Nghĩa là các môn đệ sẽ bành trướng Nứơc Thiên Chúa còn nhỏ bé, yếu ớt trên mảnh đất Palestine thành trải rộng ra khắp nơi trên tòan thế giới. Thành công to tát này là kết qủa của việc Chúa Giêsu ra đi và trở về cùng Thiên Chúa Cha. Chúa Giêsu để mãi cho tới khi Ngài chết, mới hành động một cách vinh quang nhờ vào các tông đồ. Như vậy, tác vụ của các tông đồ sẽ mạc khải cho thấy sức mạnh bên trong họat động nơi các ông, và chỉ có một điều kiện duy nhất đòi hỏi các ông là tin vào con người Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, nhân lọai chúng con là những lữ hành đang tiến về quê trời. Xin cho chúng con biết nhận định đúng con đường duy nhất là Chúa Kitô, để tin vào Ngài và nối gót theo Ngài vì Ngài là đường đi là Sự Thật và là Sự Sống. Nhờ đó, chúng con sẽ thẳng tiến đến sự sống vĩnh cửu mà không sợ lạc đường. Amen.

Sr Mai An Linh, OP

CON ĐƯỜNG GIÊSU
Ga 14, 1-12

Cái trớ trêu của các môn đệ Chúa là các Ngài đã sống với Chúa một thời gian đủ để nhận, hiểu và biết Chúa, nhưng các Ngài vẫn tỏ ra thật ngớ ngẩn khi Chúa nói: " ...Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi ". Ông Tôma nói với Đức Giêsu: " Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?".

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta hiểu được rằng Lời của Chúa thường ví cuộc đời như một cuộc hành trình. Từ lúc Ađam và Evà trốn Chúa tới Nôe và cả đại gia đình của ông xuống tàu, Abraham cùng gia đình ra đi tới một vùng đất thật xa lạ, đến ngày vội vã ra đi của Mẹ Maria, thánh cả Giuse và Hài Nhi Giêsu sang đất Ai Cập, và cả một cuộc đời di chuyển rầy đây mai đó của Chúa Giêsu. Những hình ảnh này diễn tả cuộc hành trình đức tin không ngừng của người Kitô hữu. Đời con người là một cuộc hải hành, là một cuộc hành trình không ngừng. Sinh ra, lớn lên với tất cả tranh dành để sống, rồi tuổi già đến, tất cả đều cho con người thấy cuộc đời ở trần gian chỉ là tạm bợ mà thôi. Chúa Giêsu đã cho ta thấy chính Ngài đã trải qua cuộc đời này bằng biết bao nhiêu cuộc hành trình: Chúa sinh ra trong cuộc hành trình, cha mẹ Ngài trở về quê khai lại sổ nhân danh, Ngài vừa sinh ra đã được cha mẹ vội vàng đưa đi lánh nạn bên Ai Cập. Năm 12 tuổi, Chúa cũng lạc mất trong một cuộc hành trình về Giêrusalem mừng lễ. Những năm rao giảng, Ngài đi không mệt mỏi khắp vùng Palestina và các vùng phụ cân. Cuối cuộc hành trình của đời sống trần thế của Ngài là Giêrusalem và đồi Canvê. Qua cả một cuộc đời hành trình, Chúa Giêsu đã tuyên bố:" Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống ". Tuyên bố như vậy, Chúa Giêsu muốn nói lên một sự thực: '' Ai tin vào Ngài và đi theo Ngài " sẽ không bao giờ bị trệch hướng trong cuộc hành trình đức tin dài lâu của mình.

Chân Phước Gioan Phaolô II cũng đã từng nói về Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu, vào ngày 16.10.1978 tại Quảng Trường thánh Phêrô: " Tôi trình diện với hết thảy anh chị em để tuyên xưng đức tin chung của chúng ta, lòng trông cậy và tín thác của chúng ta nơi Đức Mẹ Chúa Kitô và nơi Giáo Hội, và cũng là để lại - khởi hành trên con đường lịch sử là con đường Công Giáo tông truyền ". Chân Phước Gioan Phaolô II đã đặt Triều Đại Giáo Hoàng của Ngài dưới lá cờ phù hộ đặc biệt của Đức Mẹ Maria. Cả triều đại của Chân Phước Gioan Phaolô là một cuộc hành trình. Bởi vì, nói cho cùng tất cuộc đời trần thế là một cuộc hành trình đức tin liên lỉ. Thánh Tôma lúc đó vẫn chưa hiểu lời của Chúa Giêsu nói. Do đó, Tôma đã thưa với Chúa: "...chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ". Thánh Tôma làm sao biết được Chúa Giêsu tự nhận là đường. Con đường tình yêu, con đường mở ra hạnh phúc. Con đường hy vọng, con đường tin yêu, con đường cứu độ. Con đường ấy có tên Giêsu. Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống, bởi vì Ngài là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Ngài đến trần gian là để hướng dẫn con người về với Thiên Chúa Cha, đạt được hạnh phúc đích thực và được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong Chúa Kitô, chúng ta tìm được con đường và được mời gọi vươn cao lên mãi, vươn lên không ngừng. Càng mặc lấy Đức Kitô, chúng ta càng cảm nghiệm sâu xa lời của thánh Phaolô tông đồ: " Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi ".

Con người là con đường dẫn tới Thiên Chúa. Nên, dù chưa thấy Nhan Thánh Chúa qua Chúa Giêsu Kitô, con người vẫn có thể đi vào tương quan mật thiết với Ngài. Con người đến với Chúa bằng một tương quan thân mật Cha-Con. Chúa dạy chúng ta hãy đi theo con đường của Chúa trong suốt cuộc sống trần thế của chúng ta. Có Chúa, chúng ta sẽ hiên ngang vững bước và như thánh Phaolô trong thư Philíp đã nói: " Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi ". Có Chúa chúng ta sẽ không cô đơn vì Chúa đã hứa: " Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế ". Chính vì thế, cuộc hành trình đức tin của chúng ta sẽ không vô ích bởi vì chắc chúng ta đang tìm hạnh phúc nghĩa là tìm thông hiệp với Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là ánh sáng, là đường, là sự thật, xin hướng dẫn chúng con để chúng con lúc nào cũng đi trên con đường của Chúa và sau cõi đời này, chúng con được về quê trời với Chúa. Amen.

(sưu tầm nguồn vietcatholic.org)

1227    21-05-2011 06:41:29