Sidebar

Thứ Hai
06.05.2024

Chúa Nhật V Phục Sinh A_3

BƯỚC VỀ NHÀ CHA
Ga 14, 1 - 12

AI CŨNG HIỂU VỀ ĐẾN NHÀ CHA mới là một thành công thật sự cho mọi nổ lực của những người theo Chúa. Nhà Cha được hiểu đó chính là Thiên đàng, nơi con người được sống trong hạnh phúc bất diệt với Thiên Chúa. Đường trần gian đi đã khó, đường về Thiên đàng thì lại càng khó hơn. Đường trần gian có những bóng mờ, thì đường về thiên đàng cũng có khi mịt lối vì những quyến luyến trần gian làm khuất mắt con người. Nếu nói đường đời có nhiều ngã rẽ thì đường nhà Cha chỉ có một lối mòn nhưng khó ai chịu đi đúng hướng. Nhiều người đã tự ý đi theo lối đi của riêng mình.

"Thầy là đường là sự thật và là sự sống" (Ga14,6). Lời Chúa Giêsu như vừa tự giới thiệu về mình, vừa như muốn hối thúc nhiều người hãy đến với Ngài. Chính Ngài sẽ đứng ra dẫn lối, đồng thời Ngài cũng là lối đi duy nhất dẫn về Chúa Cha. "Thầy đi Thầy dọn chỗ cho anh em" (Ga14,2). Đường về nhà Cha có nhiều cách đi. Thành công của kẻ lữ hành là phải đến nơi mình định tới.

Đường đi một mình

Mỗi người phải tự quyết định ngay từ ban đầu, đi hay không đi. Sự quyết định nói lên sự tự do chọn lựa và một trách nhiệm về số phận của mình. Chúa kêu gọi từng cá nhân theo Ngài, dó đó mỗi người phải có lời đáp trả cách riêng tư. Tuy nhiên, cho dù vai trò cá nhân được đề cao đến đâu đi nữa thì con đường đi một mình là con đường nguy hiểm: Mệt lã không ai nâng đỡ; lạc hướng không kẻ chỉ đường; buồn phiền không người an ủi. Nếu biết thế, dại gì ta đi một mình trong khi ta có quyền chọn lựa những cách đi khác: Đồng hành với Chúa và với anh chị em.

Đồng hành với anh chị em

"Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây sống gần nhau thân mới thẳng ..." Lời hát như nhắc nhớ con người sống giữa mọi người cần có sự nâng đỡ của người khác để mình được lớn lên. Một sự lớn lên theo đường hướng tốt đẹp. Cây được thẳng là nhờ những cây khác mọc xung quanh mình. Người sống với người cũng rất cần sự nâng đỡ nhau như thế. Hôm nay tôi ngã có người nâng đỡ tôi. Và đến lượt tôi cũng có trách nhiệm để nâng đỡ kẻ khác khi họ cần đến.

Chúa Giêsu đến trần gian, Ngài không chọn duy nhất một "đệ tử ruột" để truyền hết "bí kiếp võ công" cho riêng kẻ ấy. Không, Ngài đã chọn nhiều tông đồ và sai đi "Cứ dấu này mà người ta nhận các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau". Ngài muốn môn đệ của mình phải sống với nhau bằng sợi dây yêu thương không thể tách rời.

Trong tập suy niệm "Đường Đi Một Mình", Cha Nguyễn Tầm Thường có nhắc đến câu chuyện về những người lữ hành trong trận bão tuyết. Người thứ nhất đi đầu và bị ngã quỵ trong cơn bão. Người thứ hai đi ngang qua cúi nhìn rồi bỏ đi. Người thứ ba đi đên thấy và vác kể xấu số đã quỵ ngã ấy. Ông cố chống tuyết, ôm người ngất xỉu trên vai. Đến ngôi làng, người ta thấy xác của người thứ hai chết trên đường. Rõ ràng cái chết bí ẩn không phải vì do cái giá lạnh của tuyết nhưng nằm ẩn kín trong tim của mỗi con người. Người thứ ba còn bước đi nỗi bởi vì khi vác kẻ xấu số trên vai, hơi ấm của họ đã truyền sang nhau nên cả hai còn sống sót. Bấy giờ ông hiểu, có những con đường không thể tự mình đi.

Đồng hành với Chúa Giêsu

Người tông đồ dù cho tự mình có đứng vững ở mức nào, dù bản thân có được sự nâng đỡ của người khác ra sao thì tự bản thân người ấy không thể đến với vinh quang Thiên Chúa được. Tự bản chất có một hố sâu ngăn cách thế giới trên cao và thế giới ta đang sống. Thế giới trên cao không phải là điều gì quá mơ hồ khiến con người không thể vươn tới. Tôma thì coi việc trở về với Cha là điều gì rất bí nhiệm, rất mong manh.

Chúa Giêsu đã tự nói "Thầy là Đường... ai thấy Thầy là xem thấy Cha" (Ga14, 6.9 ). Chúa Giêsu chính là con đường độc nhất dẫn tới nơi duy nhất. Tiếc rằng có nhiều người đã không dám đón nhận con đường ấy. Có nhiều người quá chú ý đến những chi tiết phụ tuỳ. Họ chỉ nghĩ đến những chuyện trước mắt như thiếu phụ Samaria chỉ biết nghĩ đến nguồn nước tươi mát vọt lên từ dòng suối (Ga 4,11-15) mà không nghĩ tới Đấng đang ở trước mặt bà. Họ giống như người Do thái chỉ ớong chờ vào bánh manna mà không màng chi đến Bánh Hằng Sống mà Người đem lại (Ga6, 33).

Đường về nhà cha xem ra đã quá rõ ràng mà không bị bí lối. Chính Chúa Giêsu đã khai mở con đường. Duy chỉ một con đường mà chính Ngài là người dẫn đường và cũng chính Ngài là con đường. Ai theo Người, cùng đi với Người sẽ không hề bị lạc lối bao giờ.

Tâm nguyện

Lạy Chúa đường đời còn nhiều ngã rẽ, khiến con dễ lầm lạc. Xin cho con luôn bước đi trong lối bước duy nhất của Ngài. Đường gian trần còn nhiều bóng mát mời gọi. Xin cho con đừng vì thế mà dừng lại quá lâu nhưng luôn hăng hái tiến về nhà Cha. Vì nhà Cha là nơi hạnh phúc thật mà chúng con kiếm tìm.

THẦY LÀ ĐƯỜNG SỰ SỐNG

1. "Thầy đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà Cha Thầy"

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su cho biết Ngài "đi là để dọn chỗ cho anh em" ở "trong nhà Cha Thầy". Đây là một trong những lời cáo biệt của Ngài với các môn đệ trước khi Ngài bước vào cuộc khổ nạn và chết trên thật giá. Vì thế, chữ "đi" ở đây có nghĩa là đi vào đau khổ và cái chết. "Dọn chỗ cho anh em ... trong nhà Cha Thầy" có nghĩa là chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Như vậy, Đức Giê-su đã dùng sự đau khổ và sự chết để chuẩn bị sự sống đời đời cho con người. Nói cách khác, nhờ đau khổ và cái chết, Ngài trở thành con đường dẫn tới sự sống đời đời.

Ngài đã phải đau khổ và chết mới có thể đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Phần chúng ta, để hưởng được sự sống đời đời ấy, chúng ta cũng phải góp một phần nào hy sinh và đau khổ của mình vào khi quyết tâm sống phù hợp với sự đòi hỏi của tình yêu. Tình yêu ở đây là tình yêu đối với Thiên Chúa được cụ thể hóa thành tình yêu đối với tha nhân. Tình yêu luôn đòi hỏi phải được chứng tỏ cụ thể bằng đau khổ và hy sinh. Không chấp nhận đau khổ và hy sinh cho ai hết có nghĩa là không yêu ai cả. Nhưng yêu cũng là ... chấp nhận sự khác biệt của người mình yêu.

2. "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở"

Đức Giê-su phải chịu đau khổ và chết không phải chỉ để cứu rỡi hay đem lại sự sống đời đời cho một mình ta, hay nhóm của ta, cộng đoàn của ta, Giáo Hội của ta, hoặc những người có cùng khuynh hướng với ta. Ngài muốn cứu tất cả mọi người, mọi khuynh hướng, mọi cộng đoàn, mọi tập thể... khác nhau. Thánh Phao-lô viết: "Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Tm 2,4). Điều đó đã được Đức Giê-su tỏ cho biết trong câu: "Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở". "Nhiều chỗ ở" có nghĩa là dung nạp được nhiều: nhiều người, nhiều chủng tộc, màu da, khuynh hướng (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh, tôn giáo...).

Nhìn trong thế giới tự nhiên này, ta thấy sự vật hết sức đa dạng, nghĩa là đủ loài đủ kiểu, rất khác biệt nhau. Thế giới sẽ trở nên đơn điệu và buồn tẻ biết bao nếu thiếu sự đa dạng và khác biệt ấy. Hãy thử tưởng tượng xem: nếu trên đời chỉ có một loài hoa duy nhất cho dù hết sức đẹp, hoa nào cũng giống y hệt hoa nào, thì chúng đâu thỏa mãn nhu cầu thích cái đẹp của con người như khi có hàng trăm ngàn loài hoa khác nhau như trong thế giới ta đang sống đây! Thế giới này sẽ ra sao nếu chỉ có một loài chim, một loại cá, hay tệ hơn, chỉ có một loài thú duy nhất? 

Thế giới tuy đa dạng và đầy khác biệt, các loài các vật trong đó vẫn luôn luôn hài hòa, bổ túc cho nhau, ăn khớp với nhau. Nếu thế giới tự nhiên đầy bất toàn này mà còn phong phú đa dạng như thế, còn có sự hài hòa giữa những khác biệt như thế, thì sự sống đời đời hay thiên đàng, là một thực tại hoàn hảo, ắt nhiên phải phong phú, đa dạng và nhất là hài hòa hơn biết bao!

Vì thế, ngay ở đời này, chúng ta cũng cần trang bị cho mình một tinh thần sẵn sàng chấp nhận mọi khác biệt nơi những người chung quanh chúng ta. Chính Thiên Chúa đã dựng nên con người và vạn vật đầy khác biệt như thế. Vì thế, mọi thành viên của Thiên Đàng đều phải có khả năng chấp nhận khác biệt rất cao độ để sự hài hòa giữa những khác biệt ấy trở nên hoàn hảo. Điều ấy đòi hỏi họ phải có tình yêu và lòng bao dung cao độ. Nếu không có tình yêu và lòng bao dung, thiên đàng không còn là thiên đàng nữa, sự sống đời đời không còn là hạnh phúc nữa.

Nếu ta đang giận hờn ai, không muốn nhìn mặt ai, ghét cay ghét đắng ai, và chủ trương không thể sống chung với họ, không thể cùng đội chung một bầu trời với họ, v.v..., hãy tự hỏi: nếu cả hai gặp nhau trên thiên đàng, ta sẽ đối xử với người ấy thế nào? Người ấy cũng được Thiên Chúa và Đức Giê-su yêu thương, cứu chuộc, tha thứ như ta. Nếu lúc ấy ta không thể nhìn người ấy với tình yêu thương anh em, thì chính ta là người không xứng đáng ở thiên đàng. Với sự thù hận và ác cảm ấy, ta chỉ làm cho thiên đàng bị ô nhiễm và không còn là nơi hạnh phúc nữa. Ta đáng ở một nơi khác không phải là thiên đàng. Vì thiên đàng chỉ thích hợp với những con người tràn đầy yêu thương. Vậy, muốn là công dân của thiên đàng, thì ngay ở trần gian này, hãy tập yêu thương và sống hài hòa với những người khác biệt chúng ta. Muốn thế, ta phải nhìn thấy Thiên Chúa nơi tha nhân.

3. "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha"

Câu nói ấy của Đức Giê-su chắc hẳn đã làm cho các tông đồ hết sức ngạc nhiên. Thấy Đức Giê-su cũng chính là thấy Chúa Cha, vì Đức Giê-su chính là hiện thân, là hình ảnh trung thực của Chúa Cha. Người ta có thể thấy được tình yêu của Chúa Cha qua tình yêu của Đức Giê-su, thấy được vẻ đáng yêu của Chúa Cha qua sự đáng yêu của Đức Giê-su, v.v... Và một cách nào đó, Đức Giê-su cũng chính là Chúa Cha, vì cả hai cùng là một Thiên Chúa duy nhất. Các tông đồ có diễm phúc nhìn thấy Đức Giê-su, sống với Ngài, cảm nghiệm Ngài, nên cũng là nhìn thấy, sống với và cảm nghiệm chính Thiên Chúa Cha. 

Còn chúng ta, chúng ta không có diễm phúc ấy. Tuy nhiên, nếu chúng ta có tình yêu và đức tin, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa hay Đức Giê-su nơi bất cứ người nào ta gặp trong cuộc đời. Cho dù người ấy là ai, thương ta hay ghét ta, làm lợi cho ta hay hại ta, thánh thiện hay tội lỗi, dễ thương hay dễ ghét, miễn họ là con người, thì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa với nhiều mức độ trung thực khác nhau. Đức Giê-su muốn ta yêu thương họ, bất kể họ thế nào, bất kể họ khác biệt ta đến mức độ nào, vì chính Ngài cũng yêu thương họ, muốn cứu chuộc họ, phục vụ họ. Ngài đã tự đồng hóa Ngài với họ đến nỗi ai làm gì cho họ thì cũng là làm cho chính Ngài, không làm cho họ thì cũng là không làm cho chính Ngài (x. Mt 10.40; 18,5; 25,40.45; Lc 10,16). Ngài cũng rất ước muốn được yêu thương họ bằng trái tim ta, nói với họ, an ủi họ bằng miệng lưỡi ta, và làm việc cho họ, phục vụ họ bằng đôi tay của ta. Ngài chỉ thực hiện được ước muốn đó nếu ta cho phép và hợp tác với Ngài. Vậy bạn có muốn Ngài dùng bạn như một khí cụ để yêu thương của Ngài không?

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nhà Cha có rất nhiều chỗ có thể dung nạp được rất nhiều người với rất nhiều khuynh hướng khác biệt. Xin Cha cho tâm hồn con, lòng trí con cũng có nhiều chỗ để có thể dung nạp được tất cả mọi người là anh chị em con, với nhiều khuynh hướng, tính khí, chủ trương khác nhau. Xin cho con biết chấp nhận mọi người như họ đang là, để yêu thương họ bất chấp họ như thế nào. Xin cho con yêu thương họ giống như Cha đã yêu thương họ và đã yêu thương con. Amen.

John Nguyễn

HÃY TIN VÀO THIÊN CHÚA VÀ HÃY TIN Ở NƠI THẦY 

Nếu chủ đề của 3 tuần đầu của Mùa Phục Sinh là "sự sống lại", và chủ đề của 4 tuần cuối của Mùa Phục Sinh là "sự sống", thì chủ đề "sự sống" của 4 tuần cuối này sẽ được Phúc Âm theo Thánh Gioan Giáo Hội chọn đọc trong chu kỳ Phụng Vụ Năm A thứ tự cho thấy các khía cạnh của chủ đề ấy như sau:

  • Tác động "Sự sống": "Hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin nơi Thày" (Chúa Nhật V)
  • Tác nhân "Sự sống": "Thần Chân Lý ... ở với các con và ở trong các con" (Chúa Nhật VI)
  • Tác dụng "Sự sống": "Chính ở nơi họ mà Con được vinh hiển" (Chúa Nhật VII)

Như thế, vấn đề "sự sống" của Chúa Nhật V tuần này là lòng "tin". Thật vậy, như bài chia sẻ lần trước đã đặt vấn đề "sự sống" một khi đã được thông ban từ Lời Nhập Thể là Chúa Kitô, thì để thông hưởng "sự sống" này, con người cần phải "nhận biết Người" (Jn 1:11), tức phải "chấp nhận Người" (Jn 1:12), vì "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô" (Jn 17:3). Tác động "nhận biết" hay "chấp nhận" đây là gì, nếu không phải cũng chính là tác động "tin". Đó là lý do tác động "tin" là tác động tỏ ra thực tại "sự sống" nơi chủ thể tin, như hơi thở là dấu có sự sống thể lý nơi sinh vật, hay thực tại sự sống được thể hiện qua tác động "tin", như sự sống thể lý được thể hiện qua hơi thở của sinh vật vậy. Thế nhưng, phải "tin" những gì hay đối tượng của tác động "tin" là gì? Và "tin" sẽ phát sinh những gì, hay tác dụng của tác động "tin" ra sao? 

Theo bài Phúc Âm hôm nay, đối tượng của tác động "tin" đó là chính "sự sống" hiệp thông nơi Thiên Chúa: "Các con không tin rằng Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày hay sao?"; "Các con hãy tin Thày là Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày". Và tác dụng của tác động "tin" chính là Quyền Năng Thần Linh: "Thày bảo thật cho các con biết con người tin vào Thày sẽ làm được những việc Thày làm mà còn làm được hơn cả những việc ấy nữa". Nếu Quyền Năng Thần Linh là biểu hiệu cho hay là chính Thánh Thần (xem Lk 1:35), thì bài Phúc Âm hôm nay hàm chứa ý nghĩa về Sự Sống Thần Linh của Ba Ngôi Thiên Chúa được thể hiện nơi chủ thể "tin". Nghĩa là con người "tin" là con người được "sự sống", và "sự sống" này là chính "sự sống" của Chúa Ba Ngôi, và họ sống là sống chính "sự sống" của Chúa Ba Ngôi. 

Đối tượng của tác động "tin" đó là chính "sự sống" hiệp thông nơi Thiên Chúa

Thật vậy, "Thiên Chúa là Thần Linh" (Jn 4:24), Ngài đã ban "sự sống đời đời là nhận biết..." cho con người bằng cách tỏ mình cho họ nơi Con Duy Nhất của Ngài là Chúa Giêsu Kitô (xem Jn 3:16), Đấng Ngài sai (xem Jn 17:3). Phần Lời Nhập Thể, Người cũng đã đến thế gian "để tỏ Cha ra" (Jn 1:18), bằng cách tỏ mình thật sự "là phản ảnh vinh quang Cha, là hiện thân đích thực của bản thể Cha" (Heb 1:3). Đến nỗi, như Chúa Kitô đã khẳng định với dân Do Thái "Cha và Tôi là một" (Jn 10:30), cũng như với các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay: "Ai thấy Thày là thấy Cha". Con người không thể nào trực tiếp thấy Cha hay biết Cha nếu không được Con Ngài, Đấng Ngài sai, tỏ ra cho biết. Bởi thế, Chúa Giêsu mới bày tỏ cảm nhận của chính mình với Cha của Người trước mặt các môn đệ rằng: "Không ai biết Con trừ Cha, cũng như không ai biết Cha trừ Con và những ai Con muốn tỏ Cha ra cho biết" (Lk 10:22). 

Đó là lý do, để trả lời cho tông đồ Philiphê trong bài Phúc Âm hôm nay về lời vị tông đồ này "xin Thày hãy tỏ cho chúng con biết Cha là chúng con mãn nguyện rồi", Chúa Giêsu mới than với riêng vị tông đồ này cũng như với chung các tông đồ là: "Thày hằng ở với các con bấy lâu mà các con vẫn chưa biết Thày hay sao?" Ở đây, tông đồ Philiphê xin được "biết Cha", Chúa Kitô lại đặt vấn đề "biết Thày". Thế nhưng, để biết Chúa Kitô có thực sự là Đấng Thiên Sai hay chăng, tức là Người có thực sự ở trong Cha hay chăng, cũng trong bài Phúc Âm hôm nay, Người đã cho các tông đồ biết thêm những dấu chứng về lời Người nói và việc Người làm hoàn toàn cho thấy Người bởi Cha và từ Cha như sau: "Những lời Thày nói thì không phải tự Thày mà chính Cha là Đấng sống trong Thày hoàn tất các công việc của Ngài". Trong câu nói này, phần đầu Chúa Kitô đề cập đến "những lời Thày nói", phần sau Người lại lái sang "các công việc của Cha". Bởi thế, cũng trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô đã kêu gọi các tông đồ rằng: "Hãy tin Thày là Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày, bằng không hãy tin nơi những việc Thày làm". Qua câu nói của Chúa Giêsu đây, chúng ta có thể suy ra tại sao Chúa Giêsu nói với các tông đồ về một tác động "tin" song lại có một đối tượng lưỡng diện đó là Thiên Chúa và Thày: "hãy tin vào Thiên Chúa" tức là hãy tin rằng "Cha ở trong Thày", hay tin rằng Cha là Đấng đã sai Thày, và "hãy tin ở nơi Thày" tức là hãy tin rằng "Thày ở trong Cha", hoặc tin rằng Thày được Cha sai. Tóm lại, "Hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin ở nơi Thày", nghĩa là, như Chúa Giêsu cho thấy trong Lời Nguyện Tiệc Ly dâng lên Cha của Người về sứ điệp Người đã nhận từ Cha để chuyển đạt cho thành phần thuộc về Người: "Họ biết thật rằng Con từ Cha mà đến và họ tin rằng Cha đã sai Con" (Jn 17:8). 

Tác dụng của tác động "tin" chính là Quyền Năng Thần Linh

Đúng thế, có thể nói "tất cả sự thật" (Jn 16:13), tất cả Mạc Khải Thần Linh trong toàn bộ Thánh Kinh nói chung cũng như trong Tân Ước nói riêng, nhất là trong Phúc Âm, chính là ở chỗ này, chính là ở Thực Tại Thần Linh này, Thực Tại Sự Sống "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" (Jn 17:21). Nếu Lời Nhập Thể đến thế gian, như lời Người khẳng định với tổng trấn Philatô: "là để làm chứng cho chân lý" (Jn 18:37), thì "chân lý" đó là "Thày ở trong Cha và Cha ở trong Thày". "Chân lý" này chính là một Thực Tại Thần Linh, Thực Tại Thần Linh này chẳng những là một Thực Tại Sự Sống: "Cha ở trong Con và Con ở trong Cha", mà còn là một Thực Tại Ban Sự Sống nữa, vì Thực Tại Thần Linh này tỏ cho con người một Kiến Thức Thần Linh để họ có thể nhận biết Thiên Chúa như Ngài biết Ngài. Thật vậy, từ Thực Tại Thần Linh này, Thực Tại "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Jn 1:5) này, mới chiếu tỏa ra một thứ "ánh sáng thật chiếu soi mọi người đã đến trong thế gian" (Jn 1:9) đó là Lời Nhập Thể, một thứ "ánh sáng sự sống": "Ai theo Tôi sẽ được ánh sáng sự sống" (Jn 8:12). Và "ánh sáng sự sống" phát ra từ "ánh sáng thế gian" (Jn 8:12) là Chúa Giêsu Kitô đây là gì, nếu không phải là "ánh sáng", là Mạc Khải Thần Linh, làm cho con người được "sự sống đời đời là nhận biết Cha là Thiên Chúa chân thật duy nhất và Đấng Cha sai là Giêsu Kitô" (Jn 17:3)? Có thể nói, Thiên Chúa tỏ mình ra nơi Lời Nhập Thể là Ngài muốn ban cho loài người chúng ta một Kiến Thức Thần Linh, tức ban cho loài người chúng ta chính "sự sống", vì "sự sống đời đời là nhận biết (Thần Linh)" (Jn 17:3).

Một khi con người có Kiến Thức Thần Linh, tức có Sự Sống Thần Linh, một Sự Sống vô cùng viên mãn, vô cùng toàn năng, mạnh hơn sự chết, thắng vượt tất cả mọi sự dữ (x Mk 16:17-18), họ có thể, đúng như Chúa Kitô đã khẳng định với các tông đồ: "làm được hơn cả những việc Thày làm". Sở dĩ, về khốn khó "đầy tớ không hơn chủ" (Jn 15:20), nhưng về hoạt động, môn đệ lại có thể làm hơn sư phụ của mình, là vì, như Chúa Giêsu cho biết lý do trong bài Phúc Âm hôm nay, "Thày về cùng Cha". Nghĩa là Thày không đích thân làm việc nữa, mà là chính "sự sống và là sự sống viên mãn hơn" ở trong môn đệ của Người làm việc qua họ, nên môn đệ mới chẳng những làm được những việc như Thày làm mà còn hơn thế nữa. Chỗ "hơn thể nữa" ở đây tức là những việc họ làm vượt quá khả năng tự nhiên của một loài thuần nhân như họ, chẳng những chứng tỏ cho thấy sự hiện diện của Sự Sống Thần Linh, "sự sống viên mãn hơn" (Jn 10:10), nơi chính bản thân mỗi người chúng ta, mà còn làm cho Sự Sống Thần Linh này sáng tỏ trên thế gian và lan truyền trên thế gian nữa (x Jn 17:21,23). Chỗ "hơn thế nữa" ở đây tức là Thày không đích thân làm, song chỉ bằng quyền lực danh của Thày mà các môn đệ làm được những việc phi thường, như trường hợp hai tông đồ Phêrô và Gioan đã nhân danh Thày mà chữa cho một người què bẩm sinh tại Cửa Đẹp ở Giêrusalem (x Acts 3:1-26, 4:1-22). "Chính ở nơi họ mà Con được hiển vinh" (Jn 17:10) là như thế.

Thế nhưng, để đến được chỗ này, chỗ "được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn", Chúa Kitô cần phải, như Người nói với các tông đồ trong bài Phúc Âm hôm nay: "Thày đi để dọn chỗ cho các con". Vậy, nếu "trong nhà Cha Thày có nhiều chỗ", mà "nhà Cha" ở đây ám chỉ nội tâm của Thiên Chúa, ám chỉ Ý Thức (Thần Linh) nơi Thiên Chúa, hay ám chỉ đến Sống Hiệp Thông nơi Thiên Chúa, (đó là lý do chỉ khi nào người con phung phá trở về nhà Cha, tức trở về với Ý Thức Thần Linh, trở về Sống Hiệp Thông với Ngài, mới thật sự "như chết mà sống lại" - Lk 15:24,32; và Thiếu Nhi Chúa Giêsu năm 12 tuổi "phải ở lại nhà Cha" chính là việc Người phải sống Ý Thức Thần Linh, phải Sống Hiệp Thông với Cha Người - Lk 2:49), thì "trong nhà Cha Thày có nhiều chỗ" ở đây hàm ý về một "sự sống viên mãn hơn". Vậy việc "Thày đi để dọn chỗ cho các con" đây là Thày đi "tự hiến để họ được thánh hóa trong chân lý" (Jn 17:19), tức để "họ nhận biết là Con từ Cha mà đến, và tin rằng Cha là Đấng đã sai Con" (Jn 17:8), nghĩa là để họ biết Ý Thức Thần Linh, Sống Hiệp Thông với Thiên Chúa, hay "để họ được sự sống và là một sự sống viên mãn hơn" (Jn 10:10) cũng vậy. Đến đây, chúng ta mới thấy Cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu Kitô thực sự là việc "Thày đi để dọn chỗ cho các con", một biến cố là tuyệt đỉnh Mạc Khải Thần Linh: "Thày ở trong Cha" qua việc Tử Giá, dấu chứng tỏ Người được Cha sai; và "Cha ở trong Thày" qua việc Phục Sinh, dấu Cha chứng tỏ Chúa Kitô đúng là "Đấng Cha sai". Như thế, lời tuyên xưng "Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa tôi!" (Jn 20:28) của tông đồ Tôma trước Đấng Tử Giá Phục Sinh quả thực đã đáp ứng đúng như lòng Chúa Kitô mong muốn và kêu gọi các môn đệ của Người là "hãy tin vào Thiên Chúa và hãy tin ở nơi Thày".

Vấn đề thực hành sống đạo: 

Nếu tất cả Mạc Khải Thần Linh hay tuyệt đỉnh Mạc Khải Thần Linh được tỏ hiện ở Mầu Nhiệm Vượt Qua thì việc "tin vào Thiên Chúa và tin ở nơi Thày" chính là Sống Biến Cố Vượt Qua. Và Sống Biến Cố Vượt Qua là gì, nếu không phải là Sống Phụng Vụ và Sống Chứng Nhân: Sống Phụng Vụ ở chỗ Sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô Tử Giá và Sống Chứng Nhân ở chỗ Sống Mầu Nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh?

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

ĐƯỜNG VỀ NHÀ CHA 
Jn 14, 1-12

Bối cảnh của bài Phúc Âm hôm nay là phần cuối của bữa Tiệc Ly giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Không cần phải nói có lẽ ai trong chúng ta cũng hình dung được bầu khí ảm đạm của bữa tiệc, vì "Biệt ly nào cũng đong đầy nước mắt." Nhìn thấy nét buồn sầu và lo âu của các môn đệ, Chúa Giêsu hết lời an ủi và khuyến khích các ông phải coi sự ly biệt hôm nay là niềm vui mới phải, vì Ngài ra đi là để dọn chỗ cho các ông trong nhà của Cha Ngài chứ không phải bỏ rơi các ông. Vì thế "lòng các con đừng xao xuyến, một hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Thầy." (Gn 14,1)

Cuộc đời mỗi người chúng ta là một cuộc hành trình về nhà Cha trên trời. Đây là cuộc hành trình đầy chông gai nguy hiểm, nhiều hy sinh vất vả và lắm thương đau. Vì thế, đường về nhà Cha trên trời là quãng đường chật hẹp, gồ ghề, và đòi hỏi nhiều cố gắng, kiên tâm. Tuy nhiên, ngoài con đường này ra thì không còn lối nào dẫn về nhà Cha trên trời nữa. Chính Chúa Giêsu cũng phải đi qua con đường này để về nhà Cha. Vậy để tránh đi lầm đường lạc lối, chúng ta chỉ việc men theo những dấu chân Chúa Giêsu để lại, những vết máu và mồ hôi Ngài đổ ra khi Ngài đi qua. Sở dĩ bước theo Ngài chúng ta không sợ lạc lối là vì chính Ngài "là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống." Vì thế, giữa những thăng trầm của cuộc sống chúng ta đừng ngại đặt hết niềm tin vào Ngài là vị chỉ đạo duy nhất có thể giúp chúng ta nhắm đứng hướng đi. Tuy nhiên, khi phải đối diện với thực tế của cuộc sống, con mắt đức tin của chúng ta thường bị che mờ bởi những đau khổ, trái ý, lo âu khiến chúng ta không nhận ra được Chúa Giêsu đang đứng bên ngã ba đường đời để giúp chúng ta định hướng. Do đó, khi nghe Chúa Giêsu nói "Thầy đi đâu, các con đã biết đường rồi," ông Tôma liền hỏi lại, "Chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao mà biết đường đi?"

Sống giữa cuộc sống xô bồ nhộn nhịp của xã hội ngày nay, thật khó mà nhận ra được tiếng Chúa kêu mời, vì tiếng Ngài không ồn ào như tiếng động cơ, không ngân nga như tiếng nhạc, không dặp dìu như lời thơ, nhưng chỉ thì thào như gió thoảng. Cho nên nếu muốn bắt được làn sóng của tiếng Chúa, chúng ta phải tự tạo cho mình một căn phòng đặc biệt trong tâm hồn nơi mà trí óc có thể trốn xa những lo toan của cuộc sống và con tim có thể tìm được những phút giây yên nghỉ yên bên Chúa. Trong căn phòng này, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống cách dễ dàng hơn để rồi sự cảm nghiệm nầy sẽ lan rộng ra mãi cho đến khi bao trùm cả không gian và thời gian của chúng ta mới thôi. Và chỉ khi nào chúng ta tập được tập quán này qua việc cầu nguyện, chúng ta mới có đủ nghị lực để nhìn quá khứ với con mắt thông cảm hiểu biết, nhìn hiện tại với tràn ngập phấn khởi, và nhìn tương lai với muôn vàn tin tưởng cậy trông. Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui và bình an mà Chúa muốn chúng ta đạt được khi Ngài nói: "Lòng các con đừng xao xuyến." Như mặt hồ không thể phản chiếu được sự tròn đầy của trăng rằm cho đến khi nó hoàn toàn phẳng lặng, không ai trong chúng ta có đủ khả năng để đương đầu với những xáo trộn của cuộc sống một cách bình tĩnh nếu tâm hồn không lướt thắng được những xao xuyến lo âu. Ngài không gạt chúng ta đâu khi nói rằng "Thầy đi để dọn chỗ cho các con" (Gn 14,2). Và thật sự là như vậy, nếu không hai ông Phêrô và Gioan đã không nhìn thấy ngôi mộ trống trong ngày Chúa Nhật Phục Sinh. Điều nầy có nghĩa là Ngài đã ra đi thật để dọn chỗ cho chúng ta. Và điều yêu ủi chúng ta nhất là điều kiện để được ở với Ngài trong nhà Cha trên trời: "Lòng các con đừng xao xuyến, một hãy tin tưởng vào Thiên Chúa và vào Thầy."

Sr Victoria L.

1446    21-05-2011 06:41:35