Sidebar

Thứ Ba
30.04.2024

Chúa Nhật V MC A_5

ĐỨC GIÊSU, SỰ SỐNG MUÔN ĐỜI
Ga 11, 1-45

Khởi đầu mùa Chay, phụng vụ đã mời gọi từng người chúng ta theo bước Đức Giêsu vào sa mạc để học nơi Ngài cách thức chiến thắng cơn cám dỗ (CN I). Đó là một hành trình bỏ mình để chọn Thánh Ý của Thiên Chúa, một hành trình thập giá (CN II). Tuy nhiên đi trọn con đường thập giá này trong cuộc sống mỗi ngày không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi mỗi người chúng ta một đức tin thật mãnh liệt vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Đức tin này không chỉ là một lời tuyên xưng nơi môi miệng, lệ thuộc vào đền thờ, nhưng là một đức tin được xây dựng trên mối tương quan riêng tư của từng người chúng ta với Thiên Chúa trong "Tinh thần và Chân lý", như lời Đức Giêsu nói với chị phụ nữ thành Samaria, mà chúng ta đã cùng nhau suy niệm trong Chúa Nhật III mùa Chay. 

Gắn bó với Đức Giêsu, mỗi người chúng ta sẽ không phải đi trong tối tăm, và cũng không sợ phải lầm đường lạc lối, bởi lẽ chúng ta sẽ được ánh sáng của Ngài soi đường chỉ lối (CN IV). Và tuyệt vời hơn nữa, khi thuật lại câu chuyện Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại hôm nay, phụng vụ cho chúng ta thấy ánh sáng của Đức Giêsu không chỉ soi đường dẫn lối cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện tại, nhưng ánh sáng đó sẽ tiếp tục dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.

1. Mầu nhiệm sự dữ:

Theo cái nhìn công bằng tự nhiên, chúng ta thường gắn liền đau khổ, hình phạt với các lầm lỗi. Có tội là có hình phạt, và sự chết chính là hình phạt nặng nề nhất của tội. Chính vì thế, đau khổ, sự chết luôn là một điều đáng sợ, và là một vấn nạn cho con người từ xưa đến nay. Đặc biệt là khi phải đối diện với sự chết, nhất là cái chết của một người thân yêu trong gia đình, thì nét bi thương này lại khơi lên trong lòng chúng ta một nỗi đau khôn nguôi, và vấn nạn về các vấn đề sự dữ lại trở nên như một thử thách to lớn cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta. 

Tuy nhiên, với Đức Giêsu, đau khổ, sự chết không chỉ là hậu quả của tội, nó còn là cơ hội để làm vinh danh Thiên Chúa. Trong bài Tin mừng, khi nghe tin Lazarô đau nặng, Đức Giêsu đã nói: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa và do đó, Con Thiên Chúa được vinh hiển". Vâng, Đức Giêsu đã không đến ngay khi hay tin Lazarô đau nặng khiến ông phải chết. Trước mắt mọi người, cái chết của Lazarô đã khiến cho hai người chị là Matta và Maria phải đau lòng, than khóc, nhưng đồng thời, nó cũng là cơ hội để thanh luyện và làm cho đức tin của hai chị em Matta và Maria ngày càng trở nên tinh tuyền và vững chắc hơn. Nó đã dẫn đưa đức tin của Matta từ chỗ coi Đức Giêsu như một người cầu bầu quyền thế trước mặt Thiên Chúa, khi chị thưa với Đức Giêsu: "Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Truy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy", đến chỗ tuyên xưng: "Con tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian". Và rồi khi Đức Giêsu cho Lazarô đã chết bốn ngày được sống lại, thì không chỉ Matta và Maria tin vào Ngài, nhưng "một số người Do thái đến thăm Maria, khi được chứng kiến những việc Chúa Giêsu làm, cũng đã tin vào Người".Thiên Chúa đã dùng tất cả mọi sự để thanh luyện đức tin của chúng ta, và làm cho Danh Ngài được tỏ lộ. Ngay cả cái chết, biểu trưng cho quyền lực tối cao của sự dữ, cũng là cơ hội để Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài. Giờ đây, Đức Giêsu đã trở nên niềm hy vọng cho tất cả những ai đang bước đi trong đau khổ, thử thách. Hơn nữa, với việc làm cho Lazarô sống lại, Đức Giêsu thực sự chứng tỏ, Ngài chính là nguồn của sự sống muôn đời.

2. Đức Giêsu, sự sống muôn đời:

Trong thế giới này, không có điều gì xảy ra ngoài vòng tay yêu thương của Thiên Chúa (x. Rm 8, 28). Chính trong niềm tin tưởng và cậy trông vào lòng nhân từ hay thương xót của Thiên Chúa, ngôn sứ Êdêkien đã loan báo cho dân lưu đày niềm hy vọng sẽ được hồi hương, được phục hồi lại sự sống, trở thành những con người tự do: "Hỡi dân Ta, nầy Ta sẽ mở cửa mồ các ngươi, Ta sẽ kéo các ngươi ra khỏi mồ và dẫn dắt các ngươi vào đất Israel... Ta sẽ làm cho các ngươi an cư trên đất các ngươi". 

Không chỉ là giải thoát con người khỏi thân phận nô lệ về mặt thân xác, nhờ Đức Giêsu, con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi, nguyên nhân của mọi đau khổ và cái chết. Trở lại với bài Tin mừng, chúng ta thấy trước nỗi đau khổ, bi thương tột cùng của Matta khi phải từ giã người em thân yêu, Đức Giêsu đã nói với chị: "Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Vậy kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ". Vâng, Đức Giêsu chính là niềm hy vọng và là Đấng duy nhất có khả năng đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin vào Ngài. Thánh Phaolô còn khẳng định: "Nếu Đức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính". Thánh nhân xác tín, nếu có Đức Giêsu ở cùng, thì cho dù hiện tại có đau khổ, thử thách, gian truân, chúng ta vẫn không tuyệt vọng, cùng đường, vì "Nếu Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em"

3. Lời mời gọi gắn bó với Đức Giêsu:

"Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ.", đó là lời hứa của Đức Giêsu, một lời hứa đem lại niềm hy vọng cho biết bao người qua muôn thế hệ. Các tông đồ thấy dấu lạ nước hoá thành rượu ở Cana thì đã tin vào Đức Giêsu. Những người Do thái khi thấy Đức Giêsu mở mắt người mù từ thuở mới sinh và hôm nay họ lại chứng kiến việc Đức Giêsu làm cho Lazarô sống lại, thì cũng đã tin vào Người. Và chính nhờ tin vào Đức Giêsu, biết bao nhiêu người đã có đủ can đảm, để vượt qua mọi thử thách, đau khổ trong cuộc sống hàng ngày. Còn tôi và quý OBACE hôm nay thì sao? Mỗi ngày chúng ta cũng đang chứng kiến biết bao nhiêu là dấu lạ Thiên Chúa đang thực hiện quanh ta, thế nhưng chúng ta có tin không? 

Một mầm cây mới mọc, một nụ hoa hé nở, một em bé chào đời, một tia nắng sáng, một giọt sương mai lung linh trên lá, và ngay cả một trận cuồng phong, một cơn động đất, sóng thần... tất cả đều là dấu chỉ Thiên Chúa gởi đến để nhắc bảo và nói cho chúng ta biết về tình yêu và quyền năng của Ngài. Thế nhưng, chúng ta có nhận ra tiếng nói của Thiên Chúa và có dám đặt trọn con người và cuộc sống của chúng ta trong tay Ngài không?

Lắng nghe lời Chúa hôm nay, chớ gì ngay từ giờ phút này, mỗi người chúng ta xác tín hơn vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy quyết tâm gắn bó với Chúa nhiều hơn qua việc siêng năng và sốt sắng tham dự Thánh lễ và hiệp lễ, để nhờ có Đức Giêsu trong mình, mỗi người chúng ta cũng sẽ nhận được sự sống muôn đời, như lời Ngài đã hứa. Amen.

Lm Trần Thanh Sơn

TÔI TIN XÁC LOÀI NGƯỜI SẼ SỐNG LẠI
Ga 11, 1-45

Trên đường rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu không ít lần thực hiện phép lạ hầu đem đến cho con người sự bình an đích thực và cũng là dịp để họ nhận ra Người chính là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến. Tuy nhiên, Tin mừng Gioan chỉ ghi lại bảy phép lạ tiêu biểu mà thôi và, phép lạ cho Ladarô sống lại là phép lại cuối cùng để nói lên quyền năng của Người.

Bêtania, ngôi làng nằm bên sườn núi Ôliu, chỉ cách Giêrusalem gần 3 cây số về phía đông, ngày hôm nay chứng kiến phép lạ siêu phàm Chúa Giêsu thực hiện cho gia đình của Mácta và Maria: Ladarô, người em thân yêu của họ sống lại khi đã chết trong mồ bốn ngày! Việc kẻ chết sống lại do quyền năng của Thiên Chúa được Kinh thánh ghi lại không hiếm. Chúng ta có thể thấy một lần Ngôn sứ Êlia làm cho con trai của bà goá ở Xarépta sống lại; một lần Ngôn sứ Êlisa cho cậu quý tử của bà Sunêm sống; và một lần thánh Phêrô khi còn ở Lốt và Giaphô đã khiến cho bà Linh Dương (Tabitha) ở Giaphô sống lại (x. 1V 17, 17-24; 2V 4, 18-37; Cv 9, 36-43). Tin mừng ghi lại ba lần Chúa Giêsu cho kẻ chết sống lại. Một lần cho con gái ông Giaia, một lần cho con trai bà goá thành Nain và lần này cho Ladarô. (x. Mc 5, 21-43; Lc 7, 11-17). 

Rõ ràng giáo lý về sự sống lại đã có từ lâu nhưng phải đợi đến trường hợp của Ladarô, Chúa Giêsu mới tỏ hiện giáo lý ấy cách đầy đủ và sẽ hoàn thiện nó cách toàn hảo khi Người chỗi dậy từ cõi chết. Giáo lý đó Chúa Giêsu muốn gửi đến cho chúng ta mà hôm nay Mácta, chị Ladarô là đại diện.

Ai cũng biết tình cảm của Chúa Giêsu dành cho gia đình của Ladarô rất thân thiết. Thế nhưng khi nghe tin Ladarô bị bệnh, Chúa Giêsu không đi ngay, Người vẫn ở lại Épraim đến hai ngày. Điều này thật tai hại. Vì như chúng ta biết khi Chúa Giêsu đến Bêtania thì Ladarô đã chết và được chôn cất đến 4 ngày! Ngay Mácta vốn rất yêu quý Chúa Giêsu nhưng khi ra đón Chúa, câu nói của cô có gì đó chứa đựng sự trách móc, giận hờn : "Nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết". Trách móc cũng phải thôi nhưng đó lại chính là khởi điểm cho một giáo huấn về sự sống lại mà Chúa Giêsu muốn dành cho chị cũng như cho mỗi người chúng ta.

Tin mừng Gioan luôn làm nổi bật mối tương quan giữa niềm tin và phép lạ. Phép lạ đưa đến niềm tin và ngược lại. Trong trường hợp Ladarô, chính niềm tin, lời tuyên tín của Mácta đưa đến phép lạ. Đây là điểm giáo lý rất quan trọng. Phép lạ đưa đến niềm tin không cần bàn cãi nhiều. Bởi chính Chúa Giêsu đã dùng nhiều phép lạ như những bằng chứng hữu hình cho thấy chính Người là Đấng Mêsia mà Cựu ước đã loan báo và để dân chúng thấy và tin theo Người. Tuy nhiên, đây chỉ là lối tiếp cận niềm tin ở mức độ thấp mà thôi, nghĩa là thấy mới tin. Chúa Giêsu muốn chúng ta tiếp cận niềm tin ở mức độ cao hơn như Người đã quả quyết với thánh Tôma ngay sau khi phục sinh : "Phúc thay những ai không thấy mà tin" (Ga 20, 29b). Trước khi cho Ladarô sống lại, điều Chúa Giêsu muốn Mácta là phải TIN. Chính Mácta đã tuyên tín niềm tin đó với tình yêu và lòng mến chân thành : "Thưa Thầy, con vẫn tin Thầy là Đức Kytô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian". Hiệu quả của niềm tin chính là việc Ladarô, em chị được sống lại. Đây chính là niềm tin trưởng thành. Niềm tin không cần đến phép lạ. Niềm tin ấy dẫn dắt Giáo hội suốt hơn hai ngàn năm qua và sẽ mãi tiếp tục cho đến thời viên mãn.

"Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại". Lời tuyên xưng ấy chính là niềm tin của chúng ta, niềm tin của Giáo hội lữ hành. Chúng ta có thể nói rằng : Nếu không có sự sống đời sau, nếu xác loài người không sống lại, thì niềm tin của chúng ta quả là điên khùng. Biến cố Ladarô sống lại và không lâu sau đó, chính Chúa Giêsu cũng chỗi dậy từ cõi chết là dấu chứng hùng hồn, không thể phai mờ cho niềm tin của chúng ta. Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho đến khi Chúa lại đến.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

THIÊN CHÚA, NGUỒN SỐNG  và SÁNG
Ga 11, 1-45

"Điều đã thành sự nơi Ngài là sự Sống, và sự Sống là sự Sáng cho nhân loại" (Gn 1:3). Những lời dẫn nhập trên đây trong Tin Mừng theo thánh Gioan được minh họa đầy đủ hơn qua trình thuật "Chúa chữa người mù" và "Phục sinh Lazarô". Rõ ràng, vị thánh sử muốn khẳng định: Đức Giêsu chính là Sự Sống và Sự Sáng cho muôn dân.

Trong bài Phúc âm tuần trước, khi được các môn đệ hỏi "Tội ai đã gây ra tình cảnh bất hạnh cho người mù mắt thuở mới sinh," Đức Giêsu trả lời: "Không phải tội ai cả, nhưng để nơi con người ấy công việc Thiên Chúa được rạng vinh." Trong bài Phúc âm tuần này, khi có người báo cáo về tình hình nguy tử của Lazarô, Chúa Giêsu lại xác quyết: "Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên Chúa, và do đó Con Thiên Chúa sẽ được tôn vinh."

Dưới đôi mắt loài người, bệnh hoạn, tật nguyền, đau thương, chết chóc là những mầm móng gieo rắc thống khổ, bất an và bất hạnh. Nhưng đối với Đức Giêsu, tất cả có thể trở thành phương thế ca ngợi quyền năng của tình yêu Thiên Chúa.

Như thế, một cái nhìn mới đã được trao ban cho nhân loại: thay vì kêu ca, nguyền rủa và khước từ khổ đau, con người có thể chấp nhận và sử dụng nó như phương tiện tiến tới vinh quang ngày mai.

Chúa Giêsu không đề cao đau khổ như cứu cánh của con người, nhưng Ngài lại dùng đau khổ để bày tỏ tình yêu là cội nguồn của ơn cứu độ. Bao năm trời rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu không ngừng ra tay giải thoát người ta khỏi những áp chế của bệnh tật, u sầu và chết chóc phần xác, nhưng chính Ngài lại đón nhận nỗi tang thương khủng khiếp nhất của kiếp người là cái chết ô nhục để mang lại cho thế giới sự sống thần linh phong phú.

Chúa Giêsu vừa "yếu đuối" để chia sẻ và cảm thông tận cùng nỗi khổ đau của con người, nhưng lại vừa "mạnh mẽ" để nâng đỡ và cứu độ cả thể xác lẫn linh hồn nhân thế. Thánh Gioan đã làm rõ nét chân dung của Chúa Giêsu với hai bản tính Thiên Chúa và con người, "mạnh mẽ" và "yếu đuối", trong phép lạ "Phục sinh Lazarô."

Kinh thánh kể: Đức Giêsu thương mến ba chị em Matha, Maria và Lazarô cách đặc biệt nên thường ghé nhà họ mỗi lần có dịp qua làng Bêtania. Thế nên khi Lazarô ốm nặng, Matha vội cho người cấp báo với Đức Giêsu, hy vọng rằng Ngài sẽ đến chữa ngay cho em mình. Tuy nhiên, Đức Giêsu biết rõ những gì sẽ xảy ra, nên Ngài tiếp tục lưu lại nơi đang ở là quận Pêrê thuộc mạn đông của giòng sông Giođan thêm hai ngày nữa, sau đó mới lên đường đi Bêtania. Như thế, người đưa tin đi hết một ngày đường, thêm hai ngày Chúa ở Pêrê, và một ngày đường Ngài đi về Bêtania, tổng cộng là 4 ngày, bằng số ngày Lazarô qua đời.

Tại Palestine, vì thời tiết nóng nực làm cho xác chết mau mục rữa và hôi thối, nên người ta thường đem chôn ngay trong ngày người chết vừa qua đời, sau đó mới tiến hành một tuần than khóc. Thế nên, Kinh thánh ghi nhận: "Có nhiều người bạn bè thân thích vẫn còn lưu lại với chị em Matha khi Chúa Giêsu đến."

Rồi khi thấy tang gia cùng bao bạn bè thân thích than khóc về sự ra đi của Lazarô, Chúa Giêsu đã thổn thức xúc động (Gn 11,33). Thế rồi, đang lúc đi ra mộ thì Ngài khóc (Gn 11,35).

Tại sao biết trước những gì sẽ xảy đến cho Lazarô và những gì mình sẽ làm để tôn vinh Thiên Chúa mà Đức Giêsu lại thổn thức? Phải chăng thánh sử Gioan muốn xác quyết Chúa Giêsu là một con người đích thực: biết thương, biết cam, biết chia sẻ thân phận và niềm đớn đau mất mát của con người? Phải chăng Ngài đang đi sâu vào cõi âm u của sự chết, để rồi từ đó đưa con người tiến ra với sự sống.

Ngoài việc bày tỏ nhân tính, Chúa Giêsu còn mạc khải thiên tính: "Ta là sự sống lại và là sự sống." Xưa nay, không người nào dám tuyên bố như thế, bởi vì có ai lại không bị thần chết khuất phục. Chỉ có Thiên Chúa mới là chủ tể của sự sống và sự chết. Không ai có thể tự mình bước vào cõi chết và sau đó lấy lại sự sống. Chỉ có Đức Giêsu mới làm được việc ấy.

Ngài hô lớn tiếng: "Lazarô! Hãy ra đây!". Người chết đi ra, chân tay và mặt còn quấn các mảnh vải và khăn liệm. Đáng ngạc nhiên là việc người chết lại có thể nghe được tiếng hô của Đức Giêsu để sống lại! Như thế lời tiên báo của Ngài trước dân Do thái đã bắt đầu thành sự: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các người: giờ đã đến - và là ngay bây giờ - các kẻ chết sẽ nghetiếng Con Thiên Chúa, và ai nghe thì sẽ sống" (Gn 5,25)

Từ trong thâm cung của cõi chết, Lazarô đã nghe tiếng Con Thiên Chúa để rồi bước ra cõi sống. Điều đó hàm ngậm một chân lý: khi con người lắng nghe tiếng Chúa và thi hành, sự sống sẽ phát sinh. Đây là sự sống thần linh, không mục nát, không thối rữa mà Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại. Như thế, dù thân xác có bị tan biến theo thời gian, sự sống Thiên Chúa tặng ban sẽ giúp con người tồn tại muôn đời.

Vậy thì hôm nay Chúa muốn nói gì với tôi, và tôi phải làm gì để có được sự sống thần linh đó?

Chúa nói "Hãy cởi khăn liệm cho anh ấy." Như thế, Chúa muốn tôi ra tay tháo gỡ những mãnh khăn đang bó buộc tha nhân, đem lại cho họ nhân phẩm và sự sống đích thực của con người. Ngài muốn tôi thắp lên một ngọn lửa yêu thương, dù rất bé nhỏ, để góp phần soi sáng cuộc đời.

Chúa bảo dân chúng cởi khăn cho Lazarô, và Ngài cũng mời gọi tôi hãy cởi bỏ những đắng cay, buồn phiền, thất vọng, u mê cho kẻ khác.

Làm như thế là tôi đang sống trọn vẹn ý nghĩa của mùa Chay thánh, đồng thời đón nhận dồi dào ánh sáng Phục sinh của Đức Giêsu, Đấng Cứu độ con người.

Lm Bùi Quang Tuấn, CSsR

SỰ SỐNG LẠI
Ga 11:1-45 

Phụng vụ hôm nay đều nói về sự sống và sự sống lại, nhờ đức tin và nhờ Chúa Thánh Thần, như một chuẩn bị cho mầu nhiệm phục sinh. 

Trong thị kiến đầy ấn tượng của ngôn sứ Êdêkien, ông đã nghe tiếng phán với ông: "Ta sẽ đặt Thần Khí ta vào trong các ngươi, và các ngươi sẽ được hồi sinh."

"Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới", Thánh Phaolô đã nói như thế trong thư gởi tín hữu Rôma. 

Và trong bài tin mừng theo thánh Gioan, Đức Giêsu nói với Matta: "Chính Thầy là sự sống lại," để bảo đảm với bà rằng Lagiarô, em bà, sẽ được cho sống lại. 

Sứ Điệp Niềm Tin

Thiên Chúa của do Thái giáo và của Kitô giáo là Thiên Chúa của sự sống. Ngài là Chúa của sự sống. Ngài là Chúa của kẻ sống và kẻ chết. Như lời thánh Irênê nói, vinh quang của Thiên Chúa chính là con người sống trong sự viên mãn.

Để thực hiện việc này, Chúa dùng mọi phương cách cùng với lòng nhẫn nại và trung tín, như được phản ánh trong suốt dòng lịch sử của mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân Ítraen. Một giai đoạn tương ứng với cuộc lưu đày Babylon, giữa cuộc tàn phá Đền Thờ và Thành Giêrusalem. Bị lưu đày ở Babylon, cùng với dân chúng, niềm hy vọng vào tương lai đi dần đến chỗ héo tàn. Tình trạng đó được biểu tượng bằng hình ảnh những bộ xương khô đét.

Qua ngôn sứ Êdêkien, Thiên Chúa mạc khải cho dân biết rằng Ngài sẽ vực họ dậy tự vực thẳm, sẽ ban cho họ sự sống mới và mang họ về miền đất sự sống, Đất Hứa. Biểu tượng trong thị kiến của Êdêkien trở thành sự thật nơi trường hợp của Lagiarô. Ông là một người bằng xương bằng thịt, là em của Matta và Maria quê làng Bêtania. Ông đã ngã bệnh và chết. 

Khi Đức Giêsu đến Bêtania, ông đã được chôn trong mồ bốn ngày rồi, một khoảng thời gian đủ theo não trạng người do thái, để chứng tỏ rằng ông đã chết thật. Nhưng Đức Giêsu là sự sống, và đồng thời Ngài thương Lagiarô như bạn thân. Đức Giêsu làm được gì bây giờ? Ngài ra mồ và kêu lớn: "Anh Lagiarô! Hãy ra khỏi mồ!" Và Lagiarô đã sống trở lại. Dĩ nhiên, về phần Lagiarô, ông đã phải nhờ đến một thựctại siêu việt: cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, sẽ được cử hành trong hai tuần nữa, và sự sống mới mà Đức Kitô mang lại cho con người một cách viên mãn, cả về mặt thể lý và tâm linh nhờ tác động của Thánh Thần.

Ý niệm về sự sống lại và sự sống cũng đi theo một tiến trình như trên: trước tiên có biểu tượng của sự giải thoát và sự thông hiệp vào cuộc sống hạnh phúc vui sướng trên trần đời do Chúa ban cho "các tổ phụ". Kế đến là giai đoạn lịch sử đi từ sự chết đến sự sống, nhưng là một cuộc sống có kết thúc bằng nấm mồ. Giai đoạn này mặc lấy một hình thái thực sự viên mãn và mới mẽ nơi Đức Kitô, Đấng đã chết, vượt qua cái chết để sống mãi mãi. Sau cùng, nơi trần đời này, người kitô hữu thông phần vào sự sống của Đức Kitô phục sinh, nhờ ân sủng trong Chúa Thánh

Thần, và cũng sẽ chia sẻ sự vĩnh cữu với Chúa. Đó là lý do tại sao cái chết của người kitô hữu là cuộc biến đổi cách sống, gây ấn tượng cho ta vì ta chưa biết rõ, tuy nhiên ta biết chắc rằng đó là cuộc "sống cho Chúa". 

Gợi Ý Mục Vụ

Trong Mùa Chay, những chủ đề chính của phụng vụ thường là sám hối, cầu nguyện, tỉnh thức, ăn chay... Phụng vụ hôm nay có sự thay đổi, để giúp ta suy nghĩ trước về mầu nhiệm Đức Kitô sống lại và được tràn niềm vui. Đây là niềm vui của người biết cởi bỏ con người cũ của mình và mặc lấy con người mới, trong bầu khí yêu thương và sự thật, biết trao ban cho các anh chị em mình. 

Chúa Nhật hôm nay như là một cao điểm trong cuộc hành trình, Đức Giêsu dạy ta: Thiên Chúa là sự sống. Thực tại quan trọng nhất của kitô giáo chính là sự sống mà Thiên Chúa thông ban cho ta như Ngài đã ban cho dân Ítraen và cho Lagiarô xưa. Cùng với sự sống ta tràn đầy niềm vui vì có sự sống của Chúa trong ta, tình thương và lòng thương xót của Ngài dành cho ta. Nhờ Thánh Thần ở trong ta mà ta được như thế; là kitô hữu, ta cần ý thức rằng chính Thánh Thần ban sự sống, ngày qua ngày phù trợ và nâng đỡ ta. 

Giáo dân trong giáo xứ bạn ý thức ra sao về sự hiện diện hữu hiệu của Thánh Thần trong đời sống của mỗi tín hữu và trong lòng Hội thánh? Có lẽ nơi vài cộng đoàn người ta tìm thấy một đời sống kitô buồn chán và ảo tưởng như trong xứ đạo, trong giáo phận, giữa các bạn trẻ, trong các đoàn thể giáo xứ, hoặc trong các phong trào của giáo hội. Có lúc chỉ thấy những vấn nạn, những căng thẳng, lỗi lầm, những yếu kém con người, những giới hạn, những thiếu sót về mặt đạo lý cũng như luân lý...trong những sinh hoạt xứ đạo. 

Hôm nay Đức Kitô nói với tất cả chúng ta: "Thầy là sự sống lại." 

Hãy lưu tâm đến sự sống, đến tất cả những gì tốt đẹp, đến những hoa trái mà niềm tin kitô giáo mang lại cho nhiều người. 

Hãy lưu tâm đến sự "sống lại", đến sự biến đổi mà Đức Kitô thực hiện nơi một số người bạn quen biết. 

Hãy lưu tâm đến tất cả những ai cầu nguyện, những người sống đạo lý kitô một cách lạc quan, những kẻ đang sống với bộ mặt của những người được trở lại cuộc sống, dù còn giữa muôn vàn đau khổ. 

Cùng hoạt động và chiến đấu chung với các anh chị em khác trong niềm tin, để sự sống kitô triển nở nơi giáo xứ của bạn và những vùng xung quanh. Biết bao điều thiện hảo có thể được thực hiện, khi ta có cái nhìn trong sáng và dễ mến, một lời khuyến khích, khi ta sống mẫu gương cầu nguyện, lạc quan, và tình yêu đối với Chúa cũng như đối với người thân cận!

Lm Phêrô Phạm Ngọc Lê

nguồn vietcatholic.org

2069    08-04-2011 07:13:37