Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Chúa Nhật III Mùa Chay B_4

THANH TẨY ĐỀN THỜ TÂM HỒN
Ga 2:13-25

Hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngưỡng trước ngôi Đền thờ đích thực là thân thể của Chúa Kytô- ngôi đền thờ bị người Dothái phá đổ, nhưng sau ba ngày, Người sẽ xây dựng lại bằng chính sự phục sinh vinh hiển. Ngôi Đền thờ này có gì khác với đền thờ Giêrusalem hoành tráng? Chúng ta cùng xem.

Chúng ta biết Đền thờ Giêrusalem được vua Hêrôđê Cả trùng tu từ năm 20 trước công nguyên và kéo dài tới thời tổng trấn Rôma Albinus khoảng năm 63 sau công nguyên (scn) mới hoàn thành. Biến cố mà Tin mừng Gioan ghi lại có lẽ xảy ra vào khoảng năm 27 scn, lúc đó những phần chính yếu đã làm xong. Đền thờ gồm có cung thánh, sân tư tế, sân đàn ông, sân đàn bà và sân ngoại giáo rất rộng. Người Dothái luôn tự hào về Đền thờ của họ bởi nó được xây dựng nguy nga, to lớn xứng đáng nơi Thiên Chúa ngự và thích hợp cho mọi người đến cầu nguyện, dâng lễ vật Sự việc diễn ra trong Tin mừng mà Gioan ghi lại xảy ra tại sân ngoại giáo. Đây là nơi dành cho dân ngoại lui tới và là nơi diễn ra việc buôn bán trục lợi với những mánh khoé bất chính, những thủ đoạn lộ liễu. Việc buôn bán này do các tư tế Đền thờ cầm đầu. Con cháu họ giữ việc buôn bán đổi tiền. Gia nhân của họ cầm dùi cui, sẵn sàng đánh những ai cản trở việc buôn bán của con cháu họ.


Thật ra, việc buôn bán chiên cừu, bồ câu cho khách hành hương để dâng lễ vật là một việc chính đáng, vì vừa giúp khách hành hương khỏi phiền phức đem lễ vật từ xa đến vừa thu lợi cho Đền thờ trong việc bảo quản sửa sang. Việc đổi tiền ngoại quốc ra tiền Đền thờ cũng là việc phải lẽ. Bởi dân Dothái thời Chúa Giêsu bị thống trị bởi đế quốc Rôma. Chính vì thế, người dân phải sử dụng đồng tiền Rôma trên đó có mang hình và ký hiệu hoàng đế Rôma. Đây là loại tiền bằng bạc, một đồng cân nặng 3,8 g và tương đương với 0, 875 quan vàng. Mặt phải của đồng tiền in đầu hoàng đế Tibêriô đội vòng nguyệt quế với dòng chữ : Tiberius Caesar Augustus, Divi Augusti Filius (Hoàng đế Tibêriô Augustô- con của thần August). Mặt trái của đồng tiền là hình hoàng hậu Livia hay thần chiến thắng trên một cỗ xe tứ mã với Tư tế Pontif.


Người Dothái cho rằng đồng tiền Roma là đồng tiền dơ bẩn không xứng đáng để dâng cúng vào Đền thờ. Thế nên để có tiền dâng vào Đền thờ theo tín ngưỡng, người Rôma chấp nhận cho người Dothái sử dụng một loại tiền khác gọi là tiền Đền thờ. Loại tiền này được người dân dâng cúng vào Đền thờ khi có dịp, muốn vậy thì phải đổi tiền Rôma để lấy tiên này.


Vấn đề ở đây là thay vì các thầy Tư tế và gia nhân của họ phục vụ vì mục đích tốt đẹp, họ lại lợi dụng để thu lợi bất chính cho mình. Người dân biết, nhưng phải im lặng vì động đến họ là động đến nồi cơm, là động đến món lợi tức kếch xù và vì thế, sẽ bị gây khó dễ khi đến cầu nguyện và tế lễ.


Chính trong khung cảnh đó, Chúa Giêsu đã can thiệp. Sự can thiệp của Chúa được thể hiện qua hành động và lời nói. Về hành động, Gioan miêu tả khá tỉ mỉ: Chúa Giêsu cầm một dây thừng dùng làm roi, đuổi những lái buôn chiên bò; Người lật nhào, đổ tung bàn ghế của những người đổi tiền; cùng với hành động là lời quở trách với những người bán bồ câu: "Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi làm nơi buôn bán". Chúa Giêsu muốn thanh tẩy đền thờ như ngôn sứ Dacaria đã loan báo thuở xưa (x. Dcr 14,21), bởi đền thờ cũng như nền phụng tự đó đã lỗi thời và xuống cấp về luân thường đạo lý, cần phải được canh tân đổi mới.


Phản ứng tự nhiên của nhóm người thân cận hàng Tư tế là hạch sách Chúa Giêsu : Ông lấy quyền ai mà dám làm điều này? Nếu lấy quyền Chúa, ông hãy làm một dấu lạ chứng tỏ Chúa sai ông đi? Trả lời cho thái độ hạch sách đó, Chúa Giêsu nói: "Phá Đền thờ này đi, nội 3 ngày tôi sẽ xây dựng lại". Thánh sử Gioan, trong lối hành văn của mình, nhiều lần sử dụng kỹ thuật "gây hiểu lầm" (Technique of misunderstanding), gây ít nhiều khó khăn cho thính giả, cụ thể là cho người Dothái. Rõ ràng câu nói của Chúa Giêsu không có ý nói đến ngôi Đền thờ xây bằng đá, trang hoàng bằng vàng này, mà chỉ ám chỉ chính thân thể của Người. Chúa Giêsu chính là Đền thờ và Người đến để thay thế ngôi Đền thờ Giêrusalem bằng đá bằng chính thân thể Người. Câu trả lời của Chúa còn mô tả cái chết thân xác của Người. Một cái chết chiến thắng vì trong giới hạn 3 ngày, Người sẽ chỗi dậy. Một cái chết phá huỷ Đền thờ cũ để xây dựng một ngôi Đền thờ mới thờ "Thiên Chúa trong chân lý và Thánh Thần" như Chúa đã từng dạy.


Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự và là nơi mời gọi con người đến cầu nguyện và giao hoà với Thiên Chúa. Dĩ nhiên rồi. Nhưng một khi biến nơi thánh thiêng đó trở nên nơi "buôn thần bán thánh", nơi đầu trộm đuôi cướp thì rõ ràng đã đi ngược lại với ý tưởng tốt đẹp của Thiên Chúa. Chính vì thế, cần phải một cuộc canh tân đổi mới và thanh tẩy nơi thờ phượng đó cho xứng đáng là nơi Thiên Chúa ngự. Riêng với người Kytô, ngôi đền thờ thiêng liêng không chỉ được xây dựng bằng những vật liệu kiên cố, được trang hoàng nguy nga tráng lệ mà còn được xây đựng bằng chính tâm hồn của mỗi người. Thật thế, tâm hồn chúng ta được sánh ví là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, là nơi Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trị. Ngôi đền thờ thiêng liêng này vượt xa giá trị của những ngôi đền nguy nga hoành tráng đôi khi chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, nhưng không mang lại giá trị cứu chuộc.


Thật thích hợp trong Mùa Chay thánh hướng chúng ta đến sự cần thiết để thanh tẩy tâm hồn, thanh tẩy ngôi đền thờ thiêng liêng để mãi mãi tâm hồn chúng ta là nơi Thiên Chúa ngự trị. Xin cho mỗi người chúng ta chuẩn bị thật tốt ngôi đền thờ này để nơi đây vang mãi bài ca tình yêu Tự Hiến của Con Thiên Chúa.

Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb

THANH TẨY ĐỀN THỜ
Ga. 2,13-25

Vào thời Chúa Giêsu, dân Do thái vẫn có những hội đường để mỗi ngày sa-bát, ngày thứ bảy, họ đến đây để nghe lời Chúa và cầu nguyện. Đây không phải là nhà thờ hay đền thờ như chúng ta ngày nay. Họ chỉ có một đền thờ duy nhất tại Giê-ru-sa-lem để tế lễ Thiên Chúa, là một nơi linh thiêng thánh thiện. Vậy tại sao lại có chuyện buôn bán, đổi chác tiền bạc ở đền thờ, đến nỗi Chúa Giêsu phải nổi giận, xua đuổi ?

Trước hết, về việc buôn bán ở đền thờ. Mỗi năm, vào những dịp đại lễ, như lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần...theo tập tục và thói quen đã trở thành như một luật lệ, bắt buộc các tín hữu khi đến đền thờ dự lễ đều phải dâng vào đền thờ một lễ vật nào đó làm của lễ dâng Thiên Chúa. Người giàu có thì dâng chiên bò, người nghèo thì dâng bánh rượu, dầu hương, chim câu...Nhưng vì gần đền thờ không có chợ, nên các tư tế đã lợi dụng cơ hội để làm ăn : hoặc là chính họ hoặc họ cho phép các con buôn đã nộp thuế cho họ, được buôn bán các thứ lễ vật đó cho những người đến dự lễ. Và đã là chuyện buôn bán thì có người mua kẻ bán, người trả người thách, lại với số đông người, không thể không ồn ào, om xòm, lộn xộn... làm cho khu vực đền thờ có vẻ là một chợ phiên hơn là nơi yên tĩnh để cầu nguyện và tế lễ.


Về chuyện đổi chác tiền bạc. Theo luật buộc : mỗi năm mỗi người trưởng thành phải nộp ½ đồng Xê-ken, tức là một nửa đồng tiền Do thái. Đây là một thứ thuế nghĩa vụ, ai cũng phải nộp và chỉ được nộp tiền Do thái, chứ không nộp thứ tiền nào khác, mặc dầu thời ấy tiền Rô-ma và tiền Hy lạp rất thông dụng, vì những thứ tiền ấy in hình vua ngoại đạo, nên cấm lưu hành trong khu vực đền thờ. Vì thế, để có tiền Do thái nộp thuế cho đền thờ, những người đến dự lễ phải đổi tiền. Đó là lý do sinh ra cái nạn đổi tiền và có những quầy đổi tiền trong đền thờ.


Trước sự bất kính đối với đền thờ như thế, Chúa Giêsu đau xót và nổi giận. Ngài xua đuổi họ. Việc này làm cho các tín hữu hài lòng, duy có nhóm tư tế bực mình, hạch hỏi Chúa : "Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế ?". Chúa bảo họ : "Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại".


Hành động của Chúa Giêsu không chỉ đơn thuần là xua đuổi các con buôn, là đụng chạm đến quyền lực và lợi nhuận của hàng tư tế, nhưng sâu xa hơn, đó là cử chỉ tượng trưng, nhằm phủ nhận một cung cách thờ phượng đã bị làm cho biến chất. Và không những phủ nhận nghi thức phụng tự, Chúa Giêsu còn phủ nhận luôn đền thờ bằng gỗ đá, một đền thờ lộng lẫy, huy hoàng, tráng lệ đã được vua Hê-rô-đê cả ra lệnh xây dựng từ năm 19 trước công nguyên và mãi đến năm 63 sau công nguyên mới hoàn thành. Sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Tin Mừng kể lại hôm nay xảy ra vào năm 28 sau công nguyên. Như vậy đã ròng rã 46 năm trời xây cất vẫn chưa xong.


Khi phủ nhận các nghi thức phụng vụ cũ, phủ nhận cả đền thờ gỗ đá, Chúa Giêsu giới thiệu một đền thờ mới, đền thờ đích thực, đó là thân xác Phục Sinh của Ngài, khi Chúa nói : "Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại", Chúa có ý nói đến thân xác của Ngài. Ngài sẽ bị giết chết, nhưng trong ba ngày Ngài sẽ sống lại.


Chúng ta đang sống trong Mùa Chay, đoạn Tin Mừng này nhắc nhở chúng ta hai điều : Thứ nhất, mỗi người tín hữu đươi coi là một đền thờ của Thiên Chúa. Nhưng hiện giờ đền thờ ấy có xứng đáng để Thiên Chúa ngư hay không hay là một cái chợ trưng bày đủ thứ, nhất là những thứ cấm kỵ : tham vọng, ích kỷ, hận thù, bất trung, ghen ghét, gian dối...? Không nhiều thì ít, có lẽ đền thờ nơi chúng ta còn đang bất xứng, chúng ta cần thanh tẩy, sửa chữa.


Thứ hai, gia đình Ki-tô hữu cũng được mời gọi trở nên đền thờ của Thiên Chúa. Liệu trong ngôi đền thờ ấy, các thành viên có biết lấy yêu thương, sự khoan dung tha thứ mà đối xử với nhau, hay ngôi đền thờ đã trở thành quán trọ mạnh ai nấy sống ? Liệu trong ngôi đền thờ ấy có Thiên Chúa ngự trị hay đang bị đủ thứ ngẫu tượng chi phối, những ngẫu tượng có tên là tiền bạc, tham vọng, ích kỷ, hận thù, gian dối ?


Tóm lại, mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự trị. Nhưng có thể Thiên Chúa đã mất chỗ, nghĩa là tội lỗi, những cái xấu, những cái tiêu cực...đã chiếm chỗ của Chúa. Vì thế, chúng ta phải loại bỏ tất cả những cái đó để trả lại chỗ cho Thiên Chúa bằng sự ăn năn sám hối và cải thiện đời sống.


Xin Chúa cho Mùa Chay thánh này là mùa hồng ân cho chúng ta : cho mỗi người chúng ta trở thành một đền thờ xứng đáng, và cho gia đình chúng ta cũng là một đền thờ tốt đẹp để Thiên Chúa ngự trị, chúc lành và ban ơn cho chúng ta.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP

ĐỨC GIÊSU, ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA
Ga 2, 13-25

Trong hai tuần lễ vừa qua, phụng vụ lời Chúa đã cho chúng ta thấy Đức Giêsu vừa là con của con người khi phải chịu cám dỗ (x. Mc 1, 12-15), nhưng cũng đồng thời là Con Thiên Chúa lời xác nhận của Chúa Cha: "Đây là Con Ta yêu dấu " (x. Mc 9, 2-10) khi Ngài biến hình trên núi. Hôm nay, phụng vụ tuần 3 Mùa Chay lại trình bày cho chúng ta một khía cạnh khác của con người Đức Giêsu. Ngài chính là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà con người có thể đến để gặp gỡ Thiên Chúa.

1. Từ ngôi đền thờ vật chất...


Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại công dụng của các đền thờ hay nơi thờ tự. Đền thờ hay nói chung những nơi thờ tự đúng ra phải là nơi con người đến để gặp gỡ với Đấng mình tôn thờ, đồng thời, đây cũng là nơi thuận tiện nhất để con người có thể vượt lên cảnh sống thường ngày tìm lại những phút bình an trong tâm hồn. Hơn nữa, đây cũng là nơi chúng ta trình bày những tâm tư, những khắc khoải, âu lo của mình lên với Đấng mình tôn thờ. Vì thế, có thể nói được đền thờ là nơi linh thiêng nhất trong thế giới con người. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều nơi thờ tự đã không đáp ứng được nhu cầu thiêng liêng này của dân chúng. Những nơi này đã biến thành các trung tâm du lịch. Dân chúng và có khi cả những người phụ trách nơi thờ tự đã đặt lợi nhuận về kinh tế lên trên việc giúp cho các tín hữu thực hiện những khát vọng tâm linh.


Ngay cả đền thờ Giêrusalem, một trung tâm tôn giáo, tiêu biểu cho cả một dân tộc, một nơi có thể nói là linh thiêng nhất đối với người Do Thái cũng không thoát khỏi điều này. Họ đã biến đền thờ thành khu chợ trời, hỗn tạp khiến Đức Giêsu, một vị Thầy hiền lành cũng phải nổi cơn nóng giận. Thánh sử Gioan thuật lại: "
Lễ Vượt Qua của dân Do Thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán ".

Chúng ta biết rằng, lúc bấy giờ người Do Thái đang sống dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã, mà trên đồng tiền của người La Mã lại có in hình của hoàng đế César. Do đó, đối với dân Do Thái, đồng tiền này không thể dùng để dâng cúng vào đền thờ được vì nó ô uế. Vì thế, xuất hiện những bàn để đổi từ tiền La Mã sang tiền của Do Thái, ngõ hầu có thể dâng cúng vào đền thờ. Tương tự như thế, số chiên bò, chim câu được bày bán tại đây cũng là để giúp cho các khách hành hương đỡ phiền phức, khi phải mang các súc vật này đi từ nhà. Như thế, từ ban đầu việc buôn bán này thật chính đáng, vì nó tạo được sự thuận lợi cho những người Do Thái hành hương.


Tuy nhiên, Đức Giêsu không lên án việc chính đáng này. Điều Ngài kết án là họ đã dừng lại ở mục đích kinh tế này mà quên đi mục đích chính của đền thờ là nơi cầu nguyện. Cả ba Phúc âm Nhất lãm đều nhắc đến lời Ngài nói trong dịp này: "
Nhà của Ta sẽ là nhà cầu nguyện, còn các ngươi thì đã biến nó thành hang trộm cướp" (Lc 19, 46). Đền thờ đâu còn là nơi thờ phượng Thiên Chúa, nhưng đã trở thành nơi để con người tranh giành, lừa dối nhau để kiếm tiền. Thế mà, khi bị Đức Giêsu đánh đuổi, họ đã không nhận ra lỗi lầm của mình để sửa sai, lại còn lên tiếng chất vấn Chúa: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì ông có quyền làm như vậy". Câu hỏi này, cho thấy, Thiên Chúa của họ không còn là Giavê, Đấng giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng là "Thần Tài ", là những đồng tiền trước mắt mà thôi. Và như thế, phải chăng họ đang thờ những ngẫu tượng mà sách Xuất hành đã cảnh cáo: "Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta,...Đừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa ". Hay nói theo cách nói của thánh Phaolô: " Chúa họ thờ là cái bụng... Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian " (Pl 3, 19).

2. ... đến ngôi đền thờ của Thiên Chúa:


Đứng trước câu hỏi của người Do Thái, Đức Giêsu đã trả lời: "
Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại". Nghe câu trả lời này dân Do Thái không hiểu Ngài định nói gì. Trước mắt họ chỉ có một ngôi đền thờ vật chất, bằng đá quý, nguy nga, sang trọng, nên họ lại thắc mắc: "Phải bốn mươi năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư? ". Thế nhưng, lời nói của Đức Giêsu hướng về một thực tại khác, như lời giải thích của thánh sử Gioan: "Người có ý nói đền thờ là thân thể Người". Tuy nhiên, các môn đệ cũng chỉ có thể hiểu điều này sau khi Đức Giêsu "đã từ cõi chết sống lại". Nghĩa là sau khi Ngài đã đi trọn con đường thập giá với hiến tế trên đồi Canvê.

Con đường thập giá, con đường đạt đến sự sống bằng cách vượt qua cái chết, trước mắt con người thật là một điều khó hiểu, nếu không muốn nói là một sự khờ dại, như lời thánh Phaolô: "
Chúng tôi rao giảng một Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do Thái, một sự điên rồ đối với người ngoại giáo". Nhưng thánh nhân cũng kết luận: "Đối với những người được gọi, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa".

Thật vậy, với hiến tế này, Đức Giêsu thực sự trở thành một của lễ duy nhất có khả năng giao hoà chúng ta lại với Thiên Chúa, như lời tác giả thư Do thái: "
Không phải nhờ máu dê hay máu bê, nhưng là nhờ chính Máu của Ngài, Ngài đã vào thánh điện - duy chỉ một lần - sau khi đã thành đạt việc cứu chuộc muôn đời" (Dt 9, 12). Từ đây, Đức Giêsu trở thành một đền thờ mới, nơi con người gặp gỡ được Thiên Chúa như lời Ngài nói: "Ai thấy Ta là thấy Cha" (Ga 14, 9b). Đồng thời, cũng từ nơi Đức Kitô, chúng ta sẽ nhận được các phúc lành của Thiên Chúa như lời thánh Gioan trong bài tựa Tin mừng của mình: "Vì do từ sự sung mãn của Ngài mà ta hết thảy đã chịu lấy, ơn này thay cho ơn nọ. Vì Luật đã được ban nhờ Môsê, ơn nghĩa và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có" (Ga 1, 17-18).

Ý thức điều đó, kết thúc các Kinh Nguyện Thánh Thể, Giáo Hội đã tung hô: "
Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời".

Lắng nghe lời Chúa hôm nay cùng với việc chiêm ngưỡng ngôi Đền Thờ mới là chính Đức Giêsu trên thập giá, mời gọi từng người chúng ta thanh tẩy con người mình, vì thánh Phaolô đã nói: "
Thân mình anh em là Đền thờ của Thánh Thần" (1 Cr 6, 19). Chúng ta hãy thanh tẩy đền thờ tâm hồn chúng ta bằng cách tuân giữ các giới răn Thiên Chúa đã truyền mà chúng ta vừa nghe trong sách Xuất Hành: "Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabát (ngày Chúa Nhật)...Ngươi hãy tôn kính cha mẹ...Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu".

Và ngay giờ phút này, chúng ta hãy sửa soạn tâm hồn chúng ta thật xứng đáng với ý ngay lành để sẵn sàng rước Chúa ngự vào lòng chúng ta nhờ việc hiệp lễ. Và khi trở về nhà, chúng ta hãy luôn tôn trọng và yêu mến mọi người, nhất là những người thân trong gia đình, vì mỗi người đều là "
Đền thờ của Thánh Thần". Sống được như vậy, gia đình chúng ta sẽ thật sự trở nên một Đền thờ sống động, nơi Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị. Amen.

Lm Phêrô Trần Thanh Sơn

CHÚA NHẬT THỨ BA MÙA CHAY
Ga 2:13-25

Sống trong thời đại tự do khi mà người ta coi luật lệ như rơm rác và tự quyết định cho mình điều này đúng điều kia sai, chúng ta có thể tự hỏi số phận của 10 điều răn rồi sẽ ra sao đây. Thập giới thật sự có còn chỗ đứng hay là đã hơi cổ hủ lỗi thời? Việc Thiên Chúa trao ban thập giới cho ông Môsê trên núi Sinai đánh dấu ngày khai sinh ra đất nước Israen. Bởi thế đối với dân Do thái, tuân giữ lề luật trong đời sống hằng ngày không nhằm tới việc làm điều đúng, tránh điều sai, nhưng được coi là thể hiện trong cuộc sống mối tương quan với chính Thiên Chúa. Giữ giới luật, đối với họ, chính là đem tình yêu đáp lại khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa, Đấng đã tự mình kết giao với dân Ngài. Họ xem những giới luật như là những điều khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa chia sẻ với họ như một quà tặng - như một lời mời gọi họ cư xử như chính Thiên Chúa chứ không phải là một thước đo lòng tuân phục - vâng lời nơi họ. Xã hội chúng ta tiến bộ và lý luận cao hơn dân Israen thời ông Môsê, nhưng đúng sai phải trái thì ngàn đời vẫn thế. Mười giới răn ngày xưa vẫn còn là cội rễ của đức tin chúng ta ngày nay. Bất cứ quốc gia nào không giữ được điều cơ bản này làm thành mẫu mực cho cuộc sống, thì quốc gia đó khó lòng tồn tại. Chúng ta vẫn còn cần đến thập giới vì chúng ta là gạch, là vữa để kết xây nên nền tảng vững chắc của một xã hội ổn định.

Khi xua đuổi những người buôn bán trong Đền Thờ, Đức Chúa Giêsu đã bộc lộ cho chúng ta thấy lòng tôn kính của Người đối với nhà của Chúa, và để lại cho chúng ta một tấm gương sáng về cung cách tôn kính những nơi thờ phượng như là những thánh địa dành riêng cho việc cầu nguyện mà thôi. Đền thờ hôm ấy không khác gì một chốn chợ búa náo nhiệt với kẻ mua người bán. Các con buôn có lỗi vì đã dùng nơi cư ngụ của Thiên Chúa làm nơi trục lợi ích kỷ cho mình. Họ không mấy quan tâm đến tinh thần thờ phượng đích thực. Chúng ta thấy Đức Chúa Giêsu đã tái khẳng định mạnh mẽ vì lòng tôn kính Thánh Danh Thiên Chúa và Nhà Chúa vì toàn bộ mọi việc diễn ra nơi đây đã biến thành nghi thức trống rỗng che mờ nhiệm vụ đích thực của đền thờ.


Cộng đoàn Kitô hữu thường tụ họp nhau mỗi Chúa Nhật để cử hành mầu nhiệm Thánh Thể và Tạ Ơn Thiên Chúa vì một tuần lễ đã qua. Mỗi một ngày của Chúa lẽ ra phải là một bước dẫn đưa chúng ta về quê trời, nhưng liệu có thật như thế chăng? Chúng ta có được gần Chúa hơn qua việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật hay là việc thờ phượng ngày Chúa Nhật lại trở nên xuống dốc, trở thành một nghi thức trống rỗng, một ước lệ của xã hội hay là một cái gì chúng ta phải làm chỉ vì người ta muốn chúng ta làm? Ngày Chúa Nhật lẽ ra phải làm cho chúng ta tôn vinh Thiên Chúa cao cả, ca ngợi thế giới mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta, và chúc mừng mọi người quanh chúng ta. Thiên Chúa mong muốn chúng ta tôn thờ Ngài không chỉ bằng môi miệng hay cử chỉ bên ngoài. Thờ phượng Thiên Chúa có nghĩa là nói: "
Chúa cao cả biết bao!", là tiếng đáp trả của chúng ta khi chúng ta nhận ra sự thiện hảo của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta, nhất là khi chúng ta biết rằng có Chúa là chủ chiên chăn dắt, chúng ta không còn muốn gì, không còn sợ gì? Thờ phượng Thiên Chúa và cuộc sống hằng ngày của chúng ta không hề bị chia cắt nhau. Ngày Chúa Nhật chúng ta được mời gọi đi tới nhà thờ, còn ngày thường trong suốt tuần lễ chúng ta cũng được kêu gọi trở nên ngôi thánh đường ngay trong lòng xã hội chúng ta đang sống.

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR.

NHÀ TA LÀ NHÀ CẦU NGUYỆN
Ga 2:13-25

Theo luật Môi-sen thì việc thờ phượng gồm có mục dâng con vật sống để làm lễ vật hi sinh. Luật Môi-sen buộc cha mẹ phải dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa trong đền thờ. Đó là lý do tại sao sau khi Chúa cứu thế giáng sinh thì được cha nuôi và mẹ Người dâng vào đền thờ. Khi dâng Chúa trong đền thờ, ông Giu-se và bà Maria vì nghèo nên chỉ mang được đôi chim câu làm lễ vật.

Vào dịp lễ Vượt qua của người Do Thái, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, thấy người ta đổi tiền, mua bán súc vật, Người lấy làm khó chịu xua đuổi họ ra khỏi Đền Thờ. Cũng nên biết là những người ở xa đến khó có thể mang theo súc vật để hiến dâng, cho nên việc mua bán súc vật trong đền thờ là cần thiết hay ít ra được dung thứ. Vậy nếu việc mua bán súc vật là tiện lợi cho những người từ xa tới, thì tại sao Chúa Giê-su lại tỏ ra khó chịu, lên tiếng cảnh giác những người buôn bán súc vật quanh đền thờ? Thưa rằng việc dâng hiến lễ vât của họ đã trở thành một việc chỉ nhắm mục đích thương mại. Người bán thì coi đó như là cách thế làm tiền, còn người mua thì coi việc dâng lễ vật như là bổn phận phải làm một cách bất đắc dĩ mà thiếu tâm tình bên trong.


Vì thế trong Phúc âm hôm nay Chúa lên tiếng cảnh giác họ :
Đừng biến nhà cha ta thành nơi buôn bán (Ga 2:16). Đây cũng là lời quở trách những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ đã đồng loã trong việc trần tục hoá và thương mại hoá Đền Thờ. Phúc âm thánh Mát-thêu (21:14), Mác-cô (11:17), và Lu-ca (19:36) còn trích Sách tiên tri Isaia để cảnh giác họ : Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp (Is 56:7). Người Do thái thường tỏ ra tôn kính đền thờ và bàn thờ dâng lễ vật của họ. Họ thường cảm tạ Thiên Chúa cho họ có được đền thờ và bàn thờ dâng lễ vật. Nếu bạn có dịp sang Giê-ru-sa-lem mà đến đền thờ đã bị phá huỷ, chỉ còn lại một phần tường đền thờ, mà người ta gọi là tường ô nhục, bạn sẽ thấy người Do thái gục đầu vào tường mà than khóc, vì đền thờ của họ đã bị phá huỷ mà chưa xây được đền thờ mới. Còn thực tế và cụ thể hơn, người Hồi giáo khi vào đền thờ của họ, phải để giày bên ngoài. Ta có thể tưởng tượng giả sử có một ngàn người để một ngàn đôi giày, tức là hai ngàn chiếc bên ngoài, ra khỏi đền thờ đi tìm chiếc giày nào là của mình trong hai ngàn chiếc giày thì sẽ lộn xộn và khó khăn thế nào? Tuy nhiên để tỏ ra tôn kính nơi thờ phượng, người Hồi giáo vẫn giữ điều lệ này cho tới ngày nay.

Sống ở đô thị hay ở ngoại quốc, ta có dịp va chạm với nhiều người thuộc các tôn giáo khác nhau, và được mời đến nơi thờ phượng của họ, có thể giúp ta làm tăng triển, hoặc làm giảm căn tính tôn giáo của mình khi vào nhà thờ. Nếu vào nhà thờ có Mình Thánh Chúa ngự, mà ta tỏ ra những cử chỉ như đi đứng nghêng ngang, xỏ tay túi quần giống như vào xem viện bảo tàng hay nhà triển lãm thì ta cần xét lại cái căn tính tôn giáo của mình.


Thánh kinh hôm nay nhắc nhở cho ta :
Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa hun đúc tâm hồn tôi (Tv 69:10). Lòng nhiệt thành đối với nhà Chúa phải nhắc nhở cho ta biết tỏ ra tôn kính nhà Chúa, biết giữ gìn sạch sẽ cho nhà Chúa. Lòng nhiệt thành cho nhà Chúa phải nhắc nhở ta dạy cho con cháu biết phân biệt đâu là nơi thờ phượng. Dạy cho con cháu biết trong nhà thờ, nơi thờ phượng thì không chạy nhảy, la hét, không xả rác rưởi, không chơi đồ chơi phát ra tiếng động... Ta cũng nên xét theo phương diện tích cực xem, ta có thể làm gì để tỏ ra tôn kính nhà Chúa như săn sóc, giữ gìn, và bảo trì nhà Chúa.

Lm Trần Bình Trọng, USA (Nguồn vietcatholic.org)

1664    08-03-2012 06:35:31