Sidebar

Thứ Ba
16.04.2024

Chúa Nhật Chúa Hiển Linh 2

THIÊN CHÚA TỎ MÌNH
Mt. 2, 1 - 12.

Không biết từ lúc nào câu chuyện ba nhà đạo sĩ đã gắn liền với biến cố Thiên Chúa giáng sinh làm người. Chúa đến làm người không dành riêng cho người Do Thái nhưng là cho tất cả mọi người thuộc mọi dân tộc. Danh từ Hiển Linh trong Kinh Thánh mang ý nghĩa Thiên chúa tỏ mình ra cho loài người. Theo phụng vụ Giáo hội Đông phương, lễ Hiển linh là lễ Chúa mở đầu việc rao giảng công khai. Nhưng theo phụng vụ Giáo hội La mã, lễ Hiển Linh là lễ Thiên Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, khi ba nhà đạo sĩ tìm đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu.

Hình ảnh ba nhà đạo sĩ trở nên rất quen thuộc. Họ là đại diện cho những tâm hồn thiện chí đi tìm sự thật, với một tinh thần khát khao cháy bỏng. Họ luôn nhạy cảm trước một dấu hiệu lạ kỳ, báo hiệu một vì vua đã sinh ra. Các đạo sĩ Đông phương thời ấy rất giỏi về triết học, y học và khoa học tự nhiên. Nhiều người còn gọi họ là những bậc thánh nhân.

Vào thời đó, mọi người tin tưởng ở khoa chiêm tinh. Họ tin rằng dựa vào các vì sao họ có thể tiên đoán tương lai vận mệnh của con người. Số mệnh một người được an bài bởi một ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Điều này cũng dễ hiểu, thông thường các ngôi sao xuất hiện theo một vị trí cố định. Chúng tượng trưng cho trật tự của vũ trụ. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện thì dường như Thiên Chúa đã can thiệp trực tiếp vào chính trật tự của Ngài để loan báo một sự kiện đặc biệt sắp xảy ra.

Hài nhi Giêsu chính là vì vua tình yêu, là ánh vinh quang mà Thiên Chúa ban cho nhân loại đang khao khát mong chờ Đấng cứu độ. Họ khắc khoải trong sự đợi chờ thì Chúa Giêsu đã đến. Con người từ khắp nơi, từ những phương trời xa xôi nhất đã về tề tựu quanh Ngài. Đó là dấu hiệu và biểu tượng đầu tiên chinh phục thế giới của Hài Nhi Giêsu.

Chúa Giêsu là điểm đến sau cùng cho mọi nỗ lực tìm kiếm của nhân loại. Nhìn vào những lễ vật dâng lên vàng, nhũ hương, mộc dược, người ta nhận thấy mỗi lễ vật đều tương ứng với đặc điểm và sứ mệnh của Ngài. Ngài là vị vua thật, là thầy lế lễ vẹn toàn và là Đấng cứu độ cao cả mà loài người đợi trông.

Chúa Giêsu chính là vua thật
Vàng được mệnh danh là vua của mọi kim loại. Vàng thường được coi là của lễ xứng hợp nhất để dâng tiến vua. Chúa Giêsu sinh ra để làm vua. Vị vua này không cai trị bằng vũ lực nhưng bằng tình yêu. Ngài cai quản lòng người không từ ngai vàng mà từ thập tự giá. Sự có mặt của Ngài đã biến đổi thế giới loài người, mang lại hạnh phúc cho nhân loại. Bệnh tật được chữa lành (Mt 8, 16-17), tang tóc được hân hoan (Lc 7, 11-17), tội lỗi được tha thứ (Mt 2,5), ngay cả sự chết đối với Ngài chỉ là giấc ngủ bình an (Mc 5, 39). Vì vua này xuất hiện luôn ban cho con người một niềm vui, một niềm hy vọng "Phúc cho anh em, là những người nghèo, vì triều đại Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những người đói khát vì anh em sẽ được no nê. Phúc cho anh em là những người đang khóc vì anh em sẽ được vui cười" (Lc 6, 20-21).

Chúa Giêsu là tư tế.
Nhũ hương dâng cho Hài nhi là thứ hương liệu có mùi thơm dịu mà thầy tư tế thường dùng trong các nghi thức thờ phượng. Thầy tư tế chính là trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Vị tư tế cũng chính là người mở đường dẫn lối để con người đến được với Thiên Chúa. Anh sao soi đường đến nơi thì đã tắt, bởi lẽ Chúa Giêsu chính là ánh sáng thật để soi rọi con người tìm ra chân lý. Chân lý con người tìm kiếm là tình yêu và gia nghiệp của Ngài. Chính chúa Giêsu sẽ dẫn đưa con người về với Chúa Cha.Thư gửi Ephêsô, thánh Phaolô đã khẳng định: "Trong Đức Giêsu Kitô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại cũng được thừa kế gia nghiệp với người do thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa ban" (Eph 3,6).

Chúa Giêsu là hy tế
Mộc dược là lễ vật dành cho người chết, là hương liệu để xông xác người. Chúa Giêsu đến thế gian để sống cho con người và cuối cùng chết cho con người. Cái chết của Ngài biểu lộ sự trung thành đối với loài người mà Ngài đã yêu thương đến tận cùng (Eph13,1). Chúa Giêsu không nghĩ tới mình, vì lẽ đó Ngài có thể đón tiếp mọi người và lắng nghe mọi người đến với Ngài. Cuộc sống Chúa Giêsu là một cuộc tự hiến cho con người để cứu độ con người.

Chúa Giêsu là vì vua chân thật, là thầy tế lễ vẹn toàn, là đấng cứu độ cao cả thế mà Ngài luôn bị con người chối từ thậm chí tỏ ra chống đối. Các Thượng tế, Kinh sư là những người tự cho mình là hiểu biết Kinh Thánh nhưng lại tỏ ra hững hờ, bất lực không muốn ra đi. Trong khi đó các đạo sĩ là những người ngoại giáo lại dám lên đường và họ đã gặp Đấng cứu độ. Vua Hêrôđê cũng chẳng khá hơn gì. Một vì vua đang nắm quyền nhưng lại nơm nớp lo sợ trước một Hài nhi Bêlem vừa mới sinh. Trình thuật Tin Mừng cho ta chứng kiến những hình ảnh đối lập nhau. Một bên là những người đói khát ơn cứu rỗi, họ đang hết tâm vận dụng toàn lực để tìm kiếm Thiên Chúa. Một bên thì đau đớn nghĩ rằng việc vua mới sinh sẽ làm đảo lộn cuộc đời của họ nên đem lòng thù nghịch Đấng Messia.

Vị Vua tình yêu đã giáng sinh, đã cho con người lần tìm ra chân lý. Biết bao lương dân giờ đã nhận biết Ngài, biết bao người tội lỗi đã trở về Thiên Chúa. Chúng ta thật hạnh phúc vì là thần dân của vị Vua đầy tình yêu này. Một vị vua không hề biết nói đến sự tiêu diệt. Một vị vua không ngồi trên ngai để cai trị nhưng luôn hiện diện trên thập giá để sẵn sàng chịu chết thay cho dân Ngài. Đó chính là Vua Giêsu, là hiện thân tình yêu của Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ nhân trần. Tình yêu của Ngài giờ đây trải rộng đến khắp muôn dân.

Hiện nay còn biết bao người đang sống trong tăm tối thiêng liêng, họ đang lầm lủi bước đi trong lầm lạc. Họ đang khao khát chân lý. Họ không ngớt đặt vấn nạn với chúng ta : "Đức Giêsu là ai?". Hãy trả lời cho họ đi. Đức Giêsu chính là tình yêu của Thiên Chúa. Ngài đến phá đỗ mọi hàng rào ngăn cách mà con người đã dựng nên, nhất là những hàng rào kỳ thị: kỳ thị chủng tộc, màu da, tôn giáo, giai cấp, giàu nghèo....

Chúng ta hãy cộng tác với Thiên Chúa để làm bừng sáng mầu nhiệm tình yêu giữa lòng nhân loại. Mỗi người hãy là ánh sao dẫn đường để soi dẫn cho nhiều người biết khám phá gương mặt đích thực của Đức Giêsu trong đời sống thường ngày.

ĐI TÌM CHÚA NHỜ NGÔI SAO LẠ
Mt. 2, 1 - 12.

Hằng năm cứ gần đến lễ Giáng sinh, đi ngang các Nhà thờ Công giáo hay vào các xóm đạo chúng ta sẽ thấy người ta nô nức cùng nhau làm ngôi sao. Dường như thiếu ngôi sao thì lễ Giáng sinh không thành được. Cho nên bằng mọi cách người ta phải cố gắng làm theo khả năng của mình. Nơi nào khá thì làm ngôi sao đẹp và đắc tiền hơn. Hình ảnh ngôi sao trong mùa Giáng sinh phải chăng là nhắc tới ngôi sao lạ đã dẫn đường cho ba vua đến thờ lạy Hài nhi Giêsu.

Ba vua này được gọi là những nhà chiêm tinh. Họ đã nghiên cứu và thấy được có một ngôi sao lạ xuất hiện bên phương đông. Từ đó họ đã quyết định lên đường tìm Hài nhi Giêsu để thờ lạy cùng mang theo những lễ vật quý giá là vàng, nhũ hương và mộc dược để dâng tiến Người.

Ðiều đáng nói ba vị vua này lại là lương dân từ xa đến. Ðang khi đó vua Hêrôđê là vua Do thái ở kế bên đó thì lại chẳng hay biết. Tại sao ba vua này lại được thấy ngôi sao lạ còn vua Hêrôđê thì không. Chúng ta nhớ có lần Chúa Giêsu đã thưa cùng Chúa Cha: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11, 25). Thật ra Chúa chẳng muốn giấu ai. Người luôn muốn cho tất cả mọi người đều được chiêm ngưỡng Con Mình. Tuy nhiên ở đây còn tùy vào sự đón nhận của con người. Ngôi sao thì có sẵn trên bầu trời nên chỉ có những ai thành tâm thiện chí và thật lòng khao khát thì mới được gặp Người.

Vua Hêrôđê chỉ vì tham quyền cố vị và tưởng rằng mình là nhất trên đời nên chẳng muốn đón nhận gì thêm. Hơn nữa, khi nghe biết có Hài nhi Giêsu sinh ra thì ông lại sợ mất quyền ảnh hưởng nên cũng căn dặn ba vua: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." (Mt 2, 8). Ðó chỉ là lời lẽ che đậy âm mưu bên trong. Bằng chứng sau đó ông đã ra lệnh: "giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh". (Mt 2, 16b)

Hằng ngày Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta rất nhiều ngôi sao lạ. Ðó là tiếng nói của Chúa trong lương tâm.Tiếng nói lương tâm thúc đẩy ta làm lành lánh dữ. Ðó là những lời nhắc nhở của người thân. Ðặc biệt là lời Chúa và những chỉ dẫn của Giáo hội.

Mừng lễ Hiển linh năm nay, chúng ta hãy thành tâm xét mình trước Chúa về cách đón nhận những ngôi sao lạ mà Chúa đã gởi đến cho mình. Hãy xin Hài nhi Giêsu cho chúng ta thêm lòng tin và quảng đại đón nhận những ngôi sao lạ đó để chúng ta ngày càng được đến gần Chúa hơn.

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Mt 2,1-12

Lễ Giáng Sinh và lễ Hiển Linh tuy hướng về hai biến cố khác nhau nhưng cũng qui về một mầu nhiệm duy nhất của mùa Giáng Sinh là Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại. Lễ Hiển Linh cử hành biến cố ba nhà đạo sĩ đến thờ lạy Chúa. Họ là ba người ngoài Do Thái, được coi là dân ngoại đã khám phá và tin nhận Chúa Giêsu là Chúa của mình. Vì thế ngày lễ này được coi là ngày lễ của niềm tin. Chiêm suy ngắm cuộc hành trình đức tin của ba nhà đạo sĩ, chúng ta có dịp để hâm nóng lại niềm tin của mình.

1. Chiêm ngắm biến cố của ba nhà đạo sĩ, chúng ta thấy được ba bước căn bản ở trong cuộc hành trình đức tin của người Kitô như sau
:

-
Khám phá Thiên Chúa qua vũ trụ. Đây chính là con đường chung của mọi tôn giáo và cũng có thể nói của mọi tâm hồn khao khát tìm kiếm Chúa. Ánh sao đêm đã trở thành dấu chỉ trước tiên gọi mời các đạo sĩ để lên đường tìm kiếm Chúa Cứu Thế.

Con người luôn có những tra vấn về mình và vũ trụ: vũ trụ do đâu mà có? Tại sao có những định luật vô cùng hài hòa trong không gian bao la này? Mọi vật trong vũ trụ có liên hệ nào với sự sống của con người? Chính khi đặt những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra thế giới và vũ trụ này hẳn không phải do ngẫu nhiên hay tình cờ mà có, nhưng có một Đấng Thượng Trí vô song tác thành.


-
Khám phá Thiên Chúa qua Thánh Kinh: Nếu chỉ dừng lại bước thứ nhất, chỉ tin nhận một Thiên Chúa của lý trí thì sự hiểu biết ấy rất đỗi mờ nhạt và rất dễ sai lầm. Ngay một người bạn nếu họ không bao giờ bày tỏ nội tâm của họ, tôi cũng chẳng thể hiểu được họ cách sâu xa; thì đối với Thiên Chúa, Đấng tuyệt đối cao cả và thiêng liêng, làm sao tôi có thể hiểu được Ngài nếu Ngài không tự tỏ lộ.

Nếu các nhà đạo sĩ đã cần đến lời sự sống của Kinh Thánh để tiếp tục lên đường tìm gặp Chúa, thì chính Thánh Kinh là những bày tỏ, bộc bạch nỗi niềm mà Thiên Chúa muốn ngỏ cho chúng ta. Chính nhờ Kinh Thánh, chúng ta biết rõ nét về chính khuôn dung và tấm lòng đích thực của Thiên Chúa đối với chúng ta.


- Nhưng bước thứ ba mới quan trọng đó là:
Gặp gỡ Thiên Chúa trong Đức Kitô. Ở nơi Chúa Giêsu, tất cả chân lý được tỏ hiện nên Ngài là trung tâm điểm của niềm tin chúng ta.

Bước đi của ba nhà đạo sĩ cũng là bước đi của mỗi Kitô hữu chúng ta: từ chỗ khám phá một cách mơ hồ sự hiện diện của Thiên Chúa qua vũ trụ đến chỗ thấy được Ngài rõ nét hơn, đến gần với Ngài hơn qua mạc khải của Kinh Thánh để cuối cùng gặp được Ngài cách sống động nơi Đức Giêsu Kitô.


2. Nhưng phải làm gì để có thể bước qua ba giai đoạn và được gặp Ngài như vậy?


Dựa vào hành trình của ba nhà đạo sĩ, chúng ta có thể đặt ra những việc cơ bản sau:


- Trước hết mang một nỗi khao khát thật sâu xa về Chúa mong tìm được Ngài.


- Nỗi khao khát ấy thôi thúc chúng ta đi tìm Chúa qua tiếng gọi của vũ trụ, qua dẫn dắt của tha nhân, nhất là qua việc học hỏi Kinh Thánh, qua lắng nghe tiếng Chúa trong thầm lặng cầu nguyện.


- Để cuối cùng khi nhân ra Ngài, chúng ta dám lên đường để tìm gặp Ngài: bỏ lại đằng sau nhà cửa, người thân để lên đường như ba nhà đạo sĩ đã khó. Nhưng bỏ lại đằng sau sự lười biếng, sự tự mãn, kiêu căng, một sự ra đi như vậy đòi hỏi rất nhiều từ bỏ và hy sinh. Nhưng chắc chắn sự từ bỏ này sẽ được đền bù cân xứng của một lần gặp Chúa thật sâu.


3. Gặp được Chúa để ra đi nói về Ngài:


Nếu gặp được Chúa Giêsu hẳn chúng ta cũng sẽ bước vào con đường mà chính Chúa Giêsu đã chọn cho chúng ta, lối sống mà chính Ngài đã dạy cho chúng ta. Gặp Ngài là chắc chắn biến đổi. Để từ đó chúng ta muốn nói về Thiên Chúa cho mọi người, cuộc đời mới của chúng ta trở thành ánh sao dẫn nhiều người về với Chúa. Càng gặp Chúa sâu xa, chúng ta càng có khả năng để nói về Chúa cách hồn nhiên và đầy lôi cuốn.


Chúa Giêsu Hài Nhi hôm nào vẫn đang mời gọi chúng ta đến để tôn thờ và đón nhận. Xin Ngài củng cố niềm tin của chúng ta thêm sâu sắc, để mỗi người chúng ta hôm nay bước vào hành trình mới của niềm tin, hành trình trong niềm vui, hy vọng và chan chứa sự sống.

Sr. Thùy Trâm

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH
Mt 2,1-12

Không mấy ngạc nhiên là trong thời đại khoa học và lý luận này, người ta đều quan tâm nhiều đến tinh tú, chiêm tinh, tướng số tử vi. Ai nấy đều hài lòng khi đọc thấy trước một điều gì ngoạn mục sắp xẩy đến. Hành trình của ba Đạo sĩ theo ánh sao trời đi qua bao đồi núi sa mạc đã làm xôn xao tâm hồn chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình cũng có những vì sao riêng cho mình dõi theo, một con đường riêng mà chỉ một mình chúng ta được kêu gọi dấn bước.

Khi ba vị đạo sĩ tìm thấy Hài Nhi Giêsu, bằng đôi mắt đức tin, các ngài có thể nhận ra qua dáng vẻ bên ngoài của trẻ bé này Ánh Sáng Thiên Chúa đã đến trần gian. Từ đó về sau, các ngài không còn được sao trời dẫn đường nữa, mà là được soi đường dẫn lối bằng chính Ánh Sáng của Hài Nhi ấy, Đấng mà các ngài nhận ra là Đấng Cứu Chuộc Trần Thế. Chúng ta cũng được trao ban đôi mắt đức tin để giúp chúng ta tiếp tục hành trình trong khi chúng ta theo Chúa trên khắp nẻo đường đời, kể cả những khi băng qua những lối mòn hoang vắng của cô đơn, đau đớn thất bại và bệnh tật...


Có một cái gì đó tuyệt đẹp trong câu chuyện Ba Vua. Ba Đạo Sĩ năm xưa đại diện cho tất cả chúng ta trên con đường thiêng liêng kéo dài suốt cuộc đời. Chúng ta đây sẽ là ba đạo sĩ của thời nay, có nhiệm vụ làm cho cả và thế giới nhận biết Đức Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Nhiệm vụ đặc biệt của chúng ta là làm cho mọi người sẵn sàng rộng mở tâm hồn đón tiếp Lời Chúa để có thể nhận ra Chúa Giêsu dọc theo mọi nẻo đường đời. Đức Giêsu cần chúng ta cộng tác để nối dài công trình của Người.


Ba vị đạo sĩ xưa kia đã không đến với Chúa với bàn tay trắng, nhưng mỗi người một món quà đặc tuyển để nói lên lý do mục đích tìm kiếm của các ông. Ngày nay chúng ta cũng không được phép đến với Chúa với bàn tay không. Tuy chúng ta không có vàng, nhũ hương, và mộc dược, nhưng chúng ta có thể dâng cho Người món quà của chính chúng ta là cả nhân loại tháp nhập với Đức Kitô. Dâng hiến bản thân là một món quà quí giá không bao giờ hao mòn.


Hôm nay Giáo Hội mong muốn tất cả chúng ta vui mừng, vì đây là ngày công bố cho cả thế giới rằng Đức Chúa Giêsu đến trần gian để cứu chuộc mọi người, và ảnh hưởng của ơn cứu chuộc ấy không giới hạn vào bất cứ nền văn hoá nào.


Lễ Giáng Sinh đã tạo ra hai cuộc hành trình: một hành trình tới Bêlem, và một hành trình trở về quê nhà bằng con đường khác. Tất cả chúng ta hiện đang trên đường trở về quê trời. Đã một lần tìm đến Bêlem trong đời, chúng ta hy vọng rằng vào cuối cuộc hành trình cuộc đời, chúng ta sẽ lại gặp nhau nhờ Đức Chúa Giêsu và Mẹ Maria.

Lm. Nguyễn Văn Phan, CSsR

ÁNH SÁNG THẾ GIAN
Mt 2,1-12

Một buổi tối lập đông, gió bấc thổi từng cơn se lạnh, đó đây đì đùng tiếng súng, thỉnh thoảng một ánh hỏa châu loé lên giữa bầu trời đêm. Ngôi làng nhỏ vẫn mù mịt khói sau trận oanh tạc sáng nay. Dân chúng đã kéo nhau chạy vào núi để ẩn náu. Trong một căn nhà nhỏ bé, đổ nát vì bom đạn, một cô bé gượng đứng bên khung cửa sổ, ngước nhìn lên trời và thở dài. Nhờ ánh trăng hiu hắt chiếu qua khung cửa, cô bé cúi xuống quờ quạng kiếm tìm. Một tiếng 'xẹt' khô khan giữa đêm vắng, một ánh nến chập chờn trong căn nhà đổ nát, hai dòng lệ lăn dài trên gò má ngây thơ. Mấy hôm sau, người ta tìm thấy xác cô bé, co rúm lại vì lạnh, một chân bị thương vì trúng bom, tay đang cầm hộp diêm nhàu nát, bên cạnh là xác của ba mẹ cô bé.

Chúng ta đang trong Mùa Giáng Sinh. Cùng với toàn thể Giáo Hội, chúng ta suy niệm mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, mang thân phận con người, sống giữa con người. Hôm nay, Lễ Hiển Linh, Giáo Hội gọi mời chúng ta đi sâu hơn nữa trong việc chiêm ngắm Chúa Kitô: Ánh Sáng Thế Gian. Chúa Kitô chính là 'Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối' (Jn 1:5), là Sao Mai lấp lánh giữa trời đêm, soi đường dẫn lối cho con người đến Nguồn Sự Sáng; sưởi ấm tâm hồn băng giá của con người bÄng hơi nóng của tình yêu chân thật từ trời cao.


Thế nhưng, '
Ánh Sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người. Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận' (Jn 1:9-11). Đó chính là thái độ chối từ của vua Hêrôđê. Mặc dù các Vị Đạo sĩ đã thuật lại với vua về sự xuất hiện của ngôi sao lạ và sự chào đời của Vua dân Do-thái, lòng ghen tương và sự ham mê địa vị, giàu sang, thế lực trần gian đã khiến vua nhìn thấy nơi Con Trẻ hình ảnh của một tử thù mà vua phải tìm cách tiêu diệt bÄng bất cứ cách nào, ngay cả bÄng sinh mạng của biết bao trẻ em vô tội. 'Người đi trong bóng tối thì chẳng biết mình đi đâu vì bóng tối làm cho mắt người ấy ra mù quáng' (1Jn 2:10). Đó cũng là thái độ tự nhiên của con người. Con người thích bóng tối hơn sự sáng. Trong bóng tối, người ta được tự do, thoải mái làm điều mình muốn mà không sợ dư luận xôn xao, láng giềng cười nhạo, ngay cả lương tâm trách cứ.

Thái độ mà Giáo Hội mời gọi chúng ta và Thiên Chúa mong đợi nơi chúng ta là thái độ vâng phục, chấp nhận. Trong Mùa Vọng, Giáo Hội dùng tấm gương đón nhận của Mẹ Maria, của Thánh Giuse và Bà Elizabeth để mời gọi chúng ta. Trong đêm Giáng Sinh, Giáo Hội dùng hình ảnh các mục đồng để phấn khích chúng ta. Và hôm nay, Giáo hội đặt trước mắt chúng ta gương của các Vị Đạo sĩ phương Đông. Nhìn thấy Ngôi Sao lạ trên nền trời, các Vị đã xem đó như một lời mời gọi. Bỏ tất cả, các Vị không quản nề vất vả, lao nhọc, hiểm nguy, băng rừng vượt núi theo sự hướng dẫn từ trời cao. Cả khi ngôi sao hướng lộ vụt tắt, các Vị cũng không chùn chân. Hang đá lạnh lẽo, máng cỏ nghèo nàn đã không làm các Vị xao xuyến. Các Vị tin nhận Con Trẻ nghèo hèn, bé nhỏ là '
Vua dân Do Thái' và 'họ đã quì gối xuống, sụp lạy Người, và dâng tiến Người vàng, nhũ hương và mộc dược' (Mt 2:11).

Chúng ta có thể đồng hóa thái độ tâm hồn của mình với ai? Từ chối như Hêrôđê hay đón nhận như các đạo sĩ? Hoặc nếu đón nhận thì hành trình đón nhận ấy thế nào? Có dám từ bỏ, dám hy sinh, chấp nhận gian khổ để theo lời mời gọi của Vì Sao lạ, để theo đuổi cuộc hành trình đến với Ánh Sáng không? Có dám liều, dám ra đi, bỏ cảnh sống quen thuộc, bỏ những tiện nghi mình đang có, để đi theo sự soi sáng của ân sủng, dấn mình vào cuộc lữ hành vô định của đức tin, để không dừng lại ở ngôi sao lạ, nhưng coi đó như lời mời gọi từ trời cao, như sự hướng dẫn từ trời cao để tìm đến hang đá và khiêm tốn tôn thờ Vua Vũ Trụ nơi Con Trẻ trong máng cỏ???


Trong cuộc hành trình đức tin, đôi khi vì sao hướng lộ vụt tắt... điều đó có làm đôi chân lảo đảo và ý chí lung lay không? Một tâm hồn tin tưởng và thiện chí sẽ biết tìm phương cách để được tiếp tục hướng dẫn tới cùng đích như các nhà Đạo sĩ. Bóng tối bên ngoài không đe dọa niềm tin cậy và phủ lấp được đức ái bên trong.


Con Thiên Chúa đã nhập thể để đem ánh sáng của chân lý, công bình đến cho những ai đang ở trong bóng tối u mê của ngờ vực, của bất công. Ngài đem hơi ấm tình thương và hy vọng đến những người đang sống trong cô đơn, thất vọng, hận thù, ghen ghét.. cho những người bị xã hội ruồng rẫy, bỏ rơi. Hôm nay, Ngài gọi mời chúng ta hãy trở nên ánh sáng cho nhau, đem ánh sáng chúng ta đã lãnh nhận từ Ngài đến cho tha nhân vì '
không ai thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng để trên giá đèn hầu soi cho mọi người trong nhà '(Lc 11:33). Đặc tính của ánh sáng là soi sáng và sưởi ấm. Đón nhận ánh sáng từ Thiên-Chúa-làm-người, chúng ta cũng hãy trở nên ánh sáng, soi sáng và sưởi ấm tha nhân bÄng chính cuộc sống của mình, bÄng lời cầu nguyện, bÄng lời nói và những hành động cụ thể.. Thế giới chúng ta đang sống hôm nay tràn đầy bất công, hận thù, ghen tương, tràn đầy đau thương và nước mắt.. Ước mong hôm nay bạn sẽ đốt lên một ngọn nến để soi sáng và sưởi ấm một tâm hồn nào đó.. Ước mong một ngày nào đó tiếng khóc sẽ không còn, chiến tranh sẽ chấm dứt, hận thù được xoá bỏ để không còn những cô bé chết đơn côi vì lạnh, chết tang thương vì chiến tranh, vì sự tham lam, thù hận của con người nữa.
Sr. Cecilia, CMR

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA HIỂN LINH
Mt 2,1-12

Một người bị rơi xuống một thung lũng sâu tối tăm. Ông ta cố gắng tìm cách để trèo lên nhưng quá khó khăn không thể tự mình trèo lên để ra khỏi cái hang tối tăm đó. Khổng Tử đi ngang qua nhìn thấy người đó ở dưới thung lũng bèn nói, "Thật đáng tiếc, giá nó nghe lời giáo huấn khôn ngoan của ta thì nó đâu có phải rơi xuống cái thung lũng tối tăm đó!" Và rồi đức Khổng Tử tiếp tục lên đường.

Sau đó thì Đức Phật đi ngang qua và cũng trông thấy người đó dưới thung lũng bóng tối. Đức Phật liền nói, "
Thật tội nghiệp giá hắn ta lên được trên này có thể ta sẽ giúp đỡ hắn." Và sau đó thì Đức Phật cũng tiếp tục lên đường.

Sau cùng thì Đức Giêsu đi ngang qua. Ngài nhìn thấy người đàn ông cố gắng trong vô vọng và bất lực dưới thung lũng tối tăm. Ngài thương cảm và liền nhẩy xuống để cứu ông ta lên.


(
Jack Mcardle "Incarnation", 150 More Stories for Preachers and Teachers # 98).

Ý Nghĩa Hiển Linh


Lễ Hiển Linh có nghĩa là ngày lễ kỷ niệm việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho nhân loại qua việc Chúa Giêsu Kitô sinh xuống làm người ở giữa nhân loại. Tiên tri Isaiah trong bài đọc thứ nhất công bố rằng Thiên Chúa sẽ xuất hiện cách rõ ràng sáng tỏ. Vinh quang của Thiên Chúa sẽ xuất hiện và chư dân sẽ tìm về sự sáng. Tất cả sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa. Bài trích thư gởi tín hữu Ephêsô trong bài đọc hai xác nhận rằng những lời tiên tri và mặc khải của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Ngài là nguyên nhân cho sự đoàn kết hợp nhất của mọi dân tộc. Bài Phúc âm kể lại câu truyện ba nhà Đạo sỹ từ Đông phương nhận ra ngôi sao lạ, và họ đã tìm đến Giêrusalem hỏi thăm, "
Vua người Do Thái mới sinh ra hiện đang ở đâu?" Họ đã tìm đến để thờ lạy tôn phục và dâng lên Người lễ vật của họ bởi vì họ đã lâu ngày dầy công tìm hiểu và họ nhận ra danh tánh của Hài Nhi Giêsu nơi Bethlehem là ai.

Thiên Chúa Hiện Diện


Văn hóa thời xưa nhận ra Thiên Chúa và quyền lực của Ngài qua thiên nhiên, nơi bão gió, sắm sét, mặt trời, mặt trăng và tinh tú sao trời, cây cối cổ thụ, sông núi biển khơi. Nhiều nơi tôn thờ thần núi, thần sông, thần cây, thần cá, thần đá.. . Những người Hy Lạp và La mã cổ xưa tìm Thiên Chúa qua những huyền bí và những giấc mơ thần tiên. Văn hóa Đông phương tìm Thiên Chúa qua năng lực của tâm lý linh thiêng nơi con người, và qua vận mệnh tướng số. Người Do Thái tôn thờ một Thiên Chúa qua lịch sử của dân tộc. Và từ Do Thái Giáo, Kitô giáo trở nên một tôn giáo có đặc tính riêng tin tưởng rằng Thiên Chúa đã bày tỏ chính Ngài qua việc Đức Giêsu Kitô sinh hạ làm người. Qua nhiều thời đại, con người đã suy nghĩ tìm hiểu lý do và ý nghĩa của việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng Mầu nhiệm Đức Giêsu Con Thiên Chúa xuống thế làm người chỉ có thể hiểu được qua lăng kính tình yêu. Đức Giêsu Kitô là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài thương yêu nhân loại và Ngài xuống thế làm người để cứu nhân loại. Chúng ta có nhận ra Đấng Cứu Thế và tình yêu của Ngài dành cho chúng ta hay không?


Thấy Hài Nhi


Khi những nhà đạo sỹ đến Bethlehem và nhìn thấy Hài Nhi Giêsu, chắc hẳn họ đã không nhìn thấy một em bé có hào quang lộng lẫy và ánh sáng tỏa chiếu khác thường để nói cho họ biết đó là Vua trời đất và là Con Thiên Chúa. Trái lại bằng con mắt nhân loại, họ cũng chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu Hài Đồng như một em bé đơn sơ yếu đuối, bọc trong khăn nằm trong máng cỏ. Họ chỉ nhận ra Hài nhi Giêsu là Con Thiên Chúa, là ánh sáng thế gian nhờ con mắt của đức tin.


Chúng ta thấy có một sự liên hệ gần gũi thật đẹp với những nhà Đạo Sỹ. Họ đại diện cho chúng ta là những người ở các thế hệ sau vẫn tiếp tục trong cuộc hành trình đức tin đi tìm gặp Đấng Cứu thế. Từ đâu đó lóe lên trong chúng ta một sự hiểu biết và một ước muốn đi tìm chân lý. Chúng ta cũng là những người đang nhìn và bước đi trong ánh sáng đức tin trong mọi nẻo đường của cuộc đời, khi vui cũng như khi buồn, khi cô đơn đau khổ cũng như lúc hạnh phúc vui tươi; khi thành công cũng như lúc thất bại; khi khỏe mạnh cũng như lúc yếu đau. Chúng ta đang là những nhà đạo sỹ, những người khôn ngoan của thời đại đi tìm gặp Đấng Cứu Thế và làm sáng tỏ sự hiện diện của Ngài trong thế giới. Chúng ta có vai trò phải đóng và nghĩa vụ phải chu toàn; đó là làm sáng tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi nẻo đường của cuộc sống bằng cách luôn biết tìm hiểu và đón nhận Ngôi Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa cần sự cộng tác của chúng ta để tiếp tục công việc của Ngài. Thêm vào đó, những nhà Đạo Sỹ khôn ngoan đã không đến gặp Chúa với đôi bàn tay trắng, nhưng họ đã đến với những lễ vật đặc biệt quý giá biểu tượng cho sự dấn thân và quy phục của họ đối với Con Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể dâng lên Thiên Chúa lễ vật bằng sự dấn thân hy sinh của chính chúng ta và những sản vật do tay chân và công sức của chúng ta để nói lên sự quy phục đối với Đức Kitô Đấng Cứu Thế của chúng ta.


Lời Mời Gọi của Lễ Hiển Linh


Do đó, Lễ Hiển Linh không phải là chỉ là lễ nói lên tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại mà thôi; trái lại lễ Hiển Linh cũng còn là một lời mời gọi chúng ta chiếu tỏa tình yêu của Thiên Chúa nơi cuộc sống của mỗi người. Là con cái của Thiên Chúa và là anh chị em của Đức Giêsu, chúng ta được kêu gọi trở nên chính sự bày tỏ của tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa là Tình yêu. Do đó bằng một cách nào đó, tất cả mọi tình yêu đều bày tỏ Thiên Chúa. Đây chính là lý do và ý nghĩa làm Kitô hữu: Bày tỏ sự hiện diện của Thiên Chúa qua việc chúng ta dấn thân quyết tâm sống yêu thương. Thiên Chúa vẫn luôn luôn vô hình cho tới khi được chúng ta bày tỏ Ngài qua những cử chỉ và lối sống yêu thương của chúng ta đối với nhau.


Bạn và tôi chúng ta có bằng lòng chấp nhận cái ách làm Kitô hữu như thế hay không? Chúng ta có bằng lòng làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa được bày tỏ qua lối sống yêu thương hay không?

Lm. John Trần Khả

MÓN QUÀ TRAO TẶNG
Mt. 2,1-12

Nhìn vào các hang đá, ngoài những nhân vật quen thuộc như Chúa Giêsu Hài Đồng, Đức Maria, thánh Giuse, mấy mục đồng...Chúng ta còn thấy ba người mặc phẩm phục như những ông vua, tay mang lễ vật, đang khúm núm rất trịnh trọng trước Hài Nhi mới sinh. Họ là ai ? Họ từ đâu đến ? Họ thuộc nước nào ? Tại sao họ có mặt ở đây ?

Theo mẫu đối thoại thánh Mát-thêu kể lại trong Tin Mừng, người ta truyền tụng nhau và gọi họ là ba vua. Nhưng thực sự Tin Mừng không nói thế mà chỉ gọi họ là các nhà chiêm tinh, tức là các ông lớn, những nhà thông thái, chuyên nghiên cứu thiên văn, nghiên cứu các ngôi sao để cố vấn cho nhà vua trong vấn đề chính trị.


Có nhiều người lại đặt vấn đề : các ông này có thật không hay chỉ là một huyền thoại ? Cho đến nay, ngoài phạm vi tôn giáo, chưa có một nguồn tài liệu nào khẳng định rõ ràng dứt khoát. Ở vùng Trung Đông có rất nhiều nước kể chuyện này và được coi như một chuyện cổ tích. Nhưng đối với chúng ta, dựa vào Tin Mừng, thì sự hiện diện của ba vị này ở hang đá Bê-lem là chuyện có thực. Nhưng các ông từ đâu đến thì chúng ta không thể căn cứ vào đâu mà xác quyết. Có một điều chắc chắn là cũng chỉ ở trong vùng Trung Đông thôi. Tuy nhiên, những chi tiết đó không quan trọng, điều quan trọng nhất là bài học mà các vị này để lại cho chúng ta.


Trước hết, cuộc hành trình của các nhà chiêm tinh được xem là hình ảnh cuộc hành trình đức tin của chúng ta. Với một dấu hiệu không chắc chắn, không rõ rệt là một ngôi sao, các ông đã lên đường tìm kiếm sự thật. Với tấm lòng yêu chuộng sự thật, các ông đã miệt mài tìm kiếm cho đến khi biết được sự thật và gặp được Chúa Giêsu. Cuộc đời của chúng ta cũng phải luôn đi tìm Chúa. Dù chúng ta đã có đức tin nhưng lòng tin của chúng ta có những lúc bị chao đảo, bị thử thách vì những khó khăn, đau khổ của cuộc sống. Nhưng dù hoàn cảnh thế nào, chúng ta vẫn kiên quyết giữ đức tin và sống đức tin.


Chúng ta phải sống bằng đức tin chứ không thể sống bằng tình cảm. Trong tình cảm có vui có buồn. Nhưng vui buồn lúc có lúc không. Nếu chúng ta chỉ dựa vào niềm vui thì khi vui mới khiến chúng ta tin. Vậy khi hết niềm vui thì sao ? Lòng tin của chúng ta sẽ bị suy giảm. Hay khi gặp những chuyện buồn thì sao ? Chúng ta còn tin không ? Vì thế, chúng ta phải sống bằng niềm tin vững chắc, không lệ thuộc vào ai, cũng không tùy thuộc vào hoàn cảnh.


Hơn nữa đức tin của chúng ta phải được thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Thánh Giacôbê đã nói : "
Đức tin không có việc làm là đức tin chết". Chúng ta tin vào tình yêu Chúa Kitô. Niềm tin ấy không chỉ là một hạt giống gieo trong lòng chúng ta rồi nằm yên đấy. Một niềm tin như thế có lẽ chẳng ích lợi gì cho chính mình hay cho bất cứ ai. Đức tin của chúng ta cần phải trổ sinh hoa trái bằng việc làm để mọi người có thể hiểu được thế nào là tình yêu mà chúng ta tin và có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng mà chúng ta suy phục, tôn thờ.

Thứ hai, các vị này đã dâng cho Chúa Hài Đồng vàng, nhũ hương và mộc dược. Đó là ba loại lễ vật đặc biệt và quý giá nhất của Đông phương. Nhưng những lễ vật vô tri kia chỉ là dấu hiệu biểu lộ tâm hồn của họ, chứng tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính và yêu mến của họ đối với Chúa Hài Đồng.


Văn sĩ Dô-ơ-den-sen (Joergensen), người Đan Mạch đã nghĩ ra một câu truyện minh họa cho chúng ta thấy rõ điều đó. Ông đã tưởng tượng ra một vị chiêm tinh thứ tư. Vị này đến gặp Chúa Giêsu Hài Đồng sau ba vị kia. Gặp Chúa, nhưng ông rất buồn vì không còn gì để dâng tặng cho Ngài. Trước khi lên đường, ông đem theo ba viên ngọc quí giá. Dọc đường, ông gặp một cụ già đói nghèo, ông tặng viên ngọc thứ nhất. Đi thêm một đoạn đường, ông gặp một toán lính đang làm nhục một cô gái. Ông lấy viên ngọc thứ hai thương lượng với chúng để chuộc cô gái. Cuối cùng, khi đến Bê-lem, ông gặp một người lính do vua Hê-rô-đê sai đi để tàn sát các hài nhi, ông lấy viên ngọc thứ ba cho anh ta và thuyết phục anh ta từ bỏ hành động gian ác. Đến khi gặp được Chúa Hài Đồng, ông chỉ còn hai bàn tay trắng. Ông bối rối kể lại cuộc hành trình của mình. Nhưng thật lạ lùng, Chúa Giêsu đưa hai tay ra và mỉm cười nói với ông : "
Con đã dâng cho Ta món quà quý giá nhất. Nó không phải là vàng bạc châu báu, nhưng được dệt bằng những nghĩa cử đối với tha nhân".

Chúa Giêsu đã nói : "
Bất cứ điều gì các con làm cho người khác là làm cho chính Ta". Chúng ta vẫn luôn gặp Chúa trong cuộc sống hằng ngày qua những anh chị em sống với chúng ta, và tất cả những gì chúng ta làm cho họ là chúng ta làm cho chính Chúa. Như vậy, lễ vật làm hài lòng Chúa nhất chính là những gì chúng ta trao tặng cho tha nhân.

Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP. (Nguồn vietcatholic.org)

5393    06-01-2012 15:00:57