Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

CĂN CỐT NIỀM TIN CỦA KITÔ GIÁO

CĂN CỐT NIỀM TIN CỦA KITÔ GIÁO

“Có sự sống lại và cuộc sống đời đời không?” là câu hỏi then chốt và quan trọng nhất của cuộc đời; vì niềm tin này sẽ hướng dẫn con người trong cuộc sống ở đời này. Nếu con người tin có sự sống lại và cuộc sống vĩnh cửu mai sau, con người sẽ biết sống ở đời này làm sao để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mai sau; nếu không tin có sự sống lại và cuộc sống đời sau, con người sẽ tập trung mọi cố gắng để làm sao cho cuộc sống đời này được hạnh phúc và hưởng thụ tối đa, mà không cần quan tâm đến việc thưởng phạt ở đời sau.

Nhân việc nhóm Xađốc hỏi Chúa Giêsu về vấn đề Kẻ chết sống lại. Ngài đã cho biết” Còn vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Môsê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của các tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ Ixaác, và Thiên Chúa của tổ phụ Giacóp.” (Lc 20, 37). Sự thật Chúa Giêsu khẳng định khi trả lời cho một số người thuộc nhóm Sađốc, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.

Vào thời Chúa Giêsu, giới lãnh đạo Do thái chia thành nhiều nhóm khác nhau. Liên quan đến sự sống lại, số người thuộc nhóm Biệt phái thì tin rằng cuộc sống sau khi chết cũng giống như cuộc sống trước đó trên trần gian này, nghĩa là con người cũng ăn uống, buôn bán, sống đời vợ chồng, nhưng chỉ có sung sướng mà thôi; tuy nhiên, một số khác thì tin rằng cuộc sống sau cái chết là cuộc sống hoàn toàn biến đổi.

Còn nhóm Sađốc thì không tin vào cuộc sống đời sau: đối với họ, chết là hết; họ dựa trên luật Do thái buộc người em phải lấy chị dâu để đảm bảo cho anh mình có con nối dõi tông đường, nếu người anh chết mà chưa có con. Họ đặt ra trường hợp bảy anh em nhà kia cùng lấy một người đàn bà và hỏi Chúa Giêsu: khi sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ của ai? Chúa Giêsu khẳng định cuộc sống phục sinh hoàn toàn được biến đổi và không giống cuộc sống trên trần gian này như một số người Biệt phái tưởng nghĩ; do đó, mọi tương quan giữa con người với nhau cũng sẽ được biến đổi và tan hòa trong tương quan tình yêu thương của Thiên Chúa, cũng như mang sắc thái và chiều kích của tình yêu ấy, vì thế, mọi cách diễn tả và biểu lộ trong các liên hệ cuộc sống trần gian khi đó không còn ý nghĩa nữa.

Niềm tin vào sự sống lại, tuy đã được đề cập đến trong Cựu-Ước, nhưng chưa được cắt nghĩa rõ ràng; đa số người thời đó tin hạnh phúc chỉ ở đời này: sống lâu trăm tuổi, con đàn cháu đống, được Thiên Chúa ban muôn phúc lành. Quan niệm về sự bất tử của linh hồn được cắt nghĩa rõ ràng hơn trong Sách Khôn Ngoan (khỏang ~100 BC), và sự sống lại trong Sách Maccabees (~150 BC). Khi Đức Kitô nhập thể, Ngài đã mặc khải rõ ràng cho con người những điều này và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa trong các Sách Tin Mừng.

Câu hỏi khó của Nhóm Xa-đốc nhằm chứng minh không có sự sống lại: Nhóm này chỉ tin vào Sách Luật Moses và không tin có sự sống lại. Đó là lý do tại sao họ đến và hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, ông Moses có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình.

Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?" Câu hỏi của họ tuy dựa trên Lề Luật, nhưng không thực sự xảy ra trong cuộc đời. Tuy nhiên, nếu có sự sống lại, nàng sẽ thuộc về ai trong 7 người anh em?

Sự sống, thân xác và tất cả những gì con người có được, đều là những món quà Thiên Chúa ban tặng, do đó, phải được bảo toàn và trân trọng. Chính cung cách sống và hành xử của con người trong cuộc sống hiện tại định đoạt số phận tương lai của họ: được cứu độ hay bị trầm luân đời đời. Bởi vì cuộc sống của con người không kết thúc với cái chết của thân xác trên trần gian này; sau khi chết, thân xác và linh hồn con người mới bắt đầu cuộc sống tràn đầy hạnh phúc, một cuộc sống phục sinh, một cuộc sống hoàn toàn biến đổi.

Theo niềm tin của người Công Giáo chúng ta, chúng ta tin trong mỗi con người đều có Hồn và Xác. Linh hồn là bất tử, còn xác là phần hay chết. Tin kẻ chết sống lại, nghĩa là sự phục sinh không đơn giản do bản tính tự nhiên của một hữu thể bất khả phân và do đó bất hoại, nhưng là do hành vi Cứu Độ của Đấng đã yêu thương và đủ quyền năng để làm điều đó: nếu con người không rơi vào vòng hư hoại thì chính là vì con người đã được Thiên Chúa biết đến và yêu thương.

Tình thương nào cũng mong muốn được vĩnh cửu, huống chi tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của Ngài còn đi xa hơn nhiều, không những mong muốn vĩnh cửu mà còn thực hiện điều đó. Như thế, sự sống lại theo cái nhìn của Kinh Thánh không phát xuất từ sức riêng của một hữu thể, nhưng được đưa vào cuộc đối thoại với Đấng Sáng Tạo, chính vì thế mà nó được gọi là Phục Sinh. Vì Đấng Sáng Tạo không chỉ nhắm đến linh hồn mà thôi. Nhưng nhắm đến con người toàn diện, con người hiện thực giữa lòng thân xác của lịch sử. Thiên Chúa ban ơn bất tử là cho con người như thế, và do đó sự bất tử ở đây đồng nghĩa với phục sinh kẻ chết.

Chúa Giêsu quả quyết có sự sống lại, nhưng Ngài không giải thích sự việc sẽ xẩy ra thế nào và khi nào sẽ xẩy ra biến cố sống lại, vì điều đó không quan trọng cho ơn cứu rỗi. Chẳng những có lời quả quyết của Chúa, chúng ta còn có một sự kiện cụ thể khác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, đó là câu trả lời duy nhất cho thắc mắc của con người về sự chết, về sự sống lại và sự sống đời đời.


Căn bản của niềm tin vào sự sống lại là chính Chúa Giêsu. Ta phải để niềm tin này nuôi dưỡng và soi sáng mọi công việc chúng ta làm, và phải biết sống làm sao ở đời này để xứng đáng thừa hưởng cuộc sống mai sau.

939    21-11-2016 09:16:51