Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bài Giảng của Đức Cha Stêphanô Tri Bửu Thiên dịp lễ Truyền Dầu - Năm 2015

        Đọc và suy niệm các bài đọc Phụng Vụ trong thánh lễ Truyền Dầu hôm nay tôi đã cảm nhận và xin được chia sẻ với Cộng Đoàn hai điều sau đây: 1/. Đức Giêsu chính là Đấng đã được Chúa xức dầu tấn phong, được tràn đầy Thánh Thần để trở thành Thượng Tế của Giao Ước mới, điều mà tiên tri Isaia đã loan báo từ hơn 700 năm trước (bài đọc I). Trong giao ước mới này đức Giêsu vừa là thượng tế, là trung gian giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, lại vừa tự nguyện trở thành Hy Tế của Giao Ước mới. Trong Giao Ước mới này máu được dùng để ký kết giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại chính là máu của Đức Giêsu đã đổ ra trên thập giá vào buổi chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Máu này có sức “ rửa sạch tội lỗi của chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người”. (sách Khải huyền, bài đọc thứ II).

        Tự nguyện trở thành Hy Tế của Giao Ước mới, Đức Giêsu muốn rằng Hy Tế mà Ngài đã hiến dâng trên thập giá trên đồi Calve, không chỉ được diễn ra một lần duy nhất nhưng phải được tái diễn mỗi ngày, ở khắp nơi trên thế giới và cho đến tận thế. Để thực hiện ước muốn đó, vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh, trong bữa tiệc ly với các môn đệ, Đức Giêsu đã thiết lập BTTT và BTTCT để tuyển chọn các linh mục. Nhờ việc xức dầu trong BTTCT, linh mục, người được Thiên Chúa tuyển chọn, cũng được tràn đầy Thánh Thần để trở thành linh mục thừa tác của Giao Ước mới, trở thành môn đệ và bạn hữu của Đức Giêsu, trở thành Alter Christus, trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và cũng được sai đi loan báo Tin Mừng.

           2/. Cảm nhận thứ hai đó là: Đức Giêsu, Đấng được xức dầu để được sai đi và Ngài đã đi thật nhiều. Nếu đọc kỹ các sách Tin Mừng về Đức Giêsu, chúng ta sẽ khám phá ra điều rất thú vị này là Đức Giêsu trong suốt 3 năm rao giảng, Ngài đã đi không ngừng, đi từ Bắc xuống Nam, đi từ làng này sang làng khác, từ thành phố này sang thành phố khác, Ngài đã đi khắp cả mọi miền trên đất nước Palestine và nhiều khi còn vượt biên giới sang đến các vùng phụ cận, đến với cả dân ngoại nữa. Điều đáng nói là khi rao giảng Ngài chẳng hề có riêng cho mình một phương tiện nào để sử dụng ngoài đôi chân: không xe hơi, không xe máy, cũng chẳng có xe đạp, chẳng ghe xuồng chủ yếu là đi bộ, Ngài đi bộ trên đất và khi cần, đi bộ trên cả mặt biển hồ Galilea để đến với các môn đệ của mình. (x. Mt 14,25; Mc 6,48; Ga 6,19). Chỉ với đôi chân, Đức Giêsu luôn cứ đi, đi mãi, đi không ngừng nghỉ, đi cho đến Gierusalem, đến đồi Calve, đi cho đến chết. Đi đến đâu rao giảng đến đó. Ngài rao giảng khắp mọi nơi: ở các hội đường, trên những bãi cỏ, bãi đất trống, trên sườn núi, ngoài bờ biển hồ, không cần hội trường, cũng chẳng cần đến micro, loa phóng thanh, Ngài cứ dùng miệng mà giảng, vậy mà người ta cứ ùn ùn kéo tới để nghe, cử toạ của Ngài có lúc lên tới 4, 5 ngàn người chưa kể đàn bà và con trẻ. Giảng như vậy chắc mệt lắm, nhưng chẳng thấy Ngài than phiền hay tỏ vẻ khó chịu vì thiếu phương tiện! Ngoài việc rao giảng, Đức Giêsu còn làm nhiều phép lạ: hoá bánh ra nhiều cho nhiều người ăn, chữa lành nhiều bệnh nhân, giải thoát nhiều người khỏi bị ma quỷ ám. Tóm lại, ngay từ lúc khởi đầu sứ mạng công khai, Đức Giêsu đã đi thật nhiều, rao giảng thật nhiều và cũng đã làm được rất nhiều điều hữu ích cho dân.

        Qua những cảm nhận trên đây, tôi muốn kêu gọi Cộng Đoàn cùng cầu xin Chúa ban cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ của Chúa, đặc biệt trong năm Tân Phúc Âm hoá đời sống thánh hiến này được 2 ơn sau đây: 1/. Xin cho các linh mục, tu sĩ nam nữ mỗi ngày càng trở nên giống Chúa Giêsu hơn qua cách sống, cách ứng xử và cách phục vụ.

        Là một vì Thiên Chúa cao sang, nhưng khi đến trần gian, Đức Giêsu đã tự chọn cho mình cách sống nghèo: Sinh ra nghèo, sống nghèo và chết cũng nghèo. Xin cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ được nên giống Đức Giêsu, tự nguyện sống nghèo trong cách ăn mặc, cách sử dụng tiền bạc và những phương tiện vật chất, nghèo trong nơi ăn, chốn ở.- Là một vì Thiên Chúa cao sang nhưng khi đến trần gian, Đức Giêsu đã tự chọn cho mình cách ứng xử của một người con. Ngài luôn vâng phục Chúa Cha trong mọi sự, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Xin cho các linh mục và các tu sĩ nam nữ luôn sống vâng phục ý Chúa qua sự hướng dẫn của Bề Trên để không còn quá chiều theo ý riêng. Bỏ được ý riêng chính là bỏ chính mình, và đây là điều rất khó và cũng rất hệ trọng. Đức hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm này khi viết trong quyển sách Đường Hy Vọng: “Cho dù chúng ta có bỏ tất cả mà chưa bỏ chính mình thì chúng ta chưa bỏ gì cả, bởi chính chúng ta rồi sẽ dần dần quơ góp lại những gì mình đã bỏ trước” (DHV 3). Là một vì Thiên Chúa cao sang, là Chúa và là Thầy của các môn đệ nhưng Đức Giêsu đã tự chọn cho mình cách phụng vụ khiêm tốn khi rửa chân cho các môn đệ của mình. Xin cho các linh mục và tu sĩ nam nữ, với việc tự nguyện sống đời độc thân, sẵn sang dành trọn con tim, khó óc, sức khoẻ, thời giờ và những khả năng Chúa ban để sẵn sang phục vụ mọi người cách khiêm tốn.

         2/. Ơn thứ hai mà chúng ta cùng nhau tha thiết cầu xin là xin cho các linh mục, tu sĩ nam nữ của Chúa luôn hăng say, sẵn sàng ra đi đến những nơi mà mình được sai đến. Ngày nay, với những hệ thống giao thông thuận lợi và với những phương tiện đi lại hiện đại, chúng ta có thể đi thật nhiều, thật nhanh và đi thật xa như đi bằng máy bay, bằng tàu hoả, bằng tàu cao tốc, bằng ôtô ,bằng xe máy, bằng xe đạp. Vấn đề là chúng ta có chịu đi hay không thôi. Giáo hội luôn mách bảo cho chúng ta rằng muốn bắt được cá phải chèo ra chỗ sâu, tức là phải dám mạo hiểm, phải dám cất bước ra đi. Tuy chúng ta có thể ngồi tại nhà và đến với những người khác bằng các phương tiện truyền thông hiện đại như đi bằng Internet, bằng email, nhưng đi bằng chính thân xác của mình, vẫn luôn là cách đi hoàn hảo nhất và hiệu quả nhất. Mặt đối mặt, lời trao lời mới nảy sinh tình yêu và lòng mộ mến. Có cất bước ra đi, gặp gỡ và trực tiếp tiếp cận với mọi người, chúng ta mới cảm nhận được hoàn cảnh, những khó khăn, những trăn trở của quý bà con, nhu cầu được yêu thương, được giúp đỡ của những người nghèo, những gia đình nghèo, những gia đình đông con, những người goá bụa, những người già neo đơn, những bệnh nhân, những nạn nhân của sự bạo hành trong gia đình, người bị bỏ rơi…chúng ta mới thật sự chạnh lòng thương và sẵn sàng cứu giúp họ theo khả năng và hoàn cảnh cho phép. Chúng ta mới thực sự cảm nghiệm rằng, sự hiện diện, viếng thăm và loan báo Tin Mừng cho mọi người, kèm theo những sự giúp đỡ cụ thể là vô cùng cần thiết và hữu ích. Con đường truyền giáo quả là một con đường gồ ghề, gập ghềnh khó đi, một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm, không luôn dễ dàng và lắm khi đầy dẫy những chông gai, trở ngại.

                 Kính thưa cộng đoàn!

           Sự hiện diện đông đảo của quý bà con giáo dân thuộc nhiều họ đạo trong giáo phận Vĩnh Long là một thông điệp mạnh mẽ gởi đến từng linh mục và tu sĩ rằng bà con giáo dân luôn quý mến và yêu thương các linh mục, các tu sĩ chúng ta. Rằng bà con giáo dân luôn cầu nguyện và cũng rất sẵn lòng giúp đỡ chúng ta, cả vật chất lẫn tinh thần. Với lòng thành kính và biết ơn, chúng ta hãy luôn nhớ cầu nguyện và quyết tâm sống tốt, luôn kính trọng và phục vụ mọi người cách khiêm tốn. Nguyện xin Chúa chúc lành và ban xuống muôn ơn lành hồn xác trên quý bà  con và trên gia đình của quý bà con. Amen.

 

 

 

1647    03-04-2015 12:54:14