Sidebar

Thứ Sáu
26.04.2024

Bài Giảng Của Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương Trong Thánh Lễ Hành Hương Đức Mẹ Fatima Vĩnh Long, ngày 13/05/2015

1.    Kính thưa anh chị em, Đức Mẹ đã hiện ra tại cánh đồng hẻo lánh Cova da Iria thuộc làng Fatima nước Bồ Đào Nha, cho ba trẻ chăn cừu là Lucia, Phanxicô và Jacinta, 9 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi, lần đầu tiên ngày 13/5/1917. Sau đó Đức Mẹ hiện ra vào ngày 13 mỗi tháng và trong 6 tháng liên tiếp. Lucia nói chuyện với Đức Mẹ, Jacinta thấy và nghe nhưng không nói được với Đức Mẹ, còn Phanxicô chỉ thấy mà không nghe Đức Mẹ nói. Trong các lần hiện ra Đức Mẹ dạy ba em: Hãy lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, hãy tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, hãy ăn năn thống hối tội lỗi mình; hãy dâng hy sinh hãm mình để đền bù tội lỗi và cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn trở lại. Tóm tắc sứ điệp của Đức Mẹ là: 1) Hãy cải thiện đời sống; 2) Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi; 3) Hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ.

2.    Lần hiện ra ngày 13/7/1917, Đức Mẹ cho ba em thấy hỏa ngục. Trong biển lửa hỏa ngục, ma quỉ và các linh hồn tội lỗi trông giống các cục than hồng, đen đủi hay xám xịt, bị thiêu đốt bị nhào lộn, họ kêu la đau đớn tuyệt vọng. Các em run sợ kinh khiếp. Đức Mẹ nói: "Các con nhìn thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội bị giam cầm. Để cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, các con hãy thi hành các điều Mẹ dạy". Cảnh tượng hỏa ngục đã gây ấn tượng hết sức mạnh mẽ nơi các em. Em Jacinta nhỏ nhất mới có 6 tuổi bị đánh động mạnh nhất. Lucia kể lại: "Jacinta thường ngồi xuống đất hoặc trên một tảng đá nào đó và em bắt đầu nói: "Em thấy tội nghiệp các linh hồn phải xuống hỏa ngục quá". Rồi hơi run run, Jacinta quì gối chắp tay đọc kinh Đức Mẹ dạy các em: "Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội cho chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn". Còn Phanxicô thì quan tâm đến nét mặt buồn rầu của Đức Mẹ, vì những tội lỗi loài người xúc phạm đến Chúa. Lucia kể: "Nhiều lần chúng con gặp thấy Phanxicô ở sau bức tường nhỏ, nơi Phanxicô ẩn mình, quì gối cầu nguyện, hoặc nghĩ đến Chúa buồn rầu. Nếu chúng con gọi cậu ra thì cậu bé giơ cánh tay lên, tay cầm chuổi tràng hạt". (Trái Tim Đức Mẹ, số 305, tháng 5/2003, tr.6).

3.    Hôm nay chúng ta hẹn nhau về đây trong ngày hành hương của giáo phận, không chỉ để kỷ niệm biến cố lịch sử Đức Mẹ hiện ra tại Fatima ngày 13/5/1917 như người ta tưởng niệm bao nhiêu biến cố lịch sử khác. Nhưng chúng ta về đây trong tâm tình yêu mến Mẹ và với quyết tâm vâng lời Đức Mẹ dạy, là:  Lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, dâng hy sinh hãm mình để đền bù tội lỗi và cầu nguyện cho người tội lỗi ăn năn thống hối.

    Tại sao Đức Mẹ muốn chúng ta tôn sùng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ? Thưa bởi vì từ trong Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, Mẹ đã thưa lời Xin Vâng. Và từ lời Xin Vâng, Mẹ đã dâng hiến tất cả cho Chúa, đã tham dự trọn vẹn vào cuộc khổ nạn đau thương thập giá của Chúa Giêsu, cho đến tận chân thánh giá, chịu đau đớn trong Tim Vẹn Sạch của Mẹ như bị lưỡAi đòng đâm thâu. Mẹ đã hiệp nhất yêu thương hoàn toàn với Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu bị lưỡi đòng chọc thủng, tuôn trào nước và máu, trao ban hết tình yêu cho nhân loại. Trái Tim Mẹ cũng như Trái Tim Chúa Giêsu là Trái Tim của Lòng Thương Xót. Và bởi vì Đức Mẹ cho biết ngày 13/6/1917 rằng Chúa Giêsu muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Mẹ ở khắp nơi.

    Tại sao Đức Mẹ muốn chúng ta đọc kinh Mân Côi?  Thưa bởi vì ngày 13/10/1917 Đức Mẹ cho ba em biết rằng Mẹ là  "Nữ Đồng Trinh của kinh Mân Côi" và Đức Mẹ khuyên hãy siêng năng lần hạt Mân Côi. Bởi vì, theo Thánh Louis de Montfort, Đức Mẹ thích kinh Mân Côi hơn tất cả các việc tôn sùng khác; bởi vì nó là bản tóm lược cuộc sống, cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Bởi vì - theo Thánh Bênađô - nó có sức xua đuổi ma quỉ, làm cho hỏa ngục run sợ kinh khiếp khi nghe danh Maria. "Những con cái trung thành với việc lần hạt Mân Côi sẽ được Mẹ cứu khỏi luyện tội và sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời" (Thánh Đaminh).

    Tại sao chúng ta phải cải thiện đời sống, thống hối ăn năn tội lỗi mình và tội lỗi người khác? Thưa bởi vì lần hiện ra ngày 13/10/1917 Đức Mẹ đã nói: "Cần kiếp phải ăn năn thống hối bởi vì con người đã phạm tội quá nhiều, đã xúc phạm đến Chúa quá nhiều, chớ gì con người đừng xúc phạm đến Chúa nữa". Bởi vì Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng Tin Mừng bằng việc kêu gọi "thống hối", và lời kêu gọi thống hối của Chúa Giêsu luôn vang dội trong Phúc âm của Người. Cha Gioan Maria Vianney Cha sở họ Ars quả quyết: "Sự ăn năn đền tội cần cho linh hồn chúng ta cũng như hơi thở cần cho mạng sống vậy". Đức Thánh Cha, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói trong bài giảng tại Fatima ngày 13/5/1982 như sau: "Cốt tủy nền tảng của sứ điệp Fatima là ăn năn thống hối và đền tội như trong Phúc âm... Đức Mẹ đã đọc thấy hết sức rõ ràng "các dấu chỉ của thời đại", các dấu chỉ của thời đại chúng ta. Lời mời gọi ăn năn đền tội là lời mời gọi từ mẫu, nhưng đồng thời mạnh mẽ và quyết liệt".

4.    Ngày 13/5 còn có một ý nghĩa đặc biệt nữa cho giáo phận Vĩnh Long chúng ta, đó là ngày 13/5/1965, ngày khánh thành Tượng đài Đức Mẹ Fatima và Trung Tâm Hành Hương nầy. Hôm nay là đúng 50 năm. Trung tâm nầy là sáng kiến mục vụ đáng ca ngợi của vị Mục tử năng động và lao lực vì đoàn chiên, Đức Cha Antôn Nguyễn Văn Thiện. Ngài muốn cho con cái trong giáo phận có nơi tụ về ngày 13/5 để kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra năm 1917 tại Fatima, để cầu nguyện với Đức Mẹ và nhất là để nghe lại và sống sứ điệp Fatima. Đức Mẹ đã tỏ ra hài lòng sáng kiến tốt đẹp của Đức Cha Antôn, khi Mẹ cho thấy một dấu chỉ yêu thương hiền mẫu là rước Ngài về với Mẹ đúng ngày 13/5 cách đây ba năm (13/5/2012). Hôm ngay là ngày Giỗ thứ 3 Đức Cha Antôn. Giáo phận Vĩnh Long xin hết lòng cảm tạ và ghi ơn sâu sắc Đức Cha Antôn, xin Đức Cha từ trời chúc lành cho chúng con đang có mặt ở đây và cho toàn Giáo phận. Chúng con quyết tâm để lòng yêu mến Mẹ không mai một với thời gian, nhưng sẽ luôn phát triển thêm với những đóng góp mới của chúng con.

5.    Lời Chúa hôm nay (Lc 1,26-38) gợi lại cho chúng ta lời kinh quen thuộc, thân thương, êm ái, ngọt ngào mà chúng ta đọc hằng ngày: "Kính mừng Maria đầy ơn phước Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ". Lời chào bất ngờ nầy của Thiên Thần Gabriel do Chúa sai đến đã làm cho cô trinh nữ Maria tại làng quê Nadarét ngạc nhiên, bối rối tự hỏi không biết lời chào có ý nghĩa gì. Sau khi hỏi Thiên Thần và được Thiên Thần giải thích ý nghĩa, nhất là khi đã hiểu rõ ý định của Thiên Chúa muốn cho mình mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần để sinh hạ Con Một Thiên Chúa mà vẫn đồng trinh, Maria đã khiêm tốn thưa: "Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền". Lời thưa "Xin vâng" một cách ý thức và hoàn toàn tự do của Đức Mẹ đồng trinh đã cho phép Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu chuộc loài người đã được chính Thiên Chúa tuyên hứa và được các tiên tri nhắc nhớ qua suốt dòng lịch sử của dân It-ra-en, dân Chúa chọn.

    Nếu Đức Mẹ đã xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, nếu Chúa Giêsu Kitô đã xin vâng theo thánh ý Chúa Cha để xuống thế làm người cứu chuộc nhân loại, thì chúng ta cũng phải xin vâng theo thánh ý của Thiên Chúa và Đức Mẹ trong cuộc sống hằng ngày, vì đó là con đường Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã đi và muốn chúng ta cũng đi theo để được cứu rỗi và hạnh phúc đời đời.

6.    Chúng ta có thể suy niệm để bắt chước gương tuyệt hảo của Đức Mẹ trong gia đình Thánh Gia Thất; bắt chước các nhân đức tuyệt vời của Đức Mẹ: sống trinh khiết (vợ chồng cũng phải sống tiết độ và thánh thiện trong bậc vợ chồng); sống vâng phục tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa trong đời sống của mình; sống thánh thiện, noi gương sự thánh thiện tinh tuyền của Đức Mẹ; sống yêu thương người khác như Đức Mẹ khi hay tin Bà Elisabet có thai, Mẹ Maria đã vội vã lên đường đến thăm, mang Chúa Giêsu và niềm vui đến cho bà và gia đình bà, và đã ở lại giúp đỡ bà 3 tháng; bắt chước lòng xót thương của Đức Mẹ, vì tất cả những lần Đức Mẹ hiện ra đây đó đều là thể hiện cụ thể lòng thương xót hiền mẫu đối với con cái tội lỗi.

    Chúng ta có thể suy niệm để bắt chước các nhân đức của Đức Mẹ, nhưng tại trung tâm Fatima nầy, trong ngày hành hương giáo phận năm nay cũng như những lần khác, thiết tưởng điều làm Đức Mẹ vui lòng nhất là chúng ta quyết tâm thực hành ba mệnh lệnh của Đức Mẹ: 1) Hãy cải thiện đời sống; 2) Hãy siêng năng lần hạt Mân Côi; 3) Hãy tôn sùng Trái Tim Mẹ.

    Lạy Mẹ Maria xin Mẹ chúc lành cho các quyết tâm của chúng con. Amen

6229    14-05-2015 22:57:01