Sidebar

Thứ Sáu
29.03.2024

Bài 57: Điều Răn Thứ Mười

Bài 57
ĐIỀU RĂN THỨ X
CHỚ THAM CỦA NGƯỜI
(x. SGLC từ 2534 đến 2557).

"Ngươi không được ham muốn bất cứ vật gì của người ta" (Xh 20,17). "Của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó" (Mt 6,21). Điều răn thứ bảy cấm trộm cắp, cướp đoạt và gian lận. Bổ túc cho đòi hỏi nầy, điều răn thứ mười nhắm đến lòng tham, như nguồn gốc của những tội lỗi trên. Như vậy, cả hai điều răn thứ chín và thứ mười nhắm đến ý hướng trong lòng, và tóm kết tất cả các giới răn.

I. Ham muốn bất chính.

Ai đói cũng thèm ăn, ai lạnh cũng mong được sưởi ấm. Ở tự nó, những ham muốn nầy là tốt, vì giúp bảo vệ sự sống. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy con người không giữ được mức độ hợp lý trong những ham muốn nầy. Vì không giữ được mức độ hợp lý nên sinh ra tham lam và ghen tị. Tham lam: là ham mê của cải, và thế lực do của cải đem lại; từ đó có thể làm điều bất công hại đến tài sản người khác. Kinh Thánh còn ghi lại câu chuyện về một người giàu, tuy có vô số chiên cừu, nhưng lại đi bắt con chiên duy nhất của người nghèo để làm tiệc đãi khách (x.2Sm 12,1-4). Cuộc sống hôm nay vẫn đầy dẫy những con người tham lam như thế: những nhà buôn mong hàng hóa khan hiếm và đắt đỏ, những kẻ mong người khác gặp hoạn nạn để thu lợi... Ghen tị: là buồn phiền khi thấy người khác có của cải và ước ao chiếm đoạt. Thánh Âu Tinh coi ghen tị là tội quỉ quái nhất, vì "ghen tị sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui khi thấy kẻ khác gặp hoạn nạn, buồn khi thấy kẻ khác được may lành". Thánh Gioan Kim Khẩu nói quyết liệt hơn: "Chúng ta đấm đá nhau chỉ vì ghen tị... Nếu mọi người đều xâu xé nhau như vậy thì thân thể Chúa Kitô sẽ ra sao? Chúng ta đang làm tan nát Thân Thể Chúa Kitô".

II. Để vượt qua những ham muốn bất chính.

1. Điều chỉnh những ước muốn:

Ở tự nó, ước muốn không phải là điều xấu. Vấn đề là phải điều chỉnh những ước muốn cho đúng đắn. Phải cảnh giác trước sự quyến rũ của những thực tại "ăn thì ngon, trông đẹp mắt và đáng quý" (St 3,6), nhưng lại ẩn chứa bên trong nọc độc của tội lỗi và sự chết. Điều mà người Kitô hữu phải ước muốn là sự toàn thiện, và đặt mình trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Thánh Phaolô nói người tín hữu là người "đã đóng đinh xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê" (Gl 5,24), và ước muốn những điều hợp ý Chúa Thánh Thần (x.ra 8,27).

2. Sống tinh thần nghèo khó:

Mối phúc đầu tiên được Đức Giêsu công bố là "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5,3), và Ngài thường xuyên cảnh giác con người trước mối nguy hiểm của tiền bạc (x.Lc 6,24). Sống tinh thần nghèo khó là chọn Chúa làm gia nghiệp của mình, đặt Chúa trên hết mọi sự, và vì thế saün sàng từ bỏ mọi sự vì Đức Giêsu và vì Tin Mừng (x.Mc 8,35). Nhờ đó, trong cuộc sống hằng ngày, người tín hữu "điều khiển tâm tình cho đúng đắn, để việc sử dụng của cải trần gian và lòng quyến luyến sự giàu sang nghịch với tinh thần khó nghèo của Tin Mừng không cản trở họ theo đuổi đức ái trọn hảo (GH 42).

Biết ao ước hạnh phúc đích thực, ta được giải thoát mọi ràng buộc bất chính với của cải trần thế. Và cuối cùng, được chiêm ngắm nhan thánh Chúa và hưởng hạnh phúc bên Ngài

5422    09-02-2011 10:01:59