Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Bài 44: Đời Sống Xã Hội

Bài 44
ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
(x. SGLC từ 1878 đến 2948).

"Thiên Chúa đã dựng nên con người không phải để sống riêng rẽ, nhưng để tạo nên sự liên kết xã hội. Cũng thế, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện" (MV 32). "Con người là sinh vật mang tính xã hội, và càng ngày mối liên hệ giữa con người và xã hội càng trở nên chặt chẽ hơn. Đời sống Đức tin cũng không thể tách ra khỏi những sinh hoạt xã hội. Hơn thế nữa, đức tin là men, là muối, là ánh sáng cho mọi sinh hoạt của con người trong xã hội. Vì thế, cần tìm hiểu đời sống xã hội để sống đức tin cách cụ thể và mang lại nhiều hoa trái" (MV 32).

I. Con người và xã hội.

1. Đặc tính cộng đoàn của ơn gọi làm người:

Kinh Thánh xác định rõ ràng: lòng yêu mến Thiên Chúa không thể tách rời khỏi tình yêu thương anh em (x.ra 13,9-10; 1Ga 4,10). Hơn thế nữa, khi cầu nguyện với Chúa Cha "Xin cho mọi người nên một... như Chúng Ta là một" (Ga 17,21-22), Đức Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Chúa trong chân lý và Đức Ái (MV 24). Con người là hình ảnh Thiên Chúa và Thiên Chúa của chúng ta lại là cộng đoàn ba ngôi vị; vì thế, đặc tính cộng đoàn đã được in sâu vào bản tính con người. Thật vậy, con người cần được sống trong xã hội. Nhờ sự trao đổi, đối thoại với người khác và nhờ sự phục vụ lẫn nhau, con người phát triển khả năng của mình. Mỗi người đều đón nhận từ xã hội nhiều di sản làm nên nhân cách của mình, và đến lượt họ, phải góp phần xây dựng xã hội. Tuy nhiên, nếu đời sống xã hội giúp nhiều cho con người chu toàn sứ mạng của mình, kể cả sứ mạng tôn giáo thì cũng không thể phủ nhận rằng "con người vì những hoàn cảnh xã hội họ đang sống và tiêm nhiễm ngay từ thuở thiếu thời, nên nhiều khi xa cách không làm điều thiện và bị lôi kéo làm điều ác" (MV 25). Ngoài ra, sự can thiệp quá đáng của Nhà Nước có thể đe dọa tự do và sáng kiến của cá nhân. Chính vì thế phải làm sao để mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội được hài hòa và mang lại nhiều ích lợi.

2. Để xây dựng một quan hệ hài hòa:

Để xây dựng một quan hệ tốt đẹp và ích lợi giữa cá nhân và xã hội, Hội Thánh đưa ra một vài hướng dẫn:

a. Nguyên tắc hỗ trợ: Thiên Chúa đã không dành cho mình mọi quyền bính, nhưng Ngài đã trao phó cho mỗi tạo vật những chức năng phù hợp. Cũng vậy trong đời sống xã hội, một cộng đoàn lớn không thể can thiệp vào nội bộ một cộng đoàn nhỏ nhằm tước đoạt chức năng của nó; nhưng phải nâng đỡ và cùng hoạt động để mang lại công ích.

b.Thang giá trị: Để đời sống xã hội thực sự giúp con người phát triển, phải tôn trọng thang giá trị chân chính, tức là biết đặt chiều kích nội tâm và tinh thần lên trên chiều kích thể lý và bản năng. Có những cái vốn chỉ là phương tiện nhưng người ta lại coi như cứu cánh tối hậu. Và nhiều khi người ta biến con người thành phương tiện sử dụng như những phương tiện vật chất, trong khi "Nhân vị là chính và phải là nguyên lý, chủ thể và cứu cánh của mọi định chế xã hội" (MV 25).

c. Lời mời gọi hoán cải: Sống giữa xã hội, người Kitô hữu dễ dàng bị cuốn vào cơn lốc xã hội, kể cả những trào lưu xấu. Vì thế phải hoán cải, sự hoán cải sâu xa trong tâm hồn và thường xuyên. Đồng thời sự hoán cải ấy thúc đẩy ta can đảm cải thiện môi trường sống khi nó dẫn con người đến tội lỗi. "Phải có sự đổi mới tâm thức và những thay đổi sâu rộng trong xã hội" (MV 26). Trong thực tế, nhiều khi khó nhận ra được đâu là con đường phải đi, và phải có rất nhiều can đảm để dám đi con đường của Đức Ái, của Tình Thương hiến thân. Vì thế, cần cầu nguyện để đón nhận ơn Thiên Chúa nâng đỡ.

II. Tham gia đời sống xã hội.

1. Quyền bính:

Mọi cộng đoàn nhân loại đều cần đến quyền bính cai trị, để duy trì trật tự và bảo vệ công ích. Với đức tin người Kitô hữu còn nhìn mọi quyền bính đều từ Thiên Chúa mà đến "Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập" (Rm 13,1). Vì thế mọi người có bổn phận phải vâng phục, tôn trọng những người thực thi quyền bính. Ngược lại, người có quyền bính cũng không thể hành xử cách độc tài. Quyền bính chỉ được thi hành cách hợp pháp khi kiếm tìm, phục vụ công ích và sử dụng những phương thế thích hợp về mặt luân lý. Trong thực tế, ta thấy có nhiều thể chế chính trị khác nhau. Điều nầy không có gì lạ, vì "Đã hẳn cộng đoàn chính trị và công quyền xây nền tảng trên bản tính con người, cho nên cũng nằm trong trật tự do Chúa an bài, nhưng việc định đoạt một thể chế chính trị hay cắt cử người cầm quyền vẫn là quyền tự do của mọi công dân" (MV 74). Điều quan trọng là dù thể chế chính trị nào, cũng phải phục vụ lợi ích hợp pháp của cộng đoàn xã hội.

2. Công ích:
Công ích là "Toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép những tập thể hay những phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn" (MV 26). Như thế, công ích bao gồm ba yếu tố thiết yếu: Trước hết là tôn trọng con người, với những quyền căn bản của con người và sự tự do cần thiết cho ơn gọi làm người được phát triển. Chẳng hạn "quyền hành động theo tiêu chuẩn chính thực của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống tư và quyền tự do chính đáng cả trong phạm vi tôn giáo" (MV 26). Thứ đến là an ninh xã hội, "những gì thiết yếu mà con người phải có để thực sự sống đời sống con người, như của ăn, áo quần, chỗ ở, quyền tự do chọn lựa bậc sống và quyền lập gia đình... (MV 26). Cuối cùng là tình trạng ổn định và an ninh trong xã hội. Bằng những phương thế thích hợp, chính quyền phải bảo vệ an ninh cho toàn xã hội, cũng như các thành viên trong xã hội. Ngày nay, mối liên hệ giữa các quốc gia càng ngày càng trở nên chặt chẽ. Vì thế, phải quan tâm đến công ích ở tầm vóc quốc tế. Để đạt mục đích nầy "Các cơ quan của cộng đoàn quốc tế tùy theo phận vụ mình, phải đáp ứng những nhu cầu muôn mặt của con người trong lĩnh vực xã hội như lương thực, sức khỏe, giáo dục, việc làm... trợ giúp nỗi đau khổ của những người tị nạn rải rác trên khắp thế giới, cứu trợ những người di cư và gia đình họ" (MV 54).

3. Trách nhiệm và tham gia:

Tùy theo vị trí và vai trò của mình, mỗi người cần phải tham gia vào việc phục vụ và phát triển công ích. Sự tham gia nầy được thể hiện trước hết bằng việc chu toàn trách nhiệm cá nhân trong xã hội. Đồng thời người công dân cũng phải góp phần vào những công việc chung. "Phải ca tụng đường lối của những quốc gia đang để cho càng đông công dân càng tốt, được tham gia việc nước trong sự tự do đích thực" (MV 31). Sự tham gia với tinh thần trách nhiệm như thế chỉ có được trên nền tảng giáo dục và văn hóa. "Phải tổ chức việc giáo dục những người trẻ thuộc bất cứ thành phần nào trong xã hội, làm sao để đào tạo được những người nam và người nữ không những tài giỏi và văn hóa, mà còn có tâm hồn cao thượng" (MV 31). Đồng thời "phải trau dồi nơi chính mình những đức tính luân lý và xã hội, đồng thời đem những đức tính ấy gieo rắc ngoài xã hội. Như vậy với sự trợ giúp cần thiết của ơn thánh Chúa, sẽ có những con người mới thực sự và là những người kiến tạo nhân loại mới" (MV 30).

III. Công bằng xã hội.

Gắn liền với công ích và việc thực thi quyền bính là đòi hỏi công bằng xã hội. Đòi hỏi nầy chỉ được thực hiện nhờ tôn trọng con người, xây dựng sự bình đẳng và tình liên đới nhân loại.

1. Tôn trọng con người:

Công bằng xã hội chỉ có được nhờ sự tôn trọng phẩm giá cao cả của con người. Việc tôn trọng phẩm giá được cụ thể hóa qua việc tôn trọng những quyền căn bản của con người. Đây chính là nền tảng cho sự hợp pháp về mặt luân lý của mọi quyền bính. Nếu không có sự tôn trọng nầy, quyền bính chỉ dựa vào bạo lực mà cai trị, và như thế làm xói mòn nền tảng hợp pháp của quyền bính về mặt luân lý. Giáo hội nhấn mạnh rằng "Mỗi người đều phải coi người đồng loại, không trừ một ai, như cái tôi thứ hai của mình... phải trở nên người lân cận của bất cứ ai và tích cực giúp đỡ họ khi họ đến với mình" (MV 27). Đòi hỏi nầy càng khẩn thiết hơn khi người lân cận đó là những người nghèo khổ, bị bỏ rơi vì "Điều gì các ngươi làm cho một trong những người hèn mọn, là làm cho chính Ta" (Mt 25,40). Hơn thế nữa, giáo lý của Chúa Kitô còn nới rộng giới răn yêu thương đến mức "yêu cả kẻ thù nghịch mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ và vu oan cho mình" (Mt 5,43-44). Vì thế, người Kitô hữu ghét sự ác nhưng không ghét bỏ người làm điều ác; trái lại vẫn yêu thương, kính trọng và cầu nguyện cho họ.

2. Bình đẳng và khác biệt:

Công bằng xã hội cũng đòi hỏi phải nhìn nhận sự bình đẳng giữa mọi người, cho dầu có những khác biệt. Mọi người đều bình đẳng với nhau vì có chung một nguồn gốc là Thiên Chúa, chung một bản tính nhân loại và chung một cùng đích là hạnh phúc Nước Trời. Trong thực tế, con người có những khác biệt nhau về tuổi tác, năng lực, trí tuệ và tinh thần. Nói theo ngôn ngữ Tin Mừng, khi bước vào cuộc đời nầy, những nén bạc được giao phó không đồng đều. (x.Mt 25,14-30). Nhưng Chúa quan phòng đã muốn như thế để dạy con người bài học về liên đới và chia sẻ: mỗi chúng ta cần đón nhận từ người khác và cũng cần chia sẻ cho người khác; nhờ đó cuộc sống chung trở thành phong phú hơn. Chính vì thế, "sự chênh lệch quá đáng về kinh tế và xã hội giữa những thành phần, hay những dân tộc trong cùng một gia đình nhân loại, thực là những gương xấu, và đi ngược với công bằng xã hội, lẽ phải, nhân phẩm và nền hòa bình xã hội cũng như quốc tế" (MV 29).

3. Tình liên đới:

Liên đới là đòi hỏi trực tiếp của tình huynh đệ nhân loại và Kitô giáo. Đối với người Kitô hữu, tình liên đới ấy bắt nguồn sâu xa từ chính Chúa Kitô, Đấng đã liên đới với ta trong thân phận tội lỗi; nhờ đó ta được chia sẻ sự sống với Ngài. Và như Đức Piô XII đã nói, trong suốt chiều dài lịch sử Hội Thánh, tình liên đới ấy đã thúc đẩy bao nhiêu Kitô hữu hy sinh, hiến dâng cuộc đời nhằm mang lại cho người khác cuộc sống xứng danh là con người và người Kitô hữu. Trong sinh hoạt xã hội, tình liên đới được biểu lộ qua việc phân phối của cải và công việc cho đồng đều. Tình liên đới cũng giúp cho con người giải quyết những vấn đề kinh tế xã hội trong tinh thần hòa giải. Noi gương Chúa Kitô, người Kitô hữu nỗ lực thể hiện tình liên đới trong sự hiệp thông đức tin, cũng như trong sự chia sẻ của cải vật chất hằng ngày, vì "Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ thêm cho" (Mt 6,33).

Hơn ai hết, người Kitô hữu hôm nay phải ghi nhớ lời nhắn nhủ của Hội Thánh "Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân, mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn tiến thời cuộc" (MV 30). Đức tin không thể chỉ bó hẹp trong một số bổn phận đạo đức cá nhân, nhưng còn cần được thể hiện trong sinh hoạt xã hội; nhờ đó Tin Mừng Chúa Kitô được thấm nhập vào mọi thực tại của đời sống con người.

4954    08-02-2011 14:57:22