Sidebar

Thứ Bảy
20.04.2024

Bài 35: Bí Tích Truyền Chức Thánh

Bài 35
BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
(x. SGLC từ 1536 đến 1600)

"Đức Giêsu lên núi và gọi lại với Người những kẻ mà Người muốn chọn. Và các ông đến với Người. Người thành lập nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người, và để Người sai đi rao giảng với quyền được trừ quỷ". (Mc 3, 13-15; x. 6, 6-13)

I. Nguồn gốc Bí tích Truyền Chức Thánh.

Được chọn và đặt làm "một vương quốc tư tế, một dân thánh" (Xh 19,6), dân Israel theo lệnh Chúa, dành riêng chi tộc Lê-vi để lo việc phụng vụ. Các tư tế của dân Chúa được đặt lên bằng một nghi thức đặc biệt, để "làm đại diện cho loài người trong mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội" (Dt 5,1).

Tuy nhiên, hàng tư tế của Giao ước cũ gồm các tư tế theo phẩm trật Aharon, các thầy Lê-vi (x. Ds 1, 48-53) và hàng kỳ mục (x. Ds 11, 24-25), vốn bất toàn và chỉ là hình ảnh báo trước chức tư tế thánh trong Giao ước mới, do Chúa Kitô thiết lập. Lễ tế trong Cựu ước không thể xóa được tội, để đem lại ơn cứu độ, mà chỉ có lễ tế hy sinh của Chúa Kitô mới thực hiện được mà thôi. Trong các môn đệ đi theo, Đức Giêsu đã chọn Nhóm Mười Hai "để các ông ở với Người, và để Người sai đi rao giảng" (Mc 3,14). Chúa đã trao quyền cử hành Thánh Thể cho các ông trong Bữa Tiệc Ly (x. Lc 22,19), ban quyền tha tội khi từ cõi chết sống lại (x.Ga 20,23), và dạy các ông làm Phép Rửa cho muôn dân, trước khi lên trời (x. Mt 28,19). Sau đó, các Tông đồ đặt tay ban Thánh Thần cho những người được chọn kế vị các ngài. Và chính các giám mục là những người kế vị các Tông đồ liên tục qua các thời đại, với đầy đủ quyền bính (x. 2Tm 1,6; T1 1,5).

II. Chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác.

1. Chức tư tế chung

Chúa Kitô là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người (x. 1Tm 2,5) được Thiên Chúa đặt làm Thượng tế đến muôn đời, vì Người đã "làm cho họ thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa" (Kh 5,10; x. 1,6). "Thực vậy, những người đã lãnh nhận Phép Rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng, và nhận chức tư tế thánh" (GH 10). Đây là chức tư tế chung mà tất cả các Kitô hữu tham dự. Cộng đoàn Hội Thánh thi hành chức tư tế chung bằng việc tham dự vào các Bí tích, và làm chứng cho đức tin (x. GH 11-12).

2. Chức tư tế thừa tác

Nhưng ngay giữa cộng đoàn dân Chúa được Bí tích Thánh Tẩy thánh hiến, để lãnh nhận chức tư tế chung, Thiên Chúa còn tuyển chọn một số người lãnh nhận chức tư tế thừa tác, được thánh hiến nhờ một bí tích riêng là Bí tích Truyền Chức Thánh. "Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, tuy khác nhau không chỉ về cấp bậc mà còn về yếu tính, song cả hai bổ túc cho nhau. Thực vậy, cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình" (GH 10). Chức tư tế thừa tác nhằm phục vụ cộng đoàn dân Chúa, để các tín hữu (có chức tư tế chung) phát huy ân sủng của Bí tích Thánh Tẩy. Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh vẫn luôn luôn hiện diện và hành động qua con người và thừa tác vụ của các Linh mục.

Nhờ Bí tích truyền chức Thánh, linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô là Đầu. Cho nên trong các cử hành Phụng vụ, Chúa Kitô luôn có mặt và trở thành hữu hình giữa cộng đoàn tín hữu, qua các thừa tác viên và thừa tác vụ của họ. Sự hiện diện của Chúa Kitô trong con người thừa tác viên khi cử hành Phụng Vụ, luôn bảo đảm đem lại kết quả thiêng liêng của các Bí tích, chứ không lệ thuộc vào tư cách thánh thiện hay bất xứng của thừa tác viên.

Đàng khác, chức tư tế này mang tính thừa tác, nghĩa là để phục vụ. Vì quyền hành chức thánh là quyền của chính Chúa Kitô, nên sử dụng quyền hành này cũng phải theo cách và rập khuôn mẫu của Chúa Kitô, Đấng "đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mc 10,45).

Sau cùng, chức tư tế thừa tác không những đại diện cho Chúa Kitô thủ lãnh, nhưng còn hành động nhân danh toàn thể Hội Thánh, khi dâng lời cầu nguyện của toàn thể dân thánh, và nhất là khi dâng Thánh lễ.

III. Ba cấp bậc trong Bí tích Truyền Chức Thánh.

Ngay từ đầu, thừa tác vụ thánh Hội Thánh do Chúa Kitô thiết lập gồm ba bậc: Giám mục, Linh mục và Phó tế. Bậc Phó tế là để giúp đỡ các tư tế là Giám mục và Linh mục. Tuy nhiên, cả ba bậc đều được ban qua Bí tích Truyền Chức Thánh.

1. Các Giám mục:

Các Giám mục là những thừa tác viên ở địa vị thứ nhất trong ba bậc của thừa tác vụ thánh. Các Giám mục kế vị các Tông đồ, lãnh nhận chức tư tế tối cao (Thượng tế) và sung mãn, gia nhập giám mục đoàn, và trở thành thủ lãnh hữu hình của Hội Thánh đã được ủy thác. Được hiến thánh qua việc đặt tay cùng với lời kinh dành riêng, các Giám mục lãnh nhận ấn tín Chúa Thánh Thần, thay mặt Chúa Kitô với trách nhiệm thánh hóa, giảng dạy và cai quản "Nhờ Thánh Thần mà các Ngài đã lãnh nhận, các Giám mục trở thành thầy dậy đức tin, thượng tế, chủ chăn thực thụ và chính thức" (GM 2).

Vì cũng là đại diện Chúa Kitô, và cùng kế vị các Tông Đồ, các Giám mục liên kết với nhau thành Giám Mục đoàn, dưới quyền lãnh đạo của Giám mục Rôma. Tính cách liên đới trong Giám mục đoàn được biểu lộ qua việc truyền chức thánh cho một Giám mục, và qua việc họp Công đồng chung do Đức Giáo Hoàng triệu tập. Vì thế, mỗi Giám mục ở giáo hội địa phương đều chia sẻ trách nhiệm tông đồ và sứ mạng của toàn thể Hội Thánh. "Với tư cách là phần tử của Giám mục đoàn, và là người kế vị hợp pháp của tông đồ, mỗi Giám mục, do sự thành lập và giới lệnh của Chúa Kitô, có bổn phận ân cần săn sóc đến toàn thể Hội Thánh" (GH 23).

2. Các Linh Mục

Bậc thứ hai trong chức tư tế thánh là các Linh Mục. Qua Bí tích Truyền Chức Thánh, các Linh Mục hiệp nhất với chức tư tế sung mãn của Giám mục, và trở thành cộng tác viên trực tiếp của hàng Giám mục, trong việc chu toàn sứ mạng tông đồ do Chúa Kitô ủy thác. "Nhờ Bí tích Truyền Chức Thánh, Linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy cả Thượng phẩm vĩnh viễn (x. Dt 5,1-10; 7,24; 9, 11-28), để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa, với tư cách tư tế đích thực của Tân ước" (GH 28).

Được tham dự vào chức tư tế tối cao của Giám mục, các Linh mục chỉ có thể thi hành thừa tác vụ của mình trong sự phục tùng Đức Giám Mục, và hiệp thông với ngài. Các Linh mục cũng làm thành Linh Mục đoàn, dưới quyền lãnh đạo của Đức Giám mục giáo phận. Do đó các linh mục phải tôn kính, yêu mến và vâng lời Đức Giám mục như những người cộng tác viên, những người con, những anh em và bạn hữu của Giám mục. Ngoài ra, giữa các Linh mục với nhau cần có sự hiệp nhất yêu thương, và giúp đỡ nhau bằng tình huynh đệ do bí tích.

3. Các Phó tế

Các Phó tế là bậc sau cùng của Bí tích Truyền Chức Thánh. Các Phó tế không lãnh nhận chức tư tế thừa tác, nhưng họ cộng tác với các Giám mục và Linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn dân Chúa. Dự phần cách đặc biệt vào sứ mệnh và ân sủng của Chúa Kitô Thượng tế, và với ấn tín của Bí tích Truyền Chức Thánh, các Phó tế trở nên giống hình ảnh Chúa Kitô, Tôi tớ phục vụ mọi người. (x. Mc 10-45). "Các Phó tế được cử hành trọng thể Phép Rửa, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội, chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh kinh cho giáo hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các Á Bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng" (GH 29) và hiến thân cho công việc Bác Ái.

IV. Giáo dân đối với các Giám mục và Linh mục

1. Cầu nguyện:

Trách nhiệm của các vị chủ chăn trong Hội Thánh rất nặng nề. Các ngài cần được cầu nguyện và nâng đỡ để chu toàn công việc chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó. "Không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện. Không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy, nêu gương sáng cho đoàn chiên" (x. 1Pr 5, 2-3). "Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có lương tâm ngay lành, muốn ăn ở tốt trong mọi hoàn cảnh" (Dt 10,18; x. Ep 6, 19-20). Giáo dân đừng quên dùng lời cầu nguyện phó dâng cho Thiên Chúa các vị lãnh đạo của mình, để các ngài hoan hỉ mà không than van thi hành nhiệm vụ chăm sóc linh hồn chúng ta, nhiệm vụ mà các ngài sẽ phải trả lẽ (x. Dt 13,17) (GH 37).

2. Tôn kính, yêu mến và vâng lời:

Các chủ chăn là những người đại diện Chúa Kitô, nên phải đối xử với các ngài bằng niềm tin, nghĩa là tôn kính, yêu mến và vâng lời, để Thiên Chúa được tôn vinh và các chủ chăn được vui vẻ chu toàn nhiệm vụ. "Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ phải trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích gì cho anh em" (Dt 13,17). "Thưa anh em, chúng tôi xin anh em hãy quí trọng những ai đang vất vả vì anh em. Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy" (1Tx 5, 12-13).

3. Cộng tác:

"Các giáo dân cũng có thể cảm thấy mình được kêu gọi, hoặc thực sự được kêu gọi để cộng tác với các chủ chăn, phục vụ cho cộng đoàn Hội Thánh, giúp cho sự tăng trưởng và sinh hoạt của cộng đoàn, bằng cách thi hành những tác vụ rất khác nhau, tùy theo ân sủng và những đặc sủng mà Chúa sẽ ban cho họ" (LBTM 11). "Hy vọng rằng sự liên lạc mật thiết giữa giáo dân chủ chăn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội: thực vậy, nhờ sự liên lạc đó, giáo dân ý thức trách nhiệm mình một cách vững vàng hơn; lòng hăng say của họ được phát triển, và họ góp sức dễ dàng hơn vào công việc của các chủ chăn" (GH 37).

4736    07-02-2011 07:34:38