Sidebar

Thứ Tư
17.04.2024

Bài 24: Ơn Tha Tội

Bài 24
ƠN THA TỘI
(x SGLC từ 0976 đến 0983)

"Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20, 22-23) Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha thứ tội lỗi, nhưng Chúa Kitô Phục Sinh đã ban quyền tha tội cho các Tông Ðồ, khi thông ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Thật ra, không phải các Tông Ðồ thay thế Chúa Kitô để tha tội, nhưng chính Chúa Kitô có mặt và hoạt động trong các Tông đồ, như dụng cụ của Người, để tha thứ tội lỗi cho con người.

I. Một Phép Rửa duy nhất để tha tội.

Con người cần được tha thứ tội lỗi để có thể giao hòa với Thiên Chúa và được sống đời đời. Vì thế, Chúa Kitô đã tha thiết lập bí tích Thánh tẩy, như phương thế số một và chính thức để ban ơn tha tội, "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án" (Mc 16, 15-16). Qua thánh tẩy, người có tội được thông hiệp với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô, "Ðấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính" (Rm 4, 25) và như vậy "chúng ta cũng được sống một đời sống mới" (Rm 6,4). Bí tích Thánh Tẩy không những tha thứ tội tổ tông, mà còn tha tất cả các tội riêng và các hình phạt do tội gây ra. Tuy nhiên, người đã chịu Thánh Tẩy vẫn còn mang bản tính yếu đuối và đã bị tổn thương, vẫn còn bị dục tình lôi kéo về sự ác. Ai có thể đứng vững mà chiến thắng các cơn cám dỗ trong suốt cuộc đời? Vì thế, Chúa Kitô còn để lại cho Hội Thánh bí tích sám hối, được gọi là đệ nhị Thánh Tẩy, nhằm tha thứ tội và ban ơn hòa giải cho những người sau khi lãnh bí tích Thánh Tẩy mà còn phạm tội.

II. Quyền cầm buộc và tháo cởi của Hội thánh.

Chúa Kitô đã ban "chìa khóa nước trời" cho Hội Thánh, để Hội Thánh được quyền nhận vào hay loại khỏi Nước Trời, quyền ra luật để cho phép điều này hoặc cấm đoán điều kia... trong những gì thuộc lãnh vực đức tin và luân lý - Ðó là quyền cầm buộc và tháo cởi của Hội Thánh. "Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16,19). Vì thế, Hội Thánh có toàn quyền để tha thứ bất cứ tội nào dù nặng nề đến đâu. Một người dù phạm tội độc ác quái gở và có nhiều tội đến thế nào chăng nữa, vẫn có thể được tha thứ, nếu có lòng ăn năn thành thật. Trong khi dạy Giáo lý, phải làm cho người ta tin vào quyền năng tha thứ mọi tội lỗi của Hội Thánh mà Chúa Kitô Phục Sinh đã thông ban cho các Tông Ðồ cũng như những người kế vị. "Mọi tội, kể cả tội nói phạm thượng, cũng sẽ được tha thứ cho loài người" (Mt 12,31).

III. Hệ luận Mục Vụ.

"Nếu trong Hội Thánh không có phép tha tội, thì sẽ không có sự trông cậy, không có hy vọng được sống muôn đời và được giải thoát vĩnh viễn. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa đã ban một hồng ân lớn lao như thế cho Hội Thánh của Ngài" (Thánh Âu Tinh).

  • Hãy lãnh nhận bí tích Sám hối với lòng biết ơn sâu xa. Và cần năng đi xưng tội không những để được tha tội và được tẩy xóa mọi tội, mà còn để nuôi dưỡng niềm hy vọng được sống đời đời.
  • Chúa đã trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho Hội Thánh, nên các tín hữu phải lấy lòng tôn kính và yêu mến, mà vâng phục các giáo huấn cũng như tuân theo kỷ luật Hội Thánh. "Với tinh thần vâng lời của người Kitô hữu, giáo dân cũng hãy mau mắn chấp nhận những điều mà chủ chăn có nhiệm vụ đại diện Chúa Kitô, đã quyết định với tư cách những thày dạy và những nhà lãnh đạo trong Hội Thánh (GH 37). Do đó, các giáo huấn chính thức về đức tin và luân lý cũng như các qui luật Phụng vụ của Ðức Giáo Hoàng Rôma hoặc các Giám Mục thông hiệp với Ðức Giáo Hoàng, cần phải được kính cẩn tuân phục và với tinh thần đức tin (GH 25).

 

2986    31-01-2011 20:29:56