Sidebar

Thứ Sáu
19.04.2024

Bài 19: Các Đặc Tính Của Hội Thánh

Bài 19
CÁC ÐẶC TÍNH CỦA HỘI THÁNH
(x. SGLC từ 0811 đến 0865)

"Ðức Giêsu nói với Phêrô: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên Tảng Ðá nầy, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi" (Mt 16,18). Hội Thánh tiên khởi đã dùng bốn đặc tính được tuyên xưng trong kinh Tin Kính để tự phân biệt với các giáo phái khác. Bốn đặc tính đó là: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền (x.GH 8). Những đặc tính nầy là hồng ân Chúa Thánh Thần thông ban và chỉ có thể hiểu biết trọn vẹn nhờ đức tin.

I. Hội Thánh duy nhất.

1. Ý nghĩa:

  • Hội Thánh duy nhất trước hết là do nguồn gốc sâu xa của Hội Thánh. Nguồn gốc đó là Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Vì Thế "Hội Thánh xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần" (GH 4).
  • Thứ đến, Hội Thánh duy nhất là do Ðấng sáng lập, Ðức Giêsu Kitô "đã cùng Thập giá để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, đã tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể" (MV 78).
  • Cuối cùng, Hội Thánh duy nhất là do Chúa Thánh Thần tác động. Ngài "thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu giữa các tín hữu, và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của Hội Thánh" (HN 2).


Trên nền tảng đó, Hội Thánh duy nhất vì cùng tuyên xưng một đức tin được đón nhận từ các tông đồ, cùng cử hành một nghi lễ phụng thờ Thiên Chúa và cùng hòa hợp trong tình huynh đệ của gia đình Thiên Chúa (x.HN 2). Chúa Kitô là dấu chỉ hữu hình của sự duy nhất nầy, đồng thời "Ngài đã đặt Phêrô làm Thủ Lãnh các tông đồ và nơi Phêrô, Ngài đã đặt nguyên lý cùng nền tảng vĩnh cửu và hữu hình cho sự hiệp nhất và hiệp thông đức tin" (GH 18).

2. Trách nhiệm xây dựng sự hiệp nhất:

Chúa Kitô chỉ thiết lập một Hội Thánh duy nhất. Tuy nhiên, trong dòng lịch sử, người ta lại chứng kiến tình trạng chia rẽ giữa các Kitô hữu và đây là gương xấu rất lớn trước mặt thế gian. Những rạn nứt chính thức trong sự hiệp nhất của Hội Thánh gồm có:

  • Lạc giáo: cố chấp phủ nhận hay nghi ngờ về một chân lý phải tin.
  • Bội giáo: chối bỏ toàn diện đức tin Kitô giáo.
  • Ly giáo: từ chối sự tùng phục Ðức Giáo Hoàng hay từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang thụ quyền Ngài (x.GL 751).


Thể theo nguyện vọng của Ðức Giêsu, Ðấng tha thiết cầu nguyện cho các tín hữu được nên một (x.Ga 17,21), người Kitô hữu phải nỗ lực phục hồi sự hiệp nhất giữa các Hội Thánh Kitô. Chúng ta gọi đó là nỗ lực đại kết. Công Ðồng Vaticanô II thừa nhận các Kitô hữu không công giáo "vì được công chính hóa nhờ đức tin và được tháp nhập vào Chúa Kitô khi chịu Phép Rửa, nên có quyền mang danh Kitô hữu và xứng đáng được con cái trong Hội Thánh Công Giáo nhìn nhận là anh em" (HN 3). Ðây là trách nhiệm của toàn thể Hội Thánh, tín hữu cũng như chủ chăn (x. HN 5). Sự hiệp nhất đó chỉ có thể có được nhờ canh tân Hội Thánh, hoán cải tâm hồn, cầu nguyện chung, hiểu biết lẫn nhau, cộng tác và đối thoại (x.HN 7).

II. Hội Thánh Thánh Thiện.

1. Nền tảng.

Hội Thánh được tuyên xưng là thánh thiện vì "Chúa Kitô đã yêu thương Hội Thánh như hiền thê mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội Thánh. Người kết hợp với Hội Thánh như thân thể Người và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần" (GH 39).

Thứ đến, vì Thánh Thần ban cho Hội Thánh dồi dào phương tiện cứu rỗi và sự thánh thiện, đó là việc rao giảng Tin Mừng, các bí tích, các nhân đức luân lý, lòng hy sinh phục vụ tha nhân và các đặc sủng (x.GH 48).

Cụ thể hơn, sự thánh thiện của Hội Thánh đã chiếu tỏa ra nơi vô số các vị thánh đã được tuyên phong và trở thành những gương mẫu cho đời sống thánh thiện.

2. Cuộc lữ hành đức tin.

Sự thánh thiện của Hội Thánh là một hành trình tăng trưởng, một cuộc "lữ hành Vượt Qua", chứ không phải là tình trạng tĩnh tọa an toàn. Vì thế, Hội Thánh vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy mình, và không ngừng theo đuổi con đường sám hối, canh tân (x.GH 8). Các Kitô hữu luôn được khuyên nhủ "Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện" (Ep 4,22-24). Ðiều nầy chứng tỏ "tất cả chúng ta thường hay vấp ngã" (Gc 3,2) và cần đến ơn tha thứ của Thiên Chúa (x.GH 8). Ðồng thời cũng có nghĩa là mọi người trong Hội Thánh đều được mời gọi nên Thánh, và Ðức Ái là tâm điểm của đời sống thánh thiện "Tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái" (GH 40) vì "Ðức Ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật, nên Ðức Ái chi phối mọi phương thế nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt đến cùng đích. Vì thế, Ðức Ái đối với Thiên Chúa và tha nhân là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Chúa Kitô" (GH 42).

III. Hội Thánh Công Giáo

1. Ý nghĩa

Từ "công giáo" ở đây có nghĩa là phổ quát, bao gồm tất cả, toàn thể, và được áp dụng cho Hội Thánh theo hai hướng: Hội Thánh mang tính công giáo vì Chúa Kitô hiện diện trong Hội Thánh, và vì có Chúa Kitô hiện diện, nên nơi Hội Thánh có "đầy đủ phương tiện cứu rỗi" (TG 6). Ðồng thời Hội Thánh là công giáo vì Hội Thánh được Chúa Kitô sai đến với toàn thể nhân loại (x. Mt 28,19).

Mỗi Giáo Hội địa phương đều mang đặc tính công giáo, vì "Hội Thánh Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp... Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực của Người, Hội Thánh hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền" (GH 26). Ðặc tính công giáo nầy được thể hiện cách hữu hình và hoàn hảo qua việc các Giáo Hội địa phương hiệp thông với Hội Thánh Rôma.

Tất cả mọi người trên trái đất đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo của Hội Thánh, nhưng "họ thuộc về hay hướng tới sự hiệp nhất đó bằng nhiều thể cách khác nhau" (GH 13). Trước hết là các tín hữu công giáo, tức là những người "gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Hội Thánh, những ai lãnh Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Hội Thánh; và nhờ các mối liên lạc do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc cai trị của Hội Thánh và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức hữu hình mà Người điều khiển nhờ Ðức Giáo Hoàng và các Giám Mục" (GH 14). Tiếp đến là những anh chị em mang danh Kitô hữu nhưng không tuyên xưng đức tin trọn vẹn, hoặc không hiệp thông với Ðấng kế vị thánh Phêrô (x. GH 15). Sau cùng là những anh chị em chưa lãnh nhận Tin Mừng Chúa Kitô, nhưng "cũng được an bài bằng nhiều cách để thuộc về Dân Thiên Chúa" (GH 16). Hội Thánh quan tâm đặc biệt đến anh chị em Do Thái giáo, tiếp đến là Hồi giáo và sau đó là các tôn giáo khác (GH 16).

Trong khung cảnh của Việt Nam nói riêng và Á châu nói chung, miền đất ghi đậm dấu ấn của nhiều truyền thống tôn giáo lâu đời: Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo... chúng ta cần mang lấy tâm tình của Hội Thánh hôm nay, tức là "không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó". Bởi vì các tôn giáo đó "cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người" (NK 2). Chính vì thế, "những người vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Hội Thánh, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu rỗi". Hơn thế nữa, cả "những ai vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa Quan Phòng không từ chối ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu rỗi" (GH 16).

2. Trách nhiệm truyền giáo:

Chính trong ý hướng "công giáo" như đã khai triển, mệnh lệnh truyền giáo xuất hiện với tất cả vẻ thúc bách "Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em" (Mt 28, 19-20). Mệnh lệnh ấy bắt nguồn cách sâu xa từ chính Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại, tình yêu cứu độ muốn đưa tất cả mọi người vào sự hiệp thông giữa CHA và CON trong THÁNH THẦN tình yêu (x.TG 2). Tình yêu ấy trở thành động lực thúc đẩy Hội Thánh dấn mình vào công cuộc truyền giáo như thánh Phaolô tâm sự: "Tình yêu Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi" (2Cr 5; 14). Vì nếu Hội Thánh tin vào kế hoạch yêu thương và cứu độ dành cho mọi người, thì Hội Thánh phải là cộng đoàn truyền giáo.

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu trong sứ vụ của Hội Thánh. Vì thế, để sứ vụ được hoàn thành. Hội Thánh phải được và phải để cho Thánh Thần đưa dẫn vào nẻo đường Chúa Kitô đã đi: con đường vâng phục và nghèo khó, phục vụ và hy sinh đến độ dám hiến dâng mạng sống, như "hạt lúa gieo vào lòng đất nếu chết đi mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24), và "Máu các Thánh Tử Ðạo là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu". (Tertulianô).

IV. Hội Thánh tông truyền

Hội Thánh là tông truyền theo ba ý nghĩa căn bản:

  • Một là vì Ðức Giêsu thiết lập Hội Thánh kiên vững "trên nền tảng các tông đồ" (Ep 2,20);
  • Hai là vì Hội Thánh bảo vệ và truyền thông sứ điệp và chứng tá của các tông đồ (Mt 28, 19,20).
  • Ba là vì Hội Thánh được giáo huấn, thánh hóa và hướng dẫn nhờ các Ðấng kế vị các tông đồ.


Các Tông đồ được Chúa Phục Sinh sai đi: trước hết đến với con cái Ít-ra-en, rồi đến với mọi dân tộc. Nhờ tham dự vào quyền năng của Chúa Kitô, các ông có thể làm cho muôn dân trở nên môn đệ của Ngài, cùng thánh hóa, lãnh đạo họ, như vậy mở rộng Hội Thánh Ngài ra. Các ông trông nom săn sóc Hội Thánh dưới sự hướng dẫn của Chúa mọi ngày cho đến tận thế (x.Mt 28,20; GH 19).

Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần ở trong mình, Hội Thánh bảo vệ giáo huấn lành mạnh của các tông đồ. Giáo huấn đó làm nên kho tàng phong phú của đức tin (x.2Tm 1, 13-14). Những chân lý nầy được trình bầy rõ ràng và đơn giản trong các lời tiền tụng lễ các Tông đồ: "Cha là Mục Tử hằng hữu, không bỏ rơi đoàn chiên của Cha, nhưng nhờ các Tông Ðồ, Cha vẫn luôn giữ gìn che chở. Cha còn hướng dẫn đoàn chiên đó nhờ các ngài là những vị lãnh đạo Cha đã đặt làm mục tử thay thế Con Cha" (Lời Tiền Tụng các Tông Ðồ I).

Hội Thánh tiếp tục được các Tông Ðồ giảng dạy, thánh hóa và hướng dẫn cho đến khi Ðức Kitô trở lại, nhờ những vị kế nhiệm các ngài trong nhiệm vụ mục tử là các giám mục, hiệp nhất với Ðấng kế nhiệm thánh Phêrô là mục tử tối cao của Hội Thánh. "Nhờ những vị các tông đồ đặt làm Giám mục, và nhờ những đấng kế vị các ngài cho tới ngày nay, truyền thống Tông Ðồ được biểu lộ và duy trì trên khắp thế giới" (GH 20).

Chúa Kitô đã đào tạo các Tông đồ theo hình thức cộng đoàn mà Ngài đã đặt Phêrô, một người được chọn giữa các ngài, làm thủ lãnh (x.GH 19). Ngày nay, Ðức Gioan Phaolô II đã quả quyết rằng: "Hội Thánh hôm nay đồng tâm nhất trí hơn trong việc phục vụ và trong ý thức tông đồ. Sự hiệp nhất nầy phát sinh từ nguyên tắc "lập đoàn"... Chính Chúa Kitô đã trao phó nguyên tắc lập đoàn cho nhóm mười hai tông đồ, đứng đầu là Phêrô và Ngài thường xuyên trao lại cho Ðoàn các Giám mục. Giám mục đoàn không ngừng gia tăng trên khắp địa cầu nhưng vẫn hiệp nhất với người kế vị thánh Phêrô và ở dưới sự hướng dẫn của Ngài" (ÐCC 5).

V. Sống trong Hội Thánh

Theo truyền thống, Hội Thánh được miêu tả do bốn đặc tính căn bản: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Mỗi đặc tính nầy vừa là một hồng ân vừa là một nhiệm vụ liên kết Hội Thánh với Chúa Kitô.

1. Là những người bước theo Chúa Kitô, và là chi thể của thân thể Ngài là Hội Thánh, chúng ta được mời gọi hoán cải tâm hồn để thắng vượt những chia rẽ (ăn rễ nơi lạc giáo, hồi giáo, ly giáo), và nhất là thắng vượt những đối lập, những cạnh tranh, những bất hòa làm sứt mẻ sự hiệp thông của Dân Chúa.

2. Sự thánh thiện của Hội Thánh là hành trình tinh luyện để trưởng thành theo tầm vóc sung mãn của Chúa Kitô. Chúng ta hãy sống theo chân lý trong tình bác ái và lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Ðấng là Ðầu, tức là Chúa Kitô, Nhờ Ngài mà toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái (Ep 4,15).

3. Hội Thánh còn là "công giáo"nghĩa là phổ quát, là một hồng ân Thiên Chúa ban vì Hội Thánh được sai đi đem muôn dân về cho Chúa Kitô là Ðầu trong sự hiệp nhất với Thánh Thần của Ngài (x. GH 13). Ðây là một nhiệm vụ, vì tất cả Kitô hữu, không trừ ai, đều được kêu gọi truyền giảng Tin Mừng.

4. Chúa Kitô đã xây Hội Thánh trên nền tảng các Tông đồ (Eph 2,20). Ðặc sủng nầy được tiếp tục để các Giám mục kế vị các Tông đồ. Bản tính tông truyền của Hội Thánh phải được mọi tín hữu thực thi. Họ phải tiếp tục sứ mệnh mà Chúa Kitô đã trao phó cho các Tông đồ.

 

12393    31-01-2011 10:44:52